Mức lương hấp dẫn, nhân lực ngành IT vẫn thiếu trầm trọng

Dù được săn đón với mức lương hấp dẫn, nhưng dự đoán từ năm 2022 - 2024, ngành IT Việt Nam vẫn thiếu hụt 150.000 - 195.000 lập trình viên và kỹ sư công nghệ hàng năm.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Mới đây, trong Báo cáo thị trường IT Việt Nam - Tech Hiring 2022 của TopDev (nền tảng tuyển dụng công nghệ thông tin tại Việt Nam), đã có những đánh giá và phân tích thị trường lao động trong mảng công nghệ thông tin năm 2022.

Trong báo cáo, ông Park JongHo, Tổng giám đốc TopDev, nhận định rằng: Việt Nam đang có một nguồn nhân lực IT đầy hứa hẹn về chất và lượng cũng như thị trường tiềm năng và tăng trưởng kinh tế. Điều quan trọng nằm ở các kế hoạch, chiến lược về đầu tư, phát triển và định hướng cho nguồn lực này nhằm thúc đẩy các mục tiêu kinh tế, xã hội Quốc gia trong bối cảnh toàn cầu hóa.

Hai năm đại dịch là “cú hích” giúp đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số cho Việt Nam, đã tạo ra nhiều cơ hội cho phần lớn những người hoạt động trong lĩnh vực IT.

Ông Park JongHo cho rằng: “Đây thực sự là chặng đường dài, nhưng chúng tôi tin rằng sự thay đổi sẽ làm nên những điều lớn lao. Và để tạo ra sự thay đổi, mỗi bên đều có thể đóng góp theo vai trò riêng. Tất cả cho sự phát triển kinh tế lấy nhân tài làm trung tâm”.

Theo TopDev, làn sóng đầu tư nước ngoài đã mang đến nhiều cơ hội cho thị trường lao động IT Việt Nam mở rộng và trở nên sôi động hơn bao giờ hết. Việt Nam đã thu hút đủ sự chú ý để đưa các công ty công nghệ thông tin trong khu vực bắt đầu vào Việt Nam tuyển dụng và xây dựng đội ngũ kỹ sư phát triển sản phẩm.

Không những vậy, các doanh nghiệp truyền thống trong các lĩnh vực như du lịch, nông nghiệp, bất động sản…nay đã chuyển đổi số và bước vào mô hình thương mại điện tử. Điều này lại càng tạo nên sức ép cho bài toán khó về thiếu hụt nhân lực công nghệ thông tin của thị trường, khi nhu cầu tăng lên đáng kể nhưng khả năng đáp ứng còn nhiều hạn chế.

Trong khi đó, TopDev cho biết mức lương dành cho lập trình viên có dưới 2 năm kinh nghiệm dao động từ 350 - 565 USD/tháng (tương đương 8,3 - 13,4 triệu đồng/tháng).

Đối với các lập trình viên từ 5 năm kinh nghiệm trở lên, mức lương chênh lệch chủ yếu dựa trên vị trí và trách nhiệm đối với hoạt động kinh doanh, dao động từ 2.230 – 2.435 USD/tháng (tương đương 53 – 57,9 triệu đồng/tháng).

Vị trí giám đốc (tương đương hơn 10 năm kinh nghiệm) sẽ được hưởng mức lương từ 2.300 – 2.750 USD/tháng (54,7 – 65,4 triệu đồng/tháng).

Các vị trí CTO/CIO hoặc Tech Management vốn vẫn được coi là mục tiêu nghề nghiệp cao nhất với nhiều trách nhiệm và khả năng thích ứng hơn sẽ được trả mức lương đến 6.000 USD/tháng (142,7 triệu đồng/tháng).

Báo cáo cũng chỉ ra 3 ngành có thu nhập cao hàng đầu hiện nay là blockchain, công nghệ cao và Fintech (từ 1.000 - 3.500 USD/tháng).

Du nhập vào Việt Nam từ năm 2015, lĩnh vực High tech (AI, IoT, Điện toán đám mây,…) được coi là chìa khóa mang lại lợi thế cạnh tranh, xu hướng bắt buộc đến năm 2025. Fintech được coi là ngành thật sự cần thiết đối với các ngân hàng và tất cả các hệ thống quản trị doanh nghiệp.

Theo dự đoán trong các báo cáo trước đó của TopDev, các vị trí được trả lương cao nhất yêu cầu các kỹ năng như Data Analyst, Cloud, DevOps, AI/Machine Learning. Tuy được săn đón với mức lương hấp dẫn, nguồn cung nhân lực trong lĩnh vực công nghệ thông tin vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu và tốc độ phát triển như mong đợi của ngành.

TopDev cho biết, dù mức lương và thưởng của ngành này đang tăng lên đáng kể, nhưng dự đoán từ năm 2022 - 2024, Việt Nam vẫn thiếu hụt 150.000 - 195.000 lập trình viên/kỹ sư hàng năm. Khoảng cách này dự kiến còn cao cho đến năm 2024 khi nhu cầu lên tới 800.00 lập trình viên.

Sự thiếu hụt này xuất phát từ chênh lệch giữa trình độ của lập trình viên và yêu cầu kinh doanh. Đáng chú ý, hiện nay chỉ có 35% trong số 57.000 sinh viên chuyên ngành công nghệ thông tin đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Vũ Quang Thành, Phó giám đốc trung tâm dịch vụ Việc làm Hà Nội cho biết, nhân lực ngành công nghệ thông tin đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi số, đặc biệt từ sau dịch COVID-19 nhu cầu nhân lực trong ngành này chưa bao giờ giảm nhiệt.

“Lĩnh vực công nghệ vẫn có xu hướng tuyển dụng lớn trong tháng cuối năm. Các vị trí đang thiếu hụt là lập trình viên, kỹ sư công nghệ thông tin nhân viên thiết kế, nhân viên kỹ thuật... Hiện nay, bằng cấp không phải là yếu tố quan trọng nhất đối với nhân lực trong ngành công nghệ thông tin, năng lực chuyên môn thực tế mới là quyết định. Trong khi đó, việc đào tạo tại các trường đại học ở Việt Nam chưa đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, từ đó dẫn tới thiếu hụt nhân sự chất lượng cao", ông Thành nói.

Ông Vũ Quang Thành cho rằng, giải pháp để có nguồn nhân lực công nghệ thông tin đáp ứng được nhu cầu thị trường thì các trường đại học, trường nghề cần bắt tay đào tạo với các doanh nghiệp, trang bị hệ thống máy móc, cơ sở hạ tầng tốt để đào tạo đáp ứng nhu cầu nhân lực.

Đọc tiếp

Nhịp cầu doanh nghiệp

Ảnh minh họa

Dòng vốn FDI thúc đẩy nhu cầu tuyển dụng tăng cao

Sự tăng trưởng của dòng vốn FDI và các chính sách thân thiện với nhà đầu tư dành cho khu công nghiệp đã tạo điều kiện cho nhu cầu tuyển dụng tăng cao trong lĩnh vực sản xuất, kỹ thuật và bất động sản công nghiệp.
Chat với BizLIVE