Quay về eMagazine
Nâng kỷ lục, tạo chuyển dịch giá trị cơ cấu xuất nhập khẩu

Nâng kỷ lục, tạo chuyển dịch giá trị cơ cấu xuất nhập khẩu

Thêm một năm kim ngạch xuất nhập khẩu tạo kỷ lục trong vô vàn khó khăn và rủi ro. Nhưng chính khó khăn và rủi ro càng dồn đẩy yêu cầu phải tạo chuyển dịch hơn nữa cơ cấu xuất nhập khẩu, về ngành hàng và thị trường.

Đến hẹn lại lên, cứ dịp cuối năm hàng xuất nhập khẩu tại các cửa khẩu Việt - Trung lại thường tắc nghẽn. Năm 2021 tình trạng căng thẳng hơn khi Trung Quốc siết chặt kiểm soát, phòng chống dịch COVID-19.

Khó khăn và rủi ro trên không mới. Ngay như trong nước, năm 2021 doanh nghiệp cũng từng trải qua sự đứt gãy trong giao thương và vận tải hàng hóa bởi “ngăn sông cấm chợ”, “luồng xanh”, “1 cung đường 2 điểm đến”, chốt chặn dày đặc ở nhiều tuyến đường phòng chống dịch…

Khó khăn và rủi ro trên không đơn lẻ. Xuất nhập khẩu năm qua vật lộn với sự đứt gãy, gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu; tình trạng thiếu container rỗng kéo dài; chi phí logistics tăng cao. Trong nước, hoạt động sản xuất chật vật với “ba tại chỗ” cao điểm phòng chống dịch trong quý 3; thiếu hụt nhân lực khi người lao động ồ ạt về quê ngay sau đó; sức ép gia tăng chi phí nhiều nguyên vật liệu đầu vào đối với giá thành sản phẩm.

Vượt lên tất cả, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam tiếp tục lập lỷ lục mới trong năm 2021. Nhưng, những khó khăn và rủi ro vẫn còn đó và tiềm ẩn.

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa năm 2021 tạo kỷ lục mới, ước đạt 668,5 tỷ USD, tăng 22,6% so với năm trước (trong đó xuất khẩu tăng 19%, nhập khẩu tăng 26,5%); thặng dư thương mại ước đạt 4 tỷ USD.

Trên nền bức tranh kinh tế nhiều gam xám bởi tác động tiêu cực hơn và lâu dài hơn của COVID-19 năm qua, kim ngạch xuất nhập khẩu tạo điểm sáng với sức tăng trưởng vượt xa chỉ tiêu được giao (13,6%). Một điểm sáng về chất và lượng.

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, đây là thành tựu rất lớn của các doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh chịu tác động nặng nề của dịch COVID-19. Đặc biệt, thời điểm dịch bùng phát lần thứ 4 đã đánh thẳng vào khu vực là động lực sản xuất hàng hóa ở cả hai miền Nam - Bắc. Hơn 3 tháng ròng gần như mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh tại 19 tỉnh phía Nam đình trệ, đặc biệt tại các địa bàn xuất khẩu chủ lực như Bình Dương, Đồng Nai, TPHCM…; dư chấn tiếp tục kéo dài những tháng sau đó bởi tình trạng thiếu hụt lao động.

Bên cạnh kỷ lục về lượng và sức tăng trưởng, quan trọng và giá trị hơn, cơ cấu xuất nhập khẩu của Việt Nam đã và đang tạo những chuyển dịch về chất.

Theo Bộ Công Thương, trong 10 năm qua, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã có sự thay đổi mạnh mẽ và cứ 2 năm mốc 100 tỷ USD mới lại được chinh phục. Nếu năm 2011, số lượng ngành hàng xuất khẩu đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên mới là 21 nhóm, trong đó chỉ có dệt may đạt kim ngạch chục tỷ USD (đạt hơn 14 tỷ USD), nhưng đến năm 2021 xuất khẩu đã có tới 35 nhóm hàng đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên gồm 7 nhóm đạt từ 10 tỷ USD trở lên.

Chuyển dịch về chất thể hiện rõ ở cơ cấu các ngành xuất khẩu chủ lực đã thay đổi đáng kể, từ những ngành sử dụng nhiều lao động như dệt may, giày dép, thủy sản, hay hàng hóa khai thác tài nguyên khoáng sản như than đá, dầu thô…, đến nay đã dần nhường chỗ cho sự vươn lên của các nhóm hàng công nghệ cao như sản xuất, lắp ráp điện thoại, máy vi tính, máy móc…

Cụ thể, ngành công nghiệp chế biến là nhóm chiếm tỷ trọng cao nhất trong kim ngạch xuất khẩu với 89,2%, tăng trưởng tới 19,7% so với năm trước; nhóm hàng nông sản, lâm sản chiếm 7,1%, tăng 15%; nhóm hàng thủy sản chiếm 2,6%, tăng 5%; nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản chỉ còn chiếm 1,1%, tăng 23,6% so với năm trước.

Dù có cấu phần lớn và phụ thuộc khối đầu tư nước ngoài (FDI) ở các nhóm hàng như điện thoại, máy móc, linh kiện…, song sự chuyển dịch rõ rệt về cơ cấu hàng hoá xuất khẩu nói trên cho thấy thành tựu lớn của Việt Nam trong 10 năm qua, cũng như trong năm 2021. Từ một quốc gia từng chủ yếu xuất khẩu thô, gia công, dựa vào khai thác tài nguyên, Việt Nam chuyển dịch dần sang các sản phẩm có chế biến sâu, có hàng lượng công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao hơn trước. Đây là những thay đổi lớn và giá trị về chất.

Trở lại với tình trạng tắc nghẽn hàng căng thẳng và kéo dài tại các cửa khẩu Việt – Trung nói trên, trao đổi với BizLIVE, PGS.TS. Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Viện trưởng Viện Công nghệ Tài chính - Đại học Kinh tế TP.HCM cho rằng đó là một điển hình của khâu tổ chức xuất khẩu còn chưa tốt, chưa chủ động về thị trường dù Việt Nam có lợi thế với nhiều mặt hàng tốt.

Tình trạng tắc nghẽn trên cũng là một trong nhiều rủi ro doanh nghiệp Việt vẫn thường phải đối mặt. Không xa, ngay với thị trường Trung Quốc, hoạt động xuất nhập khẩu từng phải trải qua những cú phá giá đồng Nhân dân tệ gây chao đảo thị trường toàn cầu những năm trước.

Cũng liên quan đến yếu tố tiền tệ, trong năm 2020 và đầu 2021, doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam đứng trước nguy cơ bị Mỹ đưa vào danh sách các nước thao túng tiền tệ, mà qua đó dẫn tới các biện pháp trừng phạt và hạn chế thương mại bằng các rào cản thuế quan hà khắc hơn. Nguy cơ này từng nóng bỏng dưới thời chính quyền Tổng thống Donal Trump năm 2020, và chỉ được gỡ bỏ vào tháng 4/2021 cũng như được tái khẳng định loại trừ qua đợt rà soát của Mỹ gần đây.

Những điển hình rủi ro nói trên có một điểm chung: cả Trung Quốc và Mỹ đều là những thị trường lớn nhất, có ảnh hưởng lớn nhất đối với hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam. Điều này càng thôi thúc một hướng chuyển dịch nữa trong xuất nhập khẩu, về cơ cấu thị trường.

TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) phân tích, thời gian qua, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam tăng nhanh, hiện đã ở mức cao làm cho độ mở của nền kinh tế cũng gia tăng tương ứng.

Theo chuyên gia này, độ mở cửa lớn, phụ thuộc lớn và bất cân xứng vào một số ít đối tác, nhất là Trung Quốc và Hoa Kỳ, đang và sẽ tạo thêm nhiều rủi ro phức tạp, làm cho nền kinh tế có sức chống chịu kém, dễ bị tổn thương trước tác các động bất lợi từ bên ngoài.

Để khắc phục các điểm bất lợi và rủi ro đi theo độ mở của nền kinh tế trong xuất nhập khẩu, TS. Nguyễn Đình Cung cho rằng thể chế kinh tế phải cải cách và thay đổi cơ bản theo hướng khuyến khích, thúc đẩy phát triển nhanh, mạnh, bền vững khu vực kinh tế trong nước, trước hết là kinh tế tư nhân; đồng thời thu hút được FDI (quy mô lớn) trực tiếp từ Hoa Kỳ và EU.

Cùng đó, vẫn là yêu cầu đặt ra nhiều năm qua, doanh nghiệp Việt cần đẩy mạnh hơn nữa đa dạng thị trường xuất khẩu để phân tán và giảm thiểu rủi ro thay vì quá tập trung vào một số thị trường lớn. Hướng đa dạng này đang có thêm thuận lợi khi nhiều hiệp định thương mại Việt Nam ký kết đã đi vào hiệu lực, đang và sẽ tiếp tục mở rộng những cơ hội mới.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Chat với BizLIVE