Hàn Quốc khôi phục động lực tăng trưởng cho nền kinh tế

OECD đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc xuống 2,2%, thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng dự kiến của năm nay là 2,7%.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Triển vọng của nền kinh tế Hàn Quốc trong năm 2023 là khá mờ mịt. Tuần trước, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc xuống 2,2%, thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng dự kiến của năm nay là 2,7%.

Việc OECD hạ thấp triển vọng tăng trưởng của Hàn Quốc là dấu hiệu không khả quan do tổ chức này vẫn giữ nguyên dự báo tăng trưởng toàn cầu trong năm tới ở mức 2,2%. Điều này cho thấy nền kinh tế lệ thuộc xuất khẩu của Hàn Quốc dễ bị tổn thương hơn trước các yếu tố tiêu cực như thắt chặt tiền tệ toàn cầu và giá dầu cùng các tài nguyên nguyên liệu khác tăng cao.

Hàn Quốc, nền kinh tế lớn thứ tư châu Á, đang mất đà tăng trưởng ở mức báo động. Nỗi sợ hãi về lạm phát đình trệ, một hiện tượng đồng thời giữa đình trệ và lạm phát, có khả năng trở thành hiện thực trong bối cảnh nước này đang phải đối mặt với giá cả tăng vọt, lãi suất tăng cao và sự suy thoái kinh tế toàn cầu.

Nền kinh tế Hàn Quốc cũng đang gánh chịu gánh nặng của cuộc chiến kéo dài giữa Nga với Ukraine, cuộc cạnh tranh quyền lực nước lớn giữa Mỹ - Trung và chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch đang gia tăng của cả hai cường quốc. Tốc độ tăng trưởng chậm hơn của Trung Quốc cũng là một trong những thách thức lớn nhất mà Hàn Quốc phải đối mặt do Trung Quốc là thị trường xuất khẩu số 1 của Hàn Quốc. Trong nước, xung đột chính trị giữa đảng cầm quyền và phe đối lập đang đè nặng nền kinh tế.

Trên hết, xuất khẩu giảm đang giáng một đòn mạnh vào nền kinh tế. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Hàn Quốc đã giảm 16,7% so với cùng kỳ năm ngoái trong 20 ngày đầu tháng 11/2022. Sụt giảm xuất khẩu được đánh dấu dẫn đầu trong lĩnh vực chip giảm gần 30%.

Đây là một nguyên nhân đáng lo ngại vì ngành công nghiệp bán dẫn chiếm 20% tổng xuất khẩu của cả nước. Các mặt hàng xuất khẩu khác như thép, tàu thủy và thiết bị di động cũng ghi nhận sụt giảm. Xuất khẩu sang Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của Hàn Quốc đã giảm 28%.

Trong khi đó thâm hụt thương mại của Hàn Quốc dự đoán sẽ tăng vọt lên 40 tỷ USD trong năm nay, mức thâm hụt lớn nhất kể từ khi nước này bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Xuất khẩu năm 2023 được dự báo sẽ giảm 3,1% do xu hướng suy giảm thương mại.

Hàn Quốc không thể vực dậy nền kinh tế nếu không tăng cường xuất khẩu. Đó là lý do khiến Tổng thống nước này ông Yoon Suk-yeol đã chủ trì một hội nghị quốc gia để đề ra chiến lược xuất khẩu mới vào tuần trước.

Giới chuyên gia chỉ ra rằng trước mắt, Chính phủ và các doanh nghiệp cần thúc đẩy các ngành công nghiệp xuất khẩu bằng cách nâng cao năng suất và khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Các công ty Hàn Quốc cần đi đầu về năng lực công nghệ và chất lượng sản phẩm để chiếm lĩnh thị trường toàn cầu. Nước này cũng cấp bách phải đa dạng hóa thị trường xuất khẩu để giảm bớt sự phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc.

Trong khi đó, Quốc hội cần nhanh chóng ban hành các luật như dự luật phát triển ngành công nghiệp bán dẫn đặc biệt để hỗ trợ nhiều hơn cho các nhà xuất khẩu, cải cách các cơ cấu đang kiềm chế kinh tế song song với đó là khuyến khích đổi mới và thúc đẩy tinh thần kinh doanh để vực dậy đà tăng trưởng.

Theo Bnews

Đọc tiếp

Nhịp cầu doanh nghiệp

Chat với BizLIVE