Lãi kỷ lục năm 2022, các “ông lớn” phân bón DPM, DCM có giữ được đà tăng trưởng trong năm 2023?

Dù mức tăng trưởng giảm sút trong nửa cuối năm song 2022 vẫn là năm thành công đối với các doanh nghiệp phân bón khi doanh thu và lợi nhuận của phần lớn các doanh nghiệp trong ngành đều ghi nhận mức cao kỷ lục.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xuất khẩu phân bón chính thức cán mốc hơn 1 tỷ USD trong năm 2022, đạt hơn 1,6 triệu tấn.

Việc xuất khẩu phân bón thuận lợi cộng với giá bán cao đã khiến hàng loạt “ông lớn” trong ngành phân bón như Đạm Phú Mỹ, Đạm Cà Mau hay một số đơn vị thành viên trong Tập đoàn hóa chất Việt Nam như DAP-Vinachem... ghi nhận lợi nhuận năm 2022 tăng cao, xô đổ kỷ lục của năm 2021.

TĂNG TRƯỞNG GIẢM TỐC, LỢI NHUẬN CẢ NĂM VẪN ĐẠT KỶ LỤC

Đến thời điểm hiện tại, hầu hết các doanh nghiệp ngành phân bón đã công bố báo cáo tài chính quý 4/2022 với mức tăng trưởng giảm rõ rệt so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, sau khi đạt đỉnh vào quý 1 và bắt đầu giảm tốc từ quý 2, quý 3, lợi nhuận của các doanh nghiệp phân bón đã bước vào giai đoạn đi lùi trong quý 4, báo hiệu triển vọng kém lạc quan hơn trong năm 2023.

Trong quý 4/2022, Tổng công ty Phân bón và Hoá chất Dầu khí - CTCP (Đạm Phú Mỹ, mã DPM) ghi nhận doanh thu thuần đạt 3.900 tỷ đồng; giảm 23,3% so với cùng kỳ năm 2021. Biên lợi nhuận gộp đạt 42%, giảm so với con số 46,6% của cùng kỳ nhưng có cải thiện so với mức 38,3% của quý 3.

Lợi nhuận sau thuế (LNST) trong quý 4 của Đạm Phú Mỹ đạt 1.140 tỷ đồng, giảm 31,7% so với cùng kỳ năm ngoái và kém xa mức lãi kỷ lục 2.126 tỷ đồng của quý 1 cùng năm nhưng cũng đã tăng trở lại sau khi lùi về 1.001 tỷ đồng trong quý 3.

Lũy kế cả năm 2022, doanh thu thuần của Đạm Phú Mỹ đạt 18.745 tỷ đồng và LNST đạt 5.606 tỷ đồng, lần lượt tăng 45,5% và 80% so với cùng kỳ. Lãi ròng đạt 5.586 tỷ, tăng 79% so với cùng kỳ. Đây đều là mức doanh thu và lợi nhuận cao kỷ lục của doanh nghiệp này.

Năm 2022, Đạm Phú Mỹ đặt mục tiêu tổng doanh thu 17.239 tỷ đồng và LNST 3.473 tỷ đồng. Như vậy, công ty đã thực hiện vượt chỉ tiêu doanh thu và vượt xa mục tiêu lợi nhuận năm.

Cũng giống Đạm Phú Mỹ, tăng trưởng lợi nhuận quý 4 của CTCP Phân bón dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau, mã DCM) đã có bước thụt lùi nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái. Trong kỳ dù doanh thu của Đạm Cà Mau tăng 17% so với cùng kỳ lên 4.494 tỷ đồng song LNST lại giảm 8,4% xuống 1.003 tỷ đồng.

Tuy nhiên, lũy kế cả năm, doanh thu và LNST của Đạm Cà Mau vẫn đạt mức cao kỷ lục, lần lượt đạt 16.380 tỷ đồng và 4.281 tỷ, tăng 1,62 lần và 2,34 lần so với năm 2021.

Với kết quả kinh doanh khởi sắc, cuối tháng 12, Đạm Cà Mau đã điều chỉnh chỉ tiêu kế hoạch hoạt động sản xuất kinh doanh chính năm 2022. Theo đó, doanh nghiệp điều chỉnh tăng chỉ tiêu tổng doanh thu hợp nhất cả năm thêm 60% lên 14.525 tỷ đồng và LNST tăng gấp 7 lần kế hoạch cũ lên 3.661 tỷ đồng. Với chỉ tiêu kế hoạch mới, Đạm Cà Mau đã hoàn thành vượt 10% kế hoạch doanh thu và 17% kế hoạch lợi nhuận.

Quý 4/2022, Phân bón Bình Điền (mã BFC) chứng kiến LNST giảm tới gần 80% so với cùng kỳ xuống 22,7 tỷ đồng do biên lợi nhuận gộp thu hẹp, cũng như chi tài chính, bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng cao. Việc lợi nhuận đi lùi trong hai quý cuối năm đã kéo LNST cả năm của BFC giảm 37% so với cùng kỳ xuống 187 tỷ đồng, dù doanh thu vẫn tăng gần 11%, đạt 8.579 tỷ đồng.

Tuy vậy, công ty vẫn hoàn thành vượt mức kế hoạch 6.428 tỷ đồng doanh thu và 200 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế.

Tương tự, quý cuối cùng của năm 2022 cũng là quý thứ hai liên tiếp Phân bón và Hóa chất Dầu khí Miền Trung (mã PCE) ghi nhận LNST tăng trưởng âm. Thậm chí quý 4, LNST của BFC còn giảm tới gần 105% so với quý 4 năm trước, rơi xuống mức âm gần 1,9 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 38,8 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu theo doanh nghiệp là do sản lượng tiêu thụ, lợi nhuận góp giảm.

Tính chung cả năm 2022, LNST của BFC giảm gần 55%, đạt 29,7 tỷ đồng dù doanh thu tăng 15% lên 3.519 tỷ đồng.

Trong quý 4, LNST của DAP-Vinachem (mã DDV) cũng giảm mạnh so với cùng kỳ. Trong kỳ, doanh thu của doanh nghiệp đạt 820 tỷ đồng, tăng 11,4% so với cùng kỳ nhưng LNST chỉ đạt 7,1 tỷ đồng, giảm 78,4%. Tuy nhiên nhờ hai quý đầu năm khởi sắc, cả năm 2022 doanh thu của DDV vẫn tăng 12,7% so với năm ngoái, đạt 3.308 tỷ đồng và LNST tăng gần 87%, đạt gần 357 tỷ đồng.

TRIỂN VỌNG KÉM LẠC QUAN NĂM 2023?

Dù kết quả kinh doanh sa sút trong quý 4 nhưng nhìn chung năm 2022 vẫn là năm khởi sắc đối với hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp phân bón khi đa phần doanh thu và lợi nhuận của các doanh nghiệp đều cao kỷ lục. Kết quả này chủ yếu nhờ giá bán tăng cao và hoạt động xuất khẩu được đẩy mạnh.

Theo đó, từ đầu năm 2021, giá phân bón tăng cao theo đà tăng của nguyên liệu cơ bản (như than đá, khí đốt, hóa chất), giúp các doanh nghiệp phân bón ghi nhận lợi nhuận tích cực. Đặc biệt, quý 4 năm ngoái và hai quý đầu năm nay, giá phân bón tăng vọt, ảnh hưởng từ cuộc chiến tranh Nga - Ukraine, các doanh nghiệp phân bón trong nước ghi nhận kết quả kinh doanh đột biến.

Tuy nhiên, giá urê có dấu hiệu hạ nhiệt sau khi đạt đỉnh vào khoảng tháng 5/2022, kéo theo kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp trong hai quý cuối năm giảm mạnh.

Nguồn: Bloomberg, SSI Research

Nguồn: Bloomberg, SSI Research

Trong báo cáo mới đây, SSI Research nhận định giá urê có thể tiếp tục giảm trong năm 2023 do một số nguyên nhân. Thứ nhất là xuất khẩu từ Nga và Trung Quốc sẽ phục hồi. Thứ hai là chi phí đầu vào urê (than và khí tự nhiên) có thể giảm. Thứ ba là nhu cầu urê có thể suy yếu do lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu và sự điều chỉnh giá của các mặt hàng nông nghiệp.

Theo SSI Research, quý 4 thường được coi là mùa cao điểm. Tuy nhiên, giá urê không tăng trong quý 4/2022. Điều này phản ánh nhu cầu đang suy yếu và nhu cầu có thể tiếp tục giảm đi vào năm 2023.

SSI Research cho rằng lợi nhuận của các nhà sản xuất urê sẽ giảm đáng kể nhất trong quý 1/2023. “Lưu ý rằng cả Đạm Phú Mỹ và Đạm Cà Mau đều chốt được đơn hàng xuất khẩu với mức giá rất cao (trên 900 USD/tấn so với giá hiện tại là 480 USD/tấn) trong tháng 1/2022, và giá urê đã hình thành mức đỉnh khác vào tháng 3/2022 do căng thẳng Nga- Ukraine vào thời điểm đó. Do đó, chúng tôi cho rằng lợi nhuận của Đạm Phú Mỹ và Đạm Cà Mau sẽ giảm nhiều nhất trong quý 1/2023”, SSI Research nhận định.

Với triển vọng kém lạc quan như vậy, công ty chứng khoán này ước tính lợi nhuận ròng của Đạm Phú Mỹ và Đạm Cà Mau lần lượt là 3.000 tỷ đồng (giảm 39% so với cùng kỳ) và 2.260 tỷ đồng (giảm 41% so với cùng kỳ) vào năm 2023, nhưng vẫn cao hơn nhiều so với mức trước COVID lần lượt là 700 tỷ đồng và 600 tỷ đồng.

Thực tế, trước những khó khăn được dự báo, trong kế hoạch năm 2023 công bố mới đây, Đạm Phú Mỹ tỏ ra khá dè dặt trong việc đặt mục tiêu năm với tổng doanh thu hợp nhất 17.372 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất 2.670 tỷ đồng, giảm 13% về doanh thu và giảm 58% về lợi nhuận trước thuế so với năm 2022.

Mục tiêu thấp được đưa ra trong bối cảnh giá urê năm 2023 được dự báo quanh mức 400 USD/tấn - 500 USD/tấn, giảm so với mức đỉnh hơn 1.000 USD/tấn trong năm 2022. Trong đó, tại thị trường châu Âu, giá khí đốt bắt đầu tăng mạnh kể từ năm 2021.

Bên cạnh đó, một số tín hiệu cho thấy một trong hai quốc gia là Nga và Trung Quốc sẽ dỡ bỏ những biện pháp hạn chế hạn ngạch xuất khẩu phân bón (nguyên nhân khiến nguồn cung khan hiếm, đẩy giá phân bón tăng mạnh trong năm qua). Dù vậy, mức lợi nhuận trước thuế 2.670 tỷ đồng vẫn rất cao so với các năm trước đây của Đạm Phú Mỹ.

Sang năm 2023, Phân bón Bình Điền cũng đặt kế hoạch kinh doanh đi lùi với doanh thu 7.476,5 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 220 tỷ đồng, lần lượt giảm 12,9% và 6,4% so với thực hiện trong năm trước.

Riêng trong quý 1/2023, công ty đặt kế hoạch doanh thu 1.354,5 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế dự kiến 20,4 tỷ đồng. Như vậy, ước tính lợi nhuận quý 1/2023 sẽ giảm 80,9% so với cùng kỳ năm 2022.

Theo Mekong Asean

Đọc tiếp

Cảng Chu Lai phục vụ xuất khẩu nông sản với chi phí tối ưu

Cảng Chu Lai - kết nối nông sản Việt ra thị trường thế giới

Với mục tiêu đưa cảng Chu Lai trở thành trung tâm kết nối logistics, thúc đẩy tiêu thụ, xuất khẩu nông sản trong nước, Công ty Giao nhận Vận chuyển Quốc tế Trường Hải (THILOGI) đã triển khai nhiều giải pháp nhằm kết nối hoạt động giao nhận vận chuyển đường bộ - cảng biển - đường biển, tối ưu hóa chuỗi giá trị xuất khẩu nông sản.

Giá chung cư ở Hà Nội tăng liên tục do đâu?

Giá chung cư ở Hà Nội tăng liên tục do đâu?

Khi so sánh giữa các dòng sản phẩm, người mua có nhu cầu ở thực có thể nhận thấy giá căn hộ vẫn ở mức hợp lý hơn so với những sản phẩm liền thổ trong dự án như biệt thự và nhà liền kề. Từ đó, dẫn đến câu chuyện ghi nhận mức tăng về nhu cầu và giá sơ cấp của phân khúc căn hộ trong quý I/2024.

ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 của Tập đoàn Đất Xanh

ĐHĐCĐ Đất Xanh: Tập trung hoàn thiện pháp lý 8 dự án lớn, huy động 3.500 tỷ thông qua chào bán cổ phiếu

Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đất Xanh – ông Lương Trí Thìn cho rằng, thị trường bất động sản năm 2024 đã xuất hiện nhiều tín hiệu tích cực, Đất Xanh dự kiến hoàn thiện pháp lý 8 dự án trọng điểm quy mô lớn, chuẩn bị nguồn 20.000 sản phẩm tại các khu vực đông dân cư như TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai.

Nhịp cầu doanh nghiệp

Chat với BizLIVE