Hoạt động kinh doanh hàng xa xỉ qua sử dụng tăng trưởng bùng nổ như thế nào?

Doanh số bán hàng xa xỉ qua sử dụng trong năm ngoái tăng 65% so với năm 2017, cùng thời gian đó, doanh số hàng xa xỉ mới tăng ước tính 12%, theo tính toán của Bain & Co.
Ảnh: WSJ
Ảnh: WSJ

Thị trường hàng hiệu đã qua sử dụng tăng trưởng bùng nổ đang tạo ra thế “tiến thoái lưỡng nan” cho các doanh nghiệp sản xuất và cung cấp túi xách, quần áo cũng như trang sức trên khắp thế giới: Gia nhập xu thế này hoặc bỏ qua nó, theo nhận định và phân tích mới được đưa ra trong bài báo mới đây trên Wall Street Journal.

Việc kinh doanh hàng hiệu không phải mới, thế nhưng đang trở nên ngày một phổ biến hơn. Việc nhiều hãng kinh doanh đồ xa xỉ trên thế giới như Chanel SA nâng giá mạnh tay đang khiến cho nhiều người tiêu dùng tìm đến các sản phẩm có giá cả rẻ hơn.

Nhiều người mua hàng đã qua sử dụng bởi các thương hiệu lớn như Chanel SA cũng còn bởi lý do ví như chiếc quần jeans đã qua sử dụng của nhà thiết kế khi được dùng nhiều sẽ không gây hao tốn thêm tài nguyên của thế giới.

Doanh số bán hàng xa xỉ qua sử dụng trong năm ngoái tăng 65% so với năm 2017, cùng thời gian đó, doanh số hàng xa xỉ mới tăng ước tính 12%, theo tính toán của Bain & Co. Bain & Co đồng thời dự báo rằng trong vòng 5 năm tới, doanh số bán hàng xa xỉ sẽ tăng mỗi năm trung bình 15%, gấp đôi doanh số bán hàng mới.

Đối với nhiều thương hiệu xa xỉ lớn, xu thế này đe dọa sẽ “tiêu diệt” doanh số bán hàng xa xỉ mới hoặc ảnh hưởng đến việc định giá, theo các nhà điều hành doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp kinh doanh đồ xa xỉ hàng đầu như Hermes International, LVMH hay Chanel đều khẳng định không thích thú gì với việc bán lại đồ cũ của chính họ.

Tuy nhiên, việc kinh doanh đồ cũ cũng có thể mang đến cơ hội. Hãng sản xuất đồ Gucci hay Burberry hay Stella McCartney đều đã bắt đầu tham gia vào thị trường hàng đã qua sử dụng. Trong một số trường hợp, họ đã bắt đầu mua lại hàng từ khách hàng và tự bán lại hoặc chuyển nguồn hàng đó sang cho một số cửa hàng chuyên kinh doanh đồ cũ và cũng có thêm nguồn doanh thu.

Không ít người tiêu dùng hưởng lợi từ xu thế này. Cô Rachelle Kebaili, chủ một cửa hàng kinh doanh sách, cho biết gần đây cô đã mua được túi xách Gucci chính hãng với giá chỉ khoảng 250USD trên trang kinh doanh sản phẩm đã qua sử dụng Vestiaire Collective SA. Túi Gucci mới thường có giá khoảng 2.000USD.

“Tôi thích có những thứ mà người khác không có, thứ gì độc đáo. Và chẳng có ai lại không muốn được mua với giá hời”, cô nhấn mạnh.

Nhiều nền tảng công nghệ như The RealReal hay Vestiaire đã phát triển trong những năm gần đây như những khu chợ trực tuyến cho các sản phẩm hàng hiệu đã qua sử dụng. Kering đã gia nhập với Real Real vào năm 2020 để bắt đầu bán túi xách Gucci đã qua sử dụng, năm ngoái hãng đã mua lại 5% cổ phần tại Vestiaire.

Nhiều doanh nghiệp lớn trong ngành kinh doanh hàng xa xỉ đang cảm thấy lo lắng. Việc phát triển kênh bán hàng xa xỉ đã qua sử dụng đe dọa đến việc kinh doanh các sản phẩm mới, nguồn doanh thu quan trọng của ngành.

“Đó không phải là thứ mà Hermes muốn thấy. Việc kinh doanh các sản phẩm xa xỉ qua sử dụng có thể làm mất đi khá nhiều khách hàng vốn thường đến cửa hàng”, giám đốc điều hành thương hiệu túi xách Birkin – ông Axel Dumas phân tích.

Vào đầu năm nay, Chanel công bố Chanel có thể sẽ hạn chế số lượng hàng mà khách hàng cá nhân được mua tại một số thị trường đặc thù. Nguyên nhân chính là để ngăn việc khách hàng mua hàng với số lượng lớn và sau đó bán lại. Trong một số ít trường hợp, nhiều mặt hàng của các thương hiệu Chanel hay Hermes đã qua sử dụng thậm chí còn có giá cao hơn so với giá hàng mới bởi nhu cầu cao và nguồn cung quá thiếu.

Nhìn chung, hàng hóa xa xỉ có thể được bán với mức giá tương đương khoảng ¾ giá gốc với điều kiện tình trạng phải còn mới, theo các chuyên gia ngành. Giá các sản phẩm chính hãng đã qua sử dụng có thể khác nhau tùy thuộc vào mức độ sẵn có của sản phẩm. Trong ngành hàng xa xỉ đã qua sử dụng thường có nhiều loại mặt hàng cũ và hiếm.

Phần lớn các bên kinh doanh hàng xa xỉ sử dụng hệ thống bán lại trực tuyến trong vai trò trung gian. Hoạt động kinh doanh vẫn diễn ra mà không có sự liên quan của các hãng đồ xa xỉ. Thế nhưng nhóm các doanh nghiệp này đang cố gắng giành được “miếng bánh” lợi nhuận.

Nhiều thương hiệu tuy nhiên không hợp tác với các nền tảng công nghệ bởi các nền tảng này thu phí, doanh nghiệp hàng xa xỉ tuy nhiên không muốn chia sẻ doanh thu.

Đọc tiếp

Nhịp cầu doanh nghiệp

Chat với BizLIVE