Quay về eMagazine
Hình minh họa

Khi doanh nghiệp Việt quá tốt, cả tin và sai lầm...

Nhiều bài học, kinh nghiệm "xương máu" đã được rút ra với các doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam trong môi trường thương mại quốc tế phức tạp và khốc liệt sau vụ 76 container hạt điều bị lừa đảo ở Italia...

5 tháng sau khi 76 container hạt điều của các doanh nghiệp Việt Nam bị lừa đảo ở Italia và cơ bản đã được "giải cứu" thành công - nhiều bài học, kinh nghiệm "vỡ lòng" đã được rút ra với các doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam trong môi trường thương mại quốc tế phức tạp và khốc liệt.

Trong đó, việc quá tin tưởng vào các công ty môi giới, không kiểm tra thông tin đối tác; thiếu kiến thức, kinh nghiệm; phương thức thanh toán nhiều rủi ro... hay chưa có thói quen sử dụng dịch vụ pháp lý, tư vấn từ các tổ chức, doanh nghiệp uy tín - là những điểm yếu được các chuyên gia, diễn giả chỉ ra tại hội thảo “Phòng ngừa tranh chấp, lừa đảo trong thương mại quốc tế” chiều 23/8 do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp cùng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) tổ chức.

"Vụ việc hạt điều vừa rồi không phải doanh nghiệp chúng ta dốt mà quá tốt và quá tin vào đối tác. Đây là những sai lầm cơ bản", ông Nguyễn Đức Thanh, Tham tán Công sứ Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Italia nhìn nhận và lưu ý doanh nghiệp Việt cần cẩn trọng hơn khi chọn đối tác, cảnh giác hơn nữa để không để bị lừa đảo.

Ông Bạch Khánh Nhựt, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) - đại diện tổ chức có liên quan trực tiếp đến vụ việc gây rúng động dư luận vừa qua cũng cho rằng lý do chính dẫn đến việc các doanh nghiệp bị lừa là do quá tin tưởng vào công ty môi giới, không kiểm tra thông tin đối tác. Đặc biệt là khi có được đơn hàng lớn trong thời điểm dịch bệnh đang khó khăn,

Theo ông Nhựt, từ bài học trên, doanh nghiệp cần ý thức, trong kinh doanh quốc tế, vai trò của môi giới là rất quan trọng nhưng doanh nghiệp cũng cần có sự cẩn trọng để kiểm tra đối tác một cách độc lập.

Đồng thời, ông cũng lưu ý doanh nghiệp cần dùng phương thức thanh toán an toàn hơn và nên trao đổi thông tin với đồng nghiệp. Kinh nghiệm từ chính vụ việc, cả 5 doanh nghiệp liên quan không hề thông tin cho nhau, chỉ khi gặp vướng mắc mới kêu với Hiệp hội và khi đó cũng mới biết đồng nghiệp mình cũng bị lừa.

Ông Bạch Khánh Nhựt Phó chủ tịch thường trực Vinacas.

Ông Bạch Khánh Nhựt Phó chủ tịch thường trực Vinacas.

Hội nhập sâu rộng hơn thì nguy cơ tranh chấp, lừa đảo cũng rộng lớn, phức tạp hơn

Tại hội thảo, ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng thư ký kiêm Trưởng ban pháp chế VCCI nhận định, khi Việt Nam hội nhập sâu rộng hơn, các doanh nghiệp Việt Nam làm ăn với nhiều đối tác hơn, sang nhiều sân chơi rộng hơn, luật chơi khác nhau thì nguy cơ tranh chấp, lừa đảo cũng lớn hơn, phức tạp hơn.

Theo đó, các vụ lừa đảo và tranh chấp mà doanh nghiệp thường phải đối mặt là do không có điều kiện kiểm tra kỹ lưỡng về đối tác, lựa chọn phương thức thanh toán chưa phù hợp, có thể từ những gài cắm đầy tính toán từ đối tác trong hợp đồng mà doanh nghiệp Việt Nam vốn chưa có nhiều kinh nghiệm.

Câu hỏi đặt ra: Giải pháp nào để các doanh nghiệp Việt Nam kinh doanh quốc tế an toàn, hiệu quả? Ông Tuấn cho rằng, trước tiên doanh nghiệp phải tự hoàn chỉnh mình, có nhân lực tốt, bộ máy tốt để có hệ thống quản trị rủi ro tốt hơn.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp phải có mạng lưới thông tin, thường xuyên liên hệ với các cơ quan thương vụ Việt Nam và các tổ chức hỗ trợ, dịch vụ pháp lý chuyên nghiệp trong sử dụng các dịch vụ pháp lý.

Ông Tuấn cũng nhắn nhủ, để giảm thiểu rủi ro khi xuất khẩu, các doanh nghiệp cần có thói quen sử dụng dịch vụ pháp lý. Mọi sự an toàn, tin cậy luôn phải trả bằng chi phí. Do đó các doanh nghiệp nên dựa vào các doanh nghiệp đi trước, các hiệp hội, ngành hàng, chuyên gia giỏi hỗ trợ trong hoạt động xuất khẩu.

“Làm ăn thuận lợi phải tính khi rủi ro. Sự an toàn, tin cậy luôn cần phải trả bằng chi phí. Đây là điều tưởng như hiển nhiên, đơn giản nhưng không phải doanh nghiệp nào ở Việt Nam cũng thực hiện được”, ông Đậu Anh Tuấn nói.

Toàn cảnh hội thảo “Phòng ngừa tranh chấp, lừa đảo trong thương mại quốc tế”. Ảnh: Tuấn Việt

Toàn cảnh hội thảo “Phòng ngừa tranh chấp, lừa đảo trong thương mại quốc tế”. Ảnh: Tuấn Việt

Khi bị lừa đảo, không nhiều doanh nghiệp Việt thông báo với cơ quan nhà nước

Cung cấp thêm thông tin, ông Nguyễn Minh Đức, đại diện Ban Pháp chế của VCCI cho biết, hành vi lừa đảo trong thương mại quốc tế diễn ra khá phổ biến.

Số liệu từ Hiệp hội Chuyên gia chống lừa đảo toàn cầu cho thấy, tỷ lệ doanh nghiệp cho biết họ là nạn nhân của lừa đảo và tội phạm kinh tế vào năm 2018 là 49%, năm 2020 là 47% và năm 2022 là 46%.

Ước tính, các doanh nghiệp toàn cầu thiệt hại khoảng 5% doanh thu mỗi năm vì bị lừa đảo, giá trị trung bình một vụ lừa đảo là 1,7 triệu USD, giá trị trung vị khoảng 117 nghìn USD.

Đối với doanh nghiệp Việt Nam, có tới 52% doanh nghiệp tham gia một cuộc khảo sát gần đây cho biết là nạn nhân liên quan đến lừa đảo hoặc tội phạm kinh tế trong 2 năm vừa qua.

Như vậy, tỷ lệ này ở Việt Nam cao hơn tương đối so với mức 46% của khu vực châu Á - Thái Bình Dương và mức 49% của toàn cầu.

Cũng theo ông Đức, tội phạm lừa đảo từ bên ngoài với doanh nghiệp Việt Nam thường là khách hàng, trung gian, đại lý chứ không phải bị hacker hay băng nhóm tội phạm.

Đáng chú ý, đại diện Ban Pháp chế VCCI cho biết, khi bị lừa đảo thương mại, "không có nhiều doanh nghiệp Việt Nam muốn báo cáo cho cơ quan nhà nước do lo ngại thông tin bị lộ lọt ra công chúng".

Chọn cách tiếp cận phù hợp với rủi ro

Theo bà Vũ Thị Hằng, Trưởng ban thư ký Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), tranh chấp xảy ra ra trong kinh doanh nói chung hay thương mại quốc tế nói riêng là điều không thể tránh khỏi.

Và khi xảy ra tranh chấp, trước hết doanh nghiệp cần phải nhận định rõ ràng rủi ro để từ đó có cách tiếp cận phù hợp. Cụ thể là rủi ro xảy ra có phải là lừa đảo, tức là có yếu tố hình sự hay không. Còn nếu như không phải hay chưa đến thì sự việc mới dừng lại ở mức độ tranh chấp.

Theo bà Hằng, có một nguyên tắc chung trong giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế là trước hết là thương lượng, hòa giải, trọng tài rồi cuối cùng mới đến tòa án.

Bà Hằng cho rằng, khi giải quyết tranh chấp trong thương mại quốc tế qua tòa án, thông thường sẽ không có lợi cho bất cứ bên nào. Bởi khi xử lý qua tòa án thì dù ở nước người mua hay người bán thì đều sẽ có một bên thấy không thoải mái.

Bà Vũ Thị Hằng, Trưởng ban thư ký VIAC. Ảnh: Tuấn Việt

Bà Vũ Thị Hằng, Trưởng ban thư ký VIAC. Ảnh: Tuấn Việt

Cùng chung luồng quan điểm, Luật sư Phan Vũ Anh, Trưởng ban pháp chế, thanh tra của Tổng công ty Lương thực Miền Bắc cho biết, khi giải quyết tranh chấp xảy ra doanh nghiệp cần lưu ý tính đặc thù của từng quốc gia, thị trường.

Ông Vũ Anh lấy ví dụ, nếu ở quốc gia có thương vụ mạnh, có đối tác lâu đời thì chúng ta có thể sẵn sàng chấp nhận cơ quan trọng tài của nước sở tại. Nhưng với trường hợp chúng ta không có quan hệ, tiếp cận thông tin khó khăn thì doanh nghiệp cần thay đổi cách tiếp cận.

Theo ông Vũ, kể cả khi thắng trong giải quyết tranh ở nước ngoài thì việc thi hành cũng rất phức tạp. Vì vậy, doanh nghiệp cần tiếp cận, lựa chọn đơn vị giải quyết tranh chấp phù hợp với điều kiện thực tế.

Ông Vũ cũng lưu ý, doanh nghiệp luôn phải xây dựng nhiều kịch bản để lường trước, ứng phó với rủi ro. Đồng thời, xác định việc xây dựng mối quan hệ của doanh nghiệp với các thương vụ của Việt Nam ở nước ngoài là rất quan trọng. Bởi dù không có tranh chấp xảy ra thì doanh nghiệp vẫn có thể nhận được nhiều sự hỗ trợ từ các cơ quan này.

Ông Trần Ngọc Trung, cố vấn cao cấp Hãng luật Baker & Mckenzie (Việt Nam). Ảnh: Tuấn Việt

Ông Trần Ngọc Trung, cố vấn cao cấp Hãng luật Baker & Mckenzie (Việt Nam). Ảnh: Tuấn Việt

Còn theo ông Trần Ngọc Trung, cố vấn cao cấp Hãng luật Baker & Mckenzie (Việt Nam), doanh nghiệp Việt cần chú trọng hơn vấn đề rà soát hợp đồng khi làm ăn với nước ngoài. Đặc biệt là phần quyền lợi và nghĩa vụ của các bên theo luật pháp sở tại của các bên liên quan.

Theo ông Trung, thông thường trong một hợp đồng thương mại quốc tế sẽ chọn một luật điều chỉnh. Lấy ví dụ hợp đồng ký kết giữa hai đối tác Singapore và Việt Nam thì sẽ lựa chọn luật điều chỉnh là một trong hai bên.

Ông Trung cho rằng có một điểm doanh nghiệp Việt Nam nên học hỏi từ các công ty nước ngoài là bất kể luật được chọn điều chính theo nước nào thì họ cũng luôn yêu cầu kiểm tra các điều khoản với phía bên kia thì có vấn đề gì không.

"Bởi luật pháp mỗi nước ít nhiều đều có sự khác biệt. Có thể một điều khoản ở luật pháp nước này là bình thường nhưng ở nước khác có thể là yếu tố dẫn đến hợp đồng bị vô hiệu", ông Trung lưu ý.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Chat với BizLIVE