Hạn hán chưa từng có kìm hãm kinh tế Trung Quốc

Nắng nóng khiến nhiều ngành công nghiệp ở Trung Quốc rơi vào tình trạng đình trệ. Đây có thể là minh chứng mới nhất cho tác động của biến đổi khí hậu lên kinh tế toàn cầu.
Hạn hán chưa từng có kìm hãm kinh tế Trung Quốc

Anh Er Hu (31 tuổi), người chuyên tư vấn thị thực, làm việc trong một tòa nhà văn phòng ở Trùng Khánh gần hết các ngày trong tuần.

Khi cháy rừng bùng phát ở thành phố hôm 24/8 trong bối cảnh nơi đây phải đối mặt với đợt hạn hán tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ qua, anh Hu lên xe máy chạy ra vùng ngoại ô để giúp vận chuyển vật tư dập lửa.

“Có khoảng từ 1.000 đến 2.000 lính cứu hỏa trên núi và rất nhiều tình nguyện viên đi xe máy”, anh nói. Anh cho biết thêm rằng ôtô gặp nhiều khó khăn vì phải di chuyển trên những con đường lầy lội.

Nhiệt độ ở Trùng Khánh đã tăng cao hơn 7 độ C so với mức trung bình trong thập kỷ qua, theo Financial Times.

Nhiều người dân ở thành phố này và các địa phương lân cận đang phải chịu đựng tác động kép của nhiệt độ tăng và thiếu điện. Tương tự, các doanh nghiệp sản xuất cũng đứng ngồi không yên khi lượng điện bị đột ngột cắt giảm.

Một người phụ nữ sử dụng điện thoại khi đứng trên mỏm đá trên sông Dương Tử đang khô hạn, đoạn chảy qua thành phố Trùng Khánh. Ảnh: AP.

Một người phụ nữ sử dụng điện thoại khi đứng trên mỏm đá trên sông Dương Tử đang khô hạn, đoạn chảy qua thành phố Trùng Khánh. Ảnh: AP.

Đợt nóng chưa từng có tiền lệ

Tỉnh Tứ Xuyên bắt đầu khôi phục điện cho các cơ sở sản xuất công nghiệp từ hôm 28/8, nhưng tác động của đợt nắng nóng lên nền kinh tế vẫn rất nghiêm trọng.

Các nhà khoa học cho rằng tình trạng thiếu điện trên diện rộng ở khu vực Tây Nam, vốn đã làm tê liệt nhiều ngành công nghiệp, là do biến đổi khí hậu gây ra.

Hạn hán khiến các con sông cung cấp nước cho các nhà máy thủy điện bị khô cạn. Trong đó, lượng nước sông Trường Giang - tuyến đường thủy lớn nhất và quan trọng nhất với thương mại Trung Quốc - đã xuống mức thấp kỷ lục.

Đoạn sông chảy qua thành phố Trùng Khánh cạn nước đến nỗi bức tượng Phật 600 năm tuổi nằm dưới nước hàng thế kỷ cũng được phát hiện.

“Sự kết hợp giữa thời gian, khu vực chịu ảnh hưởng và cường độ của đợt nắng nóng ở miền Đông Trung Quốc lần này là chưa có tiền lệ trong lịch sử khí hậu thế giới”, nhà khí hậu học và sử học thời tiết Maximiliano Herrera cho biết.

“Đợt nắng nóng năm 2013 được coi là là đợt nóng dữ dội nhất tính đến trước năm 2022. Nhưng đợt nắng nóng đang diễn ra có thời gian kéo dài gấp đôi, dữ dội hơn nhiều và bao trùm một khu vực rộng lớn hơn”, ông nói.

Johnny Chan, giáo sư về khoa học khí quyển tại Đại học Thành phố Hong Kong, cho rằng một lý do cho tình hình thời tiết khắc nghiệt hiện nay có thể là biến đổi khí hậu đã làm cho dòng tia - một luồng không khí chuyển động nhanh, chi phối thời tiết ở các vĩ độ trung bình - "chao đảo".

Với một “dòng tia kém ổn định hơn, có thể sẽ xảy ra tình huống tắc nghẽn nơi có không khí ấm chạy liên tục từ phía nam đến phía bắc”, ông nói.

Nhà máy thủy điện Baihetan tại khu vực Tây Nam Trung Quốc hồi tháng 6/2021. Ảnh: Reuters.

Nhà máy thủy điện Baihetan tại khu vực Tây Nam Trung Quốc hồi tháng 6/2021. Ảnh: Reuters.

Giáo sư Chan cũng cho biết hệ thống áp cao nhiệt đới cũng đã mở rộng ra miền Trung Trung Quốc nhiều hơn so với trong quá khứ. “Nó thường ở trên bờ biển, nhưng bây giờ nó mở rộng rất xa trong đất liền. Các hồ đang khô cạn ở miền Trung Trung Quốc”.

Tác động kinh tế

Khu vực tỉnh Tứ Xuyên, thành phố Trùng Khánh và tỉnh Hà Bắc có tổng dân số hơn 174 triệu người. Đây cũng là khu vực xuất khẩu năng lượng cho các trung tâm công nghiệp trên bờ biển phía Đông của Trung Quốc, theo Financial Times.

Tuy nhiên, năm nay, hệ thống thủy điện của Tứ Xuyên chỉ hoạt động ở mức khoảng 20% ​​công suất trung bình, theo David Fishman, một nhà phân tích thị trường năng lượng tại Lantau Group.

Ông Fishman cho biết: “Chừng nào dòng chảy của sông vẫn giảm, hệ thống thủy điện ở Tứ Xuyên vẫn sẽ không đạt được khả năng phát điện cơ bản”.

Nắng nóng đã khiến nhu cầu sử dụng điện và điều hòa không khí tăng cao. Do đó, tỉnh Tứ Xuyên đạt mức sử dụng điện kỷ lục. Nhà chức trách buộc phải ra lệnh cho các nhà máy tạm dừng sản xuất trong hơn hai tuần.

Các nhà máy của Toyota và Foxconn đã ngừng sản xuất. Trong khi đó, tình trạng thiếu điện gây gián đoạn chuỗi cung ứng trong các hoạt động của Tesla và công ty ôtô SAIC Motor có trụ sở tại Thượng Hải.

Changan Automobile, một công ty sản xuất ôtô thuộc sở hữu nhà nước, cho biết họ dự kiến sản xuất ít hơn 100.000 xe trong tháng 8 sau khi tình trạng thiếu điện buộc nhà máy ở Tứ Xuyên phải đóng cửa.

Tứ Xuyên cũng là nguồn cung cấp đáng kể lithium và polysilicon, những vật liệu quan trọng để sản xuất xe điện và tấm pin năng lượng mặt trời. Đây cũng là những lĩnh vực mà Bắc Kinh hy vọng sẽ giúp vực dậy nền kinh tế vốn đang có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại.

Theo tờ Shanghai Metals Market, việc cắt giảm điện năng dẫn đến sản lượng lithium cacbonat ước tính giảm 1.250 tấn và lithium hydroxide giảm 3.050 tấn trong tháng 8.

Không chỉ tác động đến tăng trưởng kinh tế, tình trạng thiếu điện còn khiến cuộc sống nhiều người dân chao đảo.

Màn hình công cộng ở Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên được tắt để tiết kiệm năng lượng. Ảnh: AFP.

Màn hình công cộng ở Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên được tắt để tiết kiệm năng lượng. Ảnh: AFP.

Nhà chức trách yêu cầu quản lý các văn phòng tăng nhiệt độ điều hòa để tiết kiệm điện, do vậy nhiều nhân viên phải đặt các tảng băng đá trước quạt để làm mát không khí. Để tiết kiệm điện, nhiều tàu hỏa cũng hạn chế mở đèn trong các toa tàu.

Và trong khi đám cháy ngùn ngụt bốc lên phía sau lưng hôm 24/8, người dân Trùng Khánh vẫn phải xếp hàng để chờ đến lượt mình lấy mẫu xét nghiệm COVID-19.

“Đối mặt với thiên tai, chúng tôi bất lực quá”, anh Hu nói.

Theo Zing News

Đọc tiếp

Vàng và bitcoin phập phồng theo nợ công của Mỹ

Vàng và bitcoin phập phồng theo nợ công của Mỹ

Giá bitcon năm nay tăng gần 60%, lý do được cho là bởi mua mạnh từ các quỹ ETF, trong khi vàng tăng hơn 20% do Mỹ sắp giảm lãi suất. Nhưng tại sao các nhà đầu tư vàng và bitcoin đang rất quan tâm đến nợ chính phủ của Mỹ đang tăng mạnh?

Nhịp cầu doanh nghiệp

OPEC+ đã "đặt cược" đúng

OPEC+ đã "đặt cược" đúng

Khi OPEC công bố duy trì cắt giảm sản lượng nhưng giá dầu vẫn giảm, các nhà phân tích cho rằng động thái của họ không có hiệu quả. Tuy nhiên, thị trường đang xoay chiều.

Chat với BizLIVE