Lô xe Tesla, BMW mắc kẹt tại cảng Đức

Cảng Bremerhaven của Đức đang rơi vào tình trạng tắc nghẽn kéo dài. Nhiều lô xe đã bị lưu tại cảng nhiều tháng.
Tình trạng thiếu nhân lực vận tải đang tác động tiêu cực đến hoạt động xuất nhập khẩu tại cảng Bremerhaven. Ảnh: Bloomberg.
Tình trạng thiếu nhân lực vận tải đang tác động tiêu cực đến hoạt động xuất nhập khẩu tại cảng Bremerhaven. Ảnh: Bloomberg.

Theo CNBC, cảng Bremerhaven tại Đức, một trong những trung tâm ôtô lớn nhất thế giới, đang rơi vào tình cảnh tắc nghẽn. Hàng loạt xe hơi của nhiều thương hiệu khác nhau, từ Tesla cho đến BMW, đều bị chất đống trên cả đất liền và mặt biển.

Nguyên nhân của vấn đề này xuất phát từ việc thiếu hụt nguồn nhân lực vận tải nhằm mục đích di chuyển container và ôtô ra khỏi cảng. Cùng với đó, khối lượng giao dịch lớn từ các hãng xe, gồm Tesla, Stellantis, BMW, Renault và Volvo, cũng đang tạo sức ép lớn cho đội ngũ vận hành tại cảng Bremerhaven.

“Hậu quả sự chậm trễ này là rất lớn. Thời gian nhập khẩu ôtô từ Mỹ và Mexico đến cảng Bremerhaven đang tính theo đơn vị tháng. Những chiếc xe BMW đã bị giữ tại cảng 3 tháng để chờ cập nhật thêm tính năng”, ông Andreas Braun, Giám đốc khu vực Công ty Crane Worldwide Logistics, cho biết.

Bremerhaven là cảng lớn thứ 4 của châu Âu với công suất hàng năm trên 5 triệu container 6 m, hơn 1,7 triệu xe đã được vận chuyển tại đây mỗi năm. Theo bản đồ nhiệt chuỗi cung ứng tại châu Âu, mức độ tắc nghẽn tổng thể của cảng Bremerhaven hiện ở mức “vừa phải”.

Thời gian chờ trung bình của các đơn vị vận chuyển xe tại cảng Bremerhaven. Ảnh: CNBC

Đại diện từ phía công ty VesselsValue nhận định cảng Bremerhaven đang thiếu hụt nghiêm trọng các tài xế H&H (những người chuyên chở hàng hóa cao và nặng). Ngoài ra, các cuộc tập trận đã lấy một lượng lớn không gian tại bến cảng để phục vụ cho mục đích quân sự.

Ông Dan Nash, người đứng đầu bộ phận vận tải tại VesselsValue, cho biết các công ty vận tải đường biển hiện hoạt động không nhiều. Hãng tàu Wallenius Wilhelmsen đã từ chối các đơn đặt hàng xuất khẩu sang Mỹ trong tháng 10, 11 và có thể là tháng 12 nếu thời gian lưu hàng tại cảng quá lâu.

Sự thiếu hụt nguồn lực đang khiến vấn đề ngày càng nan giải. Theo dữ liệu của VesselsValue, hiện đội tàu quốc tế ít hơn khoảng 13 tàu so với tháng 12/2019. “Đây là hậu quả của việc loại bỏ quá nhiều tàu trong thời điểm dịch COVID-19. Sự tắc nghẽn này dự kiến kéo dài đến năm 2024 cho đến khi các tàu mới bắt đầu đi vào hoạt động”, ông Nash chia sẻ.

Theo Zing News

Đọc tiếp

Nhịp cầu doanh nghiệp

Chat với BizLIVE