Quay về eMagazine
“Không gian phát triển thương mại Việt - Mỹ còn rất lớn”

“Không gian phát triển thương mại Việt - Mỹ còn rất lớn”

Năm 2023, kỷ niệm 10 năm quan hệ đối tác toàn diện Việt - Mỹ, Đại sứ Phạm Quang Vinh kỳ vọng hai nước cùng xem xét và cập nhật các khuôn khổ chính sách phù hợp với đà tăng trưởng của quan hệ, tạo thuận lợi hơn nữa cho hợp tác kinh tế khi dư địa còn rất lớn.

Năm 1995, Tổng thống Mỹ Bill Clinton và Thủ tướng Việt Nam Võ Văn Kiệt chính thức tuyên bố bình thường hóa, thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Đến 2013, hai bên đã quyết định thiết lập khuôn khổ quan hệ đối tác toàn diện.

Năm 2023, tròn 10 năm quan hệ đối tác toàn diện Việt - Mỹ, một hành trình đã đạt nhiều kết quả trên nhiều lĩnh vực. Trong đó, theo đánh giá của Đại sứ Phạm Quang Vinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Mỹ từ 2014-2018, kinh tế là trụ cột quan hệ đã có những bước phát triển mạnh mẽ.

PHÁT TRIỂN VƯỢT BẬC TRÊN TẤT CẢ CÁC TRỤ CỘT

Thưa ông, quan hệ đối tác toàn diện Việt - Mỹ đã phát triển thế nào trong chặng đường 10 năm qua?

Tuyên bố về quan hệ đối tác toàn diện được công bố trong chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang năm 2013. Trong đó, hai bên khẳng định các nguyên tắc quan hệ, bao gồm các nguyên tắc như tôn trọng độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, hợp tác bình đẳng, cùng có lợi, trên cơ sở luật pháp quốc tế.

Tuyên bố cũng xác định chín trụ cột trong hợp tác giữa hai bên, từ chính trị, ngoại giao, đến kinh tế, thương mại, đầu tư, an ninh quốc phòng, giáo dục, khoa học công nghệ, giao lưu nhân dân và khắc phục hậu quả chiến tranh, cũng như hợp tác trên các vấn đề quốc tế và khu vực.

Quan hệ Việt - Mỹ trong 10 năm qua đã có sự phát triển vượt bậc trên tất cả các lĩnh vực trụ cột hợp tác. Như về tăng cường quan hệ về chính trị, ngoại giao với các chuyến thăm cấp cao và các cấp thường xuyên giữa hai nước, qua đó tăng cường hiểu biết và làm sâu sắc hơn quan hệ. Đặc biệt là lần đầu tiên có chuyến thăm lịch sử của người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam tới Mỹ vào tháng 7/2015, hai bên ra Tuyên bố tầm nhìn về quan hệ và nhấn mạnh các nguyên tắc, nhất là việc tôn trọng thể chế chính trị của nhau.

Tiếp đó, đã có một loạt chuyến thăm của cả hai bên, như chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Obama vào tháng 5/2016 và Tổng thống Trump vào tháng 11/2017. Hay Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris cũng đã thăm Việt Nam tháng 8/2021 trong chuyến thăm cấp cao đầu tiên tới Đông Nam Á của chính quyền mới của Mỹ.

Về phía Việt Nam, đó là chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tháng 5/2017, và tháng 5/2022 vừa rồi Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đi Mỹ dự cấp cao ASEAN - Mỹ và gặp gỡ Tổng thống Biden cùng lãnh đạo cấp cao của Mỹ...

Hợp tác về an ninh quốc phòng cũng đang ngày một tăng cường hơn. Hai bên đã thông qua các khuôn khổ hợp tác, trong đó có Tuyên bố tầm nhìn quan hệ quốc phòng 2015, đề ra nhiều mặt hợp tác như khắc phục hậu quả chiến tranh, an ninh hàng hải, tìm kiếm cứu nạn, tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc.

Hai bên cũng có nhiều hợp tác trên các lĩnh vực khác như y tế, giáo dục, công nghệ, giao lưu nhân dân, như Đại học Fulbright, trường đại học tư nhân đầu tiên của Mỹ ở Việt Nam, Việt Nam đã thuộc nhóm 10 nước có đông sinh viên theo học tại Mỹ nhất, hay Mỹ là một trong những đối tác hỗ trợ hàng đầu cho Việt Nam trong phòng chống COVID-19 vừa qua…

Còn ở trụ cột hợp tác kinh tế, thưa ông? Việt Nam đã và đang trở thành đối tác thương mại lớn của Mỹ, và ngược lại…

Đúng vậy, kinh tế là trụ cột quan hệ đã có những bước phát triển vượt bậc. Kim ngạch thương mại song phương đã tăng 220 lần, từ nửa tỷ USD năm 1995 đã lên tới 111,55 tỷ USD vào năm 2021, và 11 tháng đầu năm 2022 tiếp tục tăng lên khoảng 115 tỷ USD.

Những năm gần đây, chỉ xin đơn cử, vào cuối 2014, khi tôi mới nhận nhiệm kỳ đại sứ tại Mỹ, khi đó thương mại hai chiều Việt - Mỹ ước đạt khoảng 36 tỷ USD; đến lúc tôi hết nhiệm kỳ, vào giữa năm 2018, tức chỉ ba năm rưỡi sau, con số đó đã tăng lên 67-69 tỷ USD. Tiếp đó, trong ba năm rưỡi từ giữa năm 2018 cho đến cuối năm 2021, thương mại hai chiều đã đạt gần 112 tỷ USD. Như vậy, trong hai khoảng ba năm rưỡi đó, kim ngạch thương mại đều đã tăng lên gần gấp hai lần. Còn cả chiều dài 10 năm đối tác toàn diện, thương mại hai nước đã tăng gấp 3,5 lần, từ hơn 30 tỷ USD lên 115 tỷ USD hiện nay.

Mỹ luôn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Ước 11 tháng đầu năm 2022 Việt Nam xuất khẩu 101,5 tỷ USD trong số 115 tỷ USD thương mại hai chiều, con số này là rất lớn. Nếu so với Trung Quốc, Việt Nam có thương mại hai chiều lớn nhất nhưng đây cũng là thị trường mà Việt Nam có thâm hụt nhiều nhất.

Với Mỹ, không gian phát triển thương mại còn rất lớn, vì trong thập kỷ qua, tốc độ tăng trưởng thương mại liên tục đạt từ 17-19% hàng năm. Nó cho thấy hai nền kinh tế tương tác, dư địa tăng trưởng và bổ sung cho nhau còn rất nhiều. Mặt khác, thị trường Mỹ chất lượng cao, phản ánh năng lực sản xuất và năng lực dịch vụ, hàng hóa của Việt Nam đã ngày càng đáp ứng được yêu cầu khó tính, theo đó mới có thể tiếp cận được thị trường này.

KỲ VỌNG THÚC ĐẨY LÊN TẦM CAO MỚI

Như ông nói, không gian phát triển thương mại giữa hai nước còn rất lớn. Vậy ông kỳ vọng hướng phát triển như thế nào bên cạnh những con số?

Theo tôi thấy, kỷ niệm 10 năm đối tác toàn diện vào năm 2023 cũng sẽ là dịp để hai nước nâng mối quan hệ đối tác này lên tầm cao mới, phục vụ cho lợi ích quốc gia của mỗi nước, thúc đẩy đà quan hệ, cũng như đóng góp vào hòa bình, hợp tác, phát triển chung ở khu vực.

Mặt khác, hiện còn nhiều dư địa để phát triển hơn nữa quan hệ giữa hai nước, có nhiều thứ mà Mỹ và Việt Nam có thể làm được nhiều hơn nữa. Đơn cử, về kinh tế thương mại, Mỹ là một thị trường quan trọng hàng đầu và không gian phát triển hợp tác về kinh tế thương mại giữa hai nước còn rất nhiều. Tuy nhiên, giữa hai nước cũng mới chỉ dừng ở hiệp định thương mại song phương đã ký cách đây hơn hai thập kỷ.

Việt Nam, Mỹ và một số nước cũng đã từng đàm phán về Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), được coi là một FTA đa phương thế hệ mới, nhưng hoàn tất rồi thì Mỹ lại rút lui khỏi hiệp định này. Trong khi đó, Việt Nam có một loạt hiệp định thương mại đầu tư với các đối tác khác, như EVFTA và EVIPA với EU, rồi đến CPTPP, hay RCEP với khu vực…

Rõ ràng, hai bên cần xem xét và cập nhật các khuôn khổ chính sách sao cho phù hợp với đà tăng trưởng của quan hệ và tạo thuận lợi hơn nữa cho hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư hai nước.

Thế giới có ba trung tâm kinh tế lớn là châu Á, với các trụ cột như Trung Quốc, Nhật, Ấn Độ; rồi châu Âu/EU và đến Bắc Mỹ với Mỹ là nền kinh tế số một. Việt Nam đã có các khung kinh tế với hai và còn thiếu trung tâm Bắc Mỹ, là điều cần được bổ khuyết.

Vừa qua, Việt Nam, Mỹ đang cùng một số nước tham gia đàm phán về khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, hiện gồm 14 nước trong đó có một số nước ASEAN. Sáng kiến này, tuy chưa phải một dạng hiệp định thương mại tự do, nhưng nếu sau này thành công sẽ có ý nghĩa lớn, tạo khuôn khổ kết nối kinh tế các nước tham gia, trong đó có Việt Nam, với nền kinh tế số một thế giới này. Quan hệ Việt - Mỹ theo đó cũng sẽ được đẩy mạnh hơn nhiều.

Xin cảm ơn những chia sẻ của ông.

* Chuyên đề Kinh tế Việt Nam Xuân Quý Mão 2023

Theo AP Vững vàng phía trước

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Chat với BizLIVE