Lạm phát của Hàn Quốc sẽ duy trì ở mức 5% trong năm 2023

Nước này có thể sẽ chứng kiến lạm phát tăng ở mức khoảng 5% ở thời điểm hiện tại song tốc độ tăng giá sẽ chậm lại “đều đặn” nhờ giá dầu ổn định và tác động của suy thoái kinh tế trong và ngoài nước.
Một quầy bán hải sản tại chợ ở Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN
Một quầy bán hải sản tại chợ ở Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN

Báo cáo về các điều kiện lạm phát của Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BoK) công bố ngày 20/12 cho biết: “Trong thời gian tới, giá tiêu dùng có thể sẽ tăng khoảng 5% song tốc độ tăng sẽ chậm lại do việc tăng giá dầu dự kiến sẽ giảm bớt và áp lực giảm giá từ nền kinh tế (chậm lại) sẽ gia tăng”. Dự báo mới nhất này được đưa ra sau khi BoK đã tăng lãi suất chuẩn thêm 2,75 điểm phần trăm kể từ tháng 8/2021 để chế ngự lạm phát vốn đã tăng tốc với tốc độ nhanh nhất trong hơn 2 thập kỷ trở lại đây.

Lạm phát của Hàn Quốc chủ yếu được thúc đẩy bởi giá năng lượng và hàng hóa chính tăng vọt trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn kết hợp với cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine (U-crai-na) xảy ra vào tháng 2/2022.

Chỉ tính riêng trong tháng 7/2022, giá tiêu dùng của Hàn Quốc đã tăng 6,3% so với một năm trước đó và cũng là mức tăng nhanh nhất kể từ tháng 11/1998. Kể từ thời điểm này, tốc độ tăng giá ở Hàn Quốc đã chậm lại ở mức 5%, nhưng vẫn cao hơn nhiều so với mục tiêu lạm phát trung hạn mà BoK dự báo là 2%.

BoK cho biết lạm phát đã tăng trung bình 5,1% cho đến tháng 11 vừa qua và dự đoán mức tăng giá cả năm 2022 sẽ cao hơn mức tăng 4,7% được ghi nhận trong năm 2008 (thời điểm Hàn Quốc đang ở giữa cuộc khủng hoảng tài chính) và sẽ đạt mức tăng trưởng nhanh nhất kể từ một cuộc khủng hoảng tài chính năm 1998 với 7,5%. BoK cũng dự báo rằng lạm phát cơ bản (không bao gồm giá lương thực và năng lượng biến động) sẽ tăng với tốc độ tương tự như năm 2008 khi duy trì ở mức 3,6%.

Đề cập đến các điều kiện kinh tế tổng thể, BoK cho biết xuất khẩu của Hàn Quốc đã giảm dần, đặc biệt là ở giai đoạn nửa cuối năm 2022 trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu và chi tiêu tư nhân cũng suy yếu (do lạm phát gia tăng) đã làm giảm sức mua của người tiêu dùng, cùng với sự gia tăng nhanh chóng của chi phí đi vay.

Trong khi đó, theo báo cáo của Bộ Kinh tế và Tài chính Hàn Quốc (MOEF) cùng Hệ thống công bố thông tin tài chính mang tên "Dữ liệu mở về tài chính" công bố ngày 18/12 vừa qua cho thấy mức thâm hụt cán cân quản lý tài chính của nền kinh tế thứ 4 châu Á tính đến tháng 10/2022 là 86.300 tỷ won (66,5 tỷ USD). Cán cân quản lý tài chính là chỉ số thể hiện tình hình tài chính thực tế của chính phủ, bằng cán cân tài chính tổng hợp (tổng thu trừ tổng chi) trừ 4 khoản quỹ (như quỹ lương hưu, quỹ bảo hiểm tuyển dụng...).

Do mức thâm hụt trong giai đoạn từ tháng 1-10/2022 của Hàn Quốc đã lên tới gần 90.000 tỷ won và xét theo thống kê trong 3 năm gần đây (2019-2021) cán cân quản lý tài chính của Hàn Quốc thâm hụt 10.000 tỷ won chỉ trong tháng 12 và khả năng cao sẽ ghi nhận mức thâm hụt 100.000 tỷ won (khoảng 77 tỷ USD) trong năm 2022.

Trong khi đó, xét theo dự thảo ngân sách bổ sung lần hai năm 2022, Chính phủ Hàn Quốc dự đoán cán cân quản lý tài chính sẽ thâm hụt 110.800 tỷ won (85,3 tỷ USD), vượt mốc 100.000 tỷ won. Ngoài ra, tỷ lệ thâm hụt của cán cân quản lý tài chính so với Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cũng đạt 5,1% trong năm 2022. Tỷ lệ này từng đạt 2,8% vào năm 2019, tăng vọt lên 5,8% vào năm 2020, rồi được cải thiện vào năm 2021 với 4,4%.

Theo TTXVN

Đọc tiếp

Nhịp cầu doanh nghiệp

OPEC+ đã "đặt cược" đúng

OPEC+ đã "đặt cược" đúng

Khi OPEC công bố duy trì cắt giảm sản lượng nhưng giá dầu vẫn giảm, các nhà phân tích cho rằng động thái của họ không có hiệu quả. Tuy nhiên, thị trường đang xoay chiều.

Chat với BizLIVE