Hậu "nội chiến", Xây dựng Hòa Bình (HBC) đặt mục tiêu lãi 125 tỷ đồng trong năm 2023

Sau khi lỗ kỷ lục hơn 1.140 tỷ đồng vào năm 2022, Xây dựng Hòa Bình đặt mục tiêu có lãi trở lại trong năm 2023 với mức lợi nhuận sau thuế là 125 tỷ đồng.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (mã HBC) vừa công bố nghị quyết của Hội đồng quản trị (HĐQT) thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2023 dự kiến trình tại đại hội đồng cổ đông thường niên diễn ra ngày 26/4 tới.

Theo kế hoạch, năm 2023, Xây dựng Hòa Bình đặt mục tiêu doanh thu đi lùi, đạt 12.500 tỷ đồng, giảm 11,5% so với mức 14.123 tỷ đồng đạt được năm 2022. Tuy nhiên, công ty kỳ vọng sẽ có lãi trở lại trong năm 2023 với mục tiêu đạt lợi nhuận sau thuế 125 tỷ đồng, cải thiện đáng kể so với khoản lỗ sau thuế 1.141 tỷ đồng vào năm ngoái.

Khoản lỗ kỷ lục của Hòa Bình trong năm 2022 chủ yếu phát sinh trong quý 4. Cụ thể, quý cuối năm, doanh thu thuần của Hòa Bình đạt 3.218 tỷ đồng, giảm 16% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, giá vốn hàng bán lại tăng 2,5%, lên 3.644 tỷ đồng dẫn đến công ty lỗ gộp 426 tỷ đồng.

Trong kỳ, doanh thu tài chính của công ty âm 112,7 tỷ đồng, trong khi các loại chi phí tăng mạnh, đặc biệt, chi phí quản lý doanh nghiệp lên tới gần 500 tỷ đồng, gấp hơn 3 lần cùng kỳ; chi phí tài chính trong đó chủ yếu là chi phí lãi vay cũng tăng gấp hơn 2 lần cùng kỳ. Kết quả, Hòa Bình lần đầu báo lỗ lịch sử hơn 1.200 tỷ đồng.

Tại thời điểm 31/12/2022, nợ vay của HBC ở mức gần 14.283 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là nợ ngắn hạn với 12.735 tỷ đồng. Phần lớn các khoản vay của HBC được thế chấp bằng các khoản phải thu của khách hàng, với lãi suất áp dụng theo từng lần giải ngân.

Tính tới cuối năm 2022, tổng phải thu của doanh nghiệp chiếm tới 72% tổng tài sản. Điều này khiến dòng tiền của bị thu hẹp, làm hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp ngày càng gặp khó khăn.

Kết quả kinh doanh của Hòa Bình trong năm 2022 một phần là do khó khăn chung của ngành xây dựng trong bối cảnh thị trường bất động sản trầm lắng. Hàng loạt "ông lớn" xây dựng khác dù không đến mức thua lỗ như Hòa Bình nhưng cũng chỉ lãi sau thuế vỏn vẹn vài chục tỷ đồng như Coteccons (21 tỷ đồng), Ricons (91 tỷ đồng), Fecon (51 tỷ đồng) hay Hưng Thịnh (88 tỷ đồng).

Ngoài ra, những tranh chấp thượng tầng quanh chiếc ghế chủ tịch tại Xây dựng Hòa Bình giữa nhóm ông Lê Viết Hải và ông Nguyễn Công Phú thời gian qua cũng góp thêm một phần khó khăn cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

"Cuộc chiến vương quyền" này mới chính thức đi đến hồi kết vào ngày 27/2 vừa rồi khi HĐQT Hòa Bình thông qua việc rút đơn từ nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT và tư cách thành viên HĐQT của ông Lê Viết Hải. Đồng thời, thông qua việc hủy nghị quyết số 50 và 51/2022 ngày 14/12/2022 và nghị quyết số 52/2022 ngày 31/12/2022.

Theo đó, ông Lê Viết Hải, người sáng lập Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình tiếp tục giữ chức Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện pháp luật của tập đoàn xây dựng này.

Trước đó, HĐQT Xây Dựng Hòa Bình đã thông qua việc chấp thuận đơn từ nhiệm chức vụ thành viên độc lập HĐQT của ông Nguyễn Công Phú kể từ ngày 13/2/2023.

HĐQT Xây dựng Hòa Bình cũng chấp thuận việc ông Nguyễn Công Phú ủy quyền cho ông Lê Viết Hải - Chủ tịch HĐQT tham dự, thảo luận, biểu quyết tại tất cả các cuộc họp, lấy ý kiến biểu quyết bằng văn bản hoặc hình thức khác của HBC.

Đơn xin từ nhiệm chức vụ Thành viên HĐQT độc lập của ông Nguyễn Công Phú sẽ được xem xét thông qua tại đại hội đồng cổ đông năm 2023 của HBC vào ngày 26/4 tới đây.

Năm 2023, doanh nghiệp xây dựng vẫn gặp khó

Trong báo cáo triển vọng ngành xây dựng năm 2023, Công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS) nhận định năm 2023 điều kiện cho hoạt động thi công các công trình sẽ được cải thiện đáng kể khi lực lượng lao động phổ thông trong ngành trở về mức ổn định và thời tiết dự báo ít mưa hơn.

Bên cạnh đó, từ quý 3/2022, giá một số loại vật liệu xây dựng (đặc biệt thép) đã có sụt giảm. VCBS kỳ vọng điều này sẽ tác động tích cực đến biên lợi nhuận các doanh nghiệp xây lắp.

Tuy nhiên, theo VCBS trong năm 2023, hoạt động triển khai các dự án nhà ở và khối lượng thi công của các doanh nghiệp xây dựng dân dụng dự báo vẫn ở mức thấp bởi số dự án được cấp phép trong năm 2022 ghi nhận mức thấp nhất trong 4 năm do lo ngại về trách nhiệm sau khi nhiều sai phạm về đất đai bị xử lý mạnh tay trong thời gian qua; các cơ quan có xu hướng chờ hệ thống văn bản luật mới (Luật Đất đai, Luật Nhà ở và các nghị định liên quan) được ban hành.

Bên cạnh đó, thị trường bất động sản đi vào giai đoạn trầm lắng khi xu hướng thắt tín dụng và lãi suất tăng cao gây khó khăn cho người mua nhà; giá nhà đã khá cao so với nhu cầu và khả năng chi trả của đa số người dân. Đồng thời, nguồn vốn phát triển dự án của các chủ đầu tư bị thu hẹp do môi trường tín dụng thắt chặt và việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) khó khăn hơn từ các quy định mới.

VCBS cho rằng tình hình cạnh tranh giữa các nhà thầu xây dựng dự báo vẫn gay gắt và nhiều khả năng sẽ trở thành mức bình thường mới trong 1-2 năm tới xét đến nguồn cung dự án và nhu cầu xây dựng thấp; các nhà thầu có áp lực nhận thầu bằng mọi giá để duy trì bộ máy.

Đặc biệt, sau khi nội bộ Coteccons (từng đứng vị trí lớn nhất trong các doanh nghiệp xây dựng dân dụng) chính thức chia tách, lĩnh vực xây dựng dân dụng ghi nhận cuộc đua thị phần mới khi thị trường phân mảnh hơn.

Ngoài ra, chủ đầu tư các dự án quy mô lớn (đại đô thị, khu phức hợp),… có xu hướng sử dụng dịch vụ của nhiều nhà thầu tại các phân khu/ gói thầu khác nhau nhằm tận dụng các ưu thế đa dạng của các nhà thầu khác nhau; tạo ra môi trường thúc ép lẫn nhau giữa các nhà thầu khi nhà thầu đi sau về tiến độ và hiệu quả thi công có thể bị loại khỏi dự án và gặp khó khăn trong đấu thầu các dự án tương lai.

VCBS đánh giá một mặt điều này giúp gia tăng cơ hội cho các nhà thầu tham gia vào các dự án quy mô lớn, nhưng vị thế đàm phán và biên lợi nhuận của các doanh nghiệp dự kiến sẽ bị ảnh hưởng đáng kể.

Theo đó, các doanh nghiệp có mối quan hệ lâu năm và chặt chẽ với các chủ đầu tư bất động sản lớn hoặc các doanh nghiệp nằm trong hệ sinh thái của chủ đầu tư có khả năng sẽ giữ được sự ổn định nhất định trong bối cảnh cạnh tranh mới.

Tuy nhiên, chuyên gia của VCBS lưu ý, trong năm 2023, các doanh nghiệp bất động sản gặp áp lực lớn từ đáo hạn TPDN và việc bán hàng, chuyển nhượng dự án cũng gặp bất lợi khi thị trường bất động sản trầm lắng và thanh khoản sụt giảm.

Điều này sẽ khiến nhiều chủ đầu tư có thể thiếu hụt nghiêm trọng về dòng tiền, ảnh hưởng đến khả năng và tiến độ thanh toán cho các nhà thầu. Áp lực trích dự phòng phải thu tại các doanh nghiệp xây dựng nhiều khả năng sẽ thể hiện mạnh mẽ từ giữa năm 2023, khi các khoản phải thu xây dựng quá hạn thanh toán trên 6 tháng.

Cùng với đó, khó khăn trong thu hồi công nợ sẽ ảnh hưởng lớn đến vị thế tài chính và thanh khoản của các doanh nghiệp xây dựng khi phần lớn các nhà thầu phải sử dụng nợ vay để tài trợ cho hoạt động thi công.

Áp lực sẽ đặc biệt nghiêm trọng đối với các nhà thầu có tỷ trọng phải thu trong cơ cấu tài sản lớn, đặc biệt khi các khoản phải thu nằm nhiều tại các chủ đầu tư bé hoặc đang gặp rủi ro về sai phạm liên quan đến phát hành trái phiếu sai quy định; sử dụng đòn bẩy tài chính cao.

Đọc tiếp

Nhịp cầu doanh nghiệp

Ngày hội chăm sóc xe Hyundai Care Day 2024

Ngày hội chăm sóc xe Hyundai Care Day 2024

Hyundai Care Day 2024 sẽ được Hyundai Thành Công (HTV) tổ chức tại 6 tỉnh, thành phố trên cả nước. Đây là chuỗi sự kiện chăm sóc và trải nghiệm đặc biệt, tập trung tới những khách hàng đang sử dụng xe Hyundai.

Chat với BizLIVE