Kiềm chế giá năng lượng - bài toán không dễ giải với EU

Đặt mức trần giá khí đốt nếu chỉ áp dụng ở mức độ quốc gia sẽ không có ý nghĩa gì, nên cần đến 1 giải pháp được thống nhất trên toàn EU, giải pháp giải quyết gốc rễ vấn đề.
Kiềm chế giá năng lượng - bài toán không dễ giải với EU

Làm thế nào để kiềm chế giá năng lượng gia tăng vẫn là một bài toán khó với Liên minh châu Âu (EU) vào lúc này. Đó là câu hỏi còn bỏ ngỏ tại Hội nghị các Bộ trưởng tài chính khu vực sử dụng đồng euro (eurozone) diễn ra ngày 7/11. Nhiều giải pháp vẫn còn chưa đạt được sự đồng thuận giữa các nước thành viên.

Nhiều giải pháp đã được các Bộ trưởng đưa ra, song vẫn chưa có giải pháp nào đạt được sự đồng thuận cao. Đơn cử như việc áp đặt mức hỗ trợ chính phủ cho người dân trong bối cảnh giá năng lượng leo thang cũng còn khá nhiều điều phải bàn.

Có những mức hỗ trợ được áp dụng trong nội bộ 1 quốc gia thành viên sẽ không có vấn đề gì, song sẽ là không phù hợp nếu áp đặt chung cho toàn khối. Mới đây Đức đã vấp phải sự phản đối của các nước thành viên EU, khi công bố gói hỗ trợ các doanh nghiệp và hộ gia đình lên tới 200 tỷ euro.

Các nước phản đối cho rằng, không phải nước nào cũng có đủ nguồn lực tài chính để đưa ra khoản hỗ trợ tương tự và điều này đe dọa môi trường cạnh tranh công bằng trong EU. Nhiều nước khác sau đó đã công bố gói hỗ trợ với quy mô nhỏ hơn, các gói hỗ trợ nhỏ này được cho là không chỉ làm tăng nợ công hiện đang ở mức cao của eurozone, mà còn gây khó khăn cho Ngân hàng Trung ương châu Âu trong cuộc chiến chống lạm phát đã lên tới 10,7% trong tháng 10.

Các Bộ trưởng tài chính eurozone vừa qua đều nhất trí rằng, các biện pháp hỗ trợ của các chính phủ nên có mục tiêu cụ thể và chỉ mang tính tạm thời. Tuy nhiên, theo giới chức khu vực, trên thực tế các biện pháp này đang được mở rộng. Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu Valdis Dombrovskis cho rằng, biện pháp kiềm chế giá năng lượng phải là giải pháp tinh tế, để làm sao có thể hỗ trợ nền kinh tế trong bối cảnh giá năng lượng cao.

“Chúng tôi đã thực hiện đánh giá mức độ thực hiện của các biện pháp hỗ trợ tạm thời, đây là mục tiêu mà các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu đã và đang thực hiện. Tuy nhiên, đáng tiếc là phần lớn các biện pháp đó không có mục tiêu cụ thể, vì vậy chúng tôi vẫn sẽ thảo luận để các biện pháp này có mục tiêu”, ông Valdis Dombrovskis cho hay.

Ngoài biện pháp hỗ trợ của chính phủ, một số quốc gia như Bỉ, Italy, Ba Lan và Hy Lạp mong muốn áp giá trần khí đốt trên toàn châu Âu. Tuy nhiên, họ đang vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ Đức và Hà Lan. Một quan chức cấp cao Đức đã thẳng thừng bác bỏ đề xuất này, khi cho rằng những can thiệp thị trường có tính chất nhân tạo có thể gây ra những hậu quả tiêu cực, không giúp khuyến khích các chính phủ và người tiêu dùng tiết kiệm năng lượng.

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Tài chính Áo Magnus Bruner nhấn mạnh: “Chúng ta cần làm cho giá dầu đi xuống và điều đó cần được thực hiện trên toàn châu Âu. Đặt mức trần giá khí đốt nếu chỉ áp dụng ở mức độ quốc gia sẽ không có ý nghĩa gì. Đó là lý do chúng ta cần đến 1 giải pháp được thống nhất trên toàn EU, một giải pháp giải quyết được gốc rễ vấn đề”.

Hiện các nước thành viên EU vẫn đang cân nhắc nhiều phương án, trong đó có phương án chính phủ cung cấp một lượng năng lượng cố định cho người tiêu dùng, với mức trợ cấp giá và mức tiêu thụ vượt quá định lượng này sẽ phải thanh toán theo giá thị trường cao hơn.

Theo đánh giá của một số giới chức EU, đây chưa phải giải pháp tối ưu, song bền vững về mặt chính trị và kinh tế. Nếu đạt được nhất trí, các nước sẽ trình ra Ủy ban châu Âu để xác định những nguyên tắc cụ thể mà chính phủ các nước Liên minh châu Âu có thể thực hiện trong các chính sách quốc gia, qua đó duy trì cạnh tranh công bằng giữa các nền kinh tế và cũng giúp các bộ trưởng xây dựng kế hoạch ngân sách năm 2023.

Theo VOV

Đọc tiếp

Nhịp cầu doanh nghiệp

Chat với BizLIVE