Mô hình kinh tế rất thành công của Đức đã không còn hiệu quả?

Do bị ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc khủng hoảng năng lượng và lạm phát kỷ lục, Đức - nền kinh tế lớn nhất châu Âu đang đối mặt với nguy cơ suy thoái.
Người dân mua sắm tại các cửa hàng ở Tauentzienstrasse, Berlin (Đức). Ảnh: Getty Images/TTXVN
Người dân mua sắm tại các cửa hàng ở Tauentzienstrasse, Berlin (Đức). Ảnh: Getty Images/TTXVN

Theo báo Focus (Đức), nền kinh tế Đức bị ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc khủng hoảng năng lượng và lạm phát kỷ lục. Các chuyên gia kinh tế dự báo sản lượng kinh tế sẽ giảm từ quý III/2022 đến mùa Xuân năm sau. Nền kinh tế lớn nhất châu Âu đang đối mặt với nguy cơ suy thoái.

Theo các chuyên gia kinh tế, tình trạng suy thoái kinh tế ở Đức có thể sẽ nghiêm trọng hơn nhiều nước châu Âu khác, nhưng không tồi tệ như trong năm đầu tiên của đại dịch COVID-19. Năm 2020, khi đó Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Đức giảm hơn 4%. Các chuyên gia kỳ vọng mọi thứ sẽ khởi sắc trở lại từ đầu mùa Hè năm 2023.

Nguyên nhân chính gây ra suy thoái kinh tế

Chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine từ ngày 24/2 năm nay đã làm tiêu tan hy vọng phục hồi bền vững của kinh tế Đức sau hai năm đại dịch COVID-19. Chiến tranh và hậu quả đi kèm càng làm trầm trọng thêm những vấn đề vốn đã đè nặng lên nền kinh tế lớn nhất châu Âu, mà trước hết là tình trạng giá năng lượng tăng chóng mặt và tắc nghẽn nguồn cung nguyên liệu thô cùng sản phẩm trung gian quan trọng.

Nhà kinh tế trưởng Carsten Brzeski của ngân hàng ING (Đức) cho rằng cuộc xung đột tại Ukraine đã đánh dấu sự kết thúc của mô hình kinh tế rất thành công của nước Đức, đó là nhập khẩu năng lượng giá rẻ (từ Nga) và hàng hóa trung gian, xuất khẩu sản phẩm chất lượng cao ra thế giới và hưởng lợi từ toàn cầu hóa.

Công nghiệp - trụ đỡ của nền kinh tế

Hiện tại, số lượng đơn đặt hàng của ngành công nghiệp Đức vẫn rất lớn, dù số lượng đơn hàng mới gần đây đã giảm đáng kể. Chuyên gia kinh tế Nils Janssen từ Viện Kinh tế thế giới (IfW) đánh giá rằng nhìn chung số lượng đơn đặt hàng của các ngành công nghiệp Đức vẫn tốt, do đó lĩnh vực công nghiệp có thể tiếp tục là trụ cột quan trọng của nền kinh tế trong những tháng tới nếu các nút thắt nguồn cung giảm bớt.

Ngoài ra, Chính phủ Đức đang nỗ lực giảm thiểu hậu quả đối với người tiêu dùng và các doanh nghiệp do giá năng lượng tăng mạnh, bằng cách cung cấp các gói cứu trợ trị giá hàng tỷ euro. Nhưng chuyên gia Stefan Kooths của viện IfW cho rằng nhà nước chỉ có thể giúp giảm bớt gánh nặng mà không thể giúp loại bỏ nó cho các doanh nghiệp.

Những khó khăn đè nặng lên nền kinh tế

Giá năng lượng liên tục ở mức rất cao trong thời gian dài đang ảnh hưởng rất lớn tới toàn bộ nền kinh tế Đức và thúc đẩy lạm phát tăng mạnh. Hàng hóa trong siêu thị, xăng dầu, khí đốt, các dịch vụ... đều đắt đỏ hơn nhiều so với trước xung đột. Chi tiêu cá nhân - một trụ cột quan trọng của nền kinh tế - do đó giảm mạnh.

Theo đánh giá của ông Marcel Fratzscher, Chủ tịch Viện Nghiên cứu kinh tế Đức (DIW), lạm phát cao làm giảm nhu cầu mua sắm của người dân, khiến doanh nghiệp bán được ít hàng hóa hơn và do đó có ít tiền hơn cho các khoản đầu tư mới. Điều này có thể dẫn tới một vòng xoáy đi xuống với hậu quả là tình trạng kinh tế yếu kém kéo dài trong một hoặc hai năm.

Giá năng lượng tăng cao là gánh nặng cho các doanh nghiệp, nhiều công ty đã phải ngừng các dây chuyền sản xuất vì chúng không còn mang lại hiệu quả kinh tế. Thêm vào đó, những khó khăn do các chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn từ cuộc khủng hoảng COVID-19 vẫn chưa chấm dứt.

Chính sách "Zero COVID" của Trung Quốc vốn thường xuyên dẫn đến việc đóng cửa nhiều nơi tại nước này trong năm nay, đã nhiều lần gây áp lực lên các chuỗi cung ứng. Nguyên liệu thô và sản phẩm trung gian thường khan hiếm và đắt đỏ.

Tình hình thị trường lao động tại Đức

Cho đến nay, hậu quả kinh tế của cuộc xung đột tại Ukraine hầu như không ảnh hưởng nhiều đến thị trường lao động tại Đức. Bà Andrea Nahles, Chủ tịch Cơ quan Việc làm liên bang Đức (BA), cho biết bất chấp những bất ổn kinh tế và chính trị, thị trường lao động Đức vẫn ổn định.

Các chuyên gia kinh tế không cho rằng tỷ lệ thất nghiệp sẽ gia tăng đáng kể trong những tháng tới, vì thực tế nền kinh tế "đầu tàu" châu Âu vẫn đang thiếu hụt lao động có tay nghề và nhà nước đang tích cực hỗ trợ người lao động thông qua các khoản trợ cấp làm việc trong thời gian ngắn.

Về nguy cơ làn sóng doanh nghiệp phá sản

Dựa trên các số liệu hiện tại, cho đến nay tại Đức chưa xuất hiện một làn sóng phá sản hàng loạt. Theo số liệu của Cơ quan Thống kê liên bang Đức, trong nửa đầu năm 2022 có 7.113 doanh nghiệp phá sản, giảm 4% so với cùng kỳ năm 2021. Theo Hiệp hội các nhà quản lý phá sản, không thể loại trừ khả năng số lượng doanh nghiệp phá sản sẽ tăng tới 40% trong vòng 12 tháng tới. Tuy nhiên, đây có thể không phải là một làn sóng phá sản.

Lãnh đạo ngân hàng Commerzbank, ông Manfred Knof, cũng cho rằng không nên lo sợ về làn sóng phá sản. Theo ông, đây là thời điểm hết sức khó khăn với các doanh nghiệp, tuy nhiên không có lý do gì để quá hoảng sợ.

Triển vọng dài hạn của nền kinh tế Đức

Bất chấp những quý khó khăn sắp tới, nhà kinh tế trưởng Holger Schmieding của ngân hàng Berenberg vẫn tự tin cho rằng không có cuộc suy thoái nào kéo dài mãi mãi. Đây chủ yếu là vấn đề của mùa Đông tới. Theo ông, nhiều khả năng nền kinh tế Đức sẽ ổn định trở lại từ đầu mùa Xuân năm 2023. Về mặt cấu trúc, nền kinh tế Đức vẫn đang có vị thế rất tốt với lợi thế là sự sáng tạo của các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Các nhà kinh tế kỳ vọng rằng sau sự suy giảm năm nay, nền kinh tế Đức sẽ tăng trưởng trở lại vào năm sau. Khi đó, lạm phát cũng sẽ suy yếu đáng kể. Tuy nhiên, những khó khăn như thiếu hụt lao động lành nghề, phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu thô từ nước ngoài và một xã hội già hóa vẫn sẽ tiếp tục tồn tại.

Vai trò của chính sách tiền tệ trong khủng hoảng

Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã đối phó với tỷ lệ lạm phát cao kỷ lục bằng việc hai lần tăng lãi suất vào tháng 7 và tháng 9/2022. Dự kiến lãi suất sẽ còn tiếp tục tăng. Tuy nhiên, lãi suất cao hơn cũng là một gánh nặng cho nền kinh tế, do các khoản vay ngày càng trở nên đắt đỏ hơn.

Mới đây, Chủ tịch Ngân hàng trung ước Đức (Bundesbank) Joachim Nagel đã khẳng định cuộc chiến chống lạm phát dù mang lại gánh nặng và có thể tạm thời làm giảm tốc độ tăng trưởng, nhưng việc không làm gì và để mọi thứ diễn ra một cách tự do không phải là một giải pháp hợp lý. Ông nhấn mạnh lạm phát làm giảm sự thịnh vượng và tác động tới toàn bộ nền kinh tế, đặc biệt là những người yếu thế nhất.

Theo TTXVN

Đọc tiếp

Nhịp cầu doanh nghiệp

OPEC+ đã "đặt cược" đúng

OPEC+ đã "đặt cược" đúng

Khi OPEC công bố duy trì cắt giảm sản lượng nhưng giá dầu vẫn giảm, các nhà phân tích cho rằng động thái của họ không có hiệu quả. Tuy nhiên, thị trường đang xoay chiều.

Chat với BizLIVE