Kịch bản nào cho thị trường chứng khoán 2020?

Những kịch bản nào được dự tính cho năm nay, thị trường sẽ chịu tác động bởi các yếu tố nào và cần hoàn thiện những gì để phát triển bền vững?
Kịch bản nào cho thị trường chứng khoán 2020?

Năm 2020, thị trường chứng khoán Việt Nam đánh dấu 20 năm hình thành và phát triển. Những kịch bản nào được dự tính cho năm nay, thị trường sẽ chịu tác động bởi các yếu tố nào và cần hoàn thiện những gì để phát triển bền vững?

BizLIVE ghi nhận dự báo và nhận định của một số chuyên gia xoay quanh những câu hỏi trên.

3 YẾU TỐ CHO TTCK PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

TS. Đinh Thế Hiển, Chuyên gia kinh tế

Việt Nam là nước được hưởng lợi từ chiến tranh thương mại Trung - Mỹ. Nhận định này được thể hiện tương đối rõ ràng khi TTCK Việt Nam có mức tăng trưởng vượt trội so với TTCK Châu Á, trong năm 2019.

Trong năm 2020, TTCK Việt Nam vẫn tiếp tục xu thế tăng nhờ vào các yếu tố cơ bản của kinh tế Việt Nam tích cực với GDP tăng tốt, cán cân thương mại dương và lạm phát thấp. TTCK còn được hấp dẫn từ sự suy giảm của thị trường bất động sản, khiến một phần vốn chuyển qua kênh này. Dự kiến VN-Index có thể đạt mức 1.100 điểm vào cuối năm 2020.

Tuy nhiên, để TTCK Việt Nam được phát triển bền vững thì cần khắc phục yếu điểm về tính minh bạch tạo niềm tin thị trường, khả năng thanh khoản tốt và có hàng hóa tốt niêm yết. Để làm được điều này thì cần có 3 yếu tố.

Thứ nhất, các cổ phiếu niêm yết ở HoSE phải có công ty chứng khoán làm “Market marker” để đảm bảo tính minh bạch và tính thanh khoản. Trước mắt áp dụng cho nhóm VN30 và sau đó cho toàn bộ công ty niêm yết. Các công ty chứng khoán làm “Market marker” là đơn vị có đủ năng lực để đánh giá công ty niêm yết, và họ sẽ trả giá nếu họ yếu kém hoặc thông đồng với công ty niêm yết trong việc làm giá cổ phiếu, cũng như sẽ hạn chế tình trạng các nhóm làm giá hiện nay.

Thứ hai, cần phát triển các Quỹ đầu tư vào các công ty chuẩn bị niêm yết như Mekong Capital đang làm. Nhờ các quỹ này sẽ giúp các công ty kinh doanh tốt được chuẩn hóa, phát triển để cung cấp hàng hóa tốt cho thị trường.

Kịch bản nào cho thị trường chứng khoán 2020? ảnh 1
 Từ trái qua: Ông Đinh Thế Hiển, ông Trương Hiền Phương, ông Nguyễn Thế Minh.

Thứ ba, cần phải có tổ chức đánh giá tín nhiệm độc lập và uy tín để đánh giá xếp hạng các công ty niêm yết, giúp các nhà đầu tư có thông tin tin cậy về năng lực tài chánh kinh doanh của các công ty này.

TTCK NĂM 2020 ĐẦY TIỀM NĂNG

Ông Trương Hiền Phương, Giám đốc cấp cao, CTCK KIS Việt Nam

Thị trường chứng khoán năm 2020 vẫn đầy tiềm năng với nhiều cơ hội cho nhà đầu tư trong và ngoài nước khi P/E của thị trường Việt Nam đang được đánh giá là khá rẻ so với các nước trong khu vực.

Tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế có thể là yếu tố tác động mạnh đến thị trường trong năm 2020. Như chúng ta đã thấy, sự giảm tốc trong tăng trưởng trong năm 2019 đã tạo ra sự thận trọng trên thị trường chứng khoán. Qua đó làm thị trường dao động trong biên độ từ 940-1.030 điểm. Yếu tố này chắc chắn sẽ tiếp tục chi phối nhà đầu tư trong năm 2020. Mặt khác, việc ra mắt các bộ chỉ số mới cũng như việc nghiên cứu cho ra đời sản phẩm cổ phiếu không có quyền biểu quyết sẽ làm tăng lực cầu cho các cổ phiếu hết room mà đa phần là các cổ phiếu Blue-chips sẽ góp phần tích cực hơn cho thị trường chứng khoán. Do đó, thị trường sẽ có khuynh hướng tăng hoặc giảm dựa trên các thông tin diễn ra như thế nào.

Với yếu tố từ bên ngoài thì diễn biến của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung sẽ là yếu tố quyết định ảnh hưởng rất lớn đến thị trường chứng khoán Việt Nam. Theo đó nếu như cuộc chiến này tiếp tục leo thang và hai bên không thể đạt được thỏa thuận thì nền kinh tế thế giới sẽ tiếp tục chịu ảnh hưởng không nhỏ qua đó sẽ ảnh hưởng đến triển vọng tăng trưởng của Việt Nam và dòng vốn từ nhà đầu tư nước ngoài. Trong trường hợp chiến tranh thương mại Mỹ - Trung có yếu tố tốt dần lên thì thị trường sẽ phản ứng tích cực theo.

Ngoài ra, câu chuyện nâng hạng và những lợi thế của TTCK Việt Nam khi TTCK của một số quốc gia được nâng hạng trước sẽ tiếp tục là những thông tin mang tính tích cực và là lực đỡ để giúp VN-Index khó giảm sâu và tiếp đà bứt phá lên ngưỡng trên 1.000 điểm khi kết hợp được với các thông tin tích cực khác.

Khối ngoại hiện tại đang quan tâm đặc biệt đến thị trường chứng khoán việt Nam, do họ nhận thấy những cơ hội đầu tư với lợi nhuận cao. Tuy nhiên, do những hạn chế về mặt cơ chế nên khối ngoại vẫn chưa thể tham gia nhiều hơn. Những hạn chế này đến từ chu kỳ thanh toán T+2, chưa được bán khống hay thiếu đi những cơ chế phòng ngừa rủi ro với chi phí rẻ, đặc biệt là việc bị giới hạn tỷ lệ sở hữu... đây có thể là những yếu tố tác động đến sự phát triển của thị trường trong dài hạn.

Trong năm 2020, những ngành sẽ được nhà đầu tư quan tâm là ngành ngân hàng, điện, may mặc và thủy sản.

Tuy ngành ngân hàng gặp bất lợi khi phải giảm lãi suất cho vay trong đợt vừa rồi. Nhưng theo quan điểm cá nhân đây là yếu tác động ngắn hạn mang tính nhất thời. Về dài hạn, khi mặt bằng lãi suất ở mức thấp sẽ giúp doanh nghiệp gia tăng vay mượn qua đó làm lợi nhuận của các ngân hàng tăng trở lại. Bên cạnh đó, việc áp dụng chuẩn Basel II sẽ là điều kiện quan trọng giúp một số ngân hàng được nâng tăng trưởng tín dụng, qua đó giúp các ngân hàng có dư địa tăng trưởng nhiều hơn.

Với ngành điện triển vọng của ngành đang khá tốt khi nhu cầu sử dụng điện liên tục gia tăng 2 con số ở những năm tới trong khi nguồn cung mới hiện vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu này. Đây sẽ là cơ hội cho những doanh nghiệp trong ngành có thể cải thiện được doanh thu thông qua sự gia tăng trong giá mua điện.

Với ngành thủy sản, động lực chủ yếu xuất phát từ nội tại, khi các doanh nghiệp đầu ngành đang không ngừng đầu tư để hoàn thiện chuỗi giá trị theo chiều dọc qua đó cải thiện sức cạnh tranh trên thị trường nước ngoài. Bên cạnh đó, sự tăng trưởng mạnh của thị trường Trung Quốc cũng góp phần không nhỏ vào sự tăng trưởng doanh thu trong năm tới của này.

Cuối cùng là ngành may mặc, do đã chịu nhiều bất lợi trong năm 2019 nhưng lại là nền tảng để các doanh nghiệp cải thiện mô hình kinh doanh, cơ cấu lại nguồn lực và các dòng sản phẩm. Qua đó nâng cao được biên lợi nhuận tốt hơn và tăng sức cạnh tranh cũng như nâng tính hiệu quả hơn so với lúc trước. Vì vậy năm 2020 sẽ là điểm sáng cho các doanh nghiệp ngành may mặc.

Các nhân tôi cho rằng ngân hàng sẽ tiếp tục là đầu tàu cùng với một vài cổ phiếu blue-chips sẽ dẫn dắt thị trường đi lên. Vì đây là ngành có vốn hóa lớn nhất trên thị trường và được kỳ vọng có thể phục hồi trở lại trong năm 2020.

Trong 20 năm hình thành và phát triển thì thị trường chứng khoán Việt Nam đã có những bước tiến không ngừng và đạt được nhiều thành quả nhất định. Hiện tại trọng tâm phát triển thị trường chứng khoán là nâng hạng thị trường từ cận biên lên mới nổi. Để đạt được điều đó chúng ta cần phải hoàn thiện rất nhiều thứ.

Phát triển khung pháp lý hoàn thiện để thị trường có thể phát triển bền vững; phát triển những sản phẩm phái sinh nhằm phục vụ nhu cầu của nhà đầu tư, quan trọng hơn là giúp các nhà đầu tư có thêm công cụ phòng ngừa rủi ro; tạo ra cơ chế tốt hơn để thu hút nhà đầu tư nước ngoài; giảm thời gian thanh toán từ T+2 về T+0 hoặc tạo ra những công cụ có thể mua bán trong phiên.

VN-INDEX CÓ THỂ QUAY LẠI MỨC 1.100 - 1.200 ĐIỂM

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích CTCK Yuanta

Tôi có cái nhìn thận trọng về thị trường trong năm 2020 khi rủi ro chiến tranh thương mại sẽ gia tăng và yếu tố địa chính trị sẽ gây khó khăn cho thị trường vào năm sau. Trong nước, tôi nhận thấy tốc độ sản xuất đang suy yếu do ảnh hưởng từ giảm tốc nền kinh tế toàn cầu, mặc dù vậy viễn cảnh có thể sẽ đỡ rủi ro hơn so với các quốc gia khác. Tuy vậy, tôi đánh giá tích cực thị trường trong quý I và đến gần giữa quý II/2020.

Tôi cho rằng chỉ số VN-Index có thể sẽ quay trở lại mức 1.100 điểm và 1.200 điểm trong đầu năm sau. Tuy nhiên, rủi ro sẽ tăng dần sau đó và thị trường có thể sẽ bước vào giai đoạn giảm sau đó. Nhìn chung, thị trường có thể sẽ trong xu hướng giảm trong năm 2020.

Với khối ngoại, hiện họ có cái nhìn tích cực về cơ hội đầu tư trên TTCK Việt Nam bởi như định giá hấp dẫn với P/E hiện tại đang ở mức 15.7x, thấp hơn so với nhiều thị trường khác trong khu vực, tăng trưởng lợi nhuận dự báo của các doanh nghiệp niêm yết trên HoSE trong năm 2020 dự báo tích cực, kinh tế vĩ mô ổn định và được kiểm soát tốt. Tuy nhiên, vẫn có một số trở ngại đối với NĐTNN khi tìm kiếm cơ hội đầu tư vào TTCK Việt Nam, đó là thanh khoản thấp, quy mô thị trường nhỏ và thiếu sự lựa chọn về cổ phiếu, giới hạn tỷ lệ sở hữu NĐTNN. Luật Chứng khoán sửa đổi là một bước tiến mới trong sự phát triển của thị trường, dù vậy vẫn còn nhiều việc cần phải hoàn thành để đạt mục tiêu nâng hạng thị trường.

Năm 2020, tôi cho rằng thật khó để chọn một nhóm ngành cụ thể để đầu tư khi vẫn có nhiều rủi ro khó đoán trước và chủ yếu đến từ bên ngoài (như thỏa thuận thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, Bầu cử Tổng thống Mỹ…). Tuy nhiên, tôi đánh giá tích cực về hệ thống ngân hàng hiện nay và kỳ vọng tăng trưởng của nhóm ngành này trong giai đoạn dài hạn. Song song đó là nhóm ngành công nghệ, năng lượng điện kỳ vọng sẽ là những ngành có tăng trưởng mạnh trong năm tới.

Ngoài ra, dòng tiền có thể chú ý đến các nhóm cổ phiếu có câu chuyện thoái vốn, bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng có thể lựa chọn những cổ phiếu có câu chuyện riêng hay có tỷ suất cổ tức cao từ 8 – 10% hoặc cao hơn. Các bộ chỉ số mới (VN Diamond, VNFIN Lead, VNFIN Select) ra đời đi kèm với đó là các ETF dựa trên các bộ chỉ số đó có thể sẽ là lựa chọn của dòng vốn ngoại trong giai đoạn sắp tới bởi đặc tính thanh khoản tốt và có thể đầu tư gián tiếp vào các cổ phiếu hết room. Tuy nhiên, dòng vốn vào các ETF thường vào nhanh và ra cũng nhanh.

Để TTCK phát triển ổn định, bền vững và thu hút các doanh nghiệp cũng như nhà đầu tư tham gia thị trường, nhà nước cần hoàn thiện hơn về mặt chính sách, thủ tục pháp lý cũng như các tổ chức, cá nhân trong thị trường. Cụ thể, sớm hoàn thiện thông qua luật chứng khoán mới; đa dạng các công cụ giao dịch trên thị trường, bổ sung thêm các sản phẩm về phái sinh và phát triển hơn nữa kênh trái phiếu; ngoài ra, cơ chế mở cho các sản phẩm ETF; đẩy mạnh hoạt động cổ phần hóa, thoái vốn các DNNN và niêm yết trên TTCK; rút ngắn các giao dịch T+ phù hợp theo tình hình thanh khoản của thị trường.

Ngoài ra, có các quy định, giám sát tính minh bạch trong báo cáo tài chính, áp dụng chuẩn mực kế toán quốc tế. Điều này rất ảnh hướng tới việc thu hút nhà đầu tư tham gia thị trường Việt Nam. Rất nhiều NĐTNN nhận thấy Việt Nam là một thị trường hấp dẫn nhưng các rào cản về mặt công bố thông tin doanh nghiệp, chuẩn mực báo cáo tài chính, quy định giao dịch, mở tài khoản cũng ảnh hưởng tới việc NĐTNN tham gia thị trường.

Bài viết đăng tải trên đặc san “Đầu tư & Kinh doanh Việt Nam 2019 - 2020 toàn cảnh”, trong khuôn khổ Diễn đàn Đầu tư và Phát triển Kinh doanh 2020 với chủ đề “Cơ hội tăng tốc & bứt phá”.
Diễn đàn do Ban Kinh tế Trung ương & Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đồng chủ trì; Hiệp hội Các tổ chức dịch vụ phát triển kinh doanh Việt Nam (VABO) cùng BizLIVE, VTV24 đồng tổ chức, gồm các nội dung thảo luận dự kiến như sau:
Phiên 1: Bức tranh “Panorama” về môi trường Đầu tư và Kinh doanh Việt Nam 2020
Phiên 2: Những giải pháp có tính đòn bẩy cho thị trường tài chính & Bất động sản 2020
Phiên 3: Tăng tốc & bứt phá trong các lĩnh vực Hàng không, Năng lượng tái tạo, Giáo dục đào tạo.
Thời gian: 8h00 ngày 06 tháng 01 năm 2020
Địa điểm: Khách sạn REX, 141 Nguyễn Huệ, Quận 1, TP.HCM.
Thông tin chi tiết hơn về Diễn đàn Đầu tư và Phát triển Kinh doanh 2020 với chủ đề “Cơ hội tăng tốc & bứt phá” được cập nhật liên tục tại đây.
Quý độc giả quan tâm, vui lòng đăng ký tham dự Diễn đàn tại đây.

Đọc tiếp

VN-Index hướng tới ngưỡng 1.300 – 1.320 điểm

VN-Index hướng tới ngưỡng 1.300 – 1.320 điểm

Nhóm cổ phiếu ngân hàng là động lực chính kéo chỉ số VN-Index đã vượt ngưỡng 1.281 điểm trong tuần qua. Tuần tăng mạnh trên nền thanh khoản cao sẽ tiếp tục tạo động lực để thị trường hướng tới ngưỡng 1.300 – 1.320 điểm.

Nhịp cầu doanh nghiệp

1 ngày ra 15 "án phạt" - số tiền gần 7 tỷ đồng

1 ngày ra 15 "án phạt" - số tiền gần 7 tỷ đồng

Chỉ trong ngày 7/2/2024, ngay trước kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) thông báo phạt đến 15 tổ chức, cá nhân vi phạm trên thị trường chứng khoán với tổng số tiền gần 7 tỷ đồng.

Chat với BizLIVE