Không thể ra khơi vì thiếu dầu

Đang cao điểm vụ cá Nam nhưng nhiều chủ tàu tại Bình Thuận không thể mua được dầu để ra khơi vì nhiều cửa hàng chỉ bán nhỏ giọt với lý do nguồn cung không đủ.
Nhiều ngư dân đang sốt ruột đợi bơm dầu nhưng chưa được
Nhiều ngư dân đang sốt ruột đợi bơm dầu nhưng chưa được

Sáng 29/8, tại cảng cá Phan Thiết, nhiều chủ tàu cá thấp thỏm dò hỏi xem các trạm dầu còn hàng không để tiếp nhiên liệu ra khơi. Lặn lội gần 10 km từ nhà lên các cây xăng ở TP Phan Thiết, chị Trần Thị Hiền (ngụ xã Tiến Thành, TP Phan Thiết) cùng chồng không thể mua nổi một can dầu.

Chỉ bán nhỏ giọt

"Tôi chạy hết mấy cây xăng rồi. Đến cây xăng ở cảng Phan Thiết này là cây thứ 6, thứ 7 rồi. Ở đâu họ cũng lắc đầu nói không có hàng. Sáng mai chồng tôi cần khoảng 150 lít dầu để đổ cho chiếc máy D6 ra khơi mà vầy thì chưa biết tính sao", chị Hiền vừa nói vừa cùng chồng nổ máy xe, chở theo 6 can nhựa rỗng, thất vọng quay về nhà.

Tương tự, anh Nguyễn Văn Phan - chủ tàu hành nghề câu bủa 240 mã lực tại phường Hưng Long, TP Phan Thiết - cho biết đang cần 500 lít dầu để ra khơi nhưng đi tìm chỗ mua mấy ngày qua chưa có. Các cây xăng tại cảng Phan Thiết đồng loạt báo hết hàng khiến anh và nhiều chủ tàu không thể ra khơi.

"Lương thực, đá, muối tôi mua hết rồi. Vả lại, đang thời điểm biển êm, anh em cần dầu để đi ngay mà không có nên tôi phải nhờ người xuống tận cây xăng ở Kê Gà (huyện Hàm Thuận Nam) cách đây hơn 30 km để mua với giá hơn 30.000 đồng/lít nhưng cũng chỉ mua được 240 lít thôi", anh Phan nói. Anh cho biết việc giá mỗi lít hơn 30.000 đồng do người bán chỉ bán nhỏ giọt, một số cửa hàng tự ý tăng giá từ 27.000 - 28.000 đồng/lít, cộng chi phí vận chuyển từ Hàm Thuận Nam về cảng Phan Thiết.

Tại cảng cá Phan Thiết, khoảng 3 ngày qua, do không có dầu để bơm, nhiều chủ tàu để can trống tại các cửa hàng và chờ các xe bồn chở nhiên liệu về. Một số cửa hàng đóng cửa, một số mở cửa nhưng báo không có dầu để bán.

Nguy cơ gây thiệt hại nặng

Tình trạng găm hàng, bán nhỏ giọt, thậm chí đóng cửa cây xăng cũng xảy ra ở một số địa bàn có cảng biển khác tại Bình Thuận, như huyện Tuy Phong, thị xã La Gi…

"Nếu cây xăng họ hết hàng hoàn toàn thì không nói. Đằng này chúng tôi cầm can vào mua dầu thì họ không bán nhưng xe tải chở thùng nhựa chạy vào mua dầu thì bán, vì mối quen. Rõ ràng đâu phải hết hàng, mà là bán cầm chừng để găm hàng", ông Phạm Văn Đôn, ngư dân huyện Tuy Phong, nói.

Các chủ tàu tại tỉnh Bình Thuận cho biết hiện đang cao điểm vụ Nam, thời tiết thuận lợi nên nhu cầu ra khơi rất lớn. Đặc biệt, sau 2 năm ảnh hưởng dịch COVID-19 khiến ngành khai thác hải sản gặp khó thì hiện là thời điểm cần tăng cường khai thác để phục vụ thị trường. Trong khi đó, số tàu thuyền neo lại bờ để chờ tiếp nhiên liệu ngày một đông.

"Mua trong cảng và các cửa hàng xung quanh không có, mấy ngày qua tôi cho anh em tỏa đi ngoại ô để tìm nhưng chỉ mua được một vài can với giá 28.000 đến 29.000 đồng/lít, mà phải năn nỉ họ nữa", anh Đặng Tố, chủ tàu cá BTh 99211 TS đang cần 4.000 lít dầu cho chuyến vươn khơi 10 ngày sắp tới, nói.

Hội Nghề cá Bình Thuận cho biết đã nắm tình hình và có kiến nghị cơ quan quản lý sớm vào cuộc. Theo đơn vị này, chủ các tàu cá gần bờ công suất nhỏ đang chạy khắp nơi tìm mua từng can dầu lẻ để kịp ra khơi. Riêng tàu công suất lớn, lượng dầu từ hàng ngàn tấn trở lên thì tình hình rất căng.

"Chúng tôi kiến nghị Sở Công Thương và các ngành vào cuộc nhanh chóng xử lý vấn đề này. Đang vào mùa khai thác chính, tình hình này sẽ gây thiệt hại nặng nề cho ngư dân", ông Huỳnh Quang Huy, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản kiêm Chủ tịch Hội Nghề cá Bình Thuận, cho hay.

Thiếu hụt là do nhu cầu tăng

Sáng 29/8, lực lượng quản lý thị trường tổ chức đội cơ động để giám sát. Cục Quản lý thị trường Bình Thuận cho biết lực lượng này đã tổ chức kíp trực 24/24 giờ để kiểm tra, giám sát. Khi có tin báo cửa hàng xăng dầu tự ý tăng giá là kiểm tra ngay. Về cơ bản, chưa phát hiện tình trạng găm hàng. Còn việc thiếu hụt nguồn dầu là do nhu cầu của người dân tăng mạnh, cùng với đó là các kho tổng ở xa, phải di chuyển nhiều nên chưa kịp thời cung cấp.

Theo Người lao động

Đọc tiếp

Ảnh minh hoạ

Sầu riêng quyết định mức tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành rau quả

Kim ngạch xuất khẩu rau quả trong quý I ước đạt 1,25 tỷ USD, tăng 27% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong quý đầu năm, sầu riêng và nhiều trái cây khác của Việt Nam chưa vào vụ nhưng kim ngạch xuất khẩu vẫn đạt và vượt 1 tỷ USD, cho thấy ngành rau quả có nhiều khả năng đạt mục tiêu xuất khẩu 6,5 tỷ USD trong năm nay.

Nhịp cầu doanh nghiệp

Khu công nghiệp - ảnh minh họa

Tây Ninh sắp có thêm khu công nghiệp quy mô gần 500 ha

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái vừa ký Quyết định 214/QĐ-TTg chấp thuận chủ trương dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng Khu công nghiệp Hiệp Thạnh - giai đoạn 1, tại xã Hiệp Thạnh, huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh.

Chat với BizLIVE