Les Echos: Thứ hạng các nền kinh tế lớn châu Á sẽ thay đổi

Nhật báo Les Echos dẫn dự báo của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Nhật Bản (JCER) cho rằng COVID-19, địa chính trị và nhân khẩu học sẽ làm đảo lộn thứ hạng của các nền kinh tế lớn ở châu Á.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trung Quốc sẽ không thể chiếm vị trí cường quốc số một thế giới của Mỹ, và Nhật Bản có thể bị Ấn Độ vượt qua vào năm 2025.

Từ nhiều năm nay, các chuyên gia phân tích đến từ JCER, một trong những viện nghiên cứu kinh tế có ảnh hưởng nhất của Nhật Bản, đã luôn chia sẻ với các đồng nghiệp Mỹ về dự báo cho rằng Trung Quốc, với 1,4 tỷ dân, sẽ rất nhanh chóng trở thành nền kinh tế hàng đầu thế giới, vượt qua cả Mỹ.

Trong nghiên cứu năm 2021, họ thậm chí còn ước tính rằng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của "gã khổng lồ" châu Á, vốn đã chống chọi rất tốt với đại dịch COVID-19, sẽ vươn lên hàng đầu trong bảng xếp hạng thế giới từ năm 2028.

Tuy nhiên, chính sách "Không COVID" cùng với những căng thẳng với Mỹ đã xuất hiện và làm đảo lộn các dự đoán trên, các nhà kinh tế của JCER đã đưa ra nhận xét này trong một báo cáo mới được công bố.

JCER dự đoán "GDP của Trung Quốc sẽ không vượt quá GDP của Mỹ", và sự tăng trưởng của hai quốc gia sẽ tiếp tục được duy trì với tốc độ tương tự trong vài thập kỷ tới. Trung Quốc sẽ không thể tạo ra sự bứt phá để bắt kịp đối thủ cạnh tranh của họ.

Theo tính toán của JCER, tốc độ tăng trưởng GDP của Trung Quốc sẽ chậm lại rất nhanh, thậm chí còn chậm hơn giai đoạn khủng hoảng "Không COVID" vốn đã cản trở các hoạt động kinh tế xã hội của nước này từ nhiều tháng qua.

Các chuyên gia cho biết thêm: "Mối quan hệ căng thẳng với Mỹ sẽ ngăn cản Trung Quốc tiếp cận các công nghệ tiên tiến, tạo ra trở ngại lớn đối với nền kinh tế nước này". Bên cạnh đó, cuộc chiến công nghệ mà các nước phương Tây sẽ tiến hành sẽ có thể khiến tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc giảm xuống khoảng 1% mỗi năm từ nay đến năm 2030. Tiếp đó, lực lượng lao động giảm cũng sẽ hạn chế tiềm năng tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Đồng rupee của Ấn Độ. Ảnh: AFP/TTXVN

Đồng rupee của Ấn Độ. Ảnh: AFP/TTXVN

Đối với JCER, những thay đổi nhân khẩu học này cũng sẽ làm đảo lộn sâu sắc thứ hạng của các nền kinh tế lớn châu Á. Luôn đứng trên bục vinh quang thế giới của các cường quốc kinh tế từ năm 1966, Nhật Bản đã rơi xuống vị trí thứ hai rồi thứ ba kể từ năm 2010, và sẽ tiếp tục tụt xuống vị trí thứ tư vào năm 2025, khi GDP của nước này được dự đoán sẽ bị Ấn Độ vượt qua.

Dựa trên các dự báo của Liên hợp quốc, các nhà nghiên cứu JCER chỉ ra rằng Ấn Độ sẽ trở thành quốc gia đông dân nhất hành tinh vào tháng 4/2023 với 1,42 tỷ dân, vượt qua Trung Quốc, quốc gia đã giữ vị trí này từ hàng trăm năm.

Hiện nay, dân số Ấn Độ vẫn đang tăng 8 triệu mỗi năm, trong khi dân số Nhật Bản lại đang giảm 800.000 người trong cùng thời gian. Tăng năng suất sẽ không thể bù đắp cho sự suy giảm này và "đất nước Mặt Trời mọc" sẽ không còn có thể duy trì mức tăng GDP vững chắc của mình.

Trước đây, viện tư vấn kinh tế Nhật Bản vẫn dự báo rằng Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc sẽ bắt kịp và vượt Nhật Bản vào cuối thập kỷ này, nhưng trong báo cáo mới đây, các chuyên gia của JCER đã ước tính việc GDP bình quân đầu người giảm sẽ khiến Nhật Bản đứng sau kinh tế Đài Loan từ năm 2022, và sẽ bị Hàn Quốc vượt qua vào năm 2023.

Họ giải thích rằng sự mất giá nhanh chóng của đồng yen, so với các loại tiền tệ chính khác, và sự yếu kém về năng suất lao động so với các nước láng giềng khiến tăng trưởng của Nhật Bản tụt hạng.

"Nhật Bản không chỉ đứng sau Đài Loan và Hàn Quốc trong đầu tư vào 'tài sản vô hình', chẳng hạn như nghiên cứu và phát triển, mà còn thua về đầu tư vào tài sản hữu hình như máy móc, công cụ", theo nhận định của các chuyên gia kinh tế JCER.

Các chuyên gia cho rằng để có thể khôi phục năng suất thành công trong những năm tới, Nhật Bản sẽ phải cải tổ chính sách của mình để khắc phục tình trạng số hóa chậm và dân số già.

Theo Bnews

Đọc tiếp

Nhịp cầu doanh nghiệp

OPEC+ đã "đặt cược" đúng

OPEC+ đã "đặt cược" đúng

Khi OPEC công bố duy trì cắt giảm sản lượng nhưng giá dầu vẫn giảm, các nhà phân tích cho rằng động thái của họ không có hiệu quả. Tuy nhiên, thị trường đang xoay chiều.

Chat với BizLIVE