Khủng hoảng năng lượng đe dọa vị thế toàn cầu của châu Âu

Tờ The Economist vừa có bài viết đánh giá nguy cơ khủng hoảng năng lượng và địa chính trị kéo dài tại châu Âu sẽ làm suy yếu và đe dọa vị thế toàn cầu của châu lục.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Theo bài viết, giờ đây nếu đặt câu hỏi về triển vọng của "lục địa Già" thì câu trả lời trên toàn thế giới sẽ không nằm ngoài hai xu hướng. Thứ nhất là ngưỡng mộ. Với việc hỗ trợ Ukraine trong cuộc xung đột Nga-Ukraine, châu Âu đã thể hiện sự đoàn kết, quyết tâm và sẵn lòng trả giá đắt cho nỗ lực này một cách có nguyên tắc. Tuy nhiên, xu hướng thứ hai mang tính cảnh báo. Sự siết chặt kinh tế nghiêm trọng sẽ đặt ra phép thử cho sức chống chịu của châu Âu vào năm 2023 và xa hơn nữa.

Ngày càng có nhiều lo ngại rằng việc xây dựng lại hệ thống năng lượng toàn cầu, chủ nghĩa dân túy kinh tế của Mỹ và những rạn nứt địa chính trị đe dọa khả năng cạnh tranh về lâu dài của Liên minh châu Âu (EU) và các nước không phải là thành viên, trong đó có Anh. Không chỉ sự thịnh vượng của châu lục bị đe dọa mà sức mạnh của liên minh xuyên Đại Tây Dương cũng vậy.

Bài viết nhận định không thể ảo tưởng bởi hàng loạt tin tốt từ châu Âu trong vài tuần qua. Giá năng lượng đã giảm so với mùa Hè và thời tiết tốt đồng nghĩa với việc các kho dự trữ khí đốt được nạp gần đầy. Cuộc khủng hoảng năng lượng vẫn đang tiềm ẩn những nguy cơ. Giá khí đốt cao gấp 6 lần so với mức trung bình trong dài hạn.

Ngày 22/11, Nga đe dọa đóng cửa đường ống vận hành cuối cùng tới châu Âu, ngay cả khi các cuộc tấn công bằng tên lửa đã gây ra tình trạng cắt điện khẩn cấp trên khắp Ukraine. Kho chứa khí đốt của châu Âu sẽ cần được nạp đầy một lần nữa vào năm 2023 mà không có bất kỳ đường ống khí đốt nào từ Nga.

Vũ khí năng lượng của Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ gây thiệt hại vượt ra ngoài biên giới Ukraine. Các mô hình phân tích của The Economist cho thấy trong một mùa Đông bình thường, giá năng lượng thực tế tăng 10% sẽ gắn với tỷ lệ tử vong tăng 0,6%.

Do đó, cuộc khủng hoảng năng lượng trong năm nay có thể khiến hơn 100.000 người cao tuổi tử vong trên khắp châu Âu. Đây là một lý do nữa giải thích tại sao cuộc khủng hoảng của Ukraine cũng là cuộc khủng hoảng của châu Âu.

Cuộc xung đột này cũng đang tạo ra các điểm yếu tài chính. Lạm phát năng lượng đang tràn sang các nền kinh tế châu Âu, tạo ra tình thế tiến thoái lưỡng nan khẩn cấp cho Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), giờ đây cần tăng lãi suất để kiểm soát giá. Nhưng nếu đi quá xa, nỗ lực này của ECB có thể gây bất ổn cho các thành viên yếu hơn của khu vực đồng euro, không chỉ riêng Italy vốn đang mắc nợ.

Khi cuộc khủng hoảng năng lượng hoành hành, cuộc xung đột đã để lộ lỗ hổng trong mô hình kinh doanh của châu Âu. Quá nhiều công ty công nghiệp của châu Âu, đặc biệt là các công ty Đức, phụ thuộc vào nguồn năng lượng dồi dào từ Nga trong khi nhiều công ty cũng phụ thuộc nhiều hơn vào Trung Quốc. Viễn cảnh quan hệ cắt đứt với Nga, chi phí cao hơn và sự tách rời giữa phương Tây và Trung Quốc đang được thảo luận tại nhiều cuộc họp hội đồng quản trị.

Lo ngại này càng thêm trầm trọng bởi chủ nghĩa dân tộc kinh tế của Mỹ, vốn đe dọa sẽ thu hút các hoạt động xuyên Đại Tây Dương trong một cơn lốc trợ cấp và bảo hộ. Đạo luật Giảm Lạm phát của Tổng thống Joe Biden quy định về khoản tài trợ trị giá 400 tỷ USD cho ngành năng lượng, sản xuất và vận tải, đồng thời bao gồm các quy định đối với hàng sản xuất tại Mỹ.

Theo nhiều cách, kế hoạch này giống với các chính sách công nghiệp mà Trung Quốc đã theo đuổi trong nhiều thập kỷ. Khi hai trụ cột của nền kinh tế thế giới thực hiện can thiệp và bảo hộ nhiều hơn, châu Âu, khăng khăng một cách kỳ lạ trong việc duy trì các quy định về thương mại tự do của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Các công ty đã bắt đầu phản ứng với các khoản trợ cấp của Mỹ. Northvolt, một công ty khởi nghiệp của Thụy Điển về sản xuất pin, cho biết muốn mở rộng sản xuất sang Mỹ. Công ty năng lượng Tây Ban Nha, Iberdrola, đang tăng gấp đôi đầu tư vào Mỹ so với vào EU. Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp cảnh báo giá năng lượng đắt đỏ cộng với trợ cấp của Mỹ khiến châu Âu đối mặt với nguy cơ phi công nghiệp hóa hàng loạt. Công ty hóa chất khổng lồ của Đức, BASF, gần đây công bố kế hoạch thu hẹp hoạt động ở châu Âu "một cách lâu dài".

Mất đầu tư khiến châu Âu nghèo hơn và tăng trưởng kinh tế suy giảm. So với GDP trước đại dịch COVID-19, tăng trưởng của châu Âu kém hơn tất cả các khối kinh tế khác. Trong số 100 công ty giá trị nhất thế giới, châu Âu chỉ có 14 đại diện. Các chính trị gia sẽ viện dẫn các quy định ra và đối phó bằng chính các khoản trợ cấp trong một cuộc chạy đua ngày càng leo thang của các công ty. Bộ trưởng kinh tế Đức cáo buộc Mỹ "hút đầu tư", trong khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron kêu gọi "châu Âu thức tỉnh".

Khủng hoảng năng lượng đe dọa vị thế toàn cầu của châu Âu ảnh 1

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại cuộc họp báo ở Kiev, Ukraine, ngày 8/2/2022. Ảnh: AFP/TTXVN

Tranh cãi về trợ cấp cũng đang gây căng thẳng giữa Mỹ và châu Âu. Hỗ trợ tài chính và quân sự của Mỹ dành cho Ukraine vượt xa châu Âu, và khi nước này xoay trục sang châu Á để đối phó với thách thức từ Trung Quốc, Mỹ không hài lòng vì EU không thể chi trả cho an ninh của khối. Hầu hết các thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã không đạt được mục tiêu chi 2% GDP cho quốc phòng.

EU đã ngây thơ một cách đáng ngạc nhiên về chiến dịch quân sự của Nga. Mặc dù cuộc xung đột đã khiến Mỹ và châu Âu đoàn kết lại sau những đổ vỡ dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump, nguy cơ về một cuộc xung đột kéo dài và những căng thẳng về kinh tế sẽ dần chia rẽ họ.

Theo bài báo, để tránh một rạn nứt nguy hiểm, Mỹ nên nhìn vào bức tranh toàn cảnh lớn hơn. Chủ nghĩa bảo hộ của ông Biden có nguy cơ làm cạn kiệt sức sống của châu Âu ngay cả khi Mỹ hỗ trợ quân đội Ukraine và các tàu chở dầu vượt Đại Tây Dương để cung cấp năng lượng cho châu Âu.

Mục đích chính của chính sách kinh tế của Tổng thống Biden, được gọi là Bidenomics, là ngăn chặn sự thống trị của Trung Quốc trong các ngành công nghiệp then chốt: Mỹ không có lợi ích chiến lược trong việc đầu tư của châu Âu bị thu hẹp, mà cần giúp các công ty châu Âu đáp ứng các điều kiện nhận trợ cấp năng lượng và hội nhập thị trường năng lượng xuyên Đại Tây Dương sâu hơn.

Trong khi đó, châu Âu cần bảo vệ nền kinh tế trước tình trạng thiếu hụt năng lượng. Các kế hoạch trợ cấp người tiêu dùng và các công ty cho các nhu cầu năng lượng cơ bản cần hạn chế nhu cầu bằng cách tính giá cao hơn, như ở Đức.

Để giảm giá năng lượng trong dài hạn, châu Âu cần đẩy nhanh cuộc cách mạng năng lượng tái tạo, đồng thời mở cửa thị trường năng lượng cho cạnh tranh. Châu Âu cũng cần thích ứng với một thực tế an ninh mới, đó là chi nhiều hơn cho quốc phòng khi Mỹ chuyển hướng sang châu Á.

Một xu hướng khác chi phối các mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương là sự thất vọng. Mỹ khó chịu trước tình trạng trì trệ kinh tế của châu Âu cũng như thất bại trong việc đảm bảo quốc phòng của chính khối. Châu Âu thì phẫn nộ trước chủ nghĩa dân túy kinh tế của Mỹ. Tuy nhiên, cũng giống như châu Âu không bị chiến tranh chia cắt, điều quan trọng là liên minh dân chủ hùng mạnh nhất trong lịch sử phải thích nghi và trường tồn.

Theo Bnews

Đọc tiếp

Nhịp cầu doanh nghiệp

Chat với BizLIVE