Hai dự án "đất vàng" kéo ông Trần Phương Bình sa lầy trong vòng xoay tiền

Việc kỳ vọng hợp tác đầu tư ở hai dự án bất động sản ở vị trí vàng trung tâm TP.HCM đã kéo ông Trần Phương Bình sa lầy trong vòng xoay tiền tại DAB.
Ông Phùng Ngọc Khánh - một trong 5 chủ nhóm khách hàng trong đại án DongABank - Ảnh: Huyền Châm
Ông Phùng Ngọc Khánh - một trong 5 chủ nhóm khách hàng trong đại án DongABank - Ảnh: Huyền Châm

Như đã đề cập, ông Trần Phương Bình, nguyên Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Đông Á (DongABank - DAB) và ông Phùng Ngọc Khánh, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc CTCP M&C vừa bị khởi tố trong vụ án sai phạm xảy ra tại DAB, CTCP M&C và các đơn vị liên quan.

Theo tài liệu điều tra, trong khoảng thời gian từ 2007 đến 2013, ông Phùng Ngọc Khánh sử dụng pháp nhân 11 công ty thuộc nhóm M&C và 10 cá nhân vay tổng cộng hơn 7.100 tỷ tại DAB. Đến cuối 2018, tổng dư nợ của nhóm khách hàng này là hơn 7.770 tỷ, gồm gốc hơn 3.500 tỷ và lãi. Trong số đó có 5 khoản vay, có chung tài sản đảm bảo là quyền khai thác tháp căn hộ 38 tầng tại Khu phức hợp Sài Gòn - Ba Son.

Nếu như giai đoạn 2007, ông Trần Phương Bình sa lầy trong mối quan hệ tài chính với ông Phùng Ngọc Khánh ở dự án Sài Gòn M&C (sau đổi thành Sài Gòn One Tower) thì 4 năm sau, ông Bình tiếp tục bị cuốn vào vòng xoay tiền ở dự án Sài Gòn - Ba Son. Cả hai dự án đều nằm trên cung đường đắc địa Tôn Đức Thắng, quận 1, TP.HCM.

Cụ thể, năm 2011, ông Phùng Ngọc Khánh trao đổi với ông Trần Phương Bình về việc CTCP M&C cần vay vốn tại DAB để hợp tác đầu tư vào dự án Sài Gòn - Ba Son, quận 1, TP.HCM. Thời điểm này dự án đã được Bộ Quốc phòng chấp thuận chủ trương giao cho Công ty Ba Son đầu tư, xây dựng. Ông Phùng Ngọc Khánh đề nghị vay 500 tỷ đồng để đặt cọc cho Công ty Ba Son nhằm hợp tác đầu tư.

Do thời điểm đó CTCP M&C có dư nợ lớn ở DAB nên ông Trần Phương Bình không đồng ý cho vay. Sau đó, ông Bình nhận thấy đây là dự án có khả năng đem lại nguồn lợi về kinh tế có thể giúp công ty M&C trả được nợ cho DAB nếu được hợp tác với Ba Son. Đồng thời, ông Bình cũng muốn đầu tư vào dự án để có nguồn tiền bù cho việc âm quỹ tại DAB, nên ông Bình đã thông qua CTCP Vốn An Bình (công ty ông Bình lập ra và nhờ bà Cao Thị Ngọc Hồng, em vợ đứng đại diện) để hợp tác đầu tư dự án với M&C.

Do Công ty An Bình cũng đang có dư nợ tại DAB, ông Bình đã nhờ một người thân khác là Cao Ngọc Vũ lấy pháp nhân CTCP Xây dựng kỹ thuật Đông Á đứng tên vay 200 tỷ và nhờ bà Hồng đứng tên vay cá nhân 50 tỷ tại DAB.

Sau khi DAB giải ngân 250 tỷ, ông Bình chỉ đạo Vũ và Hồng lập ủy nhiệm chi chuyển tiền về Công ty An Bình, rồi tiếp tục chuyển đến Công ty M&C. Nhận được tiền, Phùng Ngọc Khánh chuyển tiền cho Công ty Ba Son theo hợp đồng hợp tác.

Đến 2012, do Phùng Ngọc Khánh không thu xếp được 250 tỷ đồng còn lại để đặc cọc cho Ba Son nên Trần Phương Bình đã bàn bạc, thống nhất để Khánh sử dụng pháp nhân công ty trong nhóm M&C đứng tên vay vốn tại DAB nhằm tất toán khoản vay của Công ty Đông Á và cá nhân bà Hồng.

Ngày 11/10/2012, Phùng Ngọc Khánh đại diện M&C ký, đề nghị vay DAB 270 tỷ, mục đích vay là hoàn lại tiền hợp tác đầu tư tháp văn phòng, căn hộ dự án sài gòn - ba son. Một ngày sau, Phùng Ngọc Khánh và Nguyễn Đức Tài, Giám đốc Sở giao dịch DAB ký hợp đồng cho vay số tiền 270 tỷ. Việc giải ngân thực hiện trong ngày.

Khi nhận tiền, Công ty M&C chuyển khoản cho Công ty Vốn An Bình. Công ty này sau đó chuyển hơn 211 tỷ cho Công ty Đông Á, chuyển gần 59 tỷ cho bà Hồng để trả gốc, lãi các hợp đồng vay nêu trên.

Như vậy, số dư nợ 270 tỷ đồng của Công ty M&C theo hợp đồng hợp tác đầu tư giữa M&C với Công ty Vốn An Bình, bản chất chỉ là hình thức, nhằm trả lại số tiền mà Trần Phương Bình đã dùng để hợp tác đầu tư với Công ty M&C thực hiện dự án Sài Gon - Ba Son. Từ việc nhận hợp tác đầu tư nói trên, DAB đã giải ngân cho Công ty M&C vay 270 tỷ và đến nay không còn khả năng thu hồi.

Làm việc với Cơ quan Điều tra, ông Trần Phương Bình thừa nhận bản chất khoản vay 270 tỷ của M&C là nhằm che giấu việc ông Bình nhờ người vay vốn của DAB để góp vốn đầu tư với Phùng Ngọc Khánh và thừa nhận các sai phạm của mình trong việc chỉ đạo các nhân viên DAB Sở giao dịch cho vay sai quy định.

Ông Phùng Ngọc Khánh thừa nhận, việc lập và ký hồ sơ vay chỉ để giải quyết tình thế tài chính của công ty M&C, Khánh là người chỉ đạo các nhân viên thực hiện lập và ký tài liệu để đưa vào hồ sơ vay vốn ủa công ty, mục đích để vay tiền trả nợ cho Công ty Vốn An Bình. Phương án vay vốn này không sinh lời, không có nguồn thu trực tiếp để trả nợ cho DAB.

Đọc tiếp

Chat với BizLIVE