Nếu Trung Quốc nới chính sách Zero COVID, thời gian cũng đã là tiền

Nếu Trung Quốc nới chính sách Zero COVID, thời gian luân chuyển hàng hóa sẽ được rút ngắn, ít nhất cũng đã giảm thiểu chi phí cho nhà xuất nhập khẩu Việt Nam...
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trong hơn 200 quốc gia, vùng lãnh thổ mà Việt Nam có quan hệ ngoại thương, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất. Thị trường Trung Quốc có kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa lớn nhất của Việt Nam với 132,38 tỷ USD, chiếm trên 23,7% trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 9 tháng đầu năm 2022; cao hơn khá xa so với các thị trường lớn thứ 2 trở xuống (Mỹ 96,32 tỷ USD, Hàn Quốc 66,8 tỷ USD, Nhật Bản 35,69 tỷ USD...).

Vì vậy, Trung Quốc nới lỏng chính sách Zero COVID sau 3 năm áp dụng sẽ là điểm các nhà xuất nhập khẩu Việt Nam tính đến.

Một "nút thắt" chờ gỡ...

Theo ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu rau quả lớn nhất của Việt Nam (chiếm 55% kim ngạch xuất khẩu). Việc áp dụng chính sách Zero COVID của Trung Quốc đã khiến ngành rau quả trong nước gặp khó khăn khi xuất khẩu sang thị trường này.

“Tất cả hàng hóa đi vào các cửa khẩu của Trung Quốc đều phải kiểm tra COVID-19; cụ thể từ sản phẩm, bao bì, container, lái xe… đều phải lấy mẫu và kiểm tra. Nếu có dấu vết của COVID-19 thì sẽ hủy hàng, thậm chí đóng cửa khẩu một thời gian”, ông Nguyên cho biết một trở ngại trong giao thương thời gian qua.

Trước đây, thời gian thông quan hàng hóa sang Trung Quốc nhiều nhất cũng chỉ một tuần, nhưng khi áp dụng chính sách Zero COVID có khi mất cả tháng. Doanh nghiệp không những tốn chi phí về nhân công, xăng dầu, thời gian mà thậm chí hàng hóa hư hỏng, gây tổn thất nặng nề.

Từ tháng 6/2022 trở lại đây, Trung Quốc cũng đã nới lỏng kiểm soát hơn, nhưng vẫn kiểm tra COVID-19, làm cho việc thông quan hàng hóa vẫn diễn ra chậm chạp.

“Kim ngạch xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc giảm 35% so với cùng kỳ. Dù xuất khẩu sang các thị trường Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Nhật có tăng, nhưng vẫn không thể bù với thị trường của Trung Quốc, khiến kim ngạch rau quả giảm 12% so với cùng kỳ”, ông Nguyên nêu rõ.

Không chỉ ảnh hưởng về xuất khẩu, tác động của chính sách phòng chống dịch cũng làm gián đoạn chuỗi cung ứng nguồn nguyên phụ liệu sang Việt Nam.

Theo ông Phí Ngọc Trịnh, Tổng Giám đốc Công ty May Hồ Gươm, khi Trung Quốc tiến hành phong tỏa trên diện rộng, nhiều nhà máy của phải đóng cửa vì không có người lao động để sản xuất, trong khi ngành dệt may trong nước lại chủ yếu là nhập khẩu từ Trung Quốc.

“Kể cả các doanh nghiệp Trung Quốc có nguồn nguyên phụ liệu để giao hàng, trong quá trình vận chuyển cũng gặp nhiều khó khăn, thời gian kéo dài làm chậm tiến độ giao hàng, từ đó ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất theo cam kết hợp đồng đã ký”, ông Trịnh cho biết.

Bắt đầu kỳ vọng?

Những ngày đầu tháng 12/2022, nhiều thành phố của Trung Quốc đã tuyên bố nới lỏng các biện pháp hạn chế chống dịch COVID-19 ở mức độ khác nhau, tùy điều kiện từng địa phương.

Đây được coi là một phần trong nỗ lực lớn hơn của Trung Quốc nhằm tối ưu hóa hơn nữa các biện pháp ứng phó với dịch COVID-19 để dần khôi phục các hoạt động kinh tế và xã hội.

Đánh giá về tín hiệu tích cực này, theo Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, nếu Trung Quốc nới chính sách kiểm soát dịch và mở cửa các cửa khẩu thời gian tới, thì kim ngạch rau quả của Việt Nam sang Trung Quốc năm tới có thể tăng 20 -30% so với năm 2022.

Phân tích cụ thể, theo ông Nguyên, năm 2022, Trung Quốc gặp đợt hạn hán rất nghiêm trọng, sông ngòi bị khô hạn, làm một số cây trồng cạnh tranh với Việt Nam như thanh long, chuối, xoài… bị thu hẹp diện tích từ 20-30%.

“Với nhu cầu tiêu thụ cao, Trung Quốc buộc phải nhập khẩu mạnh từ Việt Nam. Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam có thể đạt 4 tỷ USD một cách dễ dàng. Nếu Trung Quốc bỏ Zero COVID thì ngành rau quả tăng trưởng mạnh mẽ hơn nữa”, ông Nguyên kỳ vọng.

Còn theo ông Phí Ngọc Trịnh, hiện doanh nghiệp vẫn phải nhập nguyên phụ liệu từ phía Trung Quốc chuyển về. Trong khi chờ hàng về, doanh nghiệp phải tự cân đối nguồn nguyên liệu giữa các nhà máy với nhau. Tuy nhiên, việc Trung Quốc nới kiểm soát dịch và tiến tới có thể bỏ hẳn thì việc nhập các nguyên phụ liệu dễ dàng hơn và thời gian ngắn hơn rất nhiều.

“Khi Trung Quốc nới lỏng kiểm soát dịch, đồng nghĩa với việc hàng hóa nguyên phụ liệu dễ dàng thông quan hơn. Chúng tôi sẽ có nguồn nguyên liệu nhanh chóng để đáp ứng các đơn hàng đã kí kết, cùng với tiết kiệm được chi phí vận chuyển, thời gian chờ đợi, từ đó nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm”, ông Trịnh tính toán.

Doanh nghiệp Việt cần đa dạng hóa thị trường

Theo chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực, việc nới lỏng chính sách Zero COVID của Trung Quốc cũng là vấn đề mà Việt Nam cần đánh giá và lưu ý.

Về mặt tích cực, ngoài tạo ra sức cầu về đầu tư, tiêu dùng, thương mại, du lịch và giảm bớt hiện tượng đứt gẫy chuỗi cung ứng…, khi Trung Quốc mở cửa cũng sẽ góp phần triển khai tốt hơn Hiệp định tự do mà cả Việt Nam và Trung Quốc tham gia như Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP).

Tuy vậy, nhìn lại quãng thời gian 3 năm Trung Quốc áp dụng chính sách Zero COVID đã khiến nhiều hàng nông sản bị ùn tắc lớn ở các cửa khẩu gây thiệt hại lớn cho người nông dân và doanh nghiệp trong nước. Vì vậy, các doanh nghiệp Việt Nam nên đa dạng hóa các thị trường xuất, nhập khẩu để tránh đứt gẫy nguồn cung, cũng như đẩy mạnh được xuất khẩu.

“Trước mắt, các doanh nghiệp Việt Nam cần tận dụng triệt để các hiệp định thương mại đã ký kết với các thị trường khác trên thế giới để đẩy mạnh xuất, nhập khẩu tránh lệ thuộc vào một thị trường duy nhất. Từ đó mới cân bằng được cán cân thương mại tiến tới phát triển kinh tế một cách bền vững”, ông Lực nêu rõ.

Về mặt tiêu cực, khi Trung Quốc mở cửa, hàng hòa từ Trung Quốc vào Việt Nam tiếp tục cạnh tranh với hàng của Việt Nam do nhiều mặt hàng xuất khẩu tương đồng.

“Doanh nghiệp Việt Nam cần chú trọng vào chất lượng sản phẩm, cạnh tranh không phải bằng cách giảm giá. Nếu hàng Trung Quốc hiện nay cạnh tranh bằng giá rẻ và đại chúng thì hàng Việt Nam có thể cạnh tranh bằng chất lượng tốt hơn, phù hợp hơn với người Việt Nam và đáp ứng được yêu cầu nhập khẩu hàng hoá khắt khe của các quốc gia khác”, ông Lực lưu ý.

Theo Nhịp sống Doanh nghiệp

Đọc tiếp

Ảnh minh họa

Đồng Nai ưu tiên thu hút các dự án xanh, phát triển bền vững

Đồng Nai là một trong những trung tâm phát triển công nghiệp mạnh của khu vực và đất nước. Phát triển mạnh sản xuất công nghiệp giúp Đồng Nai đạt được những thành quả lớn trên lĩnh vực kinh tế. Song, mặt trái của quá trình phát triển này đưa đến tình trạng ô nhiễm môi trường và phát triển thiếu bền vững.

Ảnh minh họa

Thủ tướng yêu cầu xử lý nghiêm doanh nghiệp xăng dầu không xuất hóa đơn bán lẻ điện tử

Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài chính và UBND các tỉnh, thành chỉ đạo các lực lượng chức năng xem xét xử lý các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu không thực hiện đúng quy định về hóa đơn điện tử, kể cả việc yêu cầu tạm dừng hoạt động kinh doanh và thu hồi giấy phép.

Ảnh minh hoạ

Sầu riêng quyết định mức tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành rau quả

Kim ngạch xuất khẩu rau quả trong quý I ước đạt 1,25 tỷ USD, tăng 27% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong quý đầu năm, sầu riêng và nhiều trái cây khác của Việt Nam chưa vào vụ nhưng kim ngạch xuất khẩu vẫn đạt và vượt 1 tỷ USD, cho thấy ngành rau quả có nhiều khả năng đạt mục tiêu xuất khẩu 6,5 tỷ USD trong năm nay.

Nhịp cầu doanh nghiệp

Các chuyên gia kiến nghị nâng ngưỡng doanh thu chịu thuế VAT đối với cá nhân, hộ kinh doanh để "khoan sức dân". Ảnh minh họa.

Nâng ngưỡng doanh thu chịu thuế VAT để "khoan sức dân"

Trong khi Bộ Tài chính bảo lưu ngưỡng doanh thu phải nộp thuế VAT của cá nhân, hộ kinh doanh ở mức 150 triệu thì nhiều ý kiến chuyên gia, Hiệp hội chuyên ngành cho rằng ngưỡng thu thuế này cần được nâng lên để “khoan sức dân”.

Chat với BizLIVE