Thị trường tài chính thế giới năm 2021 thực sự vô cùng ấn tượng khi giá của nhiều loại tài sản lập đỉnh cao mới và có lúc rớt rất sâu, đồng thời cũng là năm giao thời của định hướng chính sách tiền tệ thế giới.

Thị trường chứng khoán toàn cầu lập nhiều đỉnh mới

Có nhiều yếu tố giúp thị trường chứng khoán thế giới lên điểm mạnh trong năm 2021 bao gồm hiệu ứng của các gói kích cầu quy mô kỷ lục từng được tung ra khi đại dịch COVID-19 bắt đầu vẫn còn được duy trì, tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp cao. 

Trong năm, chỉ số chứng khoán của nhiều thị trường lớn trên thế giới đồng loạt lên điểm mạnh, có thể điểm qua một số con số ấn tượng như sau: trên thị trường Mỹ, chỉ số S&P 500 tăng 26,89% và có năm thứ 3 tăng điểm liên tiếp; chỉ số Dow Jones và Nasdaq cũng có chuỗi 3 năm tăng điểm, mức tăng ghi nhận lần lượt 18,73% và 21,39%; chỉ số FTSE của thị trường Anh tăng 15%; chỉ số DAX của thị trường Đức ghi nhận mức tăng hơn 15% còn chỉ số CAC của thị trường Pháp tăng gần 30%.

Kinh tế tài chính thế giới năm 2021: Năm của những đỉnh cao và khủng hoảng ảnh 1
 Diễn biến chỉ số Dow Jones năm 2021 - Google Finance 

Triển vọng của thị trường chứng khoán thế giới năm 2022 có thể đương đầu với một số thách thức trong đó nổi bật nhất phải kể đến rủi ro thắt chặt chính sách tiền tệ thể hiện ở việc Ngân hàng Trung ương Mỹ (Fed) đã phát đi thông điệp rõ ràng về việc sẽ chấm dứt chương trình mua trái phiếu trong năm 2022 và nhiều khả năng sẽ có 3 đợt nâng lãi suất. Thông điệp thắt chặt chính sách tiền tệ cũng trở nên rõ ràng khi mà Ngân hàng Trung ương Anh vào ngày 17/12 cũng đã nâng lãi suất, trước đó là Ngân hàng Trung ương Chile. Dù vậy, vẫn còn nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới lo lắng về triển vọng tăng trưởng kinh tế, nổi bật nhất phải kể đến Trung Quốc và Nhật. 

Thị trường vàng thế giới qua nhiều phiên
sóng gió

Năm 2021, giá vàng có năm giảm mạnh nhất tính từ năm 2015, yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến giá vàng chính là đồng USD mạnh lên khi mà nhà đầu tư chuẩn bị tâm lý cho một năm mới mà nguồn cung tiền tệ có thể bị hạn chế ngay cả khi mối lo từ biến chủng Omicron đang lớn dần. Đóng cửa phiên giao dịch cuối cùng của năm 2021, giá vàng giao ngay trên thị trường New York tăng 15,30USD/ounce và chốt năm ở mức 1.829,8USD/ounce.Giá vàng giao hợp đồng tương lai tăng 0,5% lên 1.823USD/ounce.

Giá vàng giảm khoảng 4% trong năm 2021, kinh tế toàn cầu phục hồi khiến cho thêm nhiều nhà đầu tư lựa chọn tài sản rủi ro và giảm nắm giữ các tài sản an toàn ví như vàng.

Kinh tế tài chính thế giới năm 2021: Năm của những đỉnh cao và khủng hoảng ảnh 2
Diễn biến giá vàng năm 2021 - Gold Seek

Ngoài ra, nhà đầu tư cũng đón nhận thông điệp cho thấy rằng ngân hàng trung ương nhiều nước sẽ đẩy mạnh hạn chế bớt chương trình in tiền quy mô lớn kỷ lục nhằm khởi động lại nền kinh tế trong thời kỳ đại dịch COVID-19.

Giá vàng nhiều khả năng sẽ hưởng lợi từ khoảng thời gian thuận lợi kéo dài từ giữa tháng 12/2021. Các chuyên gia phân tích đang tính toán xem liệu động lực tăng giá của vàng có đủ để vàng tăng vượt mức 1.850USD một ounce.

Theo Kitco, đồng giám đốc của Walsh Trading – ông Sean Lusk, nhận định: “Nhìn từ góc độ mùa vụ, nhu cầu đối với vàng vật chất có thể coi như yếu tố hỗ trợ quan trọng đẩy giá vàng tăng lên trong khoảng thời gian từ giữa tháng 12 cho đến Valentine hàng năm. Trong từ 6-8 tuần tới, giá vàng và bạc có thể tăng. Khi mà biến chủng mới trở nên phổ biến hơn, chính sách tiền tệ dễ dãi sẽ vẫn tiếp tục. Rõ ràng Fed đã phát đi thông điệp sẽ bắt đầu nâng lãi suất cơ bản đồng USD. Tuy nhiên vẫn còn nhiều yếu tố bất ổn, quá trình phục hồi của kinh tế toàn cầu và nhiều yếu tố căng thẳng địa chính trị mới nhất”.

Thị trường tiền mã hóa có nhiều đỉnh cao

Thị trường tiền mã hóa trong năm vừa qua đã có nhiều đỉnh cao mới và thu hút lượng tiền đầu tư lớn hơn nhiều so với các năm trước dù trên thị trường tài chính vẫn còn nhiều tâm lý hoài nghi, e ngại về loại tài sản này từ phía nhà đầu tư và cả cơ quan quản lý.

Đồng bitcoin, đồng tiền mã hóa lớn nhất thế giới tính theo giá trị thị trường, đóng cửa phiên giao dịch cuối cùng của năm 2021 với mức hạ 19% trong tháng và như vậy ghi nhận tháng sụt giảm mạnh nhất tính từ tháng 5/2021, đây cũng là tháng 12 giảm sâu nhất của bitcoin tính từ năm 2013. Dù vậy, đồng bitcoin tăng giá được 60% trong năm 2021, năm tăng thấp nhất tính từ năm 2015. Đồng bitcoin từng lập kỷ lục gần 69.000USD vào đầu tháng 11/2021, kéo theo sự tăng giá ấn tượng của hàng loạt đồng tiền mã hóa khác. 

Kinh tế tài chính thế giới năm 2021: Năm của những đỉnh cao và khủng hoảng ảnh 3
 Diễn biến đồng bitcoin năm 2021 - Bloomberg

Tương lai của bitcoin nói riêng và các loại tiền mã hóa nói chung vẫn còn đang đương đầu với nhiều tranh cãi. Trong năm 20221, các đồng tiền mã hóa đã được thừa nhận về pháp lý nhiều hơn tại nhiều nơi, thu hút được sự quan tâm của công chúng, thế nhưng việc các loại tiền mã hóa hay trải qua biến động giá biên độ quá lớn khiến nhiều người đánh giá nó chỉ là sản phẩm của hoạt động đầu cơ.

Thế giới đương đầu với cuộc khủng hoảng năng lượng

 Năm 2021, giá dầu có năm tăng mạnh nhất tính từ năm 2009 khi mà các chiến dịch tiêm chủng vaccine được triển khai rộng rãi trên quy mô toàn cầu giúp cho nhiều nền kinh tế có thể mở rộng trở lại. Tiêu dùng các sản phẩm năng lượng trên toàn cầu vì vậy tăng cao hơn trong khi nguồn cung cầu trở lại với tốc độ hạn chế.

Trong năm 2021, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI tăng 55 và như vậy ghi nhận năm tăng mạnh nhất trong hơn 1 thập kỷ. Giá dầu Brent, giá dầu chuẩn của toàn cầu, tăng 50% và ghi nhận mức tăng cao nhất tính từ năm 2016. Nhà đầu tư hiện giờ đang trong trạng thái đánh giá triển vọng của nhu cầu năng lượng trong năm tới bởi biến chủng COVID-19 lây lan mạnh và OPEC sẽ sớm có cuộc họp với các nước liên minh nhằm bàn đến chính sách sản lượng.

Tính từ đầu năm 2021 cho đến cuối năm, giá khí đốt tăng gấp 3 lần từ đầu năm. Giá dầu mỏ "phi mã" hơn 40%, chạm mức cao nhất kể từ năm 2014. Giá than leo thang khoảng 60%. Khan hiếm năng lượng, cắt điện luân phiên, cùng với đó là áp lực lạm phát khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng vọt, tác động nặng nề tới đời sống người dân.

Kinh tế tài chính thế giới năm 2021: Năm của những đỉnh cao và khủng hoảng ảnh 4
 Diễn biến giá dầu Brent năm 2021 - Oil Price Chart

Nhiều doanh nghiệp và nhà máy trên khắp phải đóng cửa do thiếu điện và nguyên liệu sản xuất, đó là những gì mà thế giới đã và đang chứng kiến năm 2021 trong bối cảnh hầu hết các nước chuyển sang xu hướng thích ứng an toàn với COVID-19 và mở cửa trở lại nền kinh tế.

Một cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu đặt ra một bài toán chưa từng có đối với thế giới trong việc vừa giải tỏa “cơn khát” nhiên liệu, vừa đảm bảo sự cân bằng trên thị trường và hỗ trợ đà phục hồi kinh tế, đồng thời vẫn thực hiện những cam kết chống biến đổi khí hậu.

Đây không phải lần đầu tiên thế giới đối mặt với tình trạng thiếu nhiên liệu, song cuộc khủng hoảng này bùng phát đúng vào thời điểm các nước đẩy mạnh tốc độ hồi phục kinh tế sau hơn một năm đóng cửa do dịch bệnh.

Chuỗi cung ứng toàn cầu rơi vào khủng hoảng

Nhờ vào sự tích hợp của quá trình sản xuất liên biên giới, kết quả trực tiếp của quá trình toàn cầu hóa, người tiêu dùng đã quen với việc có nhiều chủng loại hàng hóa được cung cấp ngay lập tức, mỗi sản phẩm hàng hóa có thể có hàng trăm hàng nghìn linh kiện đến từ nhiều nơi trên thế giới. 

Trong năm 2021, mọi chuyện giờ đây đã không còn được như vậy nữa. Cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng của năm 2021 đang khiến cho toàn cầu hóa suy giảm nghiêm trọng, thậm chí ở mức độ tệ hại không kém so với những gì cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 từng gây ra.

Kinh tế tài chính thế giới năm 2021: Năm của những đỉnh cao và khủng hoảng ảnh 5
 Diễn biến chỉ số BDI trong năm 2021 - Trading Economics 

Có nhiều yếu tố đằng sau cuộc khủng hoảng mới nhất này: đại dịch COVID-19, yếu tố khí hậu và địa chính trị. Tất cả những yếu tố trên đã góp phần gây ra tình trạng thiếu các sản phẩm bán dẫn đã gây tổn hại đến hoạt động sản xuất chuỗi cung ứng toàn cầu. Nhu cầu của người tiêu dùng với hàng điện tử tiêu dùng tăng cao đã khiến nguồn cung chip lẽ ra được sử dụng cho sản xuất ô tô giảm đi, ngoài ra, nhiều biện pháp kiểm soát đi lại chặt chẽ khiến cho chuỗi cung ứng không thể hoạt động hiệu quả. 

Cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng toàn cầu đặc biệt lên cao trong nửa sau quý 2 và quý 3 năm nay khi hàng loạt các nước Đông Nam Á áp dụng các biện pháp phong tỏa nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch COVID-19. Từ cuối tháng 11, tình hình gián đoạn chuỗi cung ứng trở nên bớt căng thẳng, nó thể hiện trực tiếp ở việc chi phí vận tải hạ mạnh nhất trong nhiều năm. 

Các Ngân hàng Trung ương toàn cầu bắt đầu rút dần chính sách tiền tệ siêu nới lỏng

Việc kinh tế toàn cầu hồi phục trở lại sau khoảng thời gian suy giảm mạnh vào năm ngoái đang diễn biến dần đến giai đoạn quan trọng khi mà các nhà hoạch định chính sách kinh tế và các nhà điều hành doanh nghiệp chật vật với quá trình dịch chuyển từ việc mở cửa thời kỳ hậu đại dịch COVID-19 sang khoảng thời gian có tốc độ tăng trưởng bình thường hơn. 

Ngân hàng trung ương tại Mỹ và nhiều nơi khác trên thế giới đang cố gắng tính đến cách điều chỉnh chính sách để giúp hạn chế lạm phát tuy nhiên không gây ảnh hưởng xấu đến tăng trưởng kinh tế. 

Họ đang phải chật vật điều chỉnh nền kinh tế khỏi các biện pháp kích thích chưa từng có tiền lệ bao gồm lãi suất thấp kỷ lục, các chương trình mua trái phiếu được triển khai nhằm hỗ trợ cho nền kinh tế.

Tính đến hiện tại, NHTW Mỹ đã phát tín hiệu rõ ràng về việc sẽ giảm dần và kết thúc chương trình mua trái phiếu trong năm 2022, đồng thời sẽ nâng lãi suất cơ bản đồng USD 3 lần. NHTW châu Âu và nhiều NHTW lớn khác trên thế giới cũng đã phát đi thông  điệp tương tự. Tuy nhiên, riêng NHTW Trung Quốc vẫn đi ngược xu thế khi họ đang nói đến khả năng nới lỏng chính sách tiền tệ và bơm thanh khoản hỗ trợ thị trường.

Trung Quốc chỉnh đốn lại nền kinh tế và quy hoạch thị trường bất động sản

Năm 2021 chứng kiến nhiều chính sách mới vô cùng mạnh tay của chính phủ Trung Quốc nhằm chỉnh đốn lại hàng loạt các lĩnh vực, từ giáo dục cho đến bất động sản, kinh doanh dịch vụ trực tuyến. Có thể kể đến một số chính sách nổi bật ví như vào tháng 7/2021, Trung Quốc cấm toàn bộ các hình thức học thêm liên quan đến chương trình chính khóa trong kỳ nghỉ và cuối tuần tại các trường phổ thông, cùng lúc đó, cấm các công ty gia sư tư nhân niêm yết cổ phiếu hoặc huy động vốn ngoại.

Trong lĩnh vực bất động sản, năm vừa qua, những lùm xùm xung quanh khủng hoảng nợ bao trùm tập đoàn Evergrande thu hút rất nhiều sự quan tâm tại Trung Quốc và trên thế giới. Đó là kết quả trực tiếp từ chính sách “ba lằn ranh đỏ” với nội dung chủ yếu bao gồm tỷ lệ nợ/tổng tài sản ước tính khoảng 70%; tổng nợ vay ròng/vốn chủ sở hữu tối đa 100%; tiền/nợ vay ngắn hạn (tối thiểu 1.0); tổng các khoản phải trả (không bao gồm khoản người mua trả tiền trước và doanh thu chưa thực hiện/tổng tài sản (tối đa 70%). Những doanh nghiệp không đáp ứng được các yêu cầu trên sẽ bị hạn chế vay tiền từ ngân hàng. Khép lại năm 2021, chính phủ Trung Quốc đã yêu cầu một số doanh nghiệp nhà nước có tiềm lực mạnh thâu tóm lại dự án/tài sản xấu của doanh nghiệp bất động sản tư nhân yếu kém. 

Kinh tế tài chính thế giới năm 2021: Năm của những đỉnh cao và khủng hoảng ảnh 6
Cuộc khủng hoảng xảy ra tại Evergrande có thể xảy ra với bất kỳ doanh nghiệp bất động sản nào khác tại Trung Quốc - GettyImages 

Đồng thời, giới chức Trung Quốc cũng đã ban hành quy chế chính thức nhằm siết chặt hoạt động chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) của doanh nghiệp Trung Quốc tại sàn chứng khoán nước ngoài với quan điểm bảo vệ an ninh quốc gia. Toàn bộ các công ty Trung Quốc muốn IPO và bán thêm cổ phiếu ở nước ngoài đều phải đăng ký với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Trung Quốc. Theo đề xuất, các công ty bị cấm bán cổ phần nếu việc niêm yết ở nước ngoài gây đe dọa an ninh quốc gia. Những công ty có hoạt động gây lo ngại về an ninh mạng cũng sẽ phải được rà soát an ninh trước khi bán cổ phần.

Ngọc Diệp