Lạm phát của Eurozone giảm nhiều hơn dự kiến

Lạm phát cơ bản, không bao gồm giá lương thực và nhiên liệu dễ biến động đã giảm từ 5,6% xuống 5,3% và thấp hơn dự báo 5,5%.
Lạm phát của Eurozone giảm nhiều hơn dự kiến

Lạm phát Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã giảm nhiều hơn dự kiến trong tháng 5/2023 do tốc độ tăng giá cơ bản cũng đã chậm lại, tiếp sức cho các lập luận chỉ nên tăng thêm lãi suất một cách thận trọng vì chu kỳ thắt chặt tiền tệ nhanh nhất từ trước đến nay của Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) đã bắt đầu phát huy tác dụng.

Lạm phát ở 20 quốc gia dùng chung đồng euro đã giảm xuống 6,1% trong tháng 5/2023, so với mức 7% trong tháng 4/2023, và thấp hơn so với dự báo 6,3% mà các nhà kinh tế tham gia khảo sát của Reuters đưa ra.

Tuy nhiên, số liệu trên không quá gây ngạc nhiên cho thị trường bởi dữ liệu quốc gia hồi đầu tuần trước đã dự báo trước lạm phát sẽ giảm.

Lạm phát cơ bản, không bao gồm giá lương thực và nhiên liệu dễ biến động đã giảm từ 5,6% xuống 5,3% và thấp hơn dự báo 5,5%.

ECB đã tăng lãi suất cơ bản tổng cộng 375 điểm cơ bản lên 3,25% trong năm qua để đối phó với tình trạng giá cả tăng vọt.

Tuy nhiên, sức ép giá vẫn tồn tại trong suốt năm 2023 ngay cả khi lạm phát nói chung đang trên đà giảm. ECB gần như chắc chắn sẽ tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản vào ngày 15/6 tới.

Một số nhà hoạch định chính sách có ảnh hưởng, bao gồm các thống đốc ngân hàng trung ương của Đức, Hà Lan và Ireland (Ai-len), cũng đã cân nhắc về việc tăng lãi suất vào tháng 7/2023, nhưng phần lớn đều cho rằng triển vọng sau đó vẫn chưa rõ ràng để đưa ra cam kết.

Phó chủ tịch ECB Luis de Guindos ngày 1/6 cho biết mặc dù ngân hàng này đã thực hiện hầu hết các biện pháp thắt chặt chính sách tiền tệ để đưa lạm phát trở lại mục tiêu trung hạn là 2%, nhưng chu kỳ này vẫn chưa kết thúc.

Nhìn chung, vấn đề lạm phát của châu Âu khó có thể giải quyết được trong bối cảnh tốc độ tăng giá nhiều mặt hàng cốt lõi, đặc biệt là dịch vụ, vẫn ở mức cao. Lạm phát dịch vụ đã giảm từ 5,2% xuống 5%, còn giá các hàng hóa công nghiệp giảm từ 6,2% xuống 5,8%, vẫn ở các mức cao song cả hai đều đang đi đúng hướng.

Nhà kinh tế Carsten Brzeski của ING cho biết triển vọng lạm phát của châu Âu bị ảnh hưởng nặng nề bởi hai động lực đối nghịch nhau. Ông cho rằng giá năng lượng thấp hơn dự kiến do thời tiết mùa Đông ấm áp có thể sẽ khiến lạm phát giảm nhanh hơn so với dự báo gần đây. Tuy nhiên, các khoản thanh toán tiền lương gần đây và sức ép trong lĩnh vực dịch vụ vẫn còn khá lớn sẽ khiến lạm phát cơ bản ở mức cao.

Tăng trưởng tiền lương của Khu vực Eurozone đang dao động trong khoảng 5% đến 6%, gấp đôi mục tiêu lạm phát của ECB.

Các nhà đầu tư tài chính cho rằng ECB có thể tiến hành hai đợt tăng lãi suất nữa, trong đó đợt đầu tiên vào tháng 6/2023 và đợt thứ hai vào tháng Bảy hoặc tháng Chín.

Theo Vnanet

Đọc tiếp

Nhịp cầu doanh nghiệp

Chat với BizLIVE