Hết dịch, người Việt thay đổi cách mua sắm máy tính

Hàng loạt chương trình ưu đãi giảm giá được đại lý tung ra để đẩy hàng tồn kho là PC giá rẻ, cấu hình cơ bản đang trong tình trạng ế hàng.
Thị trường PC tại Việt Nam thay đổi mạnh sau khi dịch bệnh được khống chế
Thị trường PC tại Việt Nam thay đổi mạnh sau khi dịch bệnh được khống chế

Vài tháng qua, các đại lý phân phối máy tính ở Việt Nam cho biết nhu cầu của người dùng với máy tính để bàn và laptop có xu hướng giảm mạnh. So với cùng kỳ năm ngoái, PC (máy tính cá nhân gồm máy tính để bàn và máy tính xách tay - laptop) khó tiêu thụ hơn bởi nhu cầu mua sắm không còn nhiều. Ngoài ra, trong giai đoạn lạm phát tăng, kinh tế khó khăn, người dùng có xu hướng cân nhắc việc lên đời, nâng cấp nếu máy cũ vẫn đáp ứng được nhu cầu sử dụng.

Đại diện một hệ thống phân phối PC ở Hà Nội phân tích vào giai đoạn này năm ngoái, dịch bệnh bùng phát khiến nhu cầu học tập, làm việc từ xa tăng cao, kéo theo doanh số của laptop tăng mạnh. Thị trường liên tục rơi vào tình trạng khan hàng, đẩy giá bán sản phẩm tăng cao.

Nhu cầu mua sắm máy tính đang thay đổi

Nhu cầu mua sắm máy tính đang thay đổi

“Khi dịch bệnh được khống chế, nhu cầu mua máy để làm việc học tập giảm mạnh. Đa số thiết bị phục vụ nhu cầu này là sản phẩm giá rẻ, tầm trung. Hết dịch, thậm chí một lượng hàng không nhỏ vẫn tiếp tục đổ về gây ra tình trạng tồn kho tăng mạnh. Vì vậy, hiện tại các đại lý đang liên tục thực hiện những chương trình khuyến mại giảm giá để đẩy bớt hàng”, vị đại diện hệ thống phân phối PC chia sẻ.

So với năm ngoái, hiện tại, laptop đang có mức giá rất tốt. Nhiều sản phẩm giảm giá hàng triệu đồng, thậm chí giá “sập sàn” tới 50%. Các chương trình ưu đãi được đại lý tung ra áp dụng với tất cả máy tính của hàng loạt thương hiệu như Apple, Asus, Lenovo, HP hay MSI.

Ngoài ra, người dùng Việt đang mua PC theo cách rất khác so với thời kỳ dịch bệnh một năm trước. “Trong thời kỳ đại dịch bùng phát, nhu cầu chủ yếu tập trung vào các sản phẩm giá rẻ, cấu hình cơ bản. Tuy nhiên, điều này không chính xác khi bước sang năm 2022”, đại diện hệ thống bán lẻ nhận định.

Theo chuyên gia này, khi kinh tế ít chịu tác động từ dịch bệnh hơn, nhu cầu của người dùng cũng dần thay đổi từ việc tìm kiếm laptop cơ bản sang những dòng máy cao cấp, cấu hình mạnh để phục vụ đa mục đích như đồ hoạ, gaming. Không chỉ vậy, laptop có thiết kế gọn gàng, trọng lượng nhẹ, dễ di chuyển cũng được người dùng yêu chuộng hơn.

Doanh số PC giảm mạnh năm 2022

Theo dự báo từ Gartner, doanh số của thị trường PC trên toàn thế giới giảm 9,5% trong năm 2022.

Ranjit Atwal, nhà phân tích tại Gartner nhận định: “Nhu cầu máy tính cá nhân giảm mạnh hơn so với các sản phẩm dành cho doanh nghiệp, dự kiến giảm 7,2% so với cùng kỳ năm ngoái”.

Các thị trường châu Âu, Trung Đông và châu Phi được dự báo giảm 14% năm 2022 do nhu cầu yếu. Căng thẳng giữa Nga - Ukraine, lạm phát và thiếu hụt nguồn hàng do các đợt đóng cửa phòng chống dịch ở Trung Quốc ảnh hưởng đáng kể đến doanh số tiêu thụ.

Tổng lượng xuất xưởng của PC, máy tính bảng và điện thoại di động dự báo giảm 7,6% trong năm 2022. Trong đó, thị trường Trung Quốc và khu vực Đông Âu đều ghi nhận mức giảm hai con số.

Doanh thu thị trường PC toàn cầu quý 2/2021 và quý 2/2022

Doanh thu thị trường PC toàn cầu quý 2/2021 và quý 2/2022

Báo cáo từ IDC cho thấy tổng lượng máy tính xuất xưởng trên toàn cầu trong quý 2/2022 giảm 15,3% so với cùng kỳ năm trước, xuống còn 71,3 triệu thiết bị.

Lenovo là hãng dẫn đầu thị trường với 24,6% thị phần và xuất xưởng được hơn 17,5 triệu thiết bị. Tuy vậy, con số này vẫn thấp hơn 12,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Các vị trí tiếp theo lần lượt thuộc về HP (18,9% thị phần), Dell (18,5%), Acer (6,9%), Apple (6,7%) và Asus (6,6%).

Trong quý 2/2022, Apple tụt từ vị trí số 4 xuống thứ 5 trong danh sách các hãng sản xuất PC lớn nhất thế giới. Lượng máy Mac xuất xưởng của Apple trong quý này giảm 22,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Toàn bộ thị trường PC trong quý 2/2022 giảm 15,3%, nhưng hãng có sự sụt giảm nhiều nhất không phải là Apple mà HP với mức giảm 27,6% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 13,5 triệu đơn vị máy xuất xưởng.

Thị trường PC đi xuống sau hai năm tăng trưởng

Thị trường PC đi xuống sau hai năm tăng trưởng

Thị trường PC đạt 71,3 triệu đơn vị máy, so với cùng kỳ năm ngoái là 84,2 triệu đơn vị. Đây là quý thứ hai liên tiếp thị trường PC có lượng xuất xưởng thấp sau hai năm tăng trưởng. Sự sụt giảm còn tồi tệ hơn dự kiến do nguồn cung và hậu cần tiếp tục giảm do các đợt đóng cửa ở Trung Quốc và những khó khăn kinh tế vĩ mô.

Xu thế 5G không “cứu” được thị trường smartphone

Sản lượng smartphone toàn cầu cũng chịu ảnh hưởng chung, dự kiến giảm 7,1% trong năm 2022, trong đó, thị trường Trung Quốc đi xuống 18,3%.

Sự gia tăng mạnh nhu cầu smartphone 5G những năm qua không bù đắp được sự sụt giảm của thị trường. Các lô hàng điện thoại hỗ trợ công nghệ kết nối mạng tốc độ cao nhất hiện tại thậm chí giảm 2% trong năm nay, sau khi tăng trưởng 65% năm 2021.

Chuyên gia Ranjit Atwal cho biết: “Hồi đầu năm, thị trường điện thoại 5G của Trung Quốc dự kiến sẽ tăng trưởng hai con số. Nhưng tác động của chính sách chống dịch của Trung Quốc đảo ngược xu thế này. Nhiều người ngừng mua các mặt hàng không thiết yếu, bao gồm cả điện thoại thông minh 5G”.

Năm 2022, Gartner dự kiến số lượng điện thoại 5G bán ra trên toàn thế giới tăng 29% so với năm trước để đạt tổng cộng 710 triệu chiếc.

Dù vậy, nhu cầu về smartphone 5G dự kiến tăng trở lại với tốc độ nhanh vào năm 2023. “Việc chuyển đổi sang 5G là xu hướng tất yếu bởi người dùng sẽ thay thế điện thoại thông minh 4G khi thiết bị hết vòng đời”, chuyên gia Ranjit Atwal nhận định.

Đọc tiếp

Nhịp cầu doanh nghiệp

Chat với BizLIVE