Không đáp ứng được lưu lượng xe, cấp thiết mở rộng cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) khẳng định tuyến đường này không đáp ứng được lưu lượng xe, thường xuyên xảy ra ùn tắc.
Ùn tắc liên tục xảy ra trên cao tốc TP.HCM - Trung Lương
Ùn tắc liên tục xảy ra trên cao tốc TP.HCM - Trung Lương

Bộ GTVT vừa có văn bản trả lời kiến nghị cử tri tỉnh Vĩnh Long về nội dung xây dựng làn đường dừng khẩn cấp trên tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận nhằm tránh gây nguy hiểm cho phương tiện tham gia giao thông và xem xét xây dựng đường cao tốc trước khi định hướng phát triển kinh tế…

Bộ GTVT cho biết, để khắc phục những bất cập và sớm hoàn thiện mạng lưới đường cao tốc theo quy hoạch được phê duyệt, nhằm phát huy hiệu quả khai thác các tuyến vành đai của TP.HCM, các tuyến cao tốc liên tục được đầu tư tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Bộ làm việc và thống nhất với UBND tỉnh Tiền Giang để nghiên cứu đầu tư mở rộng, hoàn thiện tuyến đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận theo quy hoạch được phê duyệt.

Bộ GTVT cũng phối hợp với các bộ, ngành liên quan và UBND Tiền Giang báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phương án đầu tư hoàn thiện tuyến đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận bảo đảm quy mô 6 làn xe và có làn đường dừng khẩn cấp theo quy hoạch.

Bộ GTVT khẳng định đầu tư nhiều tuyến cao tốc tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long

Bộ GTVT khẳng định đầu tư nhiều tuyến cao tốc tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long

Trước đó, cuối tháng 8, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể chủ trì cuộc họp trực tuyến với các bộ, ngành, địa phương và các doanh nghiệp đề xuất phương án khả thi và phù hợp với quy định của Luật PPP, về nội dung đề xuất đầu tư giai đoạn 2 tuyến đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận. Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết nghiên cứu phương án tuyến cao tốc tách thành 2 dự án độc lập trên cơ sở 2 đoạn tuyến được đầu tư giai đoạn 1.

UBND tỉnh Tiền Giang tiếp tục làm cơ quan có thẩm quyền thực hiện giai đoạn 2 dự án Trung lương - Mỹ Thuận, UBND tỉnh Long An hoặc UBND TP.HCM làm cơ quan có thẩm quyền thực hiện giai đoạn 2 dự án TP.HCM - Trung Lương.

Về phía các địa phương gồm UBND TP.HCM, UBND tỉnh Long An, UBND tỉnh Tiền Giang đều có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ về việc đề xuất đầu tư mở rộng cao tốc TP.HCM - Trung Lương và đề xuất đầu tư giai đoạn 2 dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận.

Tuyến TP.HCM - Trung Lương được đầu tư đưa vào khai thác giai đoạn 1 hơn 10 năm trước. Trong 8 năm đầu khai thác, tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương cơ bản đáp ứng năng lực thông hành. Tuy nhiên, sau khi dừng thu phí, lượng xe qua đây tăng cao, nhiều xe dồn vào làn đường khẩn cấp. Tốc độ chạy trung bình hiện chỉ 60-70 km/h.

Đây là tuyến cao tốc có lưu lượng xe lớn nhất Việt Nam hiện nay. Tuyến thường xuyên ùn tắc giao thông, đặc biệt là các dịp cuối tuần, lễ, Tết và khi phương tiện gặp sự cố hư hỏng, xảy ra va chạm…

Với tuyến Trung Lương - Mỹ Thuận theo quy hoạch được phê duyệt, có quy mô 6 làn xe, mặt cắt ngang 32,25 m. Tuy nhiên, hiện tại tuyến mới đầu tư giai đoạn 1 với quy mô 4 làn xe, mặt cắt ngang 17 m, vận tốc thiết kế tối đa 80 km/h, trên tuyến chưa bố trí làn dừng khẩn cấp liên tục, chỉ có các điểm dừng xe khẩn cấp chiều rộng khoảng 2 m.

Toàn tuyến Trung Lương - Mỹ Thuận có 11 điểm dừng khẩn cấp ở 2 bên tuyến. Việc bố trí này không khả thi trong quá trình khai thác sử dụng vì khi xe gặp sự cố không thể tự chạy tới điểm dừng, đồng thời phương tiện cứu nạn cứu hộ không kịp thời xử lý các sự cố.

Từ tháng 4-6 năm nay, trên cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận có hơn 650.000 lượt xe lưu thông, trung bình 18.600 lượt xe mỗi ngày. Các chuyên gia nhận định sau khi tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành hoàn thành nối cao tốc TP.HCM - Trung Lương, lưu lượng xe qua đây tiếp tục tăng tiếp tục gây quá tải nghiêm trọng.

Về phương án đầu tư, Bộ GTVT thống nhất nghiên cứu, đề xuất ít nhất 3 phương án, gồm bố trí nguồn vốn ngân sách nhà nước để đầu tư theo hình thức đầu tư công, đầu tư theo phương thức PPP, hợp đồng BOT và đầu tư theo phương thức PPP.

Đọc tiếp

Ảnh minh hoạ

Sầu riêng quyết định mức tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành rau quả

Kim ngạch xuất khẩu rau quả trong quý I ước đạt 1,25 tỷ USD, tăng 27% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong quý đầu năm, sầu riêng và nhiều trái cây khác của Việt Nam chưa vào vụ nhưng kim ngạch xuất khẩu vẫn đạt và vượt 1 tỷ USD, cho thấy ngành rau quả có nhiều khả năng đạt mục tiêu xuất khẩu 6,5 tỷ USD trong năm nay.

Nhịp cầu doanh nghiệp

Khu công nghiệp - ảnh minh họa

Tây Ninh sắp có thêm khu công nghiệp quy mô gần 500 ha

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái vừa ký Quyết định 214/QĐ-TTg chấp thuận chủ trương dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng Khu công nghiệp Hiệp Thạnh - giai đoạn 1, tại xã Hiệp Thạnh, huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh.

Chat với BizLIVE