Quay về eMagazine
Một con số, một kỳ vọng

Một con số, một kỳ vọng

Một con số cho thấy tình hình doanh nghiệp đang rất khó khăn. Và vẫn là một kỳ vọng đó, đầu tư công làm sao thực sự được khơi thông để lan tỏa nguồn lực cho nền kinh tế.

Ấn tượng với sức tăng trưởng GDP trên 8% năm qua, song các chuyên gia không mấy lạc quan với triển vọng năm 2023. Điểm xuất phát của nền kinh tế trong năm mới còn đó những níu kéo.

Nhìn lại năm 2022, TS. Nguyễn Quốc Việt - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) cho rằng, với mức tăng GDP trên 8%, kinh tế Việt Nam đã có mức tăng trưởng thành công so với các nước trong khu vực, đặc biệt là châu Á (có nhiều tương quan với Việt Nam).

“14/15 chỉ tiêu Việt Nam đã đạt và vượt mục tiêu mà Quốc hội và Chính phủ đề ra là bằng chứng rõ nét nhất có sự phục hồi của kinh tế Việt Nam”, TS. Việt nói.

Đặc biệt, trong bối cảnh thị trường Trung Quốc có sự suy giảm về tăng trưởng do duy trì chính sách Zero COVID kéo dài đã hạn chế sự gia tăng xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường lớn nhất này. Tuy vậy, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam năm qua vẫn đạt được kỷ lục hơn 730 tỷ USD.

“Sự hội nhập của Việt Nam vào các thể chế kinh tế thông qua các hiệp định thương mại tự do đã mở ra được những thị trường có chất lượng. Đây là sự thành công và động lực cho tăng trưởng của Việt Nam năm 2022”, ông Việt nhìn nhận. Dù vậy, Phó viện trưởng Viện VEPR cho rằng Việt Nam không nên quá lạc quan vì thách thức, hay những “cơn gió ngược” vẫn đang ở phía trước.

Phân tích cụ thể, dù lạm phát toàn cầu đã đạt đỉnh hay “cuộc chạy đua” về lãi suất và tỷ giá không còn căng thẳng như năm 2022 nhưng vẫn chưa chấm dứt. Trong bối cảnh đó, xung đột ở Ukraine vẫn leo thang và kéo dài, tiếp tục tạo khó khăn đối với kinh tế toàn cầu, đặc biệt với chuỗi cung ứng và vấn đề năng lượng.

“Các đối tác kinh tế, thương mại, đầu tư hàng đầu của Việt Nam chịu tác động tiêu cực từ cuộc chiến này đang phải đối phó với suy giảm kinh tế, đặc biệt là phải “căng mình” chống đỡ với lạm phát, nên nhu cầu chi tiêu của người dân, đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp suy giảm, khiến việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài và duy trì tốc độ tăng trưởng xuất nhập khẩu của Việt Nam đã không còn thuận lợi”, TS. Nguyễn Quốc Việt nhìn nhận.

Trong bối cảnh đó, theo TS. Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), doanh nghiệp - lực lượng xung kích trong phát triển kinh tế đang gặp nhiều khó khăn như thị trường đầu ra suy giảm, tỷ giá và lãi suất tăng liên tục và cuối cùng đẩy vào chi phí doanh nghiệp. Khi giá đầu vào tăng, giá đầu ra tăng thì doanh nghiệp mới duy trì được lợi nhuận, nhưng trên thực tế các doanh nghiệp không thể tăng được giá khiến lợi nhuận giảm đi.

“Rất nhiều doanh nghiệp đang phải gồng lỗ, thu hẹp sản xuất và cho người lao động nghỉ việc”, TS. Nguyễn Đình Cung nêu thực tế và dẫn một con số đáng chú ý: “Cứ 100 doanh nghiệp xuất hiện trên thị trường thì 70 doanh nghiệp rút khỏi thị trường. Một tỷ lệ rất cao, đến 70%. Trước đây tỷ lệ này chỉ ở 15-20%, thời kỳ khủng hoảng năm 2009 và năm 2014, tỷ lệ này ở mức 60%. Điều này thể hiện, doanh nghiệp đang vô cùng khó khăn trong hoạt động kinh doanh”.

Trong khi đó, một kỳ vọng vào động lực rất lớn cho phục hồi tăng trưởng kinh tế hậu COVID-19, đầu tư công và Chương trình phục hồi kinh tế thực hiện trong hai năm 2022-2023 chậm giải ngân khiến bỏ lỡ cơ hội tăng trưởng cao hơn trong 2022 và để tạo nền tảng tốt hơn cho năm 2023.

“Có nhiều nguyên nhân, trong đó có cả các nguyên nhân về thể chế, những ngập ngừng về chính sách, những rụt rè từ cơ quan thực thi dẫn đến độ trễ nhất định khi thực hiện đầu tư công và hỗ trợ kinh tế”, ông Cung nuối tiếc.

Hướng về năm 2023, PGS.TS Nguyễn Anh Thu, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội có phần lạc quan với một số kết quả đạt được, cũng như chuyển biến gợi mở từ cuối 2022.

“Trong nước, lạm phát tăng nhưng không phải là quá mạnh; đồng VND mất giá không nhiều; lãi suất huy động tăng mạnh trong tháng 10 và 11 nhưng ít nhiều lãi suất cho vay không như lãi suất huy động. Hay gần đây, với những chính sách tiền tệ chủ động và linh hoạt từ phía Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại đã giảm ít nhiều lãi suất và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh”, PGS.TS Nguyễn Anh Thu nhìn nhận.

Tuy vậy, để có mức tăng trưởng GDP hơn 6,5% trong năm 2023, có nhiều vấn đề phải giải quyết. “Dự kiến đầu năm 2023, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vẫn tiếp tục tăng lãi suất đồng USD. Vì vậy, thời gian tới, trọng tâm vẫn là chính sách tiền tệ và tài khóa để ổn định kinh tế vĩ mô, để cộng đồng doanh nghiệp yên tâm đẩy mạnh sản xuất kinh doanh”, PGS.TS Nguyễn Anh Thu nêu.

Ngoài ra, sự phục hồi các ngành trong nền kinh tế không đồng đều, ngành dịch vụ chưa phục hồi hoàn toàn, đứt gãy chuỗi cung ứng trong các ngành sản xuất… đều là những bài toán khó trong quá trình phục hồi và phát triển kinh tế năm 2023.

“Các bộ ngành phải giải quyết được vấn liên quan đến chuỗi cung ứng nguồn nguyên liệu đầu vào, hay các gói hỗ trợ của Chính phủ cần được đẩy mạnh để đến được doanh nghiệp là điểm quan trọng để giữ được đà tăng trưởng trong năm 2023”, bà Thu khuyến nghị.

Về động lực kinh tế của Việt Nam thời gian tới, ông Nguyễn Đình Cung cho rằng, trong bối cảnh tất cả động lực chính như sản xuất công nghiệp, dịch vụ, xuất khẩu… phụ thuộc nhiều vào kinh tế giới, thì đầu tư công và chi tiêu Chính phủ sẽ đóng vai trò bệ đỡ để duy trì tốc độ tăng trưởng và bù đắp lại những động lực bị thiếu hụt.

Vì vậy, để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, các bộ ngành và địa phương Việt Nam cần phải có tiếp cận mới trong việc xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn, lựa chọn và phân bổ dự án. “Các quy định thủ tục cuối cùng cũng là để đảm bảo hiệu quả. Bây giờ mình đã lựa chọn rồi là không thể không làm và phải tập trung nguồn lực, tập trung năng lực xây dựng, tập trung chỉ đạo, tập trung kiểm tra kiểm soát và như vậy mọi người sẽ an tâm cùng phối hợp với nhau”, ông Cung nêu rõ.

Theo TS. Nguyễn Đình Cung, có nhiều dự án trọng điểm quốc gia không thể không làm như Dự án vành đai 3, Dự án vành đai 4, Dự án sân bay Tân Sơn Nhất, Dự án sân bay Long Thành,… thì không cứng nhắc thủ tục, mà phải tập trung vốn, nguồn lực và triển khai càng nhanh các tốt và lấy hiệu quả làm đầu tiên.

“Theo tính toán, vốn đầu tư công giải ngân tăng thêm 1% sẽ làm GDP tăng thêm 0,06%, góp phần tích cực cho tăng trưởng kinh tế. Ngoài ra, nếu đẩy mạnh giải ngân đầu tư công thì sẽ có tác động lớn đến nền kinh tế, trong đó tác động đến thanh khoản với nền kinh tế, đối với các tổ chức tín dụng, đối với tiếp cận vốn của doanh nghiệp”, ông Cung nói thêm về một kỳ vọng đó.

Chuyên đề Kinh tế Việt Nam Xuân Quý Mão 2023.

Theo AP Vững vàng phía trước

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Chat với BizLIVE