Hàn Quốc tăng cường chiến lược hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ xuất khẩu

Theo đó, các quỹ chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ xuất khẩu sẽ được hỗ trợ không giới hạn cho đến năm sau cùng hàng loạt các hỗ trợ để "nuôi dưỡng" doanh nghiệp có thế mạnh.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Nội dung trên được Bộ Doanh nghiệp vừa và nhỏ và Khởi nghiệp công bố ngày 17/5 tại Cuộc họp Bộ trưởng Kinh tế khẩn cấp do Phó Thủ tướng phụ trách Kinh tế chủ trì với nội dung “Kiểm tra tình trạng xuất khẩu và hướng ứng phó của các doanh nghiệp vừa và nhỏ”.

Theo Bộ Doanh nghiệp vừa và nhỏ và Khởi nghiệp, tổng kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong quý I/2023 đạt 27,3 tỷ USD, giảm 7,9% so với cùng kỳ năm 2022. Mức giảm này nhỏ hơn mức giảm 12,6% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc trong quý đầu tiên và cũng nhỏ so với mức sụt giảm của các công ty lớn là 15,1% và của các công ty cỡ trung bình là 8%.

Thống kê cho biết số lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia xuất khẩu trong quý đầu tiên tăng 1,7% lên 61.379 doanh nghiệp.

Mặt hàng xuất khẩu hàng đầu của các doanh nghiệp vừa và nhỏ là mỹ phẩm, tăng 9,8% so với cùng kỳ năm ngoái lên 1,2 tỷ USD. Ô tô đứng thứ hai với 1,16 tỷ USD, tăng 99,0%, tiếp theo là các sản phẩm nhựa với kim ngạch 1,11 tỷ USD. Phụ tùng ô tô đạt 1,09 tỷ USD và nhựa tổng hợp đạt 900 triệu USD.

Tính theo quốc gia xuất khẩu, xuất khẩu sang Trung Quốc đứng đầu với 4,54 tỷ USD, giảm 18,9% so với cùng kỳ năm 2022. Xuất khẩu sang Mỹ đạt 3,85 tỷ USD, Nhật Bản đạt 2,64 tỷ USD, lần lượt giảm 9,2% và 8,0%. Xuất khẩu sang thị trường Việt Nam đạt 2,49 tỷ USD giảm 14,0%.

Trong trường hợp của Trung Quốc và Việt Nam, xuất khẩu hàng hóa trung gian giảm do tình hình của ngành sản xuất trong nội địa đang xấu đi. Đối với thị trường Mỹ và Nhật Bản tổng kim ngạch xuất khẩu giảm do nhu cầu bộ dụng cụ chẩn đoán và các sản phẩm dầu mỏ, vốn là những mặt hàng xuất khẩu lớn nhất bị giảm sút.

Trong quý I/2023, xuất khẩu trực tuyến của các doanh nghiệp vừa và nhỏ lên tới 160 triệu USD, tăng 0,3% so với cùng kỳ năm 2022 và số lượng công ty tăng 33,5% lên 2.381.

Để hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ đẩy mạnh xuất khẩu, Bộ chủ quản đã đệ trình tăng cường các biện pháp ưu đãi chiến lược đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ để kích thích xuất khẩu. Theo đó, Chính phủ Hàn Quốc đã quyết định tạm dừng giới hạn số lần hỗ trợ quỹ chính sách đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thành tích xuất khẩu hàng năm trên 300.000 USD cho đến năm sau.

Các doanh nghiệp được ưu đãi bằng cách hạ lãi suất xuống 3% đối với các khoản vay bổ sung thứ cấp dành cho các công ty có kim ngạch xuất khẩu từ 100.000 USD trở lên. Chính phủ cũng quyết định tăng hạn mức tính vốn lưu động cần thiết để hỗ trợ bảo lãnh xuất khẩu từ 100% lên 110%.

Các công ty xuất khẩu đã nhận được chứng nhận doanh nghiệp xuất khẩu mạnh của Bộ Doanh nghiệp vừa và nhỏ và Khởi nghiệp sẽ được ưu đãi hỗ trợ tiếp thị xuất khẩu, tiếp cận vốn từ quỹ chính sách, nghiên cứu phát triển (R&D) và tư vấn về nhà máy thông minh.

Để phát triển thị trường nước ngoài như Trung Đông, Chính phủ Hàn Quốc cũng có kế hoạch mở thêm một Trung tâm Kinh doanh Toàn cầu (GBC) tại Riyadh, Saudi Arabia (A-rập Xê-út) vào tháng 9/2023.

Chính phủ Hàn Quốc cũng có kế hoạch hỗ trợ cho việc mở rộng khu vực xuất khẩu thông qua các hội nghị xuất khẩu và đầu tư sẽ được tổ chức tại Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE) vào tháng Sáu tới và Hội nghị Doanh nghiệp Hàn Quốc Thế giới sẽ được tổ chức tại Mỹ vào tháng 10/2023.

Chính phủ cũng yêu cầu phối hợp với Cơ quan Quản lý Chương trình mua sắm quốc phòng quốc gia để tiến hành tham vấn xuất khẩu quốc phòng vào tháng 6/2023 và tháng 11/2023 để hỗ trợ các doanh nghiệp công nghiệp quốc phòng.

Để thúc đẩy xuất khẩu các doanh nghiệp vừa và nhỏ dựa trên nền tảng trực tuyến và kỹ thuật số, chính phủ Hàn Quốc sẽ hỗ trợ các chương trình khuyến mãi mạnh mẽ như sự kiện giảm giá được tổ chức trong mùa mua sắm ở các quốc gia lớn trên các mạng mua sắm toàn cầu như Amazon.

Trong nửa cuối năm, Bộ chủ quản đã quyết định cung cấp thêm quỹ chính sách cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ xuất khẩu và cung cấp bảo lãnh đặc biệt trị giá 550 tỷ won cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ xuất khẩu.

Bộ trưởng Bộ Doanh nghiệp vừa và nhỏ và Khởi nghiệp Lee Young cho biết Bộ chủ quản đặt kế hoạch đầy tham vọng là sẽ tăng đóng góp xuất khẩu của các doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện chiếm trực tiếp và gián tiếp 40% tổng kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc lên mức 50% vào năm 2027.

Để thực hiện mục tiêu này, Hàn Quốc sẽ có các chính sách ưu đãi mạnh để hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp xuất khẩu vừa và nhỏ chiếm ưu thế trong ngành.

Theo Vnanet

Đọc tiếp

Nhịp cầu doanh nghiệp

Chat với BizLIVE