Hai tháng biến động của Twitter dưới thời Elon Musk

Elon Musk mua Twitter: “Musk khiến chúng tôi có cảm giác rằng ông ấy không hề nghiêm túc mà chỉ biết nói suông”, một nhân viên nói.
Hai tháng biến động của Twitter dưới thời Elon Musk

Đã hai tháng trôi qua kể từ khi Twitter về tay Elon Musk. Vị tỷ phú vẫn điều hành công ty mạng xã hội theo phong cách của mình: bốc đồng, thất thường, gây thù chuốc oán và gây náo loạn khắp nơi. Chỉ trong ngày đầu điều hành Twitter, ông đã sa thải toàn bộ lãnh đạo cấp cao và thay đổi quy định kiểm duyệt nội dung của mạng xã hội. Nhưng tất cả chỉ mới là khởi đầu.

Elon Musk đùa giỡn với Twitter

Trong lần đầu ghé thăm trụ sở Twitter, ông đã biến tất cả thành trò đùa cợt nhả khi mang theo chiếc bồn rửa bằng sứ trên tay. Nhưng với nhân viên Twitter, điều này chẳng vui chút nào. Họ đã chứng kiến sếp mới của mình hạ bệ và miệt thị Twitter, hoãn tuyển dụng, cắt giảm chi phí vận hành, phúc lợi lao động và đóng cửa trụ sở chỉ trong vài ngày ngắn ngủi.

Ngay sau khi nắm quyền Twitter, Elon Musk đã sa thải hàng loạt giám đốc. Vị tỷ phú đã đề bạt những cấp dưới thân tín của mình từ các công ty khác vào Twitter, được nhân viên nội bộ gọi là “biệt đội khủng bố”. Danh sách đội ngũ của Elon Musk có những cái tên nổi bật như cựu Giám đốc PayPal David Sacks, luật sư riêng Alex Spiro, thành viên hội đồng quản trị SpaceX Antonio Gracias…

Đội ngũ “tai to mặt lớn này” không tiếp nhận bất cứ vị trí chính thức nào tại Twitter nhưng tham gia vào ban quản trị và giữ vai trò cố vấn Musk để quyết định mọi thứ từ cắt giảm nhân sự đến ra mắt sản phẩm mới. “Ông ấy đến đây để trở thành người chiến thắng. Ông ấy là vua, là kẻ thắng cuộc ở tất cả mọi nơi”, Antonio Gracias nói với nhân viên.

Elon Musk đã chiếm dụng tầng hai của trụ sở Twitter ở San Francisco để làm phòng làm việc cho đội ngũ của mình nhưng nhân viên Twitter chẳng bao giờ được gặp mặt. Không email, không họp hành, không thông báo chính thức là tình trạng của nhân viên Twitter kể từ khi dưới trướng Musk. Điều này cho thấy Musk đang tỏ rõ thái độ rằng ông đến đây không phải với thái độ hòa hảo, Bloomberg nhận định.

Elon Musk mang theo bồn rửa tay trong lần đầu ghé thăm trụ sở Twitter. Ảnh: Elon Musk.

Elon Musk mang theo bồn rửa tay trong lần đầu ghé thăm trụ sở Twitter. Ảnh: Elon Musk.

Đến ngày thứ 2 tại Twitter, Musk đã yêu cầu các kỹ sư in code để đánh giá quá trình làm việc của họ. Mệnh lệnh đột ngột này đã khiến công ty rối loạn. Hàng dài người xếp hàng trước máy in cùng với chồng giấy cao ngất. Sau đó, họ lại nhận ra việc in code ra giấy sẽ gây nguy hiểm đến bảo mật của Twitter nên lại tiêu hủy tất cả.

Cùng lúc đó, Musk đã đưa 50 nhân viên Tesla đáng tin cậy của mình sang tiếp quản công việc tại Twitter, đồng thời yêu cầu các quản lý Twitter xếp hạng cấp dưới và lập danh sách sa thải. Vào thời điểm đó, số lượng bị sa thải nằm ở 25-30% nhân viên, một mức chấp nhận được.

Vị tỷ phú còn tạo ấn tượng tốt cho cấp dưới khi hỏi han đến hoạt động công ty, hứa hẹn sẽ thành lập một hội đồng kiểm duyệt nội dung trước khi quyết định khôi phục những tài khoản đã khóa như cựu Tổng thống Donald Trump. Trong những ngày đầu tại đây, ông đã làm dấy lên chút hy vọng từ nhân viên Twitter.

Gây khó vì thái độ bất cần

Nhưng đến ngày thứ 6, cuộc sa thải tại Twitter đã phá vỡ toàn bộ hy vọng này. Giám đốc Marketing Leslie Berland là thành viên duy nhất của ban giám đốc cũ còn ở lại cũng bị đuổi việc. Ba ngày liên tiếp sau đó, Elon Musk đã mạnh tay cắt giảm 50% nhân viên ở Twitter. Hàng trăm người trong số đó đã livestream trên Twitter Space để chia sẻ về câu chuyện của họ khi còn ở công ty và buồn bã về tương lai mạng xã hội dưới thời Musk.

Với Musk, cắt giảm nhân sự là điều bắt buộc để Twitter tiếp tục hoạt động. “Tôi không còn lựa chọn nào khác ngoài cắt giảm lượng lớn nhân sự vì công ty đã lỗ hơn 4 triệu USD/ngày”, ông viết trên trang cá nhân. Nhưng với nhiều nhân viên, đợt sa thải này chính là dấu hiệu cho ngày tàn của Twitter. Công ty mạng xã hội đã không còn văn hóa làm việc và tinh thần phát triển sản phẩm như trước đây. Thậm chí, nhiều người ở lại còn mong rằng mình sẽ là người tiếp theo bị đuổi việc.

Twitter rơi vào tình trạng hỗn loạn kể từ khi Elon Musk thâu tóm. Ảnh: Bloomberg.

Twitter rơi vào tình trạng hỗn loạn kể từ khi Elon Musk thâu tóm. Ảnh: Bloomberg.

Hỗn loạn cũng bắt đầu từ đây. Elon Musk nhận ra mình đã sa thải nhầm quá nhiều người và đành phải xuống nước, mời một số nhân viên quay lại. Trong một cuộc họp, Giám đốc SpaceX Antonio Gracias đã bênh vực Musk, nói rằng mọi người nên thông cảm cho ông ấy. “Ông ấy cũng rất khổ tâm”, Gracias nói.

Nhưng hàng loạt hành động sau đó của CEO Tesla lại không cho thấy điều đó. Người đàn ông giàu nhất hành tinh đã mở khóa tài khoản của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, công kích nhiều chính trị gia và gây chiến với Apple.

Musk còn tiết lộ tài liệu tuyệt mật Twitter File, chứa những thông tin nhạy cảm liên quan đến cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020. “Đây là trận chiến cho tương lai của văn minh loài người. Nếu không có tự do ngôn luận, chế độ chuyên chế sẽ lên cầm đầu”, Elon Musk chia sẻ kèm biểu tượng bắp rang bơ, thể hiện thái độ bất cần của mình.

Elon Musk không đáng tin

Tác phong làm việc này hoàn toàn không giống với một CEO công nghệ bình thường nhưng lại trở nên dễ hiểu khi đến từ Elon Musk, một vị tỷ phú vốn nổi tiếng với những phát ngôn “vạ miệng”, hành vi thất thường. Với các nhà quảng cáo, đây chính là báo động đỏ khiến họ tránh xa Twitter.

Nhiều đối tác quảng cáo đã ngừng hợp tác và đồng loạt rút khỏi nền tảng. “Giữa vòng xoáy tin tức, sẽ không ai muốn mình dính vào những tranh cãi của ông ấy”, Katie Harbath, cựu Giám đốc chính sách công của Facebook, nói. Theo bà, Elon Musk đang hành động như một chính trị gia: nói lời hay ý đẹp khi họp nhưng cuối cùng lại bốc đồng và làm loạn khắp nơi.

Đa số nhân viên bị Musk sa thải là những nhân sự cốt cán chuyên quản lý mối quan hệ với các đối tác quảng cáo, các nhà làm luật. Ông còn đuổi việc cả một đội ngũ phụ trách các sản phẩm thương mại, mang về hàng trăm triệu USD doanh thu hàng năm.

Cuộc sa thải gấp rút đến mức họ không kịp bàn giao công việc hay tài liệu quan trọng đến đồng nghiệp còn ở lại, bỏ ngỏ các mối quan hệ hợp tác với những thương hiệu lớn. Khi đó, cách giải quyết của Elon Musk là buộc nhân viên thương lượng với đối tác, ép giá xuống mức thấp nhất và thậm chí còn dùng những công ty khác của mình để gây áp lực.

Nhân viên Twitter đã mất lòng tin với Elon Musk. Ảnh: Reuters.

Nhân viên Twitter đã mất lòng tin với Elon Musk. Ảnh: Reuters.

Vị tỷ phú vẫn không dừng lại ở đó. Ông đề xuất tính năng thu phí Twitter Blue vì cho rằng đây là cách duy nhất để bù lại khoản lỗ khi doanh thu quảng cáo xuống dốc, đồng thời khôi phục tính năng video ngắn trước kia với Vine, tham vọng vượt mặt YouTube.

Nhưng những kế hoạch này rất mơ hồ, nhiều nhân viên Twitter cho biết. Họ cho rằng Musk sẽ có thể “quay xe” bất cứ lúc nào. “Musk khiến chúng tôi có cảm giác rằng ông ấy không hề nghiêm túc mà chỉ biết nói miệng”, một nhân viên nói.

Với nhân viên Twitter, tất cả điều Musk nói đều không đáng tin. Họ không thể chấp nhận một người sếp mới như ông và cũng chẳng hứng thú với tương lai của nền tảng. “Có lúc tôi nghĩ rằng có lẽ ông ấy không xấu như mình nghĩ. Nhưng ngay sau đó, ông ấy sẽ đăng tweet, gây náo loạn và khiến tôi nhận ra ông ấy không tệ như mình nghĩ, mà còn tệ hơn mình nghĩ”, nhân viên này chia sẻ.

Theo Zing News

Đọc tiếp

Nhịp cầu doanh nghiệp

Chat với BizLIVE