Khách khó mua điện thoại trả góp dịp cuối năm

Trước các biến động kinh tế gần đây, những công ty hỗ trợ vay tiêu dùng siết hạn mức chi trả và duyệt hồ sơ khó khăn hơn. Người dùng muốn mua điện thoại trả góp không còn dễ.
Việc mua điện thoại trả góp không còn dễ như trước. Ảnh: N.Duy.
Việc mua điện thoại trả góp không còn dễ như trước. Ảnh: N.Duy.

Tại nhiều đại lý bán lẻ điện thoại di động trong nước, hình thức trả góp đóng một vai trò quan trọng ở chiến lược kinh doanh. Nguồn tín dụng này giúp người dùng dễ dàng đưa ra quyết định mua hàng, nâng cấp với những sản phẩm đắt tiền.

Tuy nhiên gần đây, các công ty cung cấp dịch vụ cho vay tiêu dùng, mua trả góp thay đổi chính sách. Hạn mức cho vay và hình thức xét duyệt hồ sơ khó khăn hơn trước.

Giảm hạn mức vay, duyệt hồ sơ khó khăn

Trả lời Zing, bà Đặng Thị Minh Ngà, Giám đốc Khối sản phẩm - Dịch vụ khác của hệ thống FPT Shop cho biết tình hình bán điện thoại trả góp gần đây bị sụt giảm. Theo bà Ngà, lượng sản phẩm bán theo dạng trả góp tại đại lý đi xuống một phần đến từ việc các đơn vị cho vay siết hạn mức tối đa.

Công ty tài chính duyệt hồ sơ khó khăn, giảm hạn mức vay mua trả góp điện thoại. Ảnh: GTM.

“Ngoài ra, có nhiều yếu tố khách quan khác ảnh hưởng, đến từ người tiêu dùng. Ví dụ như lừa đảo trả góp nhiều hơn, tỷ lệ thất nghiệp, thu nhập giảm…”, bà Ngà nói. Chính các yếu tố này ảnh hưởng đến việc xét duyệt hồ sơ cho vay tiêu dùng, mua điện thoại thông minh khó được thông qua.

Tương tự, đại diện hệ thống bán lẻ di động CellphoneS cho biết từ tháng 10, lãi vay tại các ngân hàng tăng hơn 30%. Điều này cũng ảnh hưởng đến những công ty tài chính. Cụ thể, các bên cung cấp dịch vụ vay tiêu dùng cũng tăng nhẹ về lãi suất và số tiền trả trước tối thiểu.

“Hầu hết sản phẩm trả góp đều được điều chỉnh tăng mức trả trước lên tối thiểu 40%. Một số thiết bị giá trị cao, trên 25 triệu đồng, người dùng cần trả trước 50-55% để gia tăng tỷ lệ được duyệt thành công”, ông Nguyễn Lạc Huy, đại diện CellphoneS chia sẻ.

Cùng vấn đề, bà Ánh Hồng, Giám đốc Truyền thông của hệ thống 24h Store cho biết hạn mức cho vay của các công ty tài chính mà cửa hàng này hợp tác đều đồng loạt giảm mạnh. Cụ thể, các ví trả góp cá nhân của người dùng bị hạ về mức chi tiêu 20 triệu đồng/ngày và 100 triệu đồng/tháng.

Mất khách do không được duyệt hồ sơ

Việc hồ sơ cho vay khó được duyệt, giảm hạn mức chi tiêu ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của ngành bán lẻ di động. Theo vị quản lý giấu tên của một đại lý tại Hà Nội, tùy quy mô và thói quen mua hàng của khách tại các hệ thống mà mức độ ảnh hưởng của việc này sẽ khác nhau.

Doanh số sản phẩm đắt tiền dễ bị ảnh hưởng vì người dùng thường chọn mua trả góp. Ảnh: Phương Lâm.

Tại hệ thống lớn như FPT Shop, bà Đặng Thị Minh Ngà cho biết tỷ lệ bán hàng kèm với hình thức thanh toán trả góp của đại lý ở mức khá cao, 30-50% tùy thời điểm. Tuy nhiên, do các thay đổi gần đây, tỷ lệ thanh toán dạng này đã giảm rất nhiều.

Tương tự tại CellphoneS, lượng khách mua hàng trả góp đã giảm 20% so với giai đoạn trước đó. Tuy nhiên, đại diện hệ thống này cho biết mức độ ảnh hưởng tới tình hình chung không lớn vì lượng khách mua trả góp chiếm tỷ trọng thấp.

Ngoài ra, việc siết hạn mức cho vay dễ tác động đến mảng điện thoại cao cấp, vốn đắt đỏ. Theo đại diện của hệ thống Di Động Việt, tỷ lệ mua trả góp của đại lý ở mức 20%, tập trung ở khoảng giá 10-20 triệu đồng.

Theo bà Ánh Hồng từ 24h Store, vì hạn mức cho chi trả của công ty tài chính giảm xuống, nên người dùng mua sản phẩm đắt tiền phải tìm đến các giải pháp như vay hai công ty cùng lúc. Ví dụ, chiếc iPhone 14 Pro Max giá 32 triệu đồng, cộng thêm các chi phí chuyển đổi khi trả góp, 2-9%, người dùng buộc phải chọn vay hai bên mới đủ chi trả.

“Xét duyệt khó khăn, nhưng lượng khách tìm đến hình thức trả góp vẫn tăng vì cách này giúp người dùng tối ưu nguồn tiền trong giai đoạn kinh tế bất ổn”, bà Hồng nói.

Trong khi đó, ông N.B., một người kinh doanh iPhone cá nhân ở Vũng Tàu cho biết việc các công ty tài chính siết hạn mức, duyệt khó khiến cửa hàng này khốn đốn.

“Đa phần khách mua iPhone đời mới đều chọn trả góp để tối ưu chi phí. Nhưng giờ đa số công ty tài chính như HD Saison, FE Credit, Home Credit, Shinhan Finance… đồng loạt duyệt hồ sơ khó. Do đó, lượng người mua hàng giảm sút nghiêm trọng”, ông B. cho biết.

Theo Zing News

Đọc tiếp

Nhịp cầu doanh nghiệp

Chat với BizLIVE