Muốn đi vay nước ngoài, doanh nghiệp sẽ phải thực hiện phái sinh ngoại tệ?

Mục tiêu của yêu cầu dự kiến này là nhằm hình thành thói quen bảo hiểm rủi ro ngoại tệ cho các bên đi vay.
Dự kiến các doanh nghiệp sẽ phải thực hiện giao dịch phái sinh ngoại tệ nếu muốn đi vay nước ngoài (Ảnh minh họa).
Dự kiến các doanh nghiệp sẽ phải thực hiện giao dịch phái sinh ngoại tệ nếu muốn đi vay nước ngoài (Ảnh minh họa).

Như đã thông tin, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang xây dựng dự thảo Thông tư thay thế Thông tư 12/2014/TT-NHNN năm 2014, trong đó, bổ sung một loạt quy định mới liên quan đến việc vay vốn nước ngoài của doanh nghiệp không được Chính phủ bảo lãnh, bao gồm việc áp trần lãi suất khoản vay và siết chặt việc dùng vốn vay ngắn hạn nước ngoài đầu tư vào chứng khoán và bất động sản.

Bên cạnh đó, yêu cầu thực hiện giao dịch phái sinh ngoại tệ cũng là một nội dụng mới đáng chú ý tại dự thảo này.

Theo NHNN, mục tiêu của yêu cầu này là nhằm hình thành thói quen bảo hiểm rủi ro ngoại tệ cho các bên đi vay.

“Khi vay nước ngoài, doanh nghiệp đã có các nghĩa vụ nợ bằng ngoại tệ và chịu rủi ro về tỷ giá, trường hợp không được bảo hiểm rủi ro, doanh nghiệp có thể chịu thiệt hại trong trường hợp có các biến động về tỷ giá và diễn biến dòng vốn trên thị trường”, NHNN lý giải.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp thực hiện giao dịch phái sinh ngoại tệ cũng sẽ giúp hạn chế các tác động tiêu cực đến điều hành tỷ giá, thị trường ngoại tệ của NHNN do các nhu cầu mua, bán ngoại tệ đột biến khi rút vốn, trả nợ nước ngoài.

Chính sách này đồng thời là bước đệm cho việc nghiên cứu, áp dụng các biện pháp quản lý có tính an toàn thận trọng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong quá trình nghiên cứu, tiếp cận mô hình quản lý nợ nước ngoài mới.

NHNN cho biết, yêu cầu thực hiện phái sinh ngoại tệ được đề xuất trên cơ sở khuyến nghị của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và kinh nghiệm quốc tế, theo đó, IMF khuyến nghị có thể yêu cầu doanh nghiệp thực hiện bảo hiểm rủi ro truyền thống cho một phần hoặc toàn bộ phần vay nợ không được bảo hiểm bằng bảo hiểm tự nhiên. Một số quốc gia như Ấn Độ, Indonesia đều đã có chính sách yêu cầu bảo hiểm rủi ro tỷ giá do vay nợ nước ngoài.

Qua thực hiện quản lý hoạt động vay trả nợ nước ngoài tự vay tự trả, hiện nay NHNN xác nhận trung bình khoảng trên 2.200 khoản vay trung dài hạn, kỳ hạn trả nợ của từng khoản vay có thể theo tháng, quý, 6 tháng, năm, vào ngày đáo hạn hoặc một kế hoạch cụ thể theo thỏa thuận giữa các bên. Giá trị trả nợ cũng rất đa dạng, theo tỷ lệ kim ngạch vay hoặc giá trị bất kỳ theo khả năng thu xếp vốn của bên đi vay.

Do đó, cơ quan này cho rằng, việc xác định các mốc giá trị tối thiểu để lọc các giao dịch trả nợ với giá trị lớn, có khả năng ảnh hưởng đến thị trường ngoại tệ là cần thiết, tránh phát sinh quá nhiều giao dịch phái sinh cho doanh nghiệp.

Giá trị tham chiếu để thực hiện bảo hiểm rủi ro ở mức 500.000 USD hoặc loại ngoại tệ khác có giá trị tương đương theo đề xuất tại dự thảo là tương đối cao so với Indonesia, tuy nhiên, NHNN cho biết, do đây là chính sách mới được áp dụng, việc đặt giới hạn cao sẽ khoanh vùng các doanh nghiệp có khoản vay lớn tiên phong thực hiện chính sách này, và mục tiêu hướng tới các nhu cầu mua ngoại tệ lớn có thể có ảnh hưởng nhất định đến thị trường ngoại tệ.

Yêu cầu thực hiện phái sinh ngoại tệ dự kiến sẽ không áp dụng trong trường hợp bên đi vay là TCTD cung ứng dịch vụ ngoại hối theo quy định của pháp luật hiện hành, hoặc bên đi vay dự kiến có đủ nguồn ngoại tệ để trả nợ (được coi là đối tượng có bảo hiểm tự nhiên).

Theo đánh giá của cơ quan quản lý, việc yêu cầu doanh nghiệp thực hiện giao dịch phái sinh ngoại tệ sẽ từng bước hình thành thói quen phòng ngừa rủi ro tỷ giá, phòng ngừa ở mức độ nhất định đối với các rủi ro tỷ giá phát sinh khi vay nợ nước ngoài và góp phần ổn định thị trường ngoại tệ và công tác điều hành tỷ giá của NHNN.

Dự thảo Thông tư có quy định rõ trách nhiệm của bên đi vay, các TCTD được phép có liên quan đến giao dịch phái sinh để đảm bảo khả thi, do đó, giảm thiểu khó khăn phát sinh trong quá trình thực hiện chính sách.

Đọc tiếp

Nhịp cầu doanh nghiệp

Giai đoạn thị trường chưa rõ ràng, vào lệch sóng không đem lại thành quả cho nhà đầu tư chứng khoán

Giai đoạn thị trường chưa rõ ràng, vào lệch sóng không đem lại thành quả cho nhà đầu tư chứng khoán

Ông Bùi Văn Huy, Giám đốc chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, Công ty Chứng khoán DSC cho biết dòng tiền trên thị trường vẫn chưa khắc phục được tình trạng yếu đi trước những thông tin mới ở thế giới và trong nước. Nhà đầu tư "đánh" lệch sóng trong giai đoạn gần đây thường không mang lại thành quả.

MB được vinh danh tại giải thưởng Sao Khuê 2024

MB được vinh danh tại giải thưởng Sao Khuê 2024

Vượt qua nhiều giải pháp xuất sắc, 3 sản phẩm số của MB là vòng thời trang thanh toán Stellar, thẻ MB JCB Be The Sky và phần mềm quản lý bán hàng mSeller đã được vinh danh tại giải thưởng Sao Khuê 2024, đánh dấu lần thứ sáu liên tiếp (2019-2024) MB nhận giải thưởng này.

Chat với BizLIVE