ING: Thị trường dầu đối mặt nhiều bất ổn trong năm 2023

Sự kết hợp giữa nguồn cung dầu của Nga thấp hơn và việc cắt giảm nguồn cung của OPEC+ đồng nghĩa thị trường dầu mỏ toàn cầu dự kiến sẽ thắt chặt hơn vào năm 2023.
ING: Thị trường dầu đối mặt nhiều bất ổn trong năm 2023

Trong một báo cáo mới đây, ngân hàng ING (Hà Lan) cho hay giá dầu hiện không còn ở mức cao mà ghi nhận hồi đầu năm và những lo lắng về nguồn cung trước mắt đã giảm bớt. Tuy nhiên, những lo ngại về nhu cầu đang đè nặng lên tâm lý thị trường dầu mỏ và ING nhận định thị trường sẽ thắt chặt trở lại vào năm 2023. Điều đó chắc chắn sẽ đẩy giá “vàng đen” lên cao hơn.

Rủi ro nguồn cung từ Nga

Yếu tố bất ổn chính đối với thị trường dầu mỏ trong năm 2023 là “sức khỏe” nguồn cung của Nga sẽ như thế nào sau khi một số quốc gia cấm nhập dầu từ nước này, cùng với lệnh tự giới hạn xuất khẩu ngày một gia tăng liên quan tới tình hình xung đột tại Ukraine.

Nguồn cung của Nga đã tăng tốt hơn so với kỳ vọng, với Ấn Độ, Trung Quốc và một số thị trường nhỏ hơn khác tăng mua dầu thô từ Nga để tận hưởng mức chiết khấu cao hiện có. Theo số liệu từ trang thống kê Statista, xuất khẩu dầu của Nga trong tháng 11/2022 đạt 9,8 triệu thùng/ngày, giảm chưa tới 200.000 thùng/ngày so với cùng kỳ năm trước 2021.

Tuy nhiên, tác động của lệnh cấm của EU và chính sách áp trần giá của Nhóm bảy quốc gia công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) đối với dầu thô Nga vẫn chưa hoàn toàn rõ ràng. Ngoài ra, thị trường còn phải đợi lệnh cấm của Liên minh châu Âu (EU) đối với các sản phẩm tinh chế của Nga có hiệu lực vào đầu tháng 2/2023. Khả năng Ấn Độ và Trung Quốc hấp thụ thêm một lượng dầu lớn hơn của Nga có thể bị hạn chế.

Dựa trên các yếu tố đó, ngân hàng ING dự báo nguồn cung của Nga trong quý đầu tiên sẽ giảm khoảng 1,6-1,8 triệu thùng/ngày so với cùng kỳ năm 2022. Đối với tác động từ chính sách áp trần giá của G7, ING cho rằng chúng sẽ ít tác động trực tiếp đến nguồn cung dầu của Nga trong ngắn hạn. Vì mức trần 60 USD/thùng vẫn cao hơn mức giá giao dịch dầu Urals của Nga.

Bên cạnh đó, diễn biến xung đột Nga – Ukraine cũng đóng vai trò rất quan trọng đối với thị trường dầu mỏ vào năm 2023. Mặc dù việc giảm leo thang xung đột có thể không phục hồi dòng chảy thương mại dầu mỏ như trước xung đột, diễn biến đó sẽ giúp loại bỏ rất nhiều rủi ro nguồn cung cho thị trường.

OPEC tiếp tục duy trì chính sách hạn chế sản lượng

Về phần Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), khối này cùng các nhà sản xuất lớn khác (nhóm OPEC+) phần lớn đã phớt lờ lời kêu gọi từ Mỹ và những nước tiêu thụ dầu chủ chốt về việc tăng mạnh nguồn cung dầu trong năm nay, giữa lúc giá dầu tăng cao và tồn tại nhiều lo ngại về nguồn cung. Quyết định của OPEC+ về giảm các mục tiêu sản lượng khoảng 2 triệu thùng/ngày từ tháng 11/2022 đến cuối năm 2023 đã nhận nhiều "kêu ca", đặc biệt từ phía Mỹ.

Tuy nhiên khi nhìn lại, quyết định của OPEC+ có vẻ là đúng đắn. Ít nhất trong ngắn hạn, quyết định đó mang lại sự ổn định cho thị trường dầu toàn cầu. Do hầu hết các thành viên OPEC+ đang sản xuất thấp hơn nhiều so với mục tiêu đề ra, việc cắt giảm nguồn cung của OPEC+ thực tế vào khoảng khoảng 1,1 triệu thùng/ngày. Tổng cộng, sản lượng của OPEC+ hiện thấp hơn 3,22 triệu thùng/ngày so với mức mục tiêu trong tháng 10.

Sang năm 2023, việc cắt giảm có thể gây bất ổn hơn trong trung hạn do nhận định thị trường sẽ thắt chặt hơn.

Các nhà sản xuất Mỹ không mặn mà “lấp chỗ trống”

Mỹ đã trở thành cường quốc xuất khẩu dầu thô toàn cầu trong vài năm qua. Hiện nay, lượng xuất khẩu dầu thô của Mỹ sang các quốc gia khác đã chạm mức kỷ lục 3,4 triệu thùng/ngày. Tuy nhiên, Mỹ tiêu thụ 20 triệu thùng dầu thô/ngày, mức cao nhất thế giới trong khi sản lượng của nước này chưa bao giờ vượt quá 13 triệu thùng/ngày. Nhiều chuyên gia vẫn cho rằng Mỹ sẽ tiếp tục là một quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn.

Tình hình đã có sự thay đổi. Thống kê của Chính phủ Mỹ cho thấy nhập khẩu dầu thô ròng của Mỹ đã giảm xuống 1,1 triệu thùng/ngày trong tháng 11/2022, mức thấp nhất kể từ khi bắt đầu tổng hợp số liệu này vào năm 2001. Con số này giảm mạnh so với 5 năm trước, khi Mỹ nhập khẩu hơn 7 triệu thùng/ngày.

Giới chuyên gia nhận định xung đột Nga-Ukraine đã thúc đẩy nhu cầu đối với năng lượng Mỹ. Điều đó có thể thúc đẩy các công ty Mỹ xuất khẩu nhiều hơn nhập khẩu vào cuối năm 2023.

Nhưng để trở thành nhà xuất khẩu ròng dầu thô, Mỹ cần phải tăng cường sản xuất hoặc cắt giảm tiêu thụ. Nhu cầu xăng dầu của Mỹ dự kiến sẽ tăng 0,7% lên 20,51 triệu thùng/ngày vào năm tới, điều này đồng nghĩa với việc sản lượng dầu sẽ phải tăng thêm.

Trong khi đó, phản ứng của các nhà sản xuất Mỹ đối với môi trường giá cao hơn trong năm 2022 không mấy ấn tượng. Nguồn cung dầu thô của Mỹ ước tính tăng chưa tới 600.000 thùng/ngày, lên mức trung bình khoảng 11,8 triệu thùng/ngày vào năm 2022. Sang năm 2023, nguồn cung từ Mỹ dự báo sẽ tăng dưới 500.000 thùng/ngày lên khoảng 12,3 triệu thùng/ngày. Mức tăng trưởng này khiêm tốn hơn nhiều so với mức ghi nhận trong các chu kỳ tăng trưởng trước đó.

Tâm lý của các nhà sản xuất Mỹ đã thay đổi đáng kể, từ sản xuất càng nhiều càng tốt sang tập trung vào lợi nhuận của cổ đông. Kết quả là các công ty tiếp tục thể hiện kỷ luật tài chính khi cân nhắc đến chi tiêu vốn. Các vấn đề về chuỗi cung ứng, tình trạng thiếu lao động và chi phí gia tăng cũng đóng một vai trò quan trọng trong mức tăng trưởng nguồn cung khiêm tốn hơn dự kiến trong năm tới.

Tổng thể, giá năng lượng cao, triển vọng vĩ mô ảm đạm hơn và chính sách Zero COVID của Trung Quốc đều ảnh hưởng đến nhu cầu dầu mỏ trong năm nay. Hồi đầu năm 2022, nhu cầu dầu toàn cầu dự kiến sẽ tăng hơn 3 triệu thùng/ngày và về lại mức trước đại dịch. Tuy nhiên, nhu cầu hiện ước tính sẽ tăng ở mức khiêm tốn hơn là khoảng 2 triệu thùng/ngày trong năm nay, vẫn ở dưới mức tiền đại dịch.

Vào năm 2023, nhu cầu dầu thế giới dự kiến sẽ tăng trong khoảng 1,7 triệu thùng/ngày. Gần 50% mức tăng trưởng này dự kiến sẽ đến từ Trung Quốc với kỳ vọng nền kinh tế sẽ phục hồi.

Sự kết hợp giữa nguồn cung dầu của Nga thấp hơn và việc cắt giảm nguồn cung của OPEC+ đồng nghĩa thị trường dầu mỏ toàn cầu dự kiến sẽ thắt chặt hơn vào năm 2023. ING dự báo mức thâm hụt cung – cầu sẽ ngày càng tăng trong suốt cả năm, đẩy giá dầu lên giao dịch cao hơn so với mức hiện tại. Hiện ngân hàng này dự báo dầu Brent sẽ đạt mức trung bình 104 USD/thùng vào năm 2023 so với 101 USD/thùng của năm nay. Nhưng sự không chắc chắn xung quanh dự báo này là khá cao, do tình hình địa chính trị và hướng đi của nền kinh tế toàn cầu vẫn tiềm ẩn nhiều bất ổn.

Theo TTXVN

Đọc tiếp

Nhịp cầu doanh nghiệp

Chat với BizLIVE