"Một bộ phận người lao động không được tăng lương tối thiểu vùng trong khi lạm phát gia tăng"

Đây là thông tin được Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Vĩnh Phúc đưa ra tại báo cáo gửi UBND tỉnh Vĩnh Phúc về tình hình lao động, việc làm trên địa bàn tỉnh này.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Vĩnh Phúc, năm 2021, tiền lương bình quân của người lao động trong các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh là 6.524.605 đồng/người/tháng, tăng 5,6% so với năm 2020, tiền lương bình quân thấp nhất là 4.623.498 đồng/người/tháng, tiền lương bình quân cao nhất 14.409.984 đồng/người/tháng.

Khoảng 75,2% số doanh nghiệp, sử dụng 55,8% số lao động làm việc tại các doanh nghiệp có tiền lương bình quân thấp hơn tiền lương bình quân chung toàn tỉnh (6.524.605 đồng/người/tháng). Khoảng 33% số doanh nghiệp, sử dụng 12,7% số lao động làm việc tại các doanh nghiệp có tiền lương bình quân thấp hơn tiền lương bình quân thấp nhất của tỉnh (4.623.468 đồng/người/tháng).

Ngoài tiền lương, các doanh nghiệp còn có các chính sách đãi ngộ khác cho người lao động như thưởng, hỗ trợ đi lại, thuê nhà, điện thoại, nuôi con nhỏ, tổ chức tuyên dương, tặng quà hoặc khen thưởng cho người lao động có thành tích xuất sắc, hỗ trợ cho người lao động hoàn cảnh khó khăn…

Thu nhập bình quân của người lao động trong doanh nghiệp là 9.610.000 đồng/người/tháng, tăng 390.000 đồng/người/tháng so với năm 2020.

So với các tỉnh thuộc Đồng bằng sông Hồng và các tỉnh phía Bắc, tiền lương bình quân của người lao động làm việc tại các doanh nghiệp Vĩnh Phúc đứng thứ 5/11 tỉnh của Đồng bằng Sông Hồng. Thu nhập bình quân của người lao động làm việc tại doanh nghiệp đứng thứ 4/11 tỉnh của Đồng bằng sông Hồng và thứ 6/25 tỉnh phía Bắc.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, từ năm 2020, dịch COVID-19 bùng phát, đã tác động tiêu cực tới đời sống, kinh tế - xã hội, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp bị ảnh hưởng khá lớn, đặc biệt đối với những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ, tình trạng thiếu hụt lao động cục bộ, tạm thời đang diễn ra khá phổ biến trong các doanh nghiệp, do số lao động là F0, F1 tăng cao.

Nguồn cung lao động cho các doanh nghiệp ngày một giảm, kể cả lao động ngoại tỉnh, tình trạng thất nghiệp vẫn xảy ra, do tính ổn định việc làm của một số doanh nghiệp và số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng.

Năm 2021, trung bình mỗi tháng có 43 doanh nghiệp dừng sản xuất, kinh doanh, giải thể. Quý 1/2022, trung bình mỗi tháng có 105 doanh nghiệp dừng sản xuất, kinh doanh, giải thể. Việc doanh nghiệp tạm dừng hoạt động sản xuất kinh doanh, chấm dứt hoạt động, ảnh hưởng tới việc làm, thu nhập của một bộ phận người lao động.

Nhiều doanh nghiệp đã 3 năm trở lại đây không điều chỉnh mức lương cho người lao động, vì vậy tiền lương, thu nhập của một bộ phận người lao động không đảm bảo sinh hoạt, cuộc sống, dẫn tới một số doanh nghiệp trong khu công nghiệp xuất hiện tình trạng ngừng việc tập thể, kiến nghị người sử dụng lao động các nội dung liên quan đến nâng lương.

Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh Vĩnh Phúc thông tin, ngày 12/4/2022, Hội đồng tiền lương quốc gia đã họp và thống nhất đề xuất Chính phủ phương án tăng lương tối thiểu vùng lên 6% từ ngày 1/7/2022. Do đó, dự kiến mức lương tối thiểu vùng II (thành phố Vĩnh Yên, thành phố Phúc Yên, huyện Yên Lạc, huyện Bình Xuyên) tăng từ 3.920.000 đồng lên 4.160.000 đồng; mức lương tối thiểu vùng III (các huyện còn lại) tăng từ 3.430.000 đồng lên 3.640.000 đồng/tháng.

Việc điều chỉnh lương tối thiểu vùng nhằm hỗ trợ người lao động giảm bớt khó khăn và là động lực để tăng năng suất lao động.

"Tuy nhiên, việc điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng dẫn tới chi phí tiền lương, tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế của người sử dụng lao động tăng, chưa kể các phụ cấp, khoản bổ sung, hỗ trợ cho người lao động tính trên cơ sở mức lương tối thiểu vùng cũng sẽ tăng theo", báo cáo cho biết.

Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh Vĩnh Phúc dự báo, đời sống của người lao động sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, tiền lương, thu nhập của người lao động.

Một bộ phận người lao động sẽ không được điều chỉnh tiền lương, do mức lương hiện hưởng đã cao hơn mức lương tối thiểu vùng. Trong khi, lạm phát gia tăng, giá cả các mặt hàng không ngừng “leo thang” (Quý 1/2022, chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 3/2022 tăng 0,92% so với tháng 2/2022 và tăng 2,06% so với cùng kỳ năm trước).

Do đó, Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh Vĩnh Phúc đề xuất UBND tỉnh Vĩnh Phúc xem xét, ban hành Nghị quyết về một số chính sách hỗ trợ giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2025, vào kỳ họp giữa năm 2022.

Xem xét, chỉ đạo ban hành một số chính sách về hỗ trợ một phần tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động. Hỗ trợ người lao động làm việc tại doanh nghiệp đi về hằng ngày bằng xe buýt của tỉnh Vĩnh Phúc.

Xem xét, chỉ đạo ban hành cơ chế đặc thù của tỉnh để triển khai các dự án khu nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, kèm theo các thiết chế để quản lý tại địa bàn Vĩnh Yên, Bình Xuyên nơi có các khu công nghiệp nhằm thu hút lao động ngoại tỉnh. Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp được xây dựng khu ký túc xá cho công nhân lao động, bằng kinh phí của doanh nghiệp.

Đọc tiếp

Nhịp cầu doanh nghiệp

Ảnh minh họa

Dòng vốn FDI thúc đẩy nhu cầu tuyển dụng tăng cao

Sự tăng trưởng của dòng vốn FDI và các chính sách thân thiện với nhà đầu tư dành cho khu công nghiệp đã tạo điều kiện cho nhu cầu tuyển dụng tăng cao trong lĩnh vực sản xuất, kỹ thuật và bất động sản công nghiệp.
Chat với BizLIVE