Lao động bị cắt giảm do doanh nghiệp thiếu đơn hàng

Sau 6 tháng đầu năm phục hồi mạnh mẽ, từ nửa cuối năm 2022 nhiều doanh nghiệp sản xuất bị thiếu đơn hàng, nguyên liệu buộc phải giảm thời gian sản xuất, dừng tuyển dụng, cắt giảm lao động.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Do ảnh hưởng từ thị trường thế giới, nhiều doanh nghiệp trong nước đang thiếu đơn hàng trầm trọng nên gặp khó khăn trong xuất khẩu, từ đó kéo theo hàng loạt lao động thiếu việc làm, giảm thu nhập, thậm chí mất việc.

Chị Hồng, công nhân một nhà máy nến tại khu công nghiệp Việt Hưng (Quảng Ninh) cho biết, gần nửa tháng nay công ty chị thiếu đơn hàng nên chị không có việc làm phải tạm nghỉ ở nhà. Theo thông báo của công ty, chị Hồng sẽ nghỉ việc không lương cho đến khi có đơn hàng mới.

Chị Hồng cho biết, những công nhân thuộc diện không bị cắt giảm thì cũng chỉ được đi làm giờ hành chính, không được tăng ca. Chị cũng đã nghĩ đến trường hợp nghỉ việc nhưng nếu nghỉ thì cũng khó xin việc khác vì tình trạng thiếu đơn hàng không phải ở mỗi doanh nghiệp của chị.

Giám đốc nhân sự một Công ty chế biến gỗ ở Bình Dương cũng cho biết do tình trạng thiếu đơn hàng nên công ty hiện nay buộc phải cắt giảm nhân sự trầm trọng, trước đây công ty có 600 công nhân giờ chỉ còn hơn 300 công nhân, thu nhập của người lao động cũng phải cắt giảm 10-15%.

Tại Hội nghị toàn quốc giữa Thủ tướng Chính phủ với các doanh nghiệp mới đây, ông Trương Văn Cẩm, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký VITAS cho biết, từ nửa cuối năm 2022, các doanh nghiệp dệt may đứng trước nhiều khó khăn thách thức do chịu tác động trực tiếp bởi những biến động khó đoán định trên thế giới. Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan… vẫn đang áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt chống dịch và ảnh hưởng không nhỏ đến chuỗi cung ứng nguyên, phụ liệu và tiêu thụ sản phẩm.

Bên cạnh đó, kinh tế khó khăn và tỷ lệ lạm phát tăng cao tại các thị trường tiêu thụ dệt may lớn như Mỹ, EU… làm cho sức mua các mặt hàng tiêu dùng, trong đó có hàng dệt may, giảm đáng kể, ảnh hưởng đến đơn hàng và đơn giá của các doanh nghiệp dệt may từ nay đến cuối năm 2022. Vì vậy nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng thiếu đơn hàng, dẫn đến nhiều doanh nghiệp ngành dệt may cho công nhân nghỉ luân phiên.

Theo ông Phạm Ngọc Hưng, Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM (HUBA), hiện nay nhiều doanh nghiệp đặc biệt các ngành chế biến gỗ, giày da, dệt may... 6 tháng cuối năm đang thiếu đơn hàng và kể cả đơn hàng cho năm 2023 cũng bấp bênh, cho nên tình trạng dôi dư lao động tại các nhà máy đang diễn ra khá nhiều.

Theo ông Hưng mỗi ngành đều có khó khăn riêng, ví dụ như ngành gỗ, các nước mà ta bán sản phẩm gỗ cho họ thì hiện nay đang yêu cầu xuất xứ gỗ rất gắt gao. Thứ hai, khủng hoảng kinh tế trên thế giới nên thị trường Châu Âu, Mỹ bị thu hẹp lại, do đó họ không kí được đơn hàng mới.

Bài toán mà các doanh nghiệp sản xuất đang phải đối mặt là nếu cho lao động nghỉ vào thời điểm này thì khi có đơn hàng lại không tuyển được, doanh nghiệp đang vừa phải giữ nguồn lao động vừa phải tìm kiếm đơn hàng.

Để khắc phục được tình trạng hiện nay, ông Hưng cho rằng, bản thân doanh nghiệp phải tự nỗ lực phấn đấu để tìm cách tạo ra khách hàng mới. Phía nhà nước cần mở rộng thông tin về các thị trường cho doanh nghiệp, khai thông những bế tắc trong chuỗi cung ứng để doanh nghiệp có thể đi vào hoạt động ổn định và chăm lo cho lao động từ đó mới hồi phục kinh tế đất nước.

Đọc tiếp

Nhịp cầu doanh nghiệp

Ảnh minh họa

Dòng vốn FDI thúc đẩy nhu cầu tuyển dụng tăng cao

Sự tăng trưởng của dòng vốn FDI và các chính sách thân thiện với nhà đầu tư dành cho khu công nghiệp đã tạo điều kiện cho nhu cầu tuyển dụng tăng cao trong lĩnh vực sản xuất, kỹ thuật và bất động sản công nghiệp.
Chat với BizLIVE