Khủng hoảng nợ công sẽ đẩy kinh tế Mỹ vào suy thoái

Giới phân tích nhận định bất đồng giữa đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ ở Mỹ về mức trần nợ công có thể đẩy nền kinh tế lớn nhất thế giới này vào suy thoái, khiến 7,5 triệu người mất việc làm.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen hồi đầu tuần này cho biết đến đầu tháng Sáu, Chính phủ Mỹ có thể không còn tiền để trang trải các hóa đơn. Giới đầu tư đang rất lo ngại trước nguy cơ này. Lợi suất của lượng trái phiếu chính phủ trị giá 650 tỷ USD đáo hạn trong nửa đầu tháng Sáu đã tăng vọt lên các mức cao kỷ lục sau phát biểu nói trên của bà Yellen, cho thấy khả năng ngày càng cao lượng trái phiếu này sẽ không được thanh toán đúng hạn.

Bà Kathy Bostjancic, chuyên gia kinh tế trưởng của công tydịch vụ tài chính và bảo hiểm Nationwide, dự đoán kinh tế Mỹ sẽ suy thoái trong năm nay, khi các đợt nâng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nhằm kiềm chế lạm phát đã làm tăng chi phí đi vay đối với các hộ gia đình và doanh nghiệp, đồng thời làm chậm hoạt động cho vay của ngân hàng. Tình hình này đã làm suy yếu nền kinh tế và có thể bắt đầu làm tăng tỷ lệ thất nghiệp, hiện đang ở mức thấp lịch sử 3,5%.

Nhiều nhà hoạch định chính sách kinh tế hàng đầu hồi tháng 12 năm ngoái đã dự đoán đến cuối năm 2023, tỷ lệ thất nghiệp có thể tăng thêm khoảng 1 điểm phần trăm.

Bà Bostjancic cho rằng một cuộc khủng hoảng nợ và một lần vỡ nợ, dù chỉ với một số khoản thanh toán lãi đến hạn mỗi ngày, sẽ đẩy nhanh quá trình này, vì để thực hiện những nghĩa vụ thanh toán này, chính phủ sẽ phải cắt giảm chi tiêu. Điều này sẽ ngay lập tức ảnh hưởng đến dòng tiền dành cho các cá nhân hay các doanh nghiệp, từ đó củng cố khả năng suy thoái kinh tế.

Giới chuyên gia cho rằng tác động này sẽ nặng nề và kéo dài đến đâu còn phụ thuộc nhiều vào việc các khoản thanh toán bị “câu giờ” trong bao lâu, mà điều này lại tùy thuộc vào phản ứng của các thị trường tài chính. Chẳng hạn như, vào cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, Quốc hội Mỹ ban đầu đã bác bỏ đề xuất chi để giải cứu các ngân hàng của Bộ Tài chính, nhưng sự tuột dốc kỷ lục của giá cổ phiếu và sự gia tăng trong lợi suất trái phiếu sau đó đã khiến Quốc hội thay đổi ý định nhanh chóng và thông qua kế hoạch giải cứu nói trên chỉ vài ngày sau đó.

Ông Mark Zandi, chuyên gia kinh tế trưởng của Moody's Analytics, dự đoán kể cả khi phản ứng của thị trường tài chính không thể khiến Quốc hội nâng mức trần nợ công, vì việc quá hạn thanh toán nghĩa vụ nợ kéo dài có thể khiến nền kinh tế suy thoái nhẹ, với khoảng 1-2 triệu người mất việc làm và tỷ lệ thất nghiệp lên mức khoảng 5%.

Trong kịch bản tồi tệ nhất, khi chính phủ buộc phải cắt giảm chi tiêu trong khoảng thời gian dài và tâm lý kinh doanh bị ảnh hưởng nặng nề bởi sự bế tắc này và tình trạng bất ổn kéo theo trên các thị trường tài chính, tỷ lệ thất nghiệp có thể tăng vọt lên trên 8%, tức sẽ có 7,5-8 triệu việc làm bị mất đi.

Theo Vnanet

Đọc tiếp

Nhịp cầu doanh nghiệp

OPEC+ đã "đặt cược" đúng

OPEC+ đã "đặt cược" đúng

Khi OPEC công bố duy trì cắt giảm sản lượng nhưng giá dầu vẫn giảm, các nhà phân tích cho rằng động thái của họ không có hiệu quả. Tuy nhiên, thị trường đang xoay chiều.

Chat với BizLIVE