"Nâng lãi suất, Việt Nam rút ra bài học nhìn từ câu chuyện của Fed"

Theo chuyên gia, Việt Nam nâng lãi suất là hợp lý, là một trong biện pháp hành động trước, đi trước một bước để sau này không phải đối mặt với những căng thẳng...
Ông Đỗ Bảo Ngọc
Ông Đỗ Bảo Ngọc

Ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tăng mạnh các lãi suất điều hành, nhiều nhà đầu tư chứng khoán cá nhân băn khoăn. Trên một số diễn đàn mở, có những dự tính trái chiều đối với thị trường chứng khoán, gần nhất là phiên 23/9.

Ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó tổng giám đốc CTCK Kiến thiết Việt Nam (CSI) đưa ra những nhận định, góp thêm một góc nhìn trước những băn khoăn trên.

Trông người, ta chủ động...

Thưa ông, NHNN đã nâng lãi suất điều hành. Ông có bình luận gì về động thái này?

Ông Đỗ Bảo Ngọc: Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã tăng lãi suất 5 lần, trong khi Việt Nam đây là lần đầu tiên. Thực tế Việt Nam không đối mặt với những vấn đề phức tạp như Mỹ, chúng ta vẫn có dư địa vĩ mô tốt để kiểm soát các vấn đề phức tạp như họ đang phải đối mặt. Ví dụ trong khi lạm phát ở Mỹ lên mức cao vài chục năm thì lạm phát ở Việt Nam vẫn thấp. Đó là lý do vì sao NHNN Việt Nam vẫn chưa tăng lãi suất từ đầu năm tới nay.

Còn tại sao bây giờ tăng? Phải thấy rằng áp lực lãi suất của Fed, đồng USD tăng giá nhiều, nếu Việt Nam không hành động thì rất có thể bị muộn nên thời điểm này tăng lãi suất có thể là hợp lý.

Tại sao lạm phát ở Việt Nam thấp trong khi lãi suất thấp vẫn duy trì trong khoảng thời gian dài? Bởi trong điều hành chính sách tiền tệ của NHNN có 2 công cụ chính gồm lãi suất và cung tiền. Dù Việt Nam từ đầu năm tới nay chưa dùng tới công cụ lãi suất nhưng dùng cung tiền rất chặt. Mà trong chính sách tiền tệ liên quan tới cung tiền còn mạnh hơn yếu tố lãi suất.

Về cung tiền, từ đầu năm Việt Nam hạn chế tăng trưởng tín dụng bằng room tín dụng cấp cho các ngân hàng. Thứ hai, kiểm soát cung tiền từ việc bán ngoại tệ để ổn định tỷ giá, thu tiền VNĐ từ hệ thống ngân hàng về. Thứ ba là công cụ phát hành tín phiếu để thu tiền về. Việt Nam vẫn làm mạnh kiểm soát cung tiền, đó là lý do vì sao chưa tăng lãi suất.

Đến thời điểm này tăng lãi suất vì câu chuyện Fed đưa ra chính sách “diều hâu”, không chỉ tăng 0,75% trong tháng 9 mà còn có thể tăng tiếp hơn 1% cuối năm. Đồng USD tăng lên là rõ, nên đây là thời điểm phù hợp NHNN sử dụng công cụ lãi suất để điều hành vĩ mô trong thời gian tới.

Lãi suất tăng trong khi lạm phát Việt Nam vẫn rất thấp, ông nói gì về tương quan này, liệu kiểm soát lạm phát có phải là mục tiêu chính yếu?

Ngoài cung cụ kiểm soát cung tiền thì phải tăng lãi suất VND để ổn định tỷ giá chứ không thể sử dụng mãi công cụ bán ngoại tệ ra được, nếu bán nhiều quá thì dự trữ ngoại hối giảm nhanh.

Đây rõ ràng là một trong biện pháp hành động trước, đi trước một bước để sau này không phải đối mặt với những căng thẳng.

Khác với Fed, trước đây nới lỏng quá lâu, hành động muộn dẫn tới phải tăng lãi suất gấp rút trong điều kiện lạm phát phi mã. Việt Nam nhìn câu chuyện đó cũng rút ra bài học.

Tuy nhiên Chính phủ vẫn gợi ý làm sao để bình ổn lãi suất cho vay, theo ông có mâu thuẫn và có khả thi không?

Tôi cho rằng khả thi vì từ trước đến nay lãi suất huy động của các NHTM thấp, phụ thuộc vào lãi suất điều hành của NHNN. Nhưng lãi suất cho vay hoàn toàn do các ngân hàng quyết định. Cho nên nhiều khi lãi suất huy động thì thấp nhưng lãi suất cho vay vẫn cao. Lãi suất cho vay chưa xuống theo như mong đợi của NHNN.

Với nền lãi suất hiện tại, việc tăng thêm 0,5 hay 1% thì không khó khăn gì với hệ thống ngân hàng.

Trạng thái giao dịch sẽ tích cực hơn

Trở lại với diễn biến thị trường chứng khoán, ông có bình luận gì về cú đảo chiều của VN-Index hôm nay 22/9?

Đầu phiên sáng 22/9 thị trường giảm khá mạnh hơn 10 điểm do chịu tác động tâm lý từ việc Fed đưa chính sách sẽ còn thắt chặt lãi suất mạnh trong thời gian tới. Điều này ảnh hưởng tới thị trường tài chính toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Đó là lý do phần lớn phiên sáng nhà đầu tư giao dịch trong tâm lý thận trọng, thanh khoản thấp. Tâm lý thận trọng kéo theo đa số cổ phiếu giảm giá mạnh.

Tuy nhiên ở phiên chiều, sau khi VN-Index thủng 1.200 điểm, chạm vùng 1.197 điểm đã có lực cầu khá tốt đổ vào thị trường giúp chỉ số hồi phục, chốt phiên tăng khá tốt. Thanh khoản phiên chiều cao hơn cả phiên sáng cho thấy một bộ phận dòng tiền lớn vào thị trường để mua giúp thị trường hồi phục từ mức giảm hơn 10 điểm và đóng cửa tăng hơn 4 điểm, nhiều cổ phiếu đảo chiều tăng tốt.

Trong phiên này đặc biệt có nhóm chứng khoán đóng vai trò dẫn dắt, bên cạnh đó cũng có một số cổ phiếu liên quan xây dựng và vật liệu xây dựng.

Tóm lại, phiên 22/9 tôi thấy có trạng thái đảo chiều, một bộ phận dòng tiền vào bắt đáy khi thị trường đã kiểm nghiệm vùng 1.200 điểm tương đối thành công.

Với phản ứng của thị trường như trên, ông có nhận định gì cho xu hướng sắp tới?

Thông tin Fed tăng lãi suất và chính sách của tổ chức này còn nâng lãi suất trong thời tới không phải là mới. Các thông tin đã phản ánh vào thị trường từ cách đây 2-3 tuần. Ngay ở kỳ họp trước thì quan điểm của Fed đã rất rõ ràng và các thị trường tài chính thế giới từ lần tăng lãi suất tháng 8 tới nay cũng đã điều chỉnh khá mạnh, với TTCK Việt Nam điều chỉnh sau nhưng cũng khá sâu trong 2 tuần trở lại đây.

Hôm nay tâm lý bi quan đầu phiên bởi vì quan điểm của Fed bỗng trở nên “diều hâu” trong bài phát biểu của Chủ tịch Fed Powell dự kiến lãi suất cuối năm nay và năm 2023 cao hơn gần 1% so với biên bản họp của kỳ hợp tháng 6. Đó là lý do vì sao khi thông tin ra vẫn ảnh hưởng tiêu cực ở giai đoạn đầu còn bản chất thị trường vốn đã phản ứng mạnh với những vấn đề đó cho nên vì sao dòng tiền có trạng thái bắt đáy vào cuối phiên.

Tôi cho rằng, với phiên giao dịch hôm nay vùng 1.200 điểm là vùng hỗ trợ khá mạnh, các trạng thái giao dịch về sau có thể tích cực hơn.

Một số thông tin sắp tới có thể hỗ trợ thị trường như là mùa báo cáo kết quả kinh doanh, kết quả GDP quý 3 dự kiến tăng trưởng khá cao, định giá thị trường sau một thời gian điều chỉnh đã ở vùng hấp dẫn để thu hút dòng tiền. Theo tôi, từ nay tới hết tháng 9 thị trường sẽ có một nhịp hồi phục sau khi điều chỉnh từ vùng 1.280 điểm về vùng 1.200 điểm.

Còn về trung hạn, tôi cho rằng trong bối cảnh lãi suất cao, chính sách tiền tệ thắt chặt ở cả thế giới cũng như trong nước thì triển vọng vẫn khá bất định, chưa có gì chắc chắn sau khi bảo vệ thành công mức 1.200 điểm sẽ thiết lập một “uptrend”. Lãi suất cao còn ảnh hưởng tới tăng trưởng chung của nền kinh tế thế giới trong trung hạn. Ngoài ra điều này còn tác động nhiều tới thu nhập, tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp niêm yết làm tăng chi phí…

Khả năng nới tiếp tín dụng?

Kỳ vọng phía trước, nhà đầu tư chứng khoán có thể chờ đợi một thông tin tác động tiềm năng là nới room tín dụng. Có ý kiến cho rằng trước yêu cầu bức thiết về vốn, NHNN sẽ có một đợt nới room nữa cuối năm nay. Ông nhìn về kỳ này như thế nào?

NHNN đã nêu quan điểm là không nới, giữ chính sách như hiện tại. Sau khi Fed đưa ra quan điểm “diều hâu” hơn trước đây thì tôi nghĩ cửa nới room tín dụng tiếp lại hẹp hơn nữa. Bởi vì nếu các lần tăng lãi suất tiếp theo của Fed giảm dần thì kỳ vọng kiểm soát cung tiền sẵn trong nước nhẹ nhàng hơn. Nhưng thực tế Fed còn có thể tăng thêm một lần 0,75% và 0,5%, tức cuối năm tăng thêm trên 1%, như vậy áp lực với tỷ giá đối với VND, với việc ổn định vĩ mô của Việt Nam cũng là thách thức. Nên khi Fed mạnh tay như vậy thì cửa cho việc NHNN nới room tín dụng lỏng tay hơn là khó, khả năng đó không cao.

Song song với tín dụng là kênh trái phiếu doanh nghiệp (TPDN). Chính phủ vừa ban hành Nghị định 65 sửa đổi cơ chế phát hành. Ông có đánh giá gì về triển vọng phát hành tTPDN thời gian tới?

Thời gian qua, việc Chính phủ, các cơ quan quản lý cho rằng Nghị định 153 cần phải sửa đổi và trong quá trình sửa đổi khiến từ quý 2 tới gần cuối quý 3 này là khoảng tời gian các doanh nghiệp có nhu cầu phát hành thêm trái phiếu không thể thực hiện được. Cơ quan quản lý là Ủy ban Chứng khoán cũng không có căn cứ là nghị định mới để phê duyệt cho việc phát hành của doanh nghiệp. Đó là khoảng thời gian thị trường đình trệ về phát hành, ảnh hưởng lớn tới thị trường chung, tới doanh nghiệp.

Tuy nhiên việc ban hành Nghị định 65 là điểm tháo gỡ những vướng mắc về mặt chính sách cho trái phiếu doanh nghiệp. Chính sách có xu hướng thắt chặt hơn so với trước đây, nâng cao tính minh bạch nhưng cũng không quá chặt so với dự thảo. Như chúng ta biết dự thảo sửa đổi Nghị định 153 quá chặt, Nghị định 65 được ban hành mềm mại hơn, vẫn khuyến khích doanh nghiệp làm thật có thể huy động vốn trên thị trường.

Thời gian tới, dựa trên Nghị định 65 các doanh nghiệp sẽ tiến hành các thủ tục hồ sơ liên quan quy trình mới, Ủy ban Chứng khoán xét duyệt theo tiêu chí mới. Tôi nghĩ sẽ khơi thông lại thị trường trái phiếu từ nay tới cuối năm cũng như trong 2023.

Quan điểm, chính sách rõ ràng là điểm cho doanh nghiệp tiến hành phát hành, cơ quan quản lý có căn cứ phê duyệt phát hành mới, tôi đánh giá khá tích cực cho thị trường.

Xin cảm ơn ông.

Đọc tiếp

Giai đoạn thị trường chưa rõ ràng, vào lệch sóng không đem lại thành quả cho nhà đầu tư chứng khoán

Giai đoạn thị trường chưa rõ ràng, vào lệch sóng không đem lại thành quả cho nhà đầu tư chứng khoán

Ông Bùi Văn Huy, Giám đốc chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, Công ty Chứng khoán DSC cho biết dòng tiền trên thị trường vẫn chưa khắc phục được tình trạng yếu đi trước những thông tin mới ở thế giới và trong nước. Nhà đầu tư "đánh" lệch sóng trong giai đoạn gần đây thường không mang lại thành quả.

Nhịp cầu doanh nghiệp

VN-Index hướng tới ngưỡng 1.300 – 1.320 điểm

VN-Index hướng tới ngưỡng 1.300 – 1.320 điểm

Nhóm cổ phiếu ngân hàng là động lực chính kéo chỉ số VN-Index đã vượt ngưỡng 1.281 điểm trong tuần qua. Tuần tăng mạnh trên nền thanh khoản cao sẽ tiếp tục tạo động lực để thị trường hướng tới ngưỡng 1.300 – 1.320 điểm.

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước triển khai việc công bố thông tin một đầu mối kể từ ngày 8/3

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước triển khai việc công bố thông tin một đầu mối kể từ ngày 8/3

Từ ngày 8/3/2024, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) sẽ vận hành Hệ thống công bố thông tin (CBTT) một đầu mối áp dụng đối với tổ chức niêm yết, đăng ký giao dịch trên Sở Giao dịch Chứng khoán (SGDCK). Trước mắt, sẽ áp dụng đối với các tổ chức niêm yết, đăng ký giao dịch trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX).

Chat với BizLIVE