Netflix, Amazon gặp khó thế nào ở đất nước nhạy cảm văn hoá như Ấn Độ?

Bộ phim chính trị giật gân “Tandav” của Amazon Prime Video, “Bombay Begums” kể về cuộc đời của 5 phụ nữ ở Mumbai do Netflix sản xuất liên tiếp bị phản đối ở Ấn Độ.
Netflix, Amazon gặp khó thế nào ở đất nước nhạy cảm văn hoá như Ấn Độ?
Ngày 16/3, Ủy ban bảo vệ quyền trẻ em Ấn Độ yêu cầu Netflix gỡ bỏ một số cảnh phản cảm liên quan đến trẻ vị thành niên trong “Bombay Begums”, phát hành vào ngày 8/3. Trước đó, uỷ ban nhận khiếu nại từ hai người dùng Twitter về chương trình, “trẻ em bị phát hiện nghiện hít ma túy và chụp ảnh tự sướng không đứng đắn trong lớp học”. Sự việc xảy ra ngay sau vụ lùm xùm về phim “Tandav” (tiếng Hindi có nghĩa là “giận dữ”). Nhiều cảnh trong phim được được cho là sỉ nhục người theo Ấn Độ giáo bằng cách miêu tả xúc phạm các vị thần. Một số lãnh đạo của đảng Bharatiya Janata cầm quyền lên tiếng chỉ trích gay gắt bộ phim có sự tham gia của những ngôi sao hạng A Bollywood như Saif Ali Khan hay Dimple Kapadia. Giữa làn sóng phẫn nộ, nhà sản xuất của chương trình và Amazon Prime Video đưa ra lời xin lỗi, xóa hoặc chỉnh sửa các cảnh phim.
Đây không phải là những tranh cãi đầu tiên liên quan đến các nền tảng phát video trực tuyến OTT (over-the-top) ở đất nước nhạy cảm về văn hóa như Ấn Độ. Quốc gia này có hơn 1,3 tỷ người với hơn 80% dân số theo Ấn Độ giáo, người theo đạo Hồi chiếm khoảng 15%.
Trước đó, bộ phim tội phạm của Amazon Prime Video “Mirzapur” cũng gây tranh cãi vì bị cáo buộc bêu xấu một thành phố ở phía bắc Ấn Độ. Bộ phim “A Suitable Boy” của Netflix - dựa trên cuốn tiểu thuyết bán chạy cùng tên của tác giả Vikram Seth - vấp phải phản ứng dữ dội vì có cảnh một người đàn ông Hồi giáo và một phụ nữ Ấn Độ giáo hôn nhau trong một ngôi đền. Vì sự cố này, nam diễn viên Bollywood Bobby Deol đối mặt với rắc rối pháp lý.
Ngày 25/2, Chính phủ Ấn Độ công bố bộ quy định mới đối với  các nền tảng này và các phương tiện truyền thông kỹ thuật số khác, đặt Amazon Prime Video, Netflix, Disney+ Hotstar của Walt Disney và nhiều trình phát video trực tuyến tương tự khác dưới sự quản lý của Bộ Thông tin và Truyền thông. 
Netflix, Amazon gặp khó thế nào ở đất nước nhạy cảm văn hoá như Ấn Độ? ảnh 1
Bộ phim tâm lý tội phạm “Mirzapur” của Amazon Prime Video gây tranh cãi vì bị cáo buộc bêu xấu một thành phố phía Bắc Ấn Độ 
Ấn Độ có khoảng 40 nền tảng OTT. BigFlix ra mắt bởi Reliance Entertainment là nền tảng đầu tiên tham gia vào lĩnh vực này năm 2008. Tiếp theo là nexGTv năm 2010 và sau đó vào năm 2013 là SonyLiv. Netflix gia nhập thị trường Ấn Độ vào năm 2016 và khoảng một năm sau đó, Amazon Prime Video cũng tham gia cuộc chơi. Hai công ty Mỹ tập trung vào nội dung nội địa để thu hút người xem và cùng là nền tảng phổ biến nhất tại Ấn Độ.
“Chúng ta đang sống trong một thời đại con người dễ bị xúc phạm”, Tapobrati Das Samaddar, người sáng lập Wordloom Creative Ventures - một công ty chuyên về truyền thông, giáo dục và nghệ thuật biểu diễn - nói về những tranh cãi gần đây xung quanh một số loạt phim web. Samaddar cho biết nhiều gia đình ở Ấn Độ có nhiều thế hệ sống cùng nhau. “Bạn không thể bật bất kỳ kênh OTT nào để thử nghiệm, bởi vì bạn không bao giờ biết liệu mình có thể xem nội dung đó với người lớn tuổi và trẻ em xung quanh hay không”, Samaddar nói.
Bất chấp những tranh cãi, một báo cáo vào tháng 10/2020 của Pricewaterhouse Coopers cho biết Ấn Độ có tiềm năng lớn đối với các nền tảng OTT và sẽ trở thành thị trường lớn thứ 6 vào năm 2024, vượt qua Hàn Quốc, Đức và Australia với mức tăng trưởng năm lên tới 30,7%. Doanh số tăng từ 708 triệu USD trong năm 2019 lên 2,7 tỷ USD vào năm 2024. Đại dịch và biện pháp cách ly ở Ấn Độ khiến các rạp chiếu phim và trung tâm giải trí khác phải đóng cửa. Mọi người buộc phải ở nhà khiến các nền tảng phát video trực tuyến phát triển mạnh ở thành thị và nông thôn.
Netflix, Amazon gặp khó thế nào ở đất nước nhạy cảm văn hoá như Ấn Độ? ảnh 2
  Một công nhân vệ sinh rạp chiếu phim Inox Leisure ở Mumbai
Một số bộ phim Bollywood có sự tham gia của các diễn viên hàng đầu như Gulabo Sitabo, Dil Bechara và Shakuntala Devi được công chiếu trên các nền tảng OTT thay vì ở rạp. Điều này càng thúc đẩy sự phổ biến của các nền tảng này. Theo Redseer Consulting, tính đến tháng 1/2021, mức tiêu thụ video OTT tăng 13% so với cùng kỳ năm trước. Theo bảng chỉ số người xem hài lòng (Net Promoter Score), Netflix đứng đầu bảng với 78 điểm. Tiếp theo là Amazon Prime Video (56) và Disney+ Hotstar (56). Những nền tảng khác như Zee5, MX Player, Voot và SonyLiv có điểm số từ 42 đến 54.
Các nhà phân tích cho rằng các quy định mới của Chính phủ không phải trở ngại lớn với sự phát triển của các nền tảng OTT ở quốc gia đông dân thứ hai thế giới. Lý do là dữ liệu di động và smartphone đều đang có giá rẻ tại Ấn Độ. “Đây chỉ là gờ giảm tốc, không phải là điểm kết thúc”, Sanchit Vir Gogia, nhà phân tích, người sáng lập, CEO của công ty tư vấn kỹ thuật số và công nghệ Greyhound Research, nói với Nikkei. Ông nói thêm rằng những nền tảng OTT có thể tránh được rắc rối từ nhà chức trách nếu sớm tự điều tiết nội dung phát trên nền tảng.
Trong khi đó, một số người cho rằng ở đất nước rộng lớn, đa dạng về tôn giáo và ngôn ngữ như Ấn Độ, không thể làm hài lòng tất cả mọi người. Dù vậy, việc kiểm duyệt gắt gao không phải là giải pháp duy nhất. “Chúng ta có quyền lựa chọn không xem một số nội dung nhất định. Nếu bạn cảm thấy một bộ phim hoặc loạt phim có quá nhiều cảnh bạo lực, ngôn từ thô tục và gợi dục, thì đừng xem và cũng đảm bảo rằng con bạn cũng không xem”, Vineeta Dwivedi, cựu CEO của công ty KSS và hiện giảng dạy tại Viện Quản lý và Nghiên cứu SP Jain cho biết. 
Chuyên gia này cho rằng các nền tảng OTT đưa ra “những cốt truyện hay” với các nhân vật nữ cá tính cũng như đề cập đến đồng tính và tham nhũng, các vấn đề mà phương tiện truyền thông phổ biến khác chưa phản ánh nhiều. “Lý do OTT thành công như vậy là bởi nó có thể vượt qua những ranh giới của đạo đức xã hội”. Trong điện ảnh Ấn Độ, đặc biệt là ở Bollywood, khả năng mạo hiểm của các nhà sản xuất là rất thấp, vì thành công của một bộ phim liên quan đến việc làm của nhiều người. Do đó, cốt truyện chủ yếu xoay quanh công thức được thời gian kiểm chứng là các bài hát và vũ đạo, những câu thoại rập khuôn, nhằm mục đích thu hút phần đông khán giả.
Bên cạnh đó, các nhà làm phim phải đối mặt với những hạn chế về ngân sách và cũng phải tuân theo các quy định. “Chúng tôi luôn có sự sáng tạo dồi dào nhưng không được phép thể hiện”, Dwivedi nói. “Giờ đây có một số nội dung ấn tượng quay ở Ấn Độ xuất hiện trên các nền tảng phát video trực tuyến này. Nếu cho phép OTT phát triển, chúng ta có thể thực hiện giao lưu và truyền bá văn hoá mà Hollywood thực hiện cho nước Mỹ. Đây là cơ hội để ngành công nghiệp giải trí Ấn Độ cho thế giới thấy những gì đang có”.

Đọc tiếp

Nhịp cầu doanh nghiệp

Chat với BizLIVE