Một yếu tố đẩy thị trường giảm sâu!

Ông Trương Hiền Phương cho biết, một yếu tố góp phần cho thị trường giảm mạnh hơn đó là sự tham gia bán xuống của nhà đầu tư lớn…
Ông Trương Hiền Phương
Ông Trương Hiền Phương

Quan điểm được ông Trương Hiền Phương, chuyên gia cấp cao, CTCK KIS Việt Nam chia sẻ với chúng tôi xoay quanh diễn biến của thị trường chứng khoán Việt Nam.

Ông có bình luận gì về đợt giảm thị trường hiện nay?

Thị trường vừa qua trải qua đợt biến động khá mạnh theo khuynh hướng giảm, nguyên nhân chính đến từ tâm lý nhà đầu tư trước tin FED tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm, là mức cao nhất 30 năm.

Khi thông tin gần như được dự đoán chính xác, thị trường Mỹ giảm 3-4%, là mức giảm lớn. Điều này dẫn tới tâm lý nhà đầu tư Việt Nam quan ngại, lo lắng theo. Khi FED chính thức công bố nâng lãi suất, thị trường tăng điểm trở lại. Thị trường Việt Nam hôm sau cũng tăng điểm tốt nhưng sau đó quay lại với sự lo lắng.

Lãi suất của Mỹ là một trong kim chỉ nam toàn cầu. Các NHTW ở các quốc gia khác trong đó có Việt Nam sẽ phải cân nhắc tăng tương ứng FED. Việc tăng lãi suất dẫn tới chi phí vốn toàn cầu tăng cao, biên lợi nhuận giảm.

Điều nhà đầu tư quan ngại nữa, khi FED tăng lãi suất, lợi tức trái phiếu chính phủ Mỹ tăng lên, dẫn tới dòng tiền đầu tư ở quốc gia mới nổi quay về đầu tư tại Mỹ.

Ngoài ra, khi thị trường có những phiên giảm nhanh mạnh, 1, 2 phiên sau đó xảy ra hiện tượng force sell, các nhà đầu tư không thu xếp được tiền bị bán giải chấp. Dù margin hiện không còn cao như trước, không nhiều nhà đầu tư bị bán giải chấp nhưng cũng góp phần khiến thị trường bị giảm.

Yếu tố nữa là sự tham gia bán xuống của nhà đầu tư lớn. Đây là chiến lược đầu cơ giá xuống. Nhà đầu tư lớn đôi khi chỉ đầu tư một vài mã, khi họ nhận thấy thị trường khó có khả năng tăng, họ chấp nhận bán trước. Họ bán chủ động ở vùng giá cao, khi giá sụt sâu, nhỏ lẻ bán ra hoặc bị bán giải chấp thì nhà đầu tư lớn mua lại. Điều này cũng góp phần làm thị trường giảm giá.

Theo tôi thị trường đang diễn biến thông qua các yếu tố chính này, không phải do vấn đề nền kinh tế xấu, các doanh nghiệp làm ăn không tốt mà mang tính tâm lý của nhà đầu tư, phản ứng theo bầy đàn.

Những vấn đề như lạm phát, kinh tế trở nên khó khăn hơn khi FED tăng lãi suất. Nhưng thực tế cho thấy, tới nay tỷ lệ lạm phát ở Việt Nam không ở mức cao, chưa tới mức đáng lo ngại. Nếu lạm phát tại Mỹ hơn 8%, ở Việt Nam thống kê sơ bộ nằm ở dưới 3%. Đầu năm, Quốc hội thống nhất con số 4%. Và cuối tuần qua, Phó thống đốc NHNN cũng chia sẻ chúng ta có thể kìm chế lạm phát ở quanh mức 4%.

Cộng thêm lãi suất ở Việt Nam vẫn duy trì ở mức ổn định, dù lãi suất huy động có khuynh hướng nhích dần lên nhưng không tăng nhiều như ở Mỹ. Nguyên nhân chính lạm phát là do lạm phát chi phí đẩy, do giá dầu mỏ, khí đốt tăng cao dẫn tới chi phí vận chuyển tăng, đẩy giá cả hàng hóa khác tăng.

Dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương đã đề xuất các giải pháp như bỏ quỹ bình ổn giá xăng dầu, Bộ Tài chính đề xuất giảm tối đa thuế bảo vệ môi trường... Nếu được thông qua sẽ kéo giá xăng dầu trong nước xuống.

Với những giải pháp đồng bộ, chính sách uyển chuyển của Chính phủ, NHNN thì nỗi lo lạm phát để khiến nhà đầu tư phản ứng mạnh, bán tống bán tháo trên thị trường là không hợp lý lắm. Nhà đầu tư nên cân nhắc giữa vấn đề bất lợi và có lợi.

Ông có nhận định gì về bức tranh kết quả kinh doanh quý 2 sắp được các doanh nghiệp công bố?

Dựa trên 2 yếu tố chính, thứ nhất năm 2022 chúng ta đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất đó là giãn cách. Về mặt cảm quan, tôi tin tưởng các doanh nghiệp hoạt động tốt trở lại, kinh tế hồi phục trở lại.

Về số liệu, kết thúc quý 4/2021, các doanh nghiệp đã vượt qua giai đoạn khó khăn và đạt kết quả tốt hơn. Quý 1/2022, doanh nghiệp cũng đạt mức tốt hơn quý trước đó. Nền kinh tế đang hồi phục, cơ hội mở ra nhiều cho các doanh nghiệp, tôi cho rằng, quý 2/2022 hầu hết doanh nghiệp sẽ tăng trưởng dương ở mức tốt so với quý 1/2022 cũng như cùng kỳ 2021. Tôi đánh giá là tích cực.

Nhận định của ông về thị trường trong thời gian tới?

Trong vài tháng thị trường trải qua 2 đợt sụt giảm. Đợt một kéo dài từ tháng 4 tới gần cuối tháng 5, thị trường sụt giảm sâu dài, từ vùng 1.500 điểm xuống dưới 1.200 điểm. Thị trường có một đợt hồi lên trên 1.200, tới khi FED tăng lãi suất thị trường lại sụt giảm mạnh. Đợt giảm thứ hai này khá mạnh tạo cho nhà đầu tư tâm lý thị trường vào đợt sụt giảm tiếp.

Nhưng tôi nhắc lại, đợt thứ 2 này chủ yếu liên quan tâm lý, nhà đầu tư trong nước thấy thế giới bán tháo cũng bán tháo. Tâm lý cộng với yếu tố kỹ thuật mà không đến từ nội tại kinh tế trong nước hay hoạt động không hiệu quả của doanh nghiệp. Nhà đầu tư đang bị rơi vào đầu tư theo cảm tính, bầy đàn hơn là phân tích cơ bản.

Có thể thị trường còn chịu sụt giảm vài đợt nữa, vì đến từ chủ quan của nhà đầu tư cá nhân. Nhưng tôi nghĩ yếu tố không dựa trên nền tảng chuẩn mực thì sẽ sớm dừng lại, thị trường sẽ sớm bình ổn trong thời gian tới. Khi kết quả kinh doanh quý 2 công bố, có thể nhà đầu tư bình tâm trở lại, thay đổi quan điểm, đẩy mạnh mua vào thay vì bán ra.

Vấn đề lớn của thị trường hiện nay là thanh khoản không dồi dào như giai đoạn 2020-2021. Các nhận định đều cho rằng hiện khó hút dòng tiền như giai đoạn trước đây, ông có ý kiến gì về điều này?

Tôi đồng tình quan điểm khó chứng kiến thanh khoản trên thị trường nhiều như 2020 -2021. Vì lúc đó hiệu ứng dòng tiền rẻ tác động, khi giãn cách, nhiều doanh nghiệp, cá nhân đổ tiền vào thị trường thay cho việc mở rộng sản xuất kinh doanh do hạn chế đi lại. Tuy nhiên, hiện nay nền kinh tế đã ổn định gần như hoàn toàn, các doanh nghiệp hoạt động trở lại bình thường, dòng tiền một phần rút ra khỏi chứng khoán để trở lại sản xuất kinh doanh hoặc thương mại.

Thứ hai, qua hai đợt giảm sâu, trong đó đợt một giảm gần 2 tháng đã tiêu tốn nhiều tiền của nhiều nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư F0. Nhiều nhà đầu tư thua lỗ có thể đã rời bỏ thị trường hoặc còn ít vốn. Người rời bỏ thị trường có thể cần một khoảng thời gian để nguôi ngoai, cân nhắc quay lại. Còn một số nhà đầu tư hiện hữu số vốn không nhiều, có sự thận trọng cao, việc tích cực mua bán không như trước, dẫn tới thanh khoản giảm.

Thứ ba, việc giảm liên tục khiến nhiều nhà đầu tư e ngại, từ F0 tới Fn cho dù họ có tiền. Theo một số thông tin, tiền chờ của nhà đầu tư để ở các CTCK là hơn 100.000 tỷ, cho thấy lượng tiền mặt trực chờ sẵn khá nhiều. Vấn đề là họ không dám giải ngân do thận trọng.

Tôi cho rằng trong thời gian tới thị trường khó có những phiên 30.000- 40.000 tỷ đều đặn. Thị trường nếu có những phiên hồi phục tích lũy, thanh khoản sẽ quay về vùng 20.000 tỷ/phiên.

Ông có bình luận gì về dữ liệu tài khoản mở mới vẫn tăng nhưng thanh khoản không tăng theo?

Theo thông tin tôi được biết, số lượng tài khoản mở tăng mạnh tháng 5 đến từ việc một CTCK thành viên của một ngân hàng mở tài khoản cho khách hàng đang giao dịch của ngân hàng mẹ. Điều này không đến từ việc nhà đầu tư có nhu cầu đổ tiền vào giao dịch chứng khoán.

Thêm nữa, nhà đầu tư được quyền mở tài khoản chứng khoán ở nhiều đơn vị. Đôi khi họ không hài lòng với chỗ cũ nên chuyển qua công ty chứng khoán mới, như vậy không có nghĩa họ là F0 cũng như dòng tiền mới. Số liệu của VSD chỉ là tài khoản mở mới, chưa chắc tất cả mở mới là F0 mà có thể là Fn chạy chỗ.

Theo ông ngành nào được thu hút hiện nay?

Tôi cho rằng ngành phân đạm hiện được hưởng lợi do Nga là một trong quốc gia xuất khẩu phân đạm lớn, cộng thêm các hóa chất sản xuất ra phân đạm. Nhưng do hiệu ứng cấm vận dẫn tới giá cả phân đạm tăng cao. Theo đó các công ty sản xuất phân đạm hưởng lợi nhiều.

Thứ hai là ngành dầu khí khi mà cuộc chiến Nga - Ukraine chưa thấy điểm dừng, nhiều dự báo cuộc chiến còn tiếp diễn. Châu Âu lại đang đi đến quyết định cấm vận dầu khí của Nga mạnh mẽ hơn nữa. Do đó giá dầu, khí đốt ít nhất vẫn giữ mức cao, trong khi khai thác dầu mỏ quanh 60-70 USD/thùng tùy quốc gia đã tìm được điểm hòa vốn. Với giá dầu hiện 120 USD các công ty khai thác hưởng lợi nhiều. Với Việt Nam, những công ty khai thác dầu khí, cung cấp dịch vụ dầu khí sẽ hưởng lợi.

Thứ ba là ngành chứng khoán. Cho dù thanh khoản sụt giảm, nhiều người quan ngại CTCK bị ảnh hưởng nhưng tính tới hiện nay giá trị giao dịch tăng gấp 4-5 lần so với thời điểm trước 2020, khi mà thanh khoản chỉ ở mức 3.000 - 4.000 tỷ/phiên, ít phiên đạt 5.000 tỷ. Trong khi hiện ở mức 16.000 tỷ/phiên, sắp tới có thể trở về vùng 20.000 tỷ.

Thêm nữa, hiện giờ các CTCK cho vay margin nhiều. Cho dù thanh khoản giảm, phí cho vay giảm nhưng lãi vay theo hướng tăng dần. Khoản thu của các CTCK không chỉ nằm ở phí giao dịch mà còn nằm ở cho vay margin.

Ngoài ra có ngành khác như ngân hàng cho thấy biên lợi nhuận tốt, hay may mặc hưởng lợi từ kinh tế hồi phục, đặt biệt là cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp thu hút sự quan tâm và tăng trưởng trong thời gian tới…

Với các nhà đầu tư, ông có lời khuyên gì tới họ lúc này?

Trong giai đoạn hiện nay, tôi cho rằng việc tìm kiếm lợi nhuận ngắn hạn, tăng nhanh như trước thực sự là khó vì thị trường biến động khó lường bởi các yếu tố tôi đề cập ở trên. Không thể chắc chắn thị trường đã ổn định hay đã tạo đáy hay chưa. Nhà đầu tư tham gia vào và kỳ vọng ngắn hạn lãi 5-7% là khó. Đôi khi trong chừng mực nào đó nhà đầu tư mua vào và bị lỗ là bình thường vì giá hôm nay đã giảm vẫn có thể bị giảm thêm, không lường được do thủ thuật như đầu cơ giá xuống khiến giá giảm nữa. Nhà đầu tư cần thận trọng trong giai đoạn hiện nay.

Nhưng nếu trên góc độ đầu tư trong trung và dài hạn nhà đầu tư nên cân nhắc lựa chọn cổ phiếu doanh nghiệp có chiến lược hoạt động, đội ngũ lãnh đạo tốt đang bị bán tháo, xuống dưới giá trị thì có thể giải ngân dần vào. Bởi khi thị trường hồi phục những cổ phiếu tốt sẽ được thị trường nhìn nhận, thị trường tăng nhanh có thể việc mua cổ phiếu tốt giá rẻ khó.

Với nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu thì không cần thiết phải bán trong giai đoạn hiện nay vì giá đã quá thấp. P/E tùy ngành, dao động 7, 8 tới quanh 12 lần. Trong khi P/E các nước khu vực 17-20 lần. Lúc thị trường Việt đạt đỉnh điểm P/E 15-20, như vậy bây giờ là mức hợp lý, không có lý do bán tháo.

Tôi tin những nhà đầu tư đã bán cổ phiếu vừa qua đa phần là bán lỗ thì càng không nên bán tháo vì doanh nghiệp vẫn làm tốt, kinh doanh có lời, đường hướng phát triển tiềm năng thì đâu có lý do bán tháo. Hãy nắm giữ cổ phiếu trung dài hạn, gắn bó với doanh nghiệp. Nếu có bán, nhà đầu tư cân nhắc hoán chuyển danh mục. Ví dụ, lúc trước mua cổ phiếu không được tốt, nhân lúc thị trường giảm, nhà đầu tư bán cổ phiếu không được tốt chuyển qua mua cổ phiếu tốt. Khi thị trường tăng trưởng lại, cổ phiếu tốt sẽ tăng, cổ phiếu không tốt không tăng hoặc ít thì nhà đầu tư có thể tìm kiếm lợi nhuận tốt hơn.

Cảm ơn ông!

Đọc tiếp

VN-Index đã lấy lại mốc 1.200 điểm sau 4 phiên

VN-Index đã lấy lại mốc 1.200 điểm sau 4 phiên

Chuỗi 4 phiên giao dịch dưới mốc 1.200 điểm đã tạm thời được cắt đứt. VN-Index đã xuất hiện một phiên tăng hơn 2% giúp cho nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu, cũng như nhóm đã bắt đáy có được sự nhẹ nhõm trong tâm lý giao dịch.

VIB: Chiến lược cá nhân hóa chi tiêu qua thẻ theo từng phân khúc khách hàng

VIB: Chiến lược cá nhân hóa chi tiêu qua thẻ theo từng phân khúc khách hàng

Theo sát hành trình chi tiêu không tiền mặt của khách hàng từ những ngày đầu ra mắt sản phẩm thẻ tín dụng đến cột mốc tái cấu trúc thẻ cách đây nhiều năm, dấu ấn của VIB không chỉ là những con số biết nói, là vị thế dẫn đầu về công nghệ, ưu đãi và trải nghiệm người dùng, mà còn là sự tin tưởng, gắn bó của chủ thẻ.

Nhịp cầu doanh nghiệp

Techcombank: Tỷ lệ CASA quý I/2024 ở mức 40,5%, giữ ngôi vị quán quân

Techcombank: Tỷ lệ CASA quý I/2024 ở mức 40,5%, giữ ngôi vị quán quân

Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) công bố kết quả kinh doanh hợp nhất quý I/2024 với lợi nhuận trước thuế đạt 7.802 tỷ đồng, tăng 38,7% so với cùng kỳ năm 2023. Lợi thế về vốn giá rẻ (tiền gửi không kỳ hạn - CASA) quý I tiếp tục tăng lên 40,5%, vượt xa các đối thủ cạnh tranh trong ngành.

Quý I, Chứng khoán DNSE tăng doanh thu 21% so với cùng kỳ

Quý I, Chứng khoán DNSE tăng doanh thu 21% so với cùng kỳ

Quý I/2024, Chứng khoán DNSE ghi nhận doanh thu tăng 21%, lợi nhuận sau thuế tăng 78% so với cùng kỳ, đồng thời tiếp tục thuộc top dẫn đầu thị phần tài khoản mở mới, chiếm 30% tổng số tài khoản mở mới toàn thị trường.

Chat với BizLIVE