“Kỹ năng nghề sẽ là đơn vị tiền tệ quốc tế mới trong tương lai”

Kỹ năng nghề sẽ là "đơn vị tiền tệ quốc tế mới" trong thị trường lao động tương lai, bởi nó đem lại năng lực cạnh tranh tốt hơn, năng suất lao động cao hơn...
TS. Trương Anh Dũng
TS. Trương Anh Dũng
Tại tham luận gửi đến Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021: "Phục hồi và phát triển bền vững" ngày 5/12, TS. Trương Anh Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội dẫn chứng Báo cáo “Nâng cao kỹ năng vì sự thịnh vượng chung” của Diễn đàn Kinh tế Thế giới cho biết: Việc đầu tư quy mô rộng vào đào tạo nâng cao kỹ năng lao động có tiềm năng thúc đẩy GDP tăng thêm 0,5-2%, tương đương với 6,5 nghìn tỷ đô la vào năm 2030, nhất là trong bối cảnh chỉ có 21% doanh nghiệp được khảo sát cho biết có thể sử dụng ngân sách của mình để hỗ trợ đào tạo lại và nâng cao kỹ năng cho nhân viên của họ.
Theo TS. Trương Anh Dũng, nhiều tổ chức quốc tế cũng cho rằng kỹ năng nghề sẽ là "đơn vị tiền tệ quốc tế mới" trong thị trường lao động tương lai, bởi vì nó đem lại năng lực cạnh tranh tốt hơn, năng suất lao động cao hơn.
Hạ tầng đào tạo kỹ năng lao động của Việt Nam còn thấp
 
TS. Trương Anh Dũng cho biết, bốn đợt dịch bệnh COVID-19 tại Việt Nam vừa qua đã gây sức ép nặng nề về mọi mặt cho nền kinh tế Việt Nam nói chung và cho thị trường lao động nói riêng. Thị trường lao động đối mặt với tình trạng khủng hoảng nghiêm trọng với hàng triệu lao động bị thiếu việc làm, bị cắt giảm thu nhập, thậm chí mất việc làm.
Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy, tính riêng trong quý 3/2021, cả nước có hơn 28,2 triệu người từ 15 tuổi trở lên hứng chịu ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch COVID-19 khiến họ bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập,… cao nhất trong vòng 10 năm qua. 
“Kỹ năng nghề sẽ là đơn vị tiền tệ quốc tế mới trong tương lai” ảnh 1
Tỷ lệ người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực quý 3/2021. Đơn vị tính: %. (Nguồn: Tổng cục Thống kê)
"Các kịch bản phục hồi và số liệu dự báo thì có thể khác nhau, nhưng chắc chắn khi nối lại các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thì nguy cơ thiếu hụt nguồn cung lao động, thậm chí đứt gãy chuỗi cung ứng lao động có kỹ năng nghề sẽ hiện hữu nếu như chậm tiến độ bao phủ vaccine, các cơ sở đào tạo chưa được mở cửa trở lại", TS. Trương Anh Dũng nhận định.
Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, trong trạng thái bình thường mới, nếu các ngành có công nghệ mới, năng suất lao động cao phục hồi và phát triển mạnh mẽ sẽ giúp nền kinh tế không những nhanh chóng thoát khỏi suy thoái mà còn đồng thời đi vào tăng trưởng theo chiều sâu, bền vững.
Khi đó, nhu cầu lao động có kỹ năng cao tăng trong khi nhu cầu đối với người lao động ít được đào tạo và kỹ năng thấp giảm, thị trường lao động và việc làm ngày càng phân hóa theo hai nhóm kỹ năng thấp/lương thấp và kỹ năng cao/lương cao. Nó không chỉ đe dọa tới việc làm của những lao động trình độ thấp mà ngay cả lao động có kỹ năng bậc trung cũng sẽ bị ảnh hưởng nếu họ không trang bị các kiến thức mới, kỹ năng sáng tạo cho nền kinh tế số. 
Bên cạnh đó, Việt Nam là một nước đang phát triển, rất nhiều ngành nghề, lĩnh vực kinh tế hiện chủ yếu là thâm dụng lao động giá rẻ, năng suất lao động thấp, đồng thời, do tỷ lệ lao động khu vực phi chính thức rất cao nên sẽ chịu tác động nặng nề hơn trong xu thế ra đời và biến mất của nhiều ngành/nghề và công việc do số hóa, tự động hóa, chuyên môn hóa và toàn cầu hóa sản xuất của cách mạng 4.0.
Theo một nghiên cứu mới đây giữa ManpowerGroup Việt Nam và Viện Khoa học Lao động và Xã hội, có tới 94% doanh nghiệp sản xuất có vốn đầu tư nước ngoài có định hướng rõ ràng về việc tăng cường ứng dụng công nghệ mới trong hoạt động sản xuất trong ba năm tới.
Tuy nhiên, cũng theo 1 khảo sát của Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam về mức độ sẵn sàng của doanh nghiệp Việt Nam trong cách mạng công nghiệp 4.0 thì có tới 53% doanh nghiệp Việt Nam không dự báo được kỹ năng tương lai cần thiết cho lực lượng lao động của mình.
Theo Báo cáo của ADB về tương lai phát triển kỹ năng thời kỳ hậu COVID-19 cũng chỉ ra rằng, dù 68% số cơ sở đào tạo ở Việt Nam báo cáo đã được trang bị tốt ở một số ngành nghề cho cách mạng công nghiệp 4.0, con số này vẫn thấp hơn so với Campuchia (73%), Philippines (81%) và Indonesia (95%).  
ADB khuyến nghị Việt Nam cần phát triển các chương trình giáo dục nghề nghiệp chuyên biệt để tạo điều kiện cho công cuộc chuyển đổi sang cách mạng công nghiệp 4.0, tăng năng suất của người lao động và khả năng cạnh tranh của quốc gia.
Từ các dẫn chứng, TS. Trương Anh Dũng nhấn mạnh: "Trong trạng thái bình thường chính kỹ năng lao động chính là tiền đề giúp các ngành kinh tế phục hồi và phát triển mạnh mẽ".
Cần nhiều giải pháp đồng bộ
Theo TS. Trương Anh Dũng, mối quan tâm của các quốc gia nói chung và Việt Nam nói riêng hiện nay là làm thế nào để vượt qua cuộc khủng hoảng trước mắt. Tuy nhiên, các chính sách, các gói kích thích kinh tế cần vừa phù hợp để vừa giúp phục hồi kinh tế trong ngắn hạn, vừa nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo việc làm bền vững để phát triển thị trường lao động bảo đảm sự tăng trưởng chiều sâu, bền vững trong dài hạn, tránh lỡ nhịp với đà tăng trưởng của thế giới. 
Trước mắt, trong trường hợp thiếu hụt nghiêm trọng lao động do tác động của dịch bệnh COVID-19, để bảo đảm hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ thực hiện các giải pháp điều tiết, cung ứng lao động qua đào tạo nghề nghiệp từ học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo 3 mô hình sau:
Thứ nhất, đẩy mạnh hoạt động thực hành, thực tập sản xuất của học sinh, sinh viên tại doanh nghiệp.
Thứ hai, đưa học sinh, sinh viên đến doanh nghiệp theo hình thức vừa học vừa làm tại doanh nghiệp.
Thứ ba, tạm dừng việc học theo chương trình đào tạo, đến doanh nghiệp chỉ tập trung thực tập sản xuất.
Thậm chí, cần có đề án tập trung đào tạo kỹ năng nghề rất nhanh cho lực lượng bộ đội xuất ngũ, công an hoàn thành nghĩa vụ, thanh niên tình nguyện để cung ứng kịp thời cho các vùng kinh tế trọng điểm.
Về dài hạn, TS. Trương Anh Dũng cho rằng cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ như, hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Đẩy nhanh chuyển đổi số, hiện đại hóa cơ sở vật chất thiết bị và đổi mới chương trình, phương thức đào tạo.
Phát triển đội ngũ nhà giáo, nghệ nhân, chuyên gia, người dạy nghề và cán bộ quản lý trong giáo dục nghề nghiệp. Gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp, thị trường lao động.
Nghiên cứu ứng dụng khoa học và chuyển giao công nghệ, hướng nghiệp, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo. Tăng cường huy động và nâng cao hiệu quả đầu tư tài chính.
Truyền thông, nâng cao hình ảnh, thương hiệu và giá trị xã hội của giáo dục nghề nghiệp.
Chủ động và nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế… Trong đó, cần chú trọng và nâng cao chất lượng hoạt động dự báo ngắn hạn, trung hạn và dài hạn về nhu cầu nguồn nhân lực, nhu cầu việc làm và nhu cầu đào tạo trong lĩnh vực ngành, nghề. 
Trong đào tạo nhân lực cần nhấn mạnh kỹ năng cốt lõi, kỹ năng mềm, kỹ năng số, kỹ năng ngoại ngữ, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp thể hiện từ khâu đào tạo bồi dưỡng nhà giáo, phát triển chương trình và tổ chức đào tạo, kiểm tra đánh giá; phát triển các chương trình giảng dạy mới sẽ bao gồm các kỹ năng cần thiết cho lực lượng lao động trong tương lai - cả kỹ năng kỹ thuật số cũng như kỹ năng “con người” mà máy móc công nghệ không thể thay thế như giao tiếp, giải quyết vấn đề, sáng tạo, cộng tác và tư duy phản biện.
Trong các giải pháp trên thì hiện đại hóa cơ sở vật chất theo mô hình “nhà trường thông minh, hiện đại”, “nhà trường xanh”, và đổi mới phương thức đào tạo trong giáo dục nghề nghiệp với sự ứng dụng mạnh mẽ của công nghệ thông tin, gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp được xác định là những giải pháp trọng tâm để đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo nghề đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động.

Đọc tiếp

Nhịp cầu doanh nghiệp

Ảnh minh họa

Dòng vốn FDI thúc đẩy nhu cầu tuyển dụng tăng cao

Sự tăng trưởng của dòng vốn FDI và các chính sách thân thiện với nhà đầu tư dành cho khu công nghiệp đã tạo điều kiện cho nhu cầu tuyển dụng tăng cao trong lĩnh vực sản xuất, kỹ thuật và bất động sản công nghiệp.
Chat với BizLIVE