Quay về eMagazine
Lãi suất và tỷ giá, bên trong và bên ngoài

Lãi suất và tỷ giá, bên trong và bên ngoài

Diễn biến của tỷ giá và lãi suất gần đây có những tín hiệu tích cực. Và theo TS. Trương Văn Phước, Việt Nam vẫn có điều kiện để đưa lãi suất thấp xuống trong năm 2023.

Nhưng, trước hết, nhìn lại năm 2022, TS. Trương Văn Phước - nguyên Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia nhấn mạnh đến tầm quan trọng của dự báo, nhận diện rõ các yếu tố từ bên ngoài và bên trong để có những quyết sách tốt, công cụ tốt, và qua đó giảm thiểu những cú sốc trên thị trường.

Thưa ông, sau nhiều năm tỷ giá USD/VND mới có thời điểm tăng tới hơn 9% trong biến động năm qua. Ông nói gì về biến động này?

Một trong những sự kiện nổi bật trong năm 2022 chính là phản ứng chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương trên thế giới thông qua việc tăng lãi suất - một nhân tố quan trọng trong tỷ giá hối đoái. Một đồng tiền tăng hay giảm giá phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, trong đó, lãi suất là một yếu tố vô cùng quan trọng trong việc định đoạt xu hướng tăng hay giảm giá của một đồng tiền.

Điều này có thể thấy rất rõ khi nhìn vào diễn biến của đồng USD. Từ đầu năm tới nay, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã có tới 7 lần tăng lãi suất, kéo lãi suất tăng một mạch từ 0% lên 4,25% - 4,5%/năm.

Việc tăng lãi suất với liều lượng dày đặc, quy mô rất lớn như thế đã làm cho đồng USD tăng giá mạnh. Chỉ số US Dollar Index (DXY) đã từng leo lên mức đỉnh trong hơn 20 năm, quanh mức 115 hồi tháng 10. USD trở thành một đồng tiền có sức hút rất mạnh, dòng vốn có xu hướng dịch chuyển từ các nền kinh tế mới nổi về Mỹ để hưởng lãi suất hấp dẫn hơn. Sức hút của USD, xét về cả mặt lãi suất lẫn tỷ giá, tạo nên một môi trường, cảm nhận chung trên thị trường thế giới là đồng bạc xanh sẽ còn tiếp tục tăng giá.

Đó là nhân tố bên ngoài. Còn với các yếu tố nội tại của Việt Nam, việc một số doanh nghiệp, công ty bất động sản bị Nhà nước xử lý liên quan đến các vi phạm trong phát hành trái phiếu doanh nghiệp thời gian gần đây đã phần nào ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư, dẫn đến hiện tượng một số nhà đầu tư đòi tất toán trái phiếu trước hạn ở một số ngân hàng thương mại.

Niềm tin của thị trường lung lay, khiến lãi suất bắt đầu tăng lên. Trước sự việc đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) không thể ngồi yên mà buộc phải tăng lãi suất điều hành. Bên cạnh đó, biên độ tỷ giá được mở rộng từ +/-3% lên +/-5%, USD có lúc tăng tới gần 10% so với VND.

TS. Trương Văn Phước - nguyên Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia. Ảnh: Tuấn Việt

TS. Trương Văn Phước - nguyên Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia. Ảnh: Tuấn Việt

Trong điều hành chính sách tỷ giá hối đoái, ngân hàng trung ương sẽ có hai lựa chọn. Một là mở rộng biên độ trên nền một tỷ giá trung tâm để thị trường có một không gian rộng lớn hơn và ở đó các lực lượng cung cầu gặp nhau. Hai là không mở rộng biên độ mà lựa chọn dẫn dắt thị trường qua tỷ giá trung tâm. Vùng tỷ giá mục tiêu nào cũng sẽ được quyết định bởi một tỷ giá trung tâm và một biên độ, nhưng việc lựa chọn phương thức nào còn phụ thuộc vào sự phối hợp với các công cụ chính sách tiền tệ khác.

Ở đây, chúng ta không bình luận nhiều về câu chuyện lựa chọn phương thức nào, công cụ nào để điều hành tỷ giá hối đoái, chúng ta chỉ biết trong điều kiện đó, bối cảnh đó, bên ngoài như thế, bên trong như thế và đồng tiền của chúng ta mất giá gần 10%.

Điều may mắn là, lạm phát trong 2 tháng còn lại của năm 2022 của tuyệt đại đa số các nền kinh tế trên thế giới đã đạt đỉnh. Người ta nói lạm phát đạt đỉnh và đang đi xuống. Đó là tín hiệu đáng mừng. Lạm phát toàn cầu đi xuống trong bối cảnh các nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc, châu Âu, Nhật Bản đang có dấu hiệu suy thoái.

Diễn biến tỷ giá USD/VND năm qua (cập nhật đến 26/12/2022).

Diễn biến tỷ giá USD/VND năm qua (cập nhật đến 26/12/2022).

Lạm phát giống như một cơn sốt, còn lãi suất như thuốc panadol. Khi cơn sốt đã bắt đầu hạ thì chúng ta sẽ không cần phải uống thuốc một cách dồn dập nữa. Cũng giống như vậy, nếu lạm phát đạt đỉnh và bắt đầu đi xuống sẽ phát ra tín hiệu thị trường rằng lãi suất có thể tăng thêm một bước nữa rồi sẽ dừng lại và bắt đầu đi xuống để ngăn ngừa suy thoái toàn cầu. Đó chính là tín hiệu khá tốt từ bên ngoài đối với chúng ta.

Còn về bên trong, sau khoảng thời gian khá căng thẳng thì giờ đây, thị trường đã bắt đầu ổn định hơn, người dân ngừng rút tiền, đồng thời, dòng tiền gửi bắt đầu quay trở lại hệ thống, cung cầu ngoại hối được củng cố.

Theo đó, từ cuối tháng 11, tỷ giá USD/VND quay đầu giảm khá mạnh khiến tỷ giá bình quân của cả năm 2022 chỉ quanh ngưỡng 4%. Đây là mức mất giá đồng nội tệ có thể chấp nhận được vì nó quay quanh mức lạm phát.

Tôi cho rằng, dự báo là một điều hết sức quan trọng trong làm chính sách, đặc biệt là chính sách tiền tệ vĩ mô. Nếu những “cơn sốt” về lạm phát, tỷ giá, lãi suất được dự báo tốt thì chúng ta sẽ có những đối sách, công cụ tốt để có thể điều hành mà không tạo nên những cú sốc trên thị trường.

Vậy liệu những biến động về lãi suất, tỷ giá, lạm phát có còn tiếp tục gây quan ngại trong năm 2023, theo dự báo của ông?

Có hai nhân tố ảnh hưởng tới tỷ giá hối đoái, thứ nhất là chênh lệch lạm phát của Việt Nam với các đối tác chính và thứ hai là chênh lệch về lãi suất của Việt Nam với các đối tác đó.

Về lạm phát, chúng ta thấy xu hướng lạm phát của các nước cũng đã giảm xuống nhưng lạm phát của Việt Nam cũng không ở mức quá cao. Mặc dù Quốc hội đã phê duyệt chỉ tiêu lạm phát cho năm 2023 là 4,5% nhưng tôi nghĩ rằng con số thực hiện sẽ không đạt đến mức đó mà chỉ xoay quanh 4%.

Một nền kinh tế mà có tăng trưởng cao, lạm phát thấp, tỷ giá hối đoái ổn định thì đó chính là điểm đến của các dòng vốn.

TS. Trương Văn Phước

Vì sao tôi dám tin tưởng như thế? Thứ nhất, trong rổ hàng tiêu dùng, hàng hóa lương thực, thực phẩm, nông sản chiếm một tỷ trọng quan trọng. Trong khi, Việt Nam là nước có nền nông nghiệp phong phú và đa đạng, chúng ta không chỉ cung cấp đủ cho nhu cầu nội địa mà còn xuất khẩu rất lớn. Đó chính là trụ đỡ rất quan trọng của nền kinh tế và giúp cho chúng ta có thể kiểm soát được rổ giá hàng tiêu dùng.

Thứ hai là cơ chế phân phối lưu thông hàng hóa và cơ chế điều tiết giá của Việt Nam. Chúng ta đã có lộ trình thị trường hóa giá cả một số loại hàng hóa thiết yếu như điện, xăng dầu, y tế, giáo dục,… Do đó, Nhà nước nắm trong tay sự chủ động, cơ chế linh hoạt điều chỉnh.

Về lãi suất, Việt Nam vẫn là một nước có lãi suất cao. Dù điều này có nhược điểm là khiến chi phí vốn tăng cao nhưng ở một khía cạnh nào đó, nó cũng có những ưu điểm nhất định, vì lãi suất là một công cụ chống lạm phát. Năm 2023 tôi tin rằng lãi suất của Việt Nam cũng sẽ thấp xuống, tuy nhiên, vẫn ở mức cao so với thế giới.

Có một nhân tố khác dưới góc độ thị trường, là yếu tố cung cầu. Cung cầu ngoại hối quyết định một tỷ giá cân bằng của thị trường. Cung cầu ngoại hối nhìn trên cán cân thanh toán có thể thấy ngày càng được cải thiện. Năm nay, kiều hối có thể thấp hơn mấy năm trước nhưng vẫn đạt hơn chục tỷ USD, xuất khẩu tăng trưởng cao, các dòng vốn dù có nhiều biến động trên thị trường nhưng vẫn chảy vào,…

Nói tóm lại, một nền kinh tế mà có tăng trưởng cao, lạm phát thấp, tỷ giá hối đoái ổn định thì đó chính là điểm đến của các dòng vốn. Điều này sẽ giúp cán cân thanh toán thặng dư, từ đó, đáp ứng cho cung cầu ngoại hối, ít tạo áp lực cho đồng VND mất giá. Nhìn một cách tổng thể, đồng VND hàng năm mất giá xoay quanh tỷ lệ lạm phát là chấp nhận được.

Còn với lãi suất thì sao thưa ông? Với những gì ông vừa phân tích thì có vẻ lãi suất sẽ bắt đầu hạ nhiệt từ năm sau?

Lãi suất luôn luôn tương quan với lạm phát, lạm phát là cái gương để lãi suất soi vào. Chênh lệch giữa lãi suất và lạm phát gọi là lãi suất thực. Lãi suất thực có thể âm, có thể bằng 0 và có thể dương… Lãi suất thực của Việt Nam hiện nay là dương, và dương tương đối lớn. Tương tự như vậy, tại phần lớn các nền kinh tế, lãi suất luôn cao hơn lạm phát.

Tuy nhiên, cũng cần phải nhấn mạnh, tại một số nền kinh tế, trong một số giai đoạn nhất định, ngân hàng trung ương sẽ chấp nhận để lãi suất xuống thấp nhằm giúp phục hồi nền kinh tế. Còn việc chống lạm phát sẽ được tiếp cận theo một cách khác, tùy thuộc vào cấu trúc của thị trường tài chính của họ.

Nhìn xa ra, lạm phát của các nước đã đạt đỉnh, họ đang từng bước điều chỉnh chính sách tiền tệ theo hướng là không phải quá thắt chặt nữa mà hướng tới dần dần điều chỉnh lãi suất thấp xuống. Đây là yếu tố khách quan từ bên ngoài, Việt Nam chúng ta cũng nhìn từ đó để thấy vẫn có điều kiện để đưa lãi suất của VND thấp xuống.

Nói chung, theo tôi được biết, NHNN cũng đang triển khai các công cụ nhằm từng bước kéo lãi suất thấp xuống. Khi lãi suất huy động đi xuống cũng sẽ kéo lãi suất cho vay giảm theo. Theo đó, tôi cho rằng, lãi suất của Việt Nam trong năm 2023 có thể đi xuống, dao động quanh mức của 6 tháng đầu năm 2022.

Xin cám ơn ông về những chia sẻ.

Chuyên đề Kinh tế Việt Nam Xuân Quý Mão 2023

Theo AP Vững vàng phía trước

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Chat với BizLIVE