[Chân dung doanh nghiệp]

Navico (ANV): Cựu vương ngành thủy sản và đường trở lại như một “tay chơi mới”

Từng mệnh danh là “vua cá tra” Việt Nam nhưng sự chuyển hướng sang các lĩnh vực ngoài ngành đã khiến CTCP Nam Việt (Navico, mã ANV) “nếm trái đắng”, buộc phải quay về với lĩnh vực kinh doanh cốt lõi, thậm chí đi sau trong cuộc đua xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ.
Bên trong nhà máy chế biến cá tra của Navico - Ảnh: Navico
Bên trong nhà máy chế biến cá tra của Navico - Ảnh: Navico

Được thành lập năm 1993 với lĩnh vực kinh doanh chính là xây dựng dân dụng và công nghiệp nhưng phải sang những năm 2000, khi lấn sân sang lĩnh vực chế biến thủy sản, cái tên Navico mới được nhiều người biết đến. Suốt những năm 2006 – 2007, công ty này đã hoàn toàn chiếm giữ vị trí quán quân ngành thủy sản Việt Nam.

Thời điểm đó, Navico chiếm đến 20% thị phần của ngành cá, kim ngạch xuất khẩu của công ty lên đến 165 triệu USD Mỹ, gấp ba lần kim ngạch xuất khẩu của CTCP Xuất nhập khẩu Thủy sản An Giang (Agifish) và CTCP Vĩnh Hoàn. Navico cũng là doanh nghiệp thủy sản đầu tiên của Việt Nam thành công trong việc thâm nhập thị trường Nga.

"Vua cá tra" nếm trái đắng từ đầu tư ngoài ngành

Thế nhưng, đúng thời điểm đang “ăn nên làm ra” từ lĩnh vực kinh doanh cốt lõi, ban lãnh đạo Navico lại quyết định mở rộng kinh doanh ra các lĩnh vực khác. Mở đầu là tham vọng sở hữu một ngân hàng của Nam Việt nhưng kết quả đã không trở thành hiện thực khi vào thời điểm đó, các thủ tục cấp phép để thành lập ngân hàng mới bị siết lại. Đầu năm 2009, Navico tiếp tục đổ gần 1.500 tỷ đồng vào dự án cromit nhưng cũng không đem lại kết quả khả quan.

Trong giai đoạn này, do ảnh hưởng từ việc khủng hoảng kinh tế trên thế giới, nền kinh tế của Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng. Đặc biệt, chỉ riêng ngành thủy sản, số lượng đơn hàng đã có sự sụt giảm đáng kể, nguyên liệu chế biến cũng rơi vào khủng hoảng thừa, các nhà máy chế biến bắt đầu hoạt động cầm chừng.

Tháng 8/2008, Navico cùng với ba doanh nghiệp thủy sản của Việt Nam khác nhận tin xấu khi thị trường Nga - thị trường hàng đầu của Navico khi đó - đã quyết định đóng cửa với sản phẩm cá tra.

Tình thế xấu khiến các nhà máy thủy sản phải chủ động giảm đi một nửa công suất chế biến. Dù vậy, đến cuối năm 2008, Navico vẫn dẫn đầu ngành cá với kim ngạch xuất khẩu hơn 188 triệu USD. Nhưng lợi nhuận lúc đó của công ty chỉ ở mức 25% so với năm tài chính trước đó.

Giai đoạn 2011-2016 việc kinh doanh của Navico khá bấp bênh, thậm chí có những năm lợi nhuận chỉ vài tỷ đồng.

Giai đoạn 2011-2016 việc kinh doanh của Navico khá bấp bênh, thậm chí có những năm lợi nhuận chỉ vài tỷ đồng.

Năm 2009, “vua cá tra” mới “ngấm đòn” khi phải báo lỗ gần 128 tỷ đồng. Đến năm 2011, Chủ tịch Navico quyết định dừng lại việc khai thác quặng ferocrom, việc này đã khiến cho Navico chịu lỗ số tiền không nhỏ.

Chưa dừng lại ở đó, sau khi “nếm trái đắng” với các dự án ở phía Nam, Chủ tịch Navico quyết định Bắc tiến làm dự án, nhưng rồi rút cục vẫn khiến công ty lỗ thêm gần 1.000 tỷ đồng.

Suốt giai đoạn 2011 – 2016, cơn khủng hoảng của lĩnh vực thủy sản khiến nhiều doanh nghiệp thủy sản như Bình An, Việt An… bị xóa tên, đồng thời cũng làm sa sút hàng loạt các tên tuổi lớn như Navico, Agifish, Hùng Vương. Giai đoạn này việc kinh doanh của Navico cũng khá bấp bênh, bất thường, thậm chí có những năm lợi nhuận của công ty chỉ vài tỷ đồng.

Cùng với kết quả kinh doanh bết bát, cổ phiếu của Navico giai đoạn này cũng đi ngang ở vùng đáy với mức giá chỉ vài nghìn đồng, thậm chí có thời điểm xuống dưới 1.500 đồng/cổ phiếu.

Bị dồn vào bước đường cùng, ban lãnh đạo đã chi ra gần 600 tỷ đồng để mua lại các khoản đầu tư ngoài ngành nhằm giải cứu cho công ty. Đồng thời, đưa Navico dần quay trở lại với mảng kinh doanh cốt lõi, đầu tư mạnh cho trung tâm cá giống và hoàn thành chuỗi sản xuất khép kín từ con giống, thức ăn nuôi trồng thủy sản đến chế biến.

Nhờ vậy, từ năm 2017 lợi nhuận của Navico đã tăng gấp 10 lần năm 2016. Đặc biệt, năm 2018 Navico bắt đầu xuất khẩu các sản phẩm cá tra vào thị trường Trung Quốc - cột mốc quan trọng với sự phát triển của công ty. Theo đó, doanh thu của công ty trong hai năm 2018-2019 tăng trưởng mạnh, thậm chí lợi nhuận cao chưa từng có.

Tuy nhiên, bước sang hai năm 2020-2021, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, sản lượng xuất khẩu cá tra của Navico sang các thị trường bị sụt giảm, trong khi chi phí vận chuyển tăng cao, dẫn đến lợi nhuận bị bào mòn.

Năm 2022, Navico đặt kế hoạch đạt doanh thu 4.900 tỷ đồng - mức cao nhất từ trước đến nay

Năm 2022, Navico đặt kế hoạch đạt doanh thu 4.900 tỷ đồng - mức cao nhất từ trước đến nay

Năm 2022, với tình hình dịch bệnh được kiểm soát, Navico đang nỗ lực trở lại với mục tiêu đạt doanh thu và lợi nhuận cao nhất từ trước đến nay, lần lượt đạt 4.900 tỷ đồng và 720 tỷ đồng. Đặc biệt, năm nay công ty dự kiến sẽ trở thành một “tay chơi mới” gia nhập đường đua xuất khẩu cá tra sang Mỹ.

Đại diện Navico cho biết công ty đang chuẩn bị các khâu bán hàng, logistics để có thể bắt đầu xuất khẩu vào Mỹ từ tháng 8/2022. Dù chưa chậm chân hơn các doanh nghiệp thủy sản khác trong cuộc đua xuất khẩu cá tra sang Mỹ, nhưng Navico đang có lợi thế nhất định khi không bị áp thuế bán phá giá sang thị trường này (cùng với CTCP Vĩnh Hoàn, Công ty TNHH Chế biến Thực phẩm xuất khẩu Vạn Đức Tiền Giang và Công ty NTSF Seafoods).

Ngoài ra, năm nay, Navico cũng đã thông qua việc thành lập Công ty TNHH MTV Chế biến Thức ăn Thủy sản Nam Việt; đầu tư điện năng lượng mặt trời thông qua góp vốn vào Công ty TNHH MTV Nam Việt Solar; bắt đầu triển khai các dự án bất động sản thông qua Công ty TNHH MTV Bất động sản Nam Việt. Đồng thời, đầu tư thêm nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ từ phân cá…

Hưởng lợi từ triển vọng tích cực của ngành cá tra

Trên thị trường chứng khoán, gần đây, cổ phiếu ANV của Navico gây chú ý khi liên tục giữ được đà tăng hơn 69% từ cuối tháng 1 cho đến nay, từ mức 27.200 đồng/cổ phiếu lên 46.000 đồng/cổ phiếu. Cổ phiếu này đang được hưởng lợi từ "sóng" thủy sản do sự lạc quan đối với kết quả kinh doanh của ngành thuỷ sản trong những tháng đầu năm 2022.

Thực tế, trong 3 tháng đầu năm, Navico ghi nhận doanh thu thuần tăng 72% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 1.219 tỷ đồng, và lợi nhuận sau thuế 206,6 tỷ đồng - cao gấp hơn 3,2 lần quý 1/2021.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trong quý 1 kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt trên 2,5 tỷ USD (tăng gần 46% so với cùng kỳ năm 2021). Trong đó, xuất khẩu cá tra ước đạt 654 triệu USD, tăng 88% so với cùng kỳ năm 2021, chiếm khoảng 26% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản của cả nước.

Đại diện VASEP cho biết, sở dĩ xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong quý 1 tăng mạnh, ngoài nhu cầu của các thị trường, còn do giá thủy sản sang các thị trường đều tăng rất mạnh. Trong đó, giá cá tra xuất khẩu sang các thị trường chính tăng từ 40-70%, như giá trung bình cá tra sang Mỹ tăng mạnh gần 70% so với cùng kỳ năm ngoái.

VASEP dự báo trong quý 2, xuất khẩu thủy sản tiếp tục tăng cao với mức 2,8 - 2,9 tỷ USD, tăng khoảng 23-24% so với quý 2 năm ngoái.

Sản lượng và giá bán cá tra vào thị trường Mỹ liên tục tăng trong 3 tháng đầu năm 2022 - Nguồn BSC

Sản lượng và giá bán cá tra vào thị trường Mỹ liên tục tăng trong 3 tháng đầu năm 2022 -

Nguồn BSC

Còn theo nhận định của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), xuất khẩu cá tra sẽ ghi nhận mức phục hồi mạnh trong năm nay do nhu cầu cá thịt trắng toàn cầu tăng, đặc biệt sau sự thiếu hụt từ Nga.

VDSC cho rằng, giá bán cao sẽ duy trì ít nhất đến hết quý 2 do giá nguyên liệu tăng. Ngoài ra, thủy sản đánh bắt giảm do giá dầu tăng, đẩy tiêu thụ cá tra tăng. Theo đó, VDSC kỳ vọng lợi nhuận của các doanh nghiệp cá tra sẽ tăng mạnh ba chữ số trên mức nền thấp so với cùng kỳ trong nửa đầu năm nay.

Chung nhận định, Chứng khoán BIDV (BSC) cho rằng, sau khi chịu tác động bởi giai đoạn ngành đi xuống (2019) và hai năm bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh và chuỗi cung ứng đứt gãy (2020 – 2021), ngành cá tra sẽ bước vào chu kỳ tăng trong năm 2022.

BSC đưa ra quan điểm khả quan đối với triển vọng ngành thủy sản trên cơ sở nhận định nhu cầu tiêu thụ tại các thị trường xuất khẩu chính của cá tra (Mỹ, Trung Quốc, EU,…) sẽ tăng trưởng mạnh sau thời gian dài bị dồn nén bởi COVID-19 nhờ tỷ lệ tiêm vaccine cao.

Trong đó, thị trường Mỹ đang tăng mạnh, các nhà nhập khẩu Mỹ tăng cường việc nhập khẩu cá tra khi mà diện tích nuôi trồng cá da trơn tại Mỹ vẫn đang giảm trong ba năm liên tiếp, ảnh hưởng đến nguồn cung cấp cá da trơn nội địa tại Mỹ.

Tại thị trường Trung Quốc, BSC cho rằng việc chính phủ nước này theo đuổi chính sách Zero-COVID vẫn sẽ là nhân tố rủi ro ảnh hưởng đến việc xuất khẩu cá tra vào thị trường này. Tuy nhiên, Trung Quốc sẽ dần tiến tới việc mở cửa trở lại, và khi đó, với một thị trường có mức tiêu thụ cá tra ngang ngửa Mỹ và nhu cầu bị dồn nén trong hai năm dịch, sẽ là nhân tố quyết định đà tăng trưởng của ngành cá tra trong nửa cuối năm 2022.

Bên cạnh đó, BSC nhận định mức tồn kho thấp sẽ tạo áp lực làm tăng giá bán trong khi nhu cầu xuất khẩu duy trì đà tăng trưởng. Điều này được kỳ vọng tiếp tục giữ đà tăng cho giá bán khi nhu cầu tiêu thụ vẫn rất khả quan trong khi nguồn cung chưa thể điều chỉnh kịp thời.

Với riêng Navico, BSC dự báo doanh thu thuần năm 2022 của công ty này sẽ đạt 6.858 tỷ đồng (tăng 96% so với năm 2021, cao hơn mục tiêu Navico đặt ra khoảng 1.958 tỷ đồng) song dự báo lợi nhuận sau thuế thấp hơn mục tiêu, chỉ đạt khoảng 675 tỷ đồng (gấp 4,2 lần năm 2021).

Đọc tiếp

Dự án Đà Nẵng Times Square đủ điều kiện huy động vốn

Dự án Đà Nẵng Times Square đủ điều kiện huy động vốn

Sở Xây dựng TP.Đà Nẵng yêu cầu chủ đầu tư dự án là Công ty cổ phần Kim Long Nam, chịu trách nhiệm về tính chính xác về thông tin và hồ sơ gửi kèm. Đồng thời, phải sử dụng nguồn vốn đã huy động vào đúng mục đích xây dựng nhà ở thương mại tại dự án tháp CT3 và CT7 - Đà Nẵng Times Square.

Nhịp cầu doanh nghiệp

Chat với BizLIVE