Hà Nội lập tổ công tác "cởi trói vướng mắc", tìm nhà đầu tư xây lại chung cư cũ

Tổ công tác sẽ nghiên cứu, hoàn thiện các quy định về tiêu chí để lựa chọn chủ đầu tư, cơ chế chính sách cụ thể thuộc thẩm quyền của thành phố về cải tạo, xây dựng nhà chung cư theo quy định.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

UBND TP.Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 907 QĐ-UBND về thành lập Tổ công tác của thành phố để nghiên cứu, hoàn thiện các quy định về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư trên địa bàn.

Tổ công tác có 25 thành viên gồm: Chủ tịch UBND các quận, huyện và các giám đốc nhiều sở, ngành. Tổ công tác do ông Võ Nguyên Phong, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội làm tổ trưởng.

Tổ công tác sẽ nghiên cứu, hoàn thiện các quy định về tiêu chí để lựa chọn chủ đầu tư, cơ chế chính sách cụ thể thuộc thẩm quyền của thành phố về cải tạo, xây dựng nhà chung cư theo quy định của Nghị định số 69/2021/NĐ-CP và các quy định khác có liên quan.

Liên quan đến công việc này, trước đó, UBND TP.Hà Nội đã ban hành Kế hoạch 335/KH-UBND về cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn thành phố đợt 1.

Theo kế hoạch trên, trong giai đoạn 2021-2025, thành phố sẽ cải tạo, xây dựng lại 6 khu chung cư, nhà chung cư nguy hiểm cấp D, gồm: Khu tập thể Giảng Võ, khu tập thể Thành Công, khu tập thể Ngọc Khánh, khu tập thể Bộ Tư pháp (quận Ba Đình), nhà chung cư 51 Huỳnh Thúc Kháng (quận Đống Đa), nhà 148-150 Sơn Tây (quận Ba Đình).

Để triển khai kế hoạch trên, lãnh đạo UBND TP.Hà Nội giao quận Ba Đình, quận Đống Đa hoàn thành di dời các hộ dân khỏi nhà nguy hiểm cấp D trong quý 1/2022.

Theo thống kê, tại thời điểm năm 2020, trên địa bàn TP.Hà Nội có khoảng 1.579 chung cư cũ (bao gồm khoảng 1.273 nhà thuộc 76 khu chung cư và khoảng 306 chung cư cũ độc lập, đơn lẻ) chủ yếu được xây dựng từ những năm 1960 đến 1994 (một số ít nhà xây dựng trước năm 1954) tập trung chủ yếu tại các quận nội thành và nội đô lịch sử.

Hiện trạng quản lý, sử dụng phức tạp, đan xen trách nhiệm, quyền sử dụng giữa tư nhân, tổ chức, nhà nước; một số khu có xen kẽ các công trình nhà ở thấp tầng, trụ sở cơ quan, văn phòng, dịch vụ thương mại, hạ tầng xã hội (trường học, cơ sở y tế...)...; diện tích căn hộ chung cư cũ nhỏ; quá tải số người, không đảm bảo tiêu chuẩn sử dụng; nhiều hộ dân tự sửa chữa, cơi nới, lấn chiếm không gian chung, đồng thời do không được duy tu bảo trì thường xuyên, công trình và hệ thống hạ tầng hư hại, xuống cấp, nguy hiểm kỹ thuật kết cấu công trình và an toàn cho người dân.

Trong khi đó, qua rà soát, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế-xã hội Hà Nội, thành phố hiện có 200 nhà nguy hiểm cấp C, 137 nhà cấp B và 7 nhà thuộc diện nguy hiểm cấp D.

Còn theo báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội, từ năm 2007 đến nay, trên địa bàn Thành phố đã có 18 dự án hoàn thành đưa vào sử dụng (trong đó, có 2 nhà nguy hiểm cấp D), 14 dự án đang triển khai. Các dự án đã hoàn thành thực hiện theo 3 mô hình: Mô hình sử dụng nguồn vốn ngân sách; Mô hình sử dụng nguồn vốn ngoài ngân sách có sự hỗ trợ từ Thành phố và Mô hình sử dụng nguồn vốn ngoài ngân sách.

Đọc tiếp

Nhịp cầu doanh nghiệp

Chat với BizLIVE