Không ngừng sụt giảm, giá dầu xuống dưới mốc 80USD/thùng

Nỗi lo về khả năng kinh tế chững lại đang khiến cho giá dầu hướng đến quý sụt giảm đầu tiên trong hơn 2 năm. Giá dầu cũng bị đẩy giảm xuống do đồng USD mạnh lên.
Ảnh: GettyImages
Ảnh: GettyImages

Giá dầu có chuỗi thời gian sụt giảm dài nhất trong năm nay khi mà nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới đẩy cao cuộc chiến chống lại lạm phát, chấp nhận hy sinh tăng trưởng kinh tế.

Theo Bloomberg, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao hợp đồng tương lai đóng cửa dưới mốc 79USD/thùng trong phiên ngày thứ Sáu; đây là lần đầu tiên tính từ tháng 1/2022, giá dầu rơi xuống dưới ngưỡng này và như vậy cũng chính thức có tuần giảm thứ 4 liên tiếp.

Trong tuần này, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã phát đi thông điệp rõ ràng nhất về việc Fed sẵn sàng chấp nhận suy thoái kinh tế Mỹ như sự đánh đổi cần thiết cho việc tái kiểm soát được giá cả, cũng trong tuần, Anh, Nauy và Nam Phi đồng loạt nâng lãi suất.

“Nỗi sợ về khả năng “hạ cánh cứng” của kinh tế Mỹ và kinh tế toàn cầu thực sự đang diễn ra trên hệ thống. Việc sử dụng lãi suất để ngăn lạm phát có thể làm suy giảm hoạt động kinh tế và đó cũng là lý do bạn chứng kiến các đợt bán mạnh”, chuyên gia tại Again Capital – ông John Kilduff phân tích.

Nỗi lo về khả năng kinh tế chững lại đang khiến cho giá dầu hướng đến quý sụt giảm đầu tiên trong hơn 2 năm. Giá dầu cũng bị đẩy giảm xuống do đồng USD mạnh lên, chỉ số Bloomberg Dollar Spot Index tăng lên mức cao kỷ lục trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu, chính vì vậy giá hàng hóa tính theo đồng USD trở nên đắt đỏ hơn đối với nhà đầu tư.

Băn khoăn về triển vọng tiêu dùng không khỏi gây sức ép lên giá dầu.

Nếu giá dầu tiếp tục giảm, nhóm các nước thuộc Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) có thể sẽ buộc phải cắt giảm sản lượng, theo Bộ trưởng Năng lượng Nigeria – ông Timipre Sylva. OPEC và các nước đồng minh vào đầu tháng này đã đồng ý cắt giảm nguồn cung lần đầu tiên trong hơn 1 năm.

Trong thời gian tới chắc chắn sẽ có nhiều rối loạn khi quy định cấm dầu Nga của Liên minh châu Âu (EU) chính thức có hiệu lực. Trong một động thái riêng rẽ, các nước thành viên đang chạy đua để có được thỏa thuận mua dầu trước khi dầu Nga bị áp dụng trần giá bán. Nhiều nước đã phải chạy đua làm vậy khi mà Tổng thống Nga vào tuần này đã công bố sẽ leo thang căng thẳng với Ukraine.

Trên khắp các thị trường năng lượng, giá đồng loạt giảm. Giá xăng giao tương lai hạ hơn 6% dù rằng giá bán lẻ tăng lên sau 98 ngày suy giảm liên tục.

Tuy nhiên, một số ngân hàng lớn nhất thế giới đang dự báo về khả năng giá dầu hồi phục bởi nguồn cung thấp cùng lúc đó họ tin nhu cầu sẽ vẫn vững vàng bất chấp những nỗi lo suy thoái kinh tế. JP Morgan Chase & Co dự báo giá dầu Brent ở mức 101USD/thùng trong quý cuối cùng của năm 2022 còn Goldman Sachs dự báo giá dầu Brent ở mức khoảng 125USD/thùng.

“Chắc chắn quý cuối cùng sẽ chứng kiến vô cùng nhiều biến động. Hiện đang có quá nhiều yếu tố trái chiều đẩy cao giá dầu”, trưởng bộ phận phân tích năng lượng tại Energy Aspects – ông Amrita Sen phân tích.

Đọc tiếp

Nhịp cầu doanh nghiệp

Chat với BizLIVE