Quay về eMagazine
Hòa Phát thích ứng nghịch cảnh

Hòa Phát thích ứng nghịch cảnh

Tháng 5/2022, tại đại hội đồng cổ đông thường niên 2022, khi kết quả kinh doanh quý 1 đang thăng hoa, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát đưa ra cảnh báo ngành thép đang không thuận lợi. "Đợi hai tháng nữa sẽ có kết quả kinh doanh quý 2, cổ đông sẽ thấy tình hình thê thảm thế nào”.

Cảnh báo khi đó đã gây bất ngờ cho không ít nhà đầu tư bởi một số nhận định cho rằng khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra, ngành thép Việt Nam có thể hưởng lợi từ việc bớt đi hai đối thủ lớn. Tuy nhiên, theo tỷ phú Trần Đình Long, nguyên nhân khiến ngành thép sẽ gặp khó khăn là do giá nguyên vật liệu, đặc biệt than cốc tăng mạnh bởi xung đột Nga - Ukraine. Cuộc xung đột này cũng tác động tiêu cực đến chuỗi cung ứng toàn cầu, đẩy chi phí logistics tăng cao, gây áp lực lên biên lợi nhuận của các doanh nghiệp thép.

Ngoài ra, việc Trung Quốc duy trì chính sách “Zero COVID” khiến nhu cầu thép giảm tại thị trường này giảm, trong khi đó các doanh nghiệp vẫn duy trì công suất hoạt động các nhà máy sản xuất, dẫn đến tồn kho tăng.

Và thực tế, khi kết quả kinh doanh quý 2 của các doanh nghiệp ngành thép được công bố, nhiều người đã phải thừa nhận cảnh báo của Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát đã đúng.

Quả thực, 2022 là một năm dồn dập khó khăn với ngành thép khi chịu tác động của nhiều yếu tố như giá nguyên vật liệu tăng mạnh do xung đột Nga - Ukraine, đứt gãy chuỗi cung ứng, suy thoái kinh tế sau COVID và lạm phát,… khiến nhu cầu tiêu thụ thép giảm, dẫn đến giá bán giảm mạnh trong khi tồn kho giá cao lớn.

Thêm vào đó, các doanh nghiệp ngành thép lại đứng trước sức ép từ sự tăng giá của đồng USD đẩy lỗ chênh lệch tỷ giá tăng lên, cộng thêm gánh nặng chi phí lãi vay khi lãi suất tăng - những yếu tố biến động rất mạnh năm qua, đặc biệt tỷ giá.

Với riêng Hòa Phát, trong quý 2/2022, dù doanh thu vẫn tăng 6,5% so với cùng kỳ lên 37.714 tỷ đồng song lợi nhuận sau thuế lại giảm gần 59%, còn 4.023 tỷ đồng. Thậm chí, sang quý 3, Hòa Phát còn lỗ sau thuế 1.786 tỷ đồng - lần thua lỗ đầu tiên của doanh nghiệp này kể từ cuối năm 2008. Doanh thu của Hòa Phát cũng giảm 12% so với cùng kỳ, xuống 34.103 tỷ đồng. Kết quả kinh doanh quý 3 sụt giảm sâu của Hòa Phát ngoài nguyên nhân như ông Long dự báo còn đến từ việc tín dụng thắt chặt, tỷ giá và lãi suất tăng mạnh.

Trong quý 3, chi phí tài chính của Hòa Phát lên tới 2.309 tỷ đồng, tăng gần 139% so cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, lỗ chênh lệch tỷ giá hơn 1.400 tỷ đồng, cao gấp 5,6 lần cùng kỳ. Bên cạnh đó, lãi suất đi vay của Hòa Phát đã bắt đầu tăng trong quý 3 khiến dù dư nợ vay giảm so với quý 2, chi phí lãi vay quý 3 vẫn tăng 17% lên 837 tỷ đồng.

Đáng chú ý, biến động tỷ giá USD/VND dữ dội hơn trong tháng 10 và lãi suất cũng chỉ thực sự “nổi sóng” với bước tăng lớn từ tháng 10, nên sức ép về chi phí tài chính của Hòa Phát sẽ càng tăng trong quý 4 và tới đây khi doanh nghiệp có đặc thù vay nợ lớn.

Đến cuối quý 3, dù vẫn là “vua tiền mặt” trên sàn chứng khoán với 38.900 tỷ đồng tiền mặt, tương đương tiền và các khoản tiền gửi ngân hàng song tổng dư nợ của Hòa Phát cũng lên tới 65.500 tỷ đồng, tăng gần 14,5% so với đầu năm, trong đó có bóng dáng khoản hợp vốn tín dụng 35.000 tỷ đồng cho dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2 mà Hòa Phát ký kết với 8 ngân hàng hồi giữa tháng 3…

Thực tế, sang quý 4, khó khăn với Hòa Phát càng lớn hơn khi sản lượng tiêu thụ và giá bán tiếp tục sụt giảm, nhất là thị trường xuất khẩu giảm hơn 70%. Theo đó, sau khi sản lượng bán hàng thép xây dựng, phôi thép và thép cuộn cán nóng (HRC) giảm 42% so với cùng kỳ trong tháng 10, sang tháng 11, sản lượng bán hàng các sản phẩm thép của Hòa Phát tiếp tục giảm 30% so với cùng kỳ.

Trong bối cảnh tổng lượng tiêu thụ giảm xuống mức thấp nhất từ đầu năm do nhu cầu thị trường trong và ngoài nước với các sản phẩm thép chưa được cải thiện, Hòa Phát đã phải tính đến phương án tạm dừng một số lò cao tại Khu liên hợp Hải Dương và Khu liên hợp Dung Quất từ tháng 11 để giảm lượng hàng tồn kho và cắt giảm chi phí hoạt động.

Đây có lẽ là giải pháp “cực chẳng đã” của Hòa Phát để đảm bảo “tính sống còn” và thích ứng với hoàn cảnh dù theo ban lãnh đạo chi phí đóng cửa và mở lại mỗi lò cao lên tới khoảng 40 tỷ đồng và mất từ 5-7 ngày để khởi động lại một lò.

Nhìn nhận về động thái đóng cửa các lò cao của Hòa Phát, SSI Research cho rằng mối lo ngại chính trong thời gian tới là nhu cầu thép giảm nhanh ở cả thị trường nội địa và xuất khẩu còn lớn hơn là bản thân việc đóng cửa lò cao. Việc đóng cửa các lò cao có thể được coi là một dấu hiệu cho thấy quan điểm thận trọng của ban lãnh đạo về triển vọng thị trường thép trong tương lai.

Với bức tranh nhiều gam màu xám trong năm 2022, SSI Research dự báo quý 4/2022, Hòa Phát sẽ tiếp tục lỗ ròng 270 tỷ đồng và cho cả năm 2022, lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp đầu ngành thép sẽ rơi xuống 10.200 tỷ đồng, giảm 70% so với năm 2021. Sang đến năm 2023, khả năng lãi sau thuế của Hòa Phát cũng chỉ nhỉnh hơn năm 2022 khoảng 6%, đạt 10.880 tỷ đồng nhờ khoản lỗ chênh lệch tỷ giá và giá than cốc giảm.

Tương tự, Công ty Chứng khoán KIS cũng hạ dự báo doanh thu và lợi nhuận ròng năm 2022 của Hòa Phát lần lượt đạt 137.400 tỷ đồng và 10.600 tỷ đồng, tương ứng giảm 69% so với mức lãi ròng kỷ lục của năm 2021.

Chứng khoán KIS nhận định hiện tại không phải là giai đoạn thuận lợi cho ngành công nghiệp toàn cầu. Tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại vào năm 2023 sẽ làm giảm nhu cầu thép của các ngành công nghiệp sử dụng cuối cùng và tác động của suy thoái kinh tế đang dần xuất hiện lên kết quả hoạt động của các doanh nghiệp trong các tháng tới đây.

Chứng khoán KIS cho rằng sẽ không có ngoại lệ trong bối cảnh thị trường ảm đạm. Tuy nhiên đối với Tập đoàn Hòa Phát, việc giá HRC cải thiện gần đây nhờ tâm lý thị trường tốt hơn từ Trung Quốc có thể hỗ trợ phần nào kết quả hoạt động trong năm 2023. Bên cạnh đó, giá nguyên vật liệu đầu vào duy trì ở mức thấp có thể cải thiện được biên lợi nhuận. Ở khía cạnh khác, biến động tỷ giá và chi phí đầu vào kỳ vọng giảm nhiệt nhờ Ngân hàng Nhà nước nỗ lực ổn định trong năm 2023 có thể giúp Hòa Phát cải thiện khoản lỗ tỷ giá. Dù vậy, chi phí tài chính sẽ tiếp tục tăng do lãi suất cho vay ở mức cao cho cả hai khoản vay USD và VND.

“Hiện tại Hòa Phát đang bước vào giai đoạn đầy khó khăn, như “dây cung đã căng hết cỡ”. Một khi tất cả các vấn đề như căng thẳng địa chính trị, thị trường bất động sản khó khăn, tỷ giá leo thang,... được giải quyết, cộng thêm nhu cầu thép toàn cầu cải thiện thì hiệu quả hoạt động của Hòa Phát sẽ tăng trưởng đáng kể”, Chứng khoán KIS nhận định và đưa ra dự phóng mức lãi ròng của Hòa Phát có thể trên mức 17.600 tỷ đồng trong năm 2024.

Thế nhưng những dự báo của các công ty chứng khoán dường như vẫn còn quá lạc quan so với kết quả kinh doanh thực tế quý 4/2022 của Hòa Phát. Quý cuối năm, doanh thu của doanh nghiệp đầu ngành thép giảm tới 42% so với cùng kỳ năm trước, đạt 26.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế ghi nhận mức âm kỷ lục gần 2.000 tỷ đồng.

Lũy kế cả năm 2022, Hòa Phát đạt doanh thu 142.000 tỷ đồng, giảm 5% so 2021. Lợi nhuận sau thuế cả năm đạt hơn 8.400 tỷ đồng, chỉ bằng 24% so với năm 2021.

Cũng phải nói thêm rằng, dù khó khăn vẫn chực chờ mảng kinh doanh cốt lõi của Hòa Phát ở phía trước, song không thể phủ nhận rằng doanh nghiệp đang nỗ lực để xoay chuyển tình thế và ghi nhận những “trái ngọt” sau quá trình đầu tư.

Với mảng thép, trong hơn hai năm đại dịch, Hòa Phát đã sản xuất thành công thép rút dây, thép lõi que hàn, thép dự ứng lực, thép cuộn làm tanh lốp xe ô tô, thép cuộn cán nóng (HRC)… để thay thế hàng nhập khẩu. Đặc biệt, gần đây Hòa Phát còn ký kết hợp đồng xuất khẩu lô hàng 10.000 tấn thép dây cuộn sang châu Âu - đơn hàng thép dài đầu tiên xuất sang khu vực này, mở ra thị trường mới và nhiều tiềm năng.

Mảng nông nghiệp sau nhiều năm thua lỗ như lời tỷ phú Trần Đình Long từng nói “đầu tư nông nghiệp không thể có lời nhanh” cuối cùng cũng đạt thành quả khi sản lượng trứng gà cung cấp cho thị trường đã vượt mốc hơn 1 triệu quả mỗi ngày, giữ thị phần số 1 khu vực phía Bắc và top 3 doanh nghiệp sản xuất trứng gà sạch lớn nhất Việt Nam.

Và dù lợi nhuận đang chững lại song theo Vietnam Report năm 2022, Tập đoàn Hòa Phát đã vươn lên dẫn đầu top 10 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam, tăng 3 bậc so với năm 2021. Ngoài ra, Hòa Phát cũng lần đầu tiên lọt top 10 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam với vị trí số 5, tăng 8 bậc so với năm ngoái.

* Chuyên đề Kinh tế Việt Nam Xuân Quý Mão 2023

Theo AP Vững vàng phía trước

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Chat với BizLIVE