Hiện thực hóa Thành phố Thủ Đức: “Không phải chỉ nghĩ đến quỹ đất”

Nguồn tài chính xây dựng thành phố thường được nhìn vào quỹ đất, nhưng xa hơn là cần những cơ chế để thu hút vốn đầu tư...
Từ trái qua: TS. Võ Kim Cương, bà Lưu Thị Thanh Mẫu và GS. Trần Ngọc Thơ.
Từ trái qua: TS. Võ Kim Cương, bà Lưu Thị Thanh Mẫu và GS. Trần Ngọc Thơ.

Tại Hội nghị lần thứ 43, Ban Chấp hành Đảng bộ TP.HCM khóa X ngày 24/7, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đã nhấn mạnh, từ yêu cầu hình thành một vùng tăng trưởng mới, TP.HCM đề xuất hợp nhất 3 quận (gồm quận 2, 9 và Thủ Đức) thành một thành phố trực thuộc TP.HCM, với tên gọi TP. Thủ Đức.

TP. Thủ Đức dự kiến có diện tích 21.000 ha và có hơn 1 triệu dân, là thành phố công nghiệp, nghiên cứu khoa học, dịch vụ. Thành phố này chiếm 10% diện tích, 10% dân số nhưng đóng góp 1/3 kinh tế của TP.HCM, bằng 7% GDP của cả nước. Quy mô kinh tế của TP. Thủ Đức sẽ lớn hơn tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, chỉ sau TP.HCM và Hà Nội.

Mới đây, căn cứ các quy định pháp luật và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã đồng ý chủ trương thành lập TP. Thủ Đức thuộc TP.HCM, trên cơ sở sắp xếp quận 2, 9 và Thủ Đức theo đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021.

Kết luận của Phó Thủ tướng nêu: Việc thành lập TP. Thủ Đức theo định hướng hình thành khu đô thị sáng tạo, tương tác cao là phù hợp với chủ trương chung về phát triển kinh tế số, phát huy năng lực, đổi mới, sáng tạo. Trong quá trình xây dựng đề án, TP.HCM cần lưu ý về quy hoạch chung; nên tổ chức lấy ý kiến rộng rãi để có thể tích hợp vào quy hoạch, định hướng chung của TP.

Tại tọa đàm “Những điều kiện cần và đủ để hiện thực hóa TP. Thủ Đức - TP sáng tạo: Thuận lợi, thách thức và lộ trình” do Báo Sài Gòn giải phóng - Đầu tư Tài chính tổ chức ngày 4/9, các nhà khoa học, nhà chuyên môn, doanh nghiệp đã đưa ra nhiều ý kiến thiết thực cho việc xây dựng đề án “Hình thành và phát triển TP. Thủ Đức”.

Trong đó, bài toán về vốn được nhiều chuyên gia đề cập.

THÁCH THỨC LỚN NHẤT LÀ TIỀN Ở ĐÂU?

Chia sẻ tại tọa đàm, TS. Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP.HCM ủng hộ việc thành lập TP. Thủ Đức ở phía Đông TP.HCM. Ông nêu, về mặt thuận lợi là dễ thấy nhưng thách thức phải vượt qua là nhiều.

Đầu tiên, ông Cương cho biết mô hình thành phố trong thành phố (TP) về mặt luật pháp không sai, nhưng một TP trực thuộc tỉnh là cấp huyện, vậy TP trực thuộc TP là cấp nào và đi liền theo đó là một loạt chính sách theo các cấp hành chính.

Theo ý kiến này, nên đặt ra và so sánh giữa phương án lập 1 đơn vị hành chính TP và phương án khác không lập 1 đơn vị hành chính, tức vẫn là 3 đơn vị hành chính nhưng có 1 cơ quan phát triển chung, do TP trực thuộc chỉ đạo.

“Nên có nhiều phương án để so sánh, từng phương án có nội dung cụ thể. Thách thức lớn nhất là tiền ở đâu, kinh phí ở đâu để làm”, TS. Võ Kim Cương nêu.

Vị này cho biết, trong nguyên lý của đô thị thì đô thị sinh ra từ đất, tức từ vị trí đất khai thác quỹ đất, phát triển cơ sở hạ tầng và từ đó phát triển lên. Nhưng đất đai ở khu vực này hiện tại đang có tình trạng đầu cơ, khai thác như thế nào là thách thức. Nên ông cho rằng phải có nghiên cứu để có nguồn tài chính, mà nguồn tài chính đầu tiên chính là khai thác từ đất.

KTS. Cương cho biết đã từng đề nghị nên khoán kinh phí đầu tư hạ tầng của TP đó trên từng m2 đất, và mỗi m2 đất đó có nghĩa vụ đóng góp cho xây dựng. Hễ ai là chủ đất đều phải đóng góp chứ không phải Nhà nước bỏ ra hết.

“Nếu thực hiện được điều đó, có thể sẽ có được giải pháp về tài chính, để trước tiên phát triển hệ thống hạ tầng. Còn bây giờ chưa có gì cả, hạ tầng đụng vào đâu cũng đền bù giải tỏa. Ở đây phải đặt vấn đề là các chủ đất chứ không phải nhân dân và cần phải phối hợp với các chủ đất để phát triển TP này như thế nào, cần phải làm rõ”, ông Cương nhấn mạnh.

Một thách thức nữa ông Cương đề cập là về quy hoạch. Vị này nêu, cái để ra đô thị là thương mại dịch vụ, nơi giao lưu trao đổi và nó sẽ nằm ở đâu trong TP. Thủ Đức, và đây là việc quan trọng phải nghiên cứu.

"PHẢI ĐẶT TRONG TỔNG THỂ CẢ CHIẾN LƯỢC QUỐC GIA"

GS. Trần Ngọc Thơ, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia cũng nhấn mạnh đến nguồn lực tài chính cho đầu tư xây dựng TP. Thủ Đức, đồng thời đặt ra 3 vấn đề cần lưu ý.

Thứ nhất, dự án này phải tính đến hành vi thay đổi vĩnh viễn của con người, của các tập đoàn tài chính, các tập đoàn đa quốc gia sau đại dịch Covid-19. Nếu không tính đến yếu tố này có thể dẫn đến những đầu tư và quyết định sai lầm.

GS. Thơ lấy ví dụ là trường hợp Trung tâm tài chính quốc tế Dubai của Tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất đang đứng trước nguy cơ phá sản, do được xây dựng trên nền tảng các cửa hàng siêu thị bán lẻ khổng lồ, các nhà hàng cao cấp, các khách sạn 5-6 sao đồ sộ... nhưng khách hàng ngày càng vắng.

GS. Thơ đặt câu hỏi: TP. Thủ Đức nếu được thành lập là một TP ban ngày sống động, ban đêm nhộn nhịp. Vậy liệu rằng vốn đầu tư bỏ ra sau này có thể trở thành TP chết hay không? 

Vấn đề thứ hai là lấy nguồn vốn từ đâu để đầu tư? Ông Thơ nêu, hiện nhiều ý kiến đề cập đến quỹ đất nhưng tư duy như vậy có đúng hay không? Bởi quỹ đất luôn luôn là hữu hạn, trong khi nguồn tài chính, ý tưởng sáng tạo bất tận luôn là cơ hội mới tạo ra liên tục, nhất là sau đại dịch Covid-19.

Do đó, GS. Thơ cho rằng cách tư duy của chúng ta phải ngược lại, không nên như truyền thống. Theo đó, chúng ta nên từ chính sách tạo môi trường đẳng cấp quốc tế cao nhất, luật phải là luật tư pháp độc lập, đồng tiền của chúng ta phải là đồng tiền chuyển đổi được hay ít nhất phải có khu kinh tế đặc biệt, khu tài chính đặc biệt, cho phép đồng vốn nước ngoài chuyển ra chuyển vào một cách tự do…

“Những điều này sẽ tạo nguồn tài chính, không phải chỉ nghĩ đến quỹ đất. Tóm lại, chúng ta cần môi trường và thể chế pháp lý để hút đầu tư về”, GS. Trần Ngọc Thơ đề cập.

Vấn đề thứ ba, ông Thơ cho rằng, luồng vốn chảy ra chảy vào cho các trung tâm này được tự do hóa, tự do chuyển đổi thế nào, đánh thuế thế nào, được quản lý, bảo mật ra sao. Hàng loạt vấn đề chẳng những liên quan đến tài chính mà còn liên quan đến an ninh quốc gia. Điều đó cho thấy vấn đề rất đa chiều và phức tạp.

Do đó, ông Thơ cho rằng, dự án TP. Thủ Đức phải được đặt trong tổng thể cả chiến lược quốc gia.

XÂY DỰNG CHO THÀNH PHỐ NHỮNG QUY CHẾ ĐẶC THÙ

Theo bà Lưu Thị Thanh Mẫu, Tổng giám đốc Phúc Khang, để quy hoạch TP. Thủ Đức phải nhìn trên quan hệ liên vùng, liên tỉnh, có chất lượng tri thức và đời sống cao, không chỉ đơn giản gom 3 quận thành 1 theo cơ sở địa giới hành chính. Đặc biệt, phải tránh tình trạng quy hoạch manh mún từng khu vực như cách làm trước đây do thiếu chiến lược phát triển đồng bộ.

Bà Mẫu cho rằng, hạ tầng là yếu tố quan trọng cốt lõi cần ưu tiên hàng đầu và cần tránh những vấn đề TP.HCM hiện nay đang phải đối mặt như ngập lụt, kẹt xe, quá tải và xuống cấp hạ tầng nghiêm trọng.

“TP sáng tạo và công nghệ không thể là TP suốt ngày sống trong kẹt xe và ngập lụt. Nếu chỉ loanh quanh giải quyết các bài toán về hạ tầng và cơm áo đời sống, sẽ rất khó bật lên để trở thành TP sáng tạo, có sức cạnh tranh trong khu vực và tầm quốc tế”, bà Mẫu nêu ý kiến.

Theo đại diện doanh nghiệp, chiến lược phát triển kinh tế xã hội TP. Thủ Đức cần đi kèm với chiến lược phát triển không gian. Theo đó cần có bộ khung hướng dẫn thiết kế đô thị cho TP, xác định rõ các khu vực cao tầng, các khu vực điểm nhấn để kiến tạo hình ảnh, bộ mặt đặc trưng cho đô thị, đặc biệt là hình bóng đô thị mặt sông Sài Gòn, sông Đồng Nai. Điều này sẽ giúp nhà đầu tư dễ dàng định hình quy mô và mức độ đầu tư tại các khu vực trung tâm của TP.

Bà Mẫu cho rằng, quy hoạch TP. Thủ Đức cần dành chỗ cho các không gian công cộng, đặc biệt là dải đất ven sông Sài Gòn và sông Đồng Nai. Những công viên cảnh quan dọc 2 bên bờ sông sẽ góp phần làm đẹp cảnh quan, bảo vệ môi trường, thu hút người dân và khách du lịch, làm tăng gấp nhiều lần giá trị đất đai và sức thu hút đầu tư.

“Xây dựng cho TP những quy chế đặc thù. Bởi lẽ để xây dựng cần nguồn vốn, mà muốn vậy TP cần được tự chủ và tự quyết trong cả kế hoạch phát triển kinh tế, thu hút đầu tư lẫn quy hoạch không gian và phát triển hạ tầng. Để làm được như vậy TP. Thủ Đức cần có sự đổi mới và tinh gọn trong bộ máy quản lý lẫn quyền được quản lý, giúp đô thị này thực sự năng động để bật lên so với các khu vực khác”, bà Mẫu chia sẻ.

Đọc tiếp

Ảnh minh hoạ

Sầu riêng quyết định mức tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành rau quả

Kim ngạch xuất khẩu rau quả trong quý I ước đạt 1,25 tỷ USD, tăng 27% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong quý đầu năm, sầu riêng và nhiều trái cây khác của Việt Nam chưa vào vụ nhưng kim ngạch xuất khẩu vẫn đạt và vượt 1 tỷ USD, cho thấy ngành rau quả có nhiều khả năng đạt mục tiêu xuất khẩu 6,5 tỷ USD trong năm nay.

Nhịp cầu doanh nghiệp

Khu công nghiệp - ảnh minh họa

Tây Ninh sắp có thêm khu công nghiệp quy mô gần 500 ha

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái vừa ký Quyết định 214/QĐ-TTg chấp thuận chủ trương dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng Khu công nghiệp Hiệp Thạnh - giai đoạn 1, tại xã Hiệp Thạnh, huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh.

Chat với BizLIVE