Ngân hàng không còn “sợ” cho doanh nghiệp lúa gạo vay vốn?

Lâu nay các doanh nghiệp xuất khẩu gạo thường than rằng, vốn thì ngân hàng không bao giờ thiếu nhưng khó tiếp cận. Vậy ngân hàng cần làm gì để thay đổi quan điểm trên của doanh nghiệp ngành gạo?
Doanh nghiệp xuất khẩu gạo vẫn "kêu" khó tiếp cận vốn tín dụng từ các ngân hàng (Ảnh minh họa)
Doanh nghiệp xuất khẩu gạo vẫn "kêu" khó tiếp cận vốn tín dụng từ các ngân hàng (Ảnh minh họa)

Ở nhiều diễn đàn cũng như trao đổi với báo chí trước đây, nhiều doanh nghiệp ngành lúa gạo vẫn phản ánh như trước. Có những giai đoạn, cứ vào các vụ mùa, Ngân hàng Nhà nước cũng phải có văn bản chỉ đạo các ngân hàng thương mại xem xét hỗ trợ cho vay lĩnh vực này.

Trao đổi về những khó khăn khi tiếp cận vốn tín dụng trong kinh doanh xuất khẩu gạo tại hội thảo “Khơi thông dòng chảy hạt gạo Việt Nam” do Tạp chí Lao động và Công đoàn, Nhịp sống Doanh nghiệp, BizLIVE tổ chức tại TP. Cần Thơ vừa qua, ông Đỗ Hà Nam - Phó chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), Tổng giám đốc Intimex Group cũng đề cập cụ thể về vấn đề trên.

Vị doanh nhân trong cuộc này cho biết, trước đây khi ngân hàng nghe nói doanh nghiệp lúa gạo đến vay vốn thì gần như "ngại" tiếp.

"Ngân hàng cần có cái nhìn chuẩn xác hơn về ngành lúa gạo"

“Tôi thật sự không hiểu tại sao ngân hàng lại "sợ" doanh nghiệp lúa gạo như thế. Trong khi tôi vay kinh doanh các loại nông sản khác thì có nhiều ngân hàng đồng ý và gần như vay bao nhiêu cũng được, nhưng vay kinh doanh lúa gạo thì họ nói cần suy nghĩ lại hoặc cần phải trình với hội sở.

Nghe đến câu ‘trình hội sở’ thì doanh nghiệp hiểu sẽ rất khó vay tiền từ ngân hàng này. Đây là câu chuyện muôn thuở và cũng là nỗi buồn của tất cả doanh nghiệp lúa gạo”, Tổng giám đốc Intimex group tâm tư.

Theo Phó chủ tịch VFA, thực ra tất cả ngân hàng đều muốn cho doanh nghiệp vay vốn nhưng quan trọng là làm sao tạo được chữ tín giữa hai bên, vì hiện nay mỗi ngân hàng đều có cách nhìn khác nhau về chữ tín, có ngân hàng chỉ cần căn cứ trên uy tín của doanh nghiệp, phương thức kinh doanh và hệ thống khách hàng của họ để cho vay, nhưng cũng có ngân hàng không như vậy.

“Tôi thường nói với phía ngân hàng là ‘cái gì được lặp đi, lặp lại nhiều lần và vẫn với đối tượng đó thì các anh biết rất rõ khả năng thanh toán của doanh nghiệp’.

Ví dụ, Intimex bán hàng cho khách hàng B - khách hàng uy tín của công ty, và khách hàng B sẽ thanh toán tiền mua hàng cho Intimex sau 2 tuần lễ, như vậy ngân hàng chỉ cần căn cứ trên hệ thống khách hàng uy tín, kho cung ứng uy tín của công ty sẽ biết được độ an toàn đến đâu”, ông Nam nhấn mạnh.

Ngoài ra, khi vào vụ thu hoạch nông dân rất cần bán hàng cũng là lúc doanh nghiệp cần nhiều tiền nhất, nếu nhà cung ứng giao hàng mà doanh nghiệp không có tiền trả thì họ không có tiền trả nông dân, và sẽ không bán hàng cho doanh nghiệp nữa. Còn nông dân cần tiền chỗ nào mua rẻ mà lấy được tiền ngay cũng bán nên thường bị thương lái ép giá, chưa kể trường hợp nông dân thấy giá rẻ quá không bán bỏ đi vay nóng, khi đó bà con lại càng thêm khó.

Ông Đỗ Hà Nam – Phó chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), Tổng giám đốc Intimex group

“Ngân hàng cần có cái nhìn chuẩn xác hơn về ngành hàng lúa gạo. Nếu ngân hàng đảm bảo doanh nghiệp có nguồn vốn vay, và định mức vay ổn định khi họ cần sẽ là cơ hội tốt cho doanh nghiệp gạo. Qua hội thảo này tôi rất mong ngân hàng có cách nhìn mới hơn về các doanh nghiệp nông nghiệp nhất là doanh nghiệp xuất khẩu gạo”, ông Nam kỳ vọng.

Eximbank hướng đến một sản phẩm tốt hơn, giải pháp hài hòa hơn

Đối với những khó khăn khi tiếp cận nguồn vốn mà doanh nghiệp gạo đang gặp phải, ông Nguyễn Quốc Phong - Giám đốc Khối khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) Eximbank cho rằng, với các giải pháp của Eximbank các doanh nghiệp nông nghiệp, đặc biệt là đối với doanh nghiệp gạo sẽ cách có cách tiếp cận mới trong lĩnh vực vay vốn tín dụng. Bởi giá trị cốt lõi mà Eximbank có được và cũng là thế mạnh là lĩnh vực xuất nhập khẩu (XNK), và mặt hàng gạo cũng là một thế mạnh xuất khẩu tại Việt Nam.

Ông Nguyễn Quốc Phong - Giám đốc Khối khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) Eximbank

Theo Giám đốc khối khách hàng SMEs của Eximbank, nhu cầu vốn trong lĩnh vực nông nghiệp nói chung và ngành hàng gạo nói riêng là cực kỳ lớn, và các giải pháp tài trợ vốn ngân hàng cung cấp cho doanh nghiệp thường dựa trên tài sản đảm bảo. Đó là sản phẩm truyền thống và cơ bản mà ngân hàng luôn cung cấp với điều kiện khá dễ dàng và đơn giản, nhưng sẽ có những hạn chế nhất định do nhu cầu vốn vay của doanh nghiệp gạo rất lớn nhưng không có đủ tài sản thế chấp tương ứng với nhu cầu.

Do vậy, cần có một sản phẩm tốt hơn và một cấu trúc quan trọng hơn có sự kết hợp hài hoà giữa các bên để tạo ra một giải pháp giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn, và Eximbank sẽ tài trợ vốn dựa trên các kho hàng tập trung của doanh nghiệp.

“Nếu doanh nghiệp là khách hàng của Eximbank thì chúng tôi có một hợp đồng tín dụng dựa trên hợp đồng thế chấp hàng hóa ở một kho tập trung, và có hai giải pháp cho doanh nghiệp.

Một là kho hàng của chính khách hàng và hai là kho hàng trung gian mà ngân hàng và khách hàng thống nhất. Dựa trên khối lượng hàng hóa này ngân hàng cần có sự kiểm định của một công ty độc lập giám sát, ví dụ như Vinacontrol giám sát về chất lượng, số lượng và việc bảo quản hàng hóa.

Khi doanh nghiệp có đủ các chứng nhận cần thiết ngân hàng sẽ tài trợ vốn dựa trên các kho hàng này, và mỗi khi doanh nghiệp mua hàng và có đơn hàng vận chuyển tập kết về kho, Vinacontrol sẽ chuyển các xác nhận hàng hóa vừa với số lượng này thì ngân hàng sẽ tài trợ vốn cho doanh nghiệp, và khi doanh nghiệp có hợp đồng mua bán với bên mua, từ đó bên mua sẽ thanh toán chuyển tiền trực tiếp vào ngân hàng. Ngân hàng sẽ giải chấp và xuất thẳng cho bên mua”, Giám đốc SMEs Eximbank nhấn mạnh.

Hai là khi có L/C doanh nghiệp chỉ cần mang L/C bản chính đến ngân hàng và sẽ được xem xét định mức tài trợ. Việc dựa trên các L/C hợp đồng, ngân hàng có thể cung cấp gói giải pháp tài chính rất hiệu quả, và đây cũng là thế mạnh của Eximbank đáp ứng được các nhu cầu về nguồn vốn cho doanh nghiệp lúa gạo.

Thông thường, sau giao hàng doanh nghiệp sẽ nhận tiền thanh toán có thể 1 hoặc 2 tháng thậm chí 3 tháng nhưng bình quân là khoảng 45 ngày. Nhưng nếu doanh nghiệp muốn nhận tiền ngay Eximbank sẵn sàng dựa trên bộ chứng từ xuất khẩu hoàn chỉnh sẽ chiết khấu để doanh nghiệp sử dụng nguồn vốn sớm và tiếp tục làm các đơn hàng tiếp theo. Đó cũng là một trong những giải pháp rất quan trọng.

Bên cạnh đó, Eximbank còn cung cấp giải pháp L/C UPAS giúp tiết kiệm phần nào chi phí cho doanh nghiệp và được áp dụng cho hai đối tượng: Một là khách hàng có nhu cầu nhập khẩu lớn các vật tư về thiết bị nông nghiệp lớn và hai là khách hàng mua bán nội địa.

Đối với nhà cung ứng ngân hàng cũng có giải pháp tài trợ, ví dụ nhà cung ứng chốt hợp đồng cung ứng gạo cho doanh nghiệp A với lịch thanh toán 30 ngày sau giao hàng, ngân hàng có thể dựa vào hợp đồng này cấp vốn để cho nhà cung ứng tái sản xuất. Đây cũng là một giải pháp rất hiệu quả đối với các doanh nghiệp cung ứng gạo xuất khẩu hiện nay.

“Các giải pháp tài trợ vốn Eximbank cung ứng giúp doanh nghiệp không quá bận tâm vào việc thế chấp tài sản là bất động sản như hiện nay, và khi có được nguồn vốn doanh nghiệp sẽ an tâm chuẩn bị hàng hóa từ thu mua đến sản xuất, xuất khẩu. Chúng tôi hy vọng sẽ tạo được sự kết nối chặt chẽ về tín dụng với doanh nghiệp, giúp dòng chảy hạt gạo Việt Nam được thông suốt trong thời gian tới”, ông Phong nhấn mạnh.

Đọc tiếp

ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 của Tập đoàn Đất Xanh

ĐHĐCĐ Đất Xanh: Tập trung hoàn thiện pháp lý 8 dự án lớn, huy động 3.500 tỷ thông qua chào bán cổ phiếu

Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đất Xanh – ông Lương Trí Thìn cho rằng, thị trường bất động sản năm 2024 đã xuất hiện nhiều tín hiệu tích cực, Đất Xanh dự kiến hoàn thiện pháp lý 8 dự án trọng điểm quy mô lớn, chuẩn bị nguồn 20.000 sản phẩm tại các khu vực đông dân cư như TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai.

Nhịp cầu doanh nghiệp

Cần gì để tránh vết xe đổ khi đấu giá lại loạt "đất vàng" Thủ Thiêm?

Cần gì để tránh vết xe đổ khi đấu giá lại loạt "đất vàng" Thủ Thiêm?

Theo kế hoạch đấu giá năm 2024, Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) dự định đấu giá 4 lô đất trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm và 3.790 căn hộ chung cư trước đây được xây dựng tái định cư. Hiện Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM đã và đang hoàn thiện các khâu trong quy trình đấu giá như: phương án đấu giá, việc tổ chức lại việc bán đấu giá, xác định giá khởi điểm.

Chat với BizLIVE