Kinh tế Anh ảm đạm nhất trong số các nền kinh tế hàng đầu thế giới

OECD cho biết trong dự báo kinh tế mới nhất rằng GDP của Anh sẽ giảm 0,4% vào năm 2023 và chỉ tăng 0,2% vào năm 2024.
Cảnh vắng vẻ tại nhà ga King's Cross ở London, Anh. Ảnh: AFP/TTXVN
Cảnh vắng vẻ tại nhà ga King's Cross ở London, Anh. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 22/11, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) nêu bật triển vọng nền kinh tế Anh sẽ trở thành nền kinh tế kém nhất trong Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), không tính Nga, trong hai năm tới, và cảnh báo rằng các quốc gia phải tiếp tục coi việc chống lạm phát là ưu tiên hàng đầu.

OECD cho biết trong dự báo kinh tế mới nhất rằng GDP của Anh sẽ giảm 0,4% vào năm 2023 và chỉ tăng 0,2% vào năm 2024.

OECD cũng chỉ trích cam kết của chính phủ Anh về việc giữ giá trần hóa đơn năng lượng trung bình của hộ gia đình ở mức 2.500 bảng Anh cho đến tháng 4/2023, cho rằng sự hỗ trợ không có mục tiêu này sẽ “làm tăng áp lực lên lạm phát vốn đã cao trong thời gian ngắn”, dẫn đến lãi suất và nợ cao hơn.

Trong khi đó, nền kinh tế thế giới đang “quay cuồng” trước cú sốc năng lượng lớn nhất kể từ những năm 1970. Dự báo mới nhất của OECD cho thấy tăng trưởng ở hầu hết mọi nền kinh tế lớn trong năm tới sẽ yếu hơn so với dự báo đưa ra vào tháng 6/2022, do lạm phát cao liên tục làm giảm sức chi tiêu của người dân.

Trong khi triển vọng của Anh rất ảm đạm, OECD dự kiến tăng trưởng trong năm tới chỉ ở mức 0,5% ở Mỹ và Khu vực đồng euro (Eurozone), với việc Đức cũng rơi vào suy thoái và các nền kinh tế mới nổi kiên cường hơn sẽ thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu lên 2,2%.

Tổ chức này cũng cảnh báo rằng cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay vẫn tiếp diễn. Châu Âu phải đối mặt với những rủi ro thậm chí còn lớn hơn vào mùa Đông tới so với hiện tại về tình trạng thiếu khí đốt và điều đó có thể khiến châu Âu rơi vào suy thoái.

Mặc dù dự báo lạm phát sẽ giảm trong năm tới, đặc biệt là ở Mỹ và Brazil (Bra-xin), nhưng OECD cho rằng giá tiêu dùng sẽ tăng 6,8% trên toàn Eurozone vào năm 2023 và 3,4% vào năm 2024.

Ông Álvaro Santos Pereira, nhà kinh tế trưởng của OECD, cho biết: “Chống lạm phát phải là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi, lập luận rằng các ngân hàng trung ương đang làm những gì họ cần làm, nhưng các chính phủ cần giảm quy mô hỗ trợ tài chính không có mục tiêu đang làm tăng thêm áp lực lạm phát”.

OECD cũng đã đưa ra những lời chỉ trích tương tự đối với Pháp và Đức, khi cho rằng điều quan trọng là phải loại bỏ dần các biện pháp giữ giá năng lượng thấp, chẳng hạn như trợ cấp, trần giá hoặc giảm thuế, và thay vào đó cung cấp hỗ trợ thu nhập có mục tiêu hơn cho hộ gia đình dễ bị tổn thương.

Trong báo cáo, OECD đặc biệt nhấn mạnh vào vai trò của Đức trong vấn đề hỗ trợ năng lượng. Điều này rất quan trọng bởi nó khuyến khích tiết kiệm khí đốt nếu châu Âu đề phòng tình trạng thiếu năng lượng và một cú sốc kinh tế thậm chí còn tồi tệ hơn vào mùa Đông tới.

Cho đến nay, nhờ thời tiết tương đối ôn hòa, mức dự trữ khí đốt của EU vẫn ở mức cao. OECD giả định rằng, có thể tránh được sự gián đoạn đáng kể nếu mức sử dụng năng lượng vẫn thấp hơn khoảng 10% so với mức trung bình 5 năm, nhưng cho biết không rõ liệu nhu cầu có thể được đáp ứng trong một mùa Đông điển hình hay không.

Ông Pereira cho biết, việc bổ sung dung lượng lưu trữ vào năm tới có thể khó khăn hơn nếu nhu cầu khí hoá lỏng (LNG) của Trung Quốc tăng trở lại khi lệnh phong tỏa dịch COVID-19 được dần dỡ bỏ. Do đó nếu mùa Đông lạnh giá hơn có thể gây ra tình trạng thiếu hụt. Điều này có thể dẫn đến việc giá năng lượng cao trở nên gián đoạn và dai dẳng hơn nhiều.

Ông Pereira nhận định: “Châu Âu chắc chắn sẽ suy thoái trong năm nay nếu chúng ta có một mùa Đông lạnh giá... Mùa Đông tới, điều tương tự có thể xảy ra,”.

Theo TTXVN

Đọc tiếp

Nhịp cầu doanh nghiệp

OPEC+ đã "đặt cược" đúng

OPEC+ đã "đặt cược" đúng

Khi OPEC công bố duy trì cắt giảm sản lượng nhưng giá dầu vẫn giảm, các nhà phân tích cho rằng động thái của họ không có hiệu quả. Tuy nhiên, thị trường đang xoay chiều.

Chat với BizLIVE