HoSE đã hết nghẽn vì sao vẫn giữ lô tối thiểu 100 cổ phiếu, cho phép CTCK tạm ngừng sửa, hủy lệnh?

Hệ thống mới của HoSE đã được vận hành chính thức từ ngày 5/7 tuy nhiên, HoSE vẫn giữ quy định về lô tối thiểu 100 cổ phiếu thay vì giảm xuống 10 cổ phiếu và cho phép các công ty chứng khoán được tạm ngừng sửa, hủy lệnh.
HoSE đã hết nghẽn vì sao vẫn giữ lô tối thiểu 100 cổ phiếu, cho phép CTCK tạm ngừng sửa, hủy lệnh?

Thị trường chứng khoán đã mất 6 tháng chứng kiến cảnh đơ, nghẽn lệnh trên HoSE khi thanh khoản thị trường tăng cao, nhiều phiên giao dịch tỷ USD, thậm chí hơn 1 tỷ USD xuất hiện. Để giảm ảnh hưởng tiêu cực do tình trạng nghẽn lệnh gây ra, HoSE đã quyết định tăng lô giao dịch tối thiểu từ 10 cổ phiếu lên 100 cổ phiếu, tuy nhiên, phương án tạm thời này không giải quyết được nút thắt quan trọng, tiền vẫn đổ vào HoSE.

Đỉnh điểm phiên đầu tháng 6/2021 HoSE quyết định tạm ngừng giao dịch phiên chiều vì lỗi hệ thống, các công ty chứng khoán sau đó phải thực hiện biện pháp tạm ngừng sửa, hủy lệnh và bước đầu ghi nhận sự tích cực hơn nhưng điều này ảnh hưởng đến cung – cầu của thị trường.

Mới đây, ngày 5/7 hệ thống mới do FPT cung cấp cho HoSE đã đi vào vận hành khắc phục tình trạng đơ, nghẽn lệnh. Hệ thống này cho phép xử lý 3-5 triệu lệnh/ngày, tăng gấp 3-4 lần so với năng lực cũ. Tuy nhiên, HoSE vẫn quyết định giữ quy định lô tối thiểu 100 cổ phiếu và cho phép các công ty chứng khoán được tạm ngừng sửa, hủy lệnh.

Ngay trong ngày 5/7 khi quy chế giao dịch trên được đưa ra đã gặp không ít phản ứng trái chiều từ nhà đầu tư. Tuy nhiên với những gì xảy ra trong 3 phiên gần đây, sự cố xảy ra cục bộ tại một số công ty chứng khoán cho thấy quyết định trên là sự cẩn trọng bởi dù hệ thống mới của HoSE đã đảm bảo vận hành nhưng vẫn có thể xảy ra sự không tương thích giữa hệ thống công nghệ tại các công ty chứng khoán với hệ thống mới.

Theo lý giải của ông Dương Dũng Triều, Chủ tịch Công ty TNHH Hệ thống thông tin FPT (FPT IS), thị trường vẫn giao dịch nghìn tỷ đồng và hàng trăm triệu cổ phiếu từ các công ty chứng khoán. Lỗi cục bộ là không mong muốn và FPT IS có thể hỗ trợ HoSE xử lý lỗi phía đầu của Sở, và sẵn sàng phối hợp với đầu công ty chứng khoán.

Đồng thời, ông Dũng khẳng định, không có xung đột nào giữa hệ thống mới và cũ khiến các yêu cầu về hạ tầng đối với các công ty chứng khoán khi kết nối hệ thống mới phải cao hơn hoặc khác so với cũ.

“Không có xung đột, chỉ có tốc độ và tần suất trả thông tin cho công ty chứng khoán cao hơn trước. Nên HOSE đã để một độ trễ nhất định trong thời gian triển khai/kiểm thử vừa rồi để các công ty chứng khoán thành viên rà soát lại hệ thống và cân nhắc về việc có cần phải điều chỉnh hạ tầng của mình hay không. Xét một cách tổng thể chúng ta cùng phải đi lên, cải tiến cùng nhau”, ông Triều nói.

Thanh khoản được kỳ vọng tăng sau khi thông sàn, nhưng VN-Index không còn "rẻ" 

Hầu hết báo cáo của các công ty chứng khoán khi đề cập đến sự kiện thông sàn, giải quyết tình trạng nghẽn lệnh trên HoSE đều kỳ vọng thanh khoản sẽ tăng sau đó. Tuy nhiên, trong 4 phiên sau khi HoSE hết nghẽn lệnh ghi nhận cho thấy thanh khoản lại sụt giảm và thị trường liên tục rung lắc trong biên độ rộng, đặc biệt phiên 6/7 VN-Index giảm 56 điểm, sau đó phiên 7/7 hồi phục lại với 34 điểm và giảm 14 điểm vào phiên 8/7.

Dấu hiệu sụt giảm của thanh khoản thực tế đã diễn ra trong tháng 6/2021 cho thấy sự thận trọng nhất định tại thời điểm hiện tại của các nhà đầu tư do thị trường chứng khoán hiện không còn “rẻ”.

HoSE đã hết nghẽn vì sao vẫn giữ lô tối thiểu 100 cổ phiếu, cho phép CTCK tạm ngừng sửa, hủy lệnh? ảnh 1
Thanh khoản giảm dần trong tháng 6/2021. Nguồn BSC   

Tại vùng 1.400 điểm, PE của VN-Index đã lên hơn 19 lần trong khi, vùng đỉnh định giá trước đó được thiết lập vào tháng 4/2018 là tại mức P/E 22 lần, mức định giá hiện tại chỉ thấp hơn 14%. Do đó, Công ty chứng khoán Mirae Asset kỳ vọng đợt điều chỉnh sẽ diễn ra trong tháng 7 trước khi thị trường có một khoảng thời gian để hấp thụ kết quả kinh doanh quý 2.

“Xét về cả so sánh tương đối và thống kê lịch sử, mức định giá của thị trường hiện tại đã không còn rẻ; tuy nhiên, vẫn chưa phải là đắt. Mirae Asset kỳ vọng thị trường sẽ sớm điều chỉnh vào đầu tháng 7 khi mức P/E chạm ngưỡng 20x (hoặc có thể là 21x). Nhịp điều chỉnh có thể đẩy VN-Index về ngưỡng 1.200 điểm; đây là cơ hội mua tốt cho nhà đầu tư với tầm nhìn tăng trưởng trong 3 năm tới. Sau nhịp điều chỉnh, Mirae Asset kỳ vọng VN-Index sẽ tiếp tục xu hướng tăng điểm hướng về mức 1.500 điểm”, báo cáo của Mirae Asset cho biết.

HoSE đã hết nghẽn vì sao vẫn giữ lô tối thiểu 100 cổ phiếu, cho phép CTCK tạm ngừng sửa, hủy lệnh? ảnh 2  

Chung quan điểm, Công ty chứng khoán VNDIRECT cũng cho biết, giai đoạn dễ dàng nhất để đầu tư chứng khoán đã đi qua do thị trường tiềm ẩn rủi ro như lãi suất tiền gửi cao hơn dự kiến có thể đảo ngược dòng vốn trong nước và sự gia tăng nguồn cung cổ phiếu mới từ đợt tăng vốn cổ phần mạnh mẽ gần đây. Thống kê từ đầu năm 2021 về giá trị cổ phiếu phát hành thêm cho cổ đông hiện hữu đã đạt 25.617 tỷ đồng, cao hơn 3 lần so với con số trong cả năm 2020.

Mặc dù vậy, điểm tích cực được VNDIRECT nêu ra là việc xử lý nghẽn lệnh trên HoSE cũng như nút thắt về tình trạng dư nợ cho vay ký quỹ (margin) cao tại các CTCK cũng sẽ được gỡ rối trong thời gian tới nhờ các CTCK đang đẩy nhanh quá trình tăng vốn chủ sở hữu để đáp ứng các quy định về hoạt động cho vay margin của cơ quan quản lý.

Đọc tiếp

HOSE đã lên lịch chuyển đổi sang KRX

HOSE đã lên lịch chuyển đổi sang KRX

Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) đã gửi thông báo đến các CTCK về kế hoạch triển khai chính thức KRX, dự kiến ngày 2/5 sẽ chính thức vận hành hệ thống giao dịch mới.

Nhịp cầu doanh nghiệp

Chat với BizLIVE