Kinh tế Việt Nam sẽ phải đối mặt những “cơn gió ngược” trong năm tới

Các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam ở thế khó, làm sao cân bằng được nhu cầu tiếp tục hỗ trợ chính sách để củng cố quá trình phục hồi với nhu cầu kiềm chế lạm phát và rủi ro tài chính mới nổi...
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Dù đã có kết quả tốt trong năm 2022, song kinh tế Việt Nam sẽ phải đối mặt với những “cơn gió ngược” mạnh vào năm tới, từ cả bên trong và bên ngoài.

Đây là nhận định của ông Andrea Coppola, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam khi trao đổi với phóng viên về triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2023.

Chỉ còn 2 tuần nữa là kết thúc năm 2022, ông đánh giá và dự báo như thế nào về kinh tế Việt Nam?

Việt Nam đã có kết quả kinh tế vĩ mô tốt trong năm 2022. Chúng tôi dự báo sẽ tăng trưởng 7,2% trong năm nay. Đây là một kết quả đáng chú ý, đặc biệt khi xét đến tình trạng suy thoái kinh tế ở các quốc gia khác trên thế giới.

Kết quả này được thúc đẩy bởi 4 động lực chính.

Thứ nhất, đó là động lực xuất khẩu của đất nước, vốn rất mạnh trong quá khứ và đã cho thấy khả năng phục hồi cả trong thời gian khủng hoảng do dịch COVID-19 khi xuất khẩu sản phẩm chế biến chế tạo là động lực chính của tăng trưởng GDP.

Thứ hai là nhu cầu trong nước được thể hiện qua sự phục hồi mạnh mẽ của doanh số bán lẻ, tăng 17%/năm vào tháng 10/2022 so với mức 0,4%/năm vào tháng 1/2022. Nhu cầu trong nước dự kiến sẽ bị ảnh hưởng bởi lạm phát trong nước gia tăng trong thời gian tới nhưng sẽ tiếp tục đóng góp tích cực vào tăng trưởng trong năm 2023.

Thứ ba, vốn đầu tư nước ngoài đóng một vai trò quan trọng. Trong 11 tháng đầu năm 2022, giải ngân vốn đầu tư nước ngoài FDI tăng hơn 15% so với cùng kỳ năm 2021, cao nhất trong vòng 5 năm qua.

Cuối cùng, tăng trưởng cao trong năm 2022 cũng là kết quả của hiệu ứng xuất phát điểm thấp của năm 2021 do tác động của dịch COVID-19.

Tuy nhiên, năm 2023 sẽ là một năm khó khăn hơn rất nhiều do triển vọng kinh tế toàn cầu ảm đạm và điều này sẽ ảnh hưởng đến kết quả kinh tế của Việt Nam.

Vậy đâu là những khó khăn thách thức mà kinh tế Việt Nam phải đối mặt trong năm 2023, thưa ông?

Đại dịch COVID-19 đã gây ra những tổn thất lâu dài và sự kết hợp của nhiều cú sốc liên quan đang kéo nền kinh tế toàn cầu đi xuống và dự kiến sẽ dẫn đến sự giảm tốc mạnh của tăng trưởng kinh tế toàn cầu vào năm 2023.

Ba lực cản mạnh đã và đang tác động đến kinh tế toàn cầu trong năm 2022 và có thể tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2023 gồm áp lực lạm phát dai dẳng, điều kiện tài chính xấu đi và suy thoái kinh tế ở Trung Quốc và các nền kinh tế lớn khác.

Tăng trưởng kinh tế toàn cầu dự kiến sẽ giảm tốc mạnh và các cú sốc kinh tế bổ sung, chẳng hạn như thắt chặt tiền tệ mạnh hơn dự kiến, có thể dẫn đến suy thoái kinh tế toàn cầu.

Trong bối cảnh đó, nền kinh tế Việt Nam sẽ phải đối mặt với những “cơn gió ngược” mạnh vào năm 2023 ở cả bên ngoài và bên trong.

Rủi ro bên ngoài bao gồm áp lực lạm phát toàn cầu dai dẳng, tiếp tục thắt chặt tiền tệ và suy thoái kinh tế nghiêm trọng hơn dự kiến của các đối tác thương mại chính của Việt Nam, cũng như sự gián đoạn liên tục trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Trong nước, lạm phát cao hơn và sự không chắc chắn liên quan đến rủi ro cao trong lĩnh vực tài chính có thể ảnh hưởng đến triển vọng tăng trưởng.

Dư địa chính sách hạn chế do lãi suất đã ở mức cao...

Vậy ông có khuyến nghị gì cho Việt Nam để hóa giải những thách thức này?

Trong bối cảnh toàn cầu có sự biến động không chắc chắn và nhiều rủi ro đã đặt các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam vào thế khó trong việc cân bằng giữa nhu cầu tiếp tục hỗ trợ chính sách để củng cố quá trình phục hồi tăng trưởng kinh tế với nhu cầu kiềm chế lạm phát và rủi ro tài chính mới nổi.

Trong trường hợp, nếu Cục Dự trữ Liên Bang Mỹ (Fed) tiếp tục tăng lãi suất và áp lực tỷ giá vẫn còn, cơ quan quản lý tiền tệ Việt Nam có thể cân nhắc cho phép tỷ giá hối đoái linh hoạt hơn nữa, bao gồm tốc độ giảm của tỷ giá tham chiếu nhanh hơn.

Với áp lực tỷ giá hối đoái dai dẳng, việc bán ngoại tệ trực tiếp có thể được sử dụng rất thận trọng để duy trì dự trữ ngoại hối. Trong trường hợp trượt giá nhanh hơn dẫn đến lạm phát gia tăng đáng kể và kỳ vọng lạm phát tăng lên, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có thể xem xét sử dụng lại lãi suất tham chiếu.

Tuy nhiên, do dư địa chính sách hạn chế do lãi suất đã ở mức cao, nên việc phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa sẽ giúp hạn chế tối đa việc tăng thêm lãi suất.

Cụ thể, các cơ quan chức năng có thể xem xét hạn chế chi tiêu công, đồng thời ưu tiên chi cho phát triển nguồn nhân lực và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư công đã được chọn có tác động dự kiến cao nhất đến tăng trưởng kinh tế.

Đối với chính sách trong lĩnh vực tài chính, để giải quyết những thách thức về thanh khoản trong ngành ngân hàng, NHNN có thể giúp khôi phục niềm tin thông qua cung cấp hỗ trợ thanh khoản khẩn cấp với điều kiện là các ngân hàng phải có kế hoạch khôi phục khả năng thanh khoản thỏa đáng, không phụ thuộc thường xuyên vào nguồn vốn vay của NHNN.

Trong trung hạn, có thể cần hoàn thiện khung xử lý ngân hàng của Việt Nam để tiếp tục nâng cao sự ổn định tài chính và tăng cường khung giám sát hợp nhất để theo dõi và đánh giá hiệu quả rủi ro hệ thống trên các thị trường, bao gồm ngân hàng, thị trường vốn và các lĩnh vực rủi ro cao như bất động sản.

Đầu tư công là một trong những động lực quan trọng để phát triển kinh tế xã hội, nhưng giải ngân vốn đầu tư công thời gian qua còn thấp. Ông có đề xuất gì với các cơ quan chức năng để đẩy nhanh tốc độ giải ngân?

Trên thực tế, một số yếu kém về thực hiện đầu tư xây dựng cơ bản trong những năm qua đã hạn chế hiệu quả của chính sách tài khóa của Chính phủ và tác động của chính sách này đối với tăng trưởng kinh tế.

Chi tiêu công gặp nhiều khó khăn do những thách thức trong quá trình triển khai, bao gồm các vấn đề như thu hồi đất và tái định cư. Vấn đề này đặc biệt nghiêm trọng đối với các dự án sử dụng vốn ODA, khi mà việc thu hồi đất và tái định cư được thực hiện bằng nguồn vốn đối ứng thường bị dự toán thấp trong quá trình chuẩn bị dự án, dẫn đến không đủ vốn ở giai đoạn thực hiện.

Một vấn đề khác làm chậm tiến độ giải ngân các dự án đầu tư công là khâu chuẩn bị dự án còn yếu kém.

Vì vậy, để tăng cường hiệu quả quản lý đầu tư công, các cơ quan chức năng có thể nâng cao chất lượng chuẩn bị dự án bằng cách thúc đẩy ước tính chính xác hơn về chi phí và lợi ích, bao gồm cả chi phí giải quyết đất đai.

Tôi cho rằng, nếu dự án được đánh giá là không khả thi sau khi phân tích chi tiết, các cơ quan chức năng có thể xem xét đơn giản hóa thủ tục hành chính để cho phép điều chỉnh kịp thời đề xuất dự án.

Xin cảm ơn những chia sẻ của ông.

Theo Nhịp sống Doanh nghiệp

Đọc tiếp

Ảnh minh hoạ

Sầu riêng quyết định mức tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành rau quả

Kim ngạch xuất khẩu rau quả trong quý I ước đạt 1,25 tỷ USD, tăng 27% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong quý đầu năm, sầu riêng và nhiều trái cây khác của Việt Nam chưa vào vụ nhưng kim ngạch xuất khẩu vẫn đạt và vượt 1 tỷ USD, cho thấy ngành rau quả có nhiều khả năng đạt mục tiêu xuất khẩu 6,5 tỷ USD trong năm nay.

Nhịp cầu doanh nghiệp

Khu công nghiệp - ảnh minh họa

Tây Ninh sắp có thêm khu công nghiệp quy mô gần 500 ha

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái vừa ký Quyết định 214/QĐ-TTg chấp thuận chủ trương dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng Khu công nghiệp Hiệp Thạnh - giai đoạn 1, tại xã Hiệp Thạnh, huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh.

Chat với BizLIVE