Khách hàng là F0 “phản pháo” gay gắt nhận định của Prudential về COVID-19

Khách hàng là FO tiếp tục khẳng định không đồng thuận với các lý lẽ mà Prudential đưa ra liên quan tới COVID-19. Đồng thời nêu thêm các yêu cầu với phía bảo hiểm.
Thư phản hồi gửi Prudential của bà Nguyễn Thị Linh Sơn.
Thư phản hồi gửi Prudential của bà Nguyễn Thị Linh Sơn.

Như BizLIVE đã đề cập, sau khi khách hàng phản ánh Prudential cắt xén quyền lợi chi trả nằm viện điều trị COVID-19, phía bảo hiểm đã có phản hồi. Theo đó công ty bảo hiểm giữ nguyên quyết định chấp thuận chi trả Quyền lợi bảo hiểm nằm viện là 10 ngày theo Thư thông báo và tin nhắn đã gửi đến khách hàng.

Ngay khi nhận được thông tin từ Prudential vào ngày 27/10, khách hàng là bà Nguyễn Thị Linh Sơn cũng đã có văn bản phản hồi các nhận định từ phía công ty bảo hiểm. Theo đó, bà Sơn cho rằng, công ty đã viện dẫn vô căn cứ rất nhiều vấn đề.

Đầu tiên, phía bảo hiểm đề cập, "Từ tháng 12/2019, COVID-19 lần đầu tiên được biết đến như một bệnh viêm phổi cấp". Bà Sơn cho rằng, điều này chứng tỏ chưa có xác định mà chỉ mới được xem như là bệnh viêm phổi cấp, tức là vẫn đang còn trong vòng phỏng đoán.

Prudential cho biết "Theo các thông tin chính thức từ Bộ Y tế từ tháng 02/2020, Tổ chức y tế Thế giới (WHO) đã công bố COVID-19 chính là tên gọi chính thức của Bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (nCoV). Đồng thời, chủng virus mới này là virus corona 2 gây ra hội chứng hô hấp cấp tính nặng SARS-CoV-2”. Bà Sơn cho rằng, bảo hiểm không nêu được cụ thể là căn cứ vào đâu.

“Văn bản nào Bộ Y Tế đã ban hành để được gọi là chính thức? Hay vẫn chỉ là trong vòng nghi vấn chưa rõ ràng, chỉ đang phổ biến trên các trang báo? Như tôi đã nói trong thư trước, tất cả vẫn đang là phỏng đoán, các nhà khoa học trên thế giới vẫn đang trong vòng nghiên cứu mà theo tôi biết từ người thân và bạn bè thì cho đến nay chưa có y văn chính thức nào công bố COVID-19 là bệnh gì”, khách hàng Sơn phản hồi.

Bà Sơn cho biết, nếu công ty bảo hiểm đã có y văn xác định COVID-19 là nhóm bệnh của hệ hô hấp thì vui lòng gởi cho khách hàng, trước là để xác định việc bà bị giảm quyền lợi bảo hiểm là đúng.

Bà Sơn cũng đề cập việc tham khảo hướng dẫn mã hóa bệnh tật cùng Quyết định 4469/QĐ-BTY mà bảo hiểm viện dẫn. Theo đó, chị thấy rất rõ điều 5.11 không hề gọi tên “Bệnh của hệ hô hấp” mà chỉ dùng thuật ngữ là hội chứng hô hấp "5.11 Mã hội chứng hô hấp do SARS-CoV-2 (COVID-19)". Bà Sơn cho rằng, điều 5.11 này nói rất rõ hội chứng này do COVID-19 gây ra chứ không nói COVID-19 thuộc nhóm Bệnh của hệ hô hấp.

“Tôi rất lấy làm tiếc về việc không đồng thuận với quý công ty vì hội chứng được gây ra bởi một tác nhân khác thì không thể khẳng định nằm trong "Nhóm các bệnh của hệ hô hấp được" vì hội chứng thì có thể xảy ra với người này mà không xảy ra với người khác. Điển hình là tôi không bị hội chứng hô hấp cấp mà lại bị hội chứng huyết áp thay đổi đột ngột gây khó thở”, bà Sơn cho biết.

Văn bản phản hồi từ bà Sơn cũng đề cập thêm về thông tin của mã bệnh U07.1 mà phía Prudential dẫn chứng.

“Theo tôi ghi nhận được thì U07.1 ra đời từ nhiều năm trước khi có COVID-19, thuộc danh mục nhiều mã bệnh dùng trong cấp cứu chứ không phải để xác định COVID-19 là nhóm các bệnh của hệ hô hấp”, bà Sơn nêu.

Cũng theo khách hàng này, khi nhập viện điều trị COVID, bà có 5 ngày nằm trong phòng ICU nhưng bà không biết cách nào để xác định điều này để được hưởng quyền lợi bảo hiểm cao hơn. Theo hợp đồng bảo hiểm, những ngày khách hàng nằm cấp cứu thì quyền lợi bảo hiểm sẽ được gấp đôi nhưng vì khi ra viện Bệnh viện dã chiến chỉ cấp cho bệnh nhân 1 giấy ra viện nhưng không ghi rõ số ngày nằm thường và số ngày nằm trong cấp cứu.

“Tôi không thể xin được chứng nhận những ngày nằm cấp cứu do hồ sơ của tôi chỉ được ghi nhận trên giấy và đã được xếp cất vào kho lưu trữ. Để kiếm được hồ sơ xác nhận cho tôi là rất mất thời gian và công sức nên tôi không thể làm phiền nhân viên bệnh viện chỉ để được thêm 1 khoản của quyền lợi bảo hiểm cho mình vì các nhân viên bệnh viện đã quá mệt rồi”, bà Sơn nêu trong văn bản phản hồi Prudential.

Đồng thời, bà Sơn cũng cho biết, nhờ công ty bảo hiểm đưa cho chị mã U07.1 mà bà mới biết là U07.1 là dùng trong cấp cứu cho nhiều bệnh. Theo đó, bà có thêm bằng chứng đã được điều trị trong ICU mà trên giấy ra viện đã ghi U07.1 tức là mã cấp cứu cho nhiều loại bệnh.

“Thật là khiên cưỡng khi công ty dùng mã U07.1 của Bộ Y tế để cho rằng COVID-19 là nhóm các bệnh về đường hô hấp rồi cắt xén quyền lợi của khách hàng. Trong khi trên thực tế tôi không thể xin được xác nhận số ngày nằm trong ICU để được hưởng quyền lợi bảo hiểm cao hơn. Mã U07.1 là một minh chứng cho tôi về việc tôi đã nằm trong phòng ICU vì mã U07.1 là mã cấp cứu”, bà Sơn cho biết.

Bà Sơn cũng cho rằng, hợp đồng bà ký từ nhiều năm trước khi có dịch COVID, tức khi đó chắc chắn "Nhóm các bệnh của hệ hô hấp” hoàn toàn không có bệnh COVID -19. Nay công ty xếp COVID vào nhóm các bệnh về đường hô hấp để trừ quyền lợi của khách hàng. Bà Sơn đặt câu hỏi, không lẽ chỉ bởi vì các hội chứng có hai từ hô hấp nên ngay lập tức chúng được quý công ty xếp vào Nhóm bệnh của hệ hô hấp?

“Đúng ra, những dữ kiện mới phát sinh sau khi hợp đồng đã ký, nếu muốn bổ sung để giảm trừ quyền lợi của khách hàng, công ty phải thông báo cho khách hàng việc bổ sung dữ kiện mới vào danh sách nhóm tác nhân có khả năng ảnh hưởng đến quyền lợi của khách hàng trong hợp đồng đã ký, khách hàng xem xét việc bổ sung có hợp lý hay không chứ không phải quý công ty muốn bổ sung là bổ sung?”, bà Sơn nêu.

Theo khách hàng này, về nguyên tắc hợp đồng đã ký, muốn bổ sung bất kỳ điều gì liên quan và nhất là có khả năng ảnh hưởng đến quyền lợi của bên còn lại bắt buộc phải có phụ lục chứ không phải muốn đưa vào thì đưa.

Cuối cùng, bà Sơn tiếp tục yêu cầu Prudential cung cấp cho bà thông tin tên gọi cụ thể từng loại bệnh của từng nhóm bệnh mà công ty liệt vào để gọi chung là các Nhóm bệnh đường hô hấp. Cụ thể, Nhóm các bệnh của hệ hô hấp bao gồm những bệnh nào, chẳng hạn bệnh phổi, bệnh viêm phế quản…

“Tôi xác định muốn đi đến cùng bản chất của vấn đề không phải vì số tiền của quyền lợi bảo hiểm bị cắt giảm, mà vì tầm quan trọng của vấn đề. Kết luận của quý công ty là sinh mạng của hàng triệu người dân Việt Nam, tôi rất muốn được mục sở thị những văn bản chính quy có số, có ngày của các cơ quan mà quý công ty đã viện dẫn để kết luận bệnh COVID-19 là nhóm bệnh của hệ hô hấp. Vì khi ký hợp đồng, tôi đã nghĩ rằng thuật ngữ nhóm bệnh của hệ hô hấp tức là bệnh nhân khi vào nhập viện để điều trị thì phải chính xác là điều trị các bệnh thuộc hệ hô hấp có tên gọi rõ ràng như bệnh phổi, bệnh viêm phế quản chứ không phải bệnh nhân nhập viện chỉ để điều trị một bệnh khác có thể gây ra các hội chứng về hô hấp và cũng có thể không”, bà Sơn cho biết.

Trước đó, đề cập trong thư phúc đáp, Prudential giữ nguyên quyết định chấp thuận chi trả Quyền lợi bảo hiểm nằm viện là 10 ngày theo Thư thông báo và tin nhắn đã gửi đến khách hàng Nguyễn Thị Linh Sơn vào ngày 30/08/2021.

Phía Prudential cũng nêu cam kết chi trả các quyền lợi bảo hiểm nếu khách hàng chẳng may bị nhiễm dịch bệnh trong đó có COVID-19. Tính từ đầu năm đến 11/10/2021, công ty đã chi trả hơn 37 tỷ đồng cho gần 2.000 khách hàng không may bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19.

Đọc tiếp

Chat với BizLIVE