Mỹ: Sự bùng nổ của doanh nghiệp khởi nghiệp "nguội lạnh" cùng nền kinh tế

Những yếu tố như môi trường lãi suất cao, các kênh đầu tư mạo hiểm “nguội lạnh” và lo ngại về suy thoái kinh tế đang đặt ra nhiều trở ngại cho cộng đồng kinh doanh toàn cầu.
Môi trường kinh tế sôi động thúc đẩy tinh thần kinh doanh đã phải nhường chỗ cho lạm phát cao, lãi suất tăng và tiết kiệm giảm dần. Ảnh: TTXVN phát
Môi trường kinh tế sôi động thúc đẩy tinh thần kinh doanh đã phải nhường chỗ cho lạm phát cao, lãi suất tăng và tiết kiệm giảm dần. Ảnh: TTXVN phát

Sự xuất hiện của đại dịch COVID-19 đã thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp trên toàn nước Mỹ trong những năm qua. Kể từ năm 2020 đến nay, số đơn đăng ký thành lập doanh nghiệp mới đã tăng vọt, trái ngược hoàn toàn với xu hướng sụt giảm kéo dài hàng thập kỷ.

Tuy nhiên, những yếu tố như môi trường lãi suất cao, các kênh đầu tư mạo hiểm “nguội lạnh” và lo ngại về suy thoái kinh tế đang đặt ra nhiều trở ngại cho cộng đồng kinh doanh toàn cầu.

Nhiều lý do dẫn đến sự bùng nổ

Có nhiều lý do dẫn đến sự bùng nổ của tinh thần khởi nghiệp. Hàng triệu người đột nhiên bị sa thải, tạo ra thời gian và động lực để bắt đầu những công việc kinh doanh mới.

Bên cạnh đó, tiết kiệm cá nhân tăng vọt, một phần nhờ vào thị trường chứng khoán sôi động và các khoản hỗ trợ của chính phủ, đã cung cấp cho doanh nhân tương lai các công cụ tài chính để thực hiện kế hoạch của họ. Ngoài ra, môi trường lãi suất thấp lịch sử cũng đã mở ra một kỷ nguyên tiền rẻ và dễ tiếp cận.

Tuy nhiên, khi đại dịch dần lắng xuống, môi trường kinh tế sôi động thúc đẩy tinh thần kinh doanh này đã phải nhường chỗ cho lạm phát cao, lãi suất tăng và tiết kiệm giảm dần. Điều này buộc các doanh nghiệp còn non trẻ phải tìm cách điều hướng các dòng tài chính trong bối cảnh đầy thách thức. Đó là chưa kể trước đây, ngay cả trong điều kiện bình thường cũng có đến khoảng một nửa số doanh nghiệp ghi nhận thất bại trong vòng 5 năm sau khi thành lập.

John Haltiwanger, chuyên gia kinh tế tại Đại học Maryland, chuyên nghiên cứu về tinh thần kinh doanh khởi nghiệp, cho biết: “Các doanh nghiệp trẻ vốn dễ bị tổn thương. Họ có khả năng thất bại, đặc biệt là trong thời kỳ suy thoái kinh tế".

Năm 2021, người Mỹ đã nộp đơn đăng ký thành lập 5,4 triệu doanh nghiệp mới, theo dữ liệu từ Cục điều tra dân số nước này. Trước đó, năm 2020 ghi nhận 4,4 triệu đơn đăng ký, mức cao nhất sau hơn 15 năm số liệu này được báo cáo.

Dữ liệu về sự hình thành doanh nghiệp thực tế sẽ mất vài năm để công bố, vì vậy hiện chưa thể đo lường tác động của một nền kinh tế đang nguội lạnh đối với các dự án kinh doanh mới. Tuy nhiên, việc các doanh nghiệp mới này có thành công hay không sẽ có ý nghĩa rộng lớn đối với sức khỏe và sự năng động của toàn bộ nền kinh tế.

John Dearie, Chủ tịch Trung tâm Doanh nhân Mỹ, một tổ chức vận động, cho hay: “Sự đổi mới thúc đẩy tăng năng suất. Và sự đổi mới thường đến từ các doanh nghiệp non trẻ”.

Tuy nhiên, ông John Dearie cảnh báo rằng chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đang tạo ra những “cơn gió ngược” mà các doanh nhân phải đối mặt, bằng cách đè bẹp nhu cầu và khiến tiền trở đắt đỏ hơn.

Trụ sở Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) ở Washington, DC. Ảnh: AFP/TTXVN

Các doanh nghiệp trẻ dễ bị tổn thương

Khi tham gia phỏng vấn, các doanh nhân bày tỏ sự pha trộn giữa sự quyết tâm và cam chịu về những tháng tới. Một số người cho biết những bài học từ cách ứng phó với biến động của đại dịch có thể giúp họ “đứng vững” trong suy thoái kinh tế, trong khi những người khác bày tỏ quan ngại về việc các nguồn tài trợ từ bên ngoài sẽ trở nên khó tiếp cận hơn.

Jennifer Sutton, người đã bắt đầu mở một quán nước trái cây và chăm sóc sức khỏe High Vibes Juicery ở Park City thuộc tiểu bang Utah vào năm 2021, cho biết: “Chắc chắn đó là một hành trình gập ghềnh”.

Cô Sutton bày tỏ lo lắng rằng lạm phát cùng viễn cảnh suy thoái kinh tế có thể làm giảm các hoạt động du lịch, mà công việc kinh doanh của cô vốn phụ thuộc vào. Cô Sutton đã mở một địa điểm thứ hai Wellness Bar bên trong một cửa hàng tạp hóa và cô là người khá may mắn khi cô chủ yếu tự tài trợ cho hai cơ sở của mình bằng tiền tiết kiệm và nợ thẻ tín dụng của gia đình.

Tuy nhiên, Taylor Wallace, một doanh nhân ở Florida, lại ở một vị trí khác.

Sau khi bị sa thải vào giai đoạn đầu của đại dịch, anh Wallace đã kết nối lại với một người bạn là Mike Mayleben, người đang muốn bắt đầu kinh doanh dịch vụ chăm sóc ban ngày cho thú cưng. Vào mùa Thu năm 2020, cả hai bắt đầu mua lại các địa điểm chăm sóc chó ban ngày đang được rao bán, mà mở một doanh nghiệp mới có tên là Paws 'n' Rec.

Paws 'n' Rec cung cấp dịch vụ chăm sóc ban ngày, nội trú và chải chuốt cho thú cưng, hiện có hai địa điểm ở thành phố Tampa (Florida) và địa điểm thứ ba đang được xây dựng. Tuy nhiên, việc mở rộng này đang gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh lạm phát đã đẩy chi phí xây dựng lên cao và lãi suất tăng đang khiến các điều khoản cho vay trở nên khó khăn hơn.

Anh Wallace nói: “Các khoản nợ trở nên đắt đỏ hơn sẽ là một thách thức lớn đối với chúng tôi và tất cả mọi người. Thời điểm chúng tôi bắt đầu khởi nghiệp là kỷ nguyên tiền rẻ chưa từng thấy tại Mỹ”.

Trong khi đó, một số doanh nhân cho biết môi trường lãi suất cao hơn và sự không chắc chắn về nền kinh tế dường như cũng làm cạn kiệt các nguồn vốn đầu tư. Lundon Attisha bắt đầu công việc kinh doanh đầu tiên của mình với Bidstitch, một nền tảng trực tuyến buôn bán quần áo cổ điển vào mùa Hè năm 2021, ông đã nhanh chóng huy động được khoảng 200.000 USD vốn đầu tư mạo hiểm và đầu tư thiên thần (Angel investment: Đầu tư thiên thần là việc cung cấp vốn cho một hoặc nhiều doanh nghiệp, bao gồm cả các công ty khởi nghiệp, thường để đổi lấy nợ chuyển đổi hoặc vốn sở hữu.).

Ông Attisha, người đã nghỉ việc tại một công ty luật để thành lập công ty của mình, cho biết: “Tôi nghĩ rằng mình là ngôi sao hoàn hảo trong việc huy động vốn”. Tuy nhiên, với điều kiện kinh tế hiện tại, các nhà đầu tư dường như đã miễn cưỡng hơn nhiều khi rót tiền vào các công ty ở giai đoạn đầu. Cuối cùng, ông Attisha đã phải bán Bidstitch vào tháng 9/2022.

Kinh nghiệm đó đã giúp định hình mô hình kinh doanh cho công ty thứ hai mà ông Attisha thành lập vào năm ngoái, Cita Reservations, một hệ thống đặt bàn trực tuyến tại các nhà hàng được săn đón. Thay vì dựa vào nguồn tài trợ từ bên ngoài, công ty bắt đầu tính phí ngay lập tức bằng cách bán các đặt chỗ tại một số nhà hàng với giá 200 USD. Để thu hút sự chú ý, ông ấy dành phần đặt trước cho những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội.

Vẫn còn đó những kỳ vọng

Dữ liệu điều tra cho thấy có một lượng lớn các mô hình kinh doanh mới dành cho các công ty sở hữu đơn lẻ không có ý định thuê nhân viên. Ngoài ra, cũng có nhiều hồ sơ được nộp hướng đến các ngành nghề đã chịu ảnh hưởng bởi đại dịch, bao gồm bán lẻ, dịch vụ thực phẩm và hậu cần.

Tuy nhiên, bất chấp sự chậm lại có thể gây hại cho các doanh nghiệp non trẻ, nhiều chuyên gia kinh tế vẫn lạc quan rằng sự bùng nổ của xu hướng thành lập doanh nghiệp mới bắt đầu từ năm 2020 sẽ vẫn dẫn đến tăng trưởng việc làm, đổi mới và cuối cùng là một nền kinh tế hoạt động hiệu quả hơn.

Luke Pardue, một chuyên gia kinh tế tại Gusto, một nền tảng trả lương và phúc lợi dành cho doanh nghiệp nhỏ, cho biết: “Rất nhiều doanh nghiệp mới đang tiếp tục phát triển và tuyển dụng. Những doanh nghiệp mới này đang thực sự thúc đẩy tăng trưởng việc làm vì họ đang tiếp tục phát triển và vì họ có tham vọng trong tương lai”.

Giám đốc điều hành Spencer Loveless của một nhà sản xuất máy hút bụi ở Price, Utah, đã gặp rất nhiều khó khăn trong những tháng đầu của đại dịch vì các vấn đề liên quan đến chuỗi cung ứng đã ngăn cản việc mua các bộ phận từ Trung Quốc.

Vì vậy, anh đã bắt đầu sử dụng máy in 3-D của công ty để sản xuất các bộ phận của riêng mình. Khi hiệu quả đạt được, các công ty gặp khó khăn tương tự đã bắt đầu yêu cầu anh ấy in các mặt hàng cho họ.

Vào tháng 11/2020, anh Spencer Loveless thành lập Merit3D, một công ty in 3D. Doanh nghiệp ban đầu chỉ có hai nhân viên. Đến năm 2022, anh có 20 nhân công và mục tiêu cho năm 2023 là 30 đến 40 nhân công.

Tuy nhiên, kế hoạch tuyển dụng của anh Loveless không dừng lại ở đó. Anh ấy muốn Merit3D cuối cùng có 1.700 nhân viên. Ông Loveless cho biết, mục tiêu của anh trong năm nay là “kiếm được nhiều doanh thu nhất có thể để công ty tự trang trải các chi phí”.

Ông nói: “Tôi nghĩ suy thoái kinh tế sẽ ảnh hưởng nặng nề hơn hầu hết mọi người nghĩ. Cách chúng tôi chuẩn bị cho điều đó là trở thành người giỏi nhất trong lĩnh vực của mình”.

Theo TTXVN

Đọc tiếp

Nhịp cầu doanh nghiệp

Chat với BizLIVE