Hà Nội: Bỏ hoang gần 5.000 hécta đất nông nghiệp

Theo ghi nhận của Báo Lao Động, trên địa bàn TP.Hà Nội hiện có gần 5.000 hécta (ha) đất nông nghiệp đang bị bỏ hoang, gây lãng phí tài nguyên và ảnh hưởng không nhỏ đến kế hoạch phát triển chung của ngành nông nghiệp.
Nhiều diện tích đất nông nghiệp tại xã Tân Lập, huyện Đan Phượng, Hà Nội, bị bỏ hoang. Ảnh: Hữu Chánh
Nhiều diện tích đất nông nghiệp tại xã Tân Lập, huyện Đan Phượng, Hà Nội, bị bỏ hoang. Ảnh: Hữu Chánh

Nông dân không còn mặn mà trồng lúa

Chỉ tay về phía khu ruộng bỏ hoang rộng cả chục ha, ông Nguyễn Thế Điệp (62 tuổi, xã Tân Lập, Đan Phượng) không khỏi xót xa, khu ruộng xôi bờ mật này xưa kia còn tranh giành nhau bốc thăm để được giao nhận trồng cấy lúa. Ấy vậy mà, vài năm trở lại đây, nó đã trở thành bãi cỏ hoang, cây cỏ um tùm - ông Điệp lắc đầu ngao ngán.

Tình trạng bỏ ruộng hoang hóa ở địa phương ngày càng trở nên phổ biến. “Có bà con bỏ một vụ cấy một vụ, hộ nhiều thì bỏ cả mẫu, hộ ít cũng một vài sào. Nhà tôi cũng chỉ làm 2 sào, mấy sào còn lại thì bỏ hoang. Cấy lúa bây giờ không hiệu quả mà vất vả lắm. Hơn nữa, khu ruộng nhà tôi cấy thuộc vùng trũng, lội ngập quá đầu gối, thuê máy người ta còn ngại làm” - ông Điệp nói.

Theo ông Điệp, nếu tính hiệu quả một sào lúa trừ chi phí, giống lúa, phân bón, thuốc trừ sâu, công cày, công cấy… nhiều cũng chỉ thu được vài trăm nghìn đồng. Trong khi đó, phải trông trời, trông đất, mấy tháng trời, nên nhiều nhà đành bỏ ruộng, để con em đi làm công ty, bởi mức lương có thể kiếm được cả tấn thóc mỗi tháng.

“Ở đây ngoài trồng lúa, người dân các nơi khác thường đến thuê đất để trồng hoa. Tuy nhiên, do lo ngại việc ô nhiễm do thuốc bảo vệ thực vật nên người dân cũng không mặn mà việc cho thuê lại đất, mà cứ bỏ không như vậy trong nhiều năm qua”, ông Điệp nói.

Chị Phạm Thị Lan là một trong những hộ có đất ruộng bỏ hoang tại khu vực xã Tân Hội, huyện Đan Phượng cho biết, gia đình chị có hơn 3 sào ruộng ở khu đồng này nhưng phải để hoang vì cấy lúa không hiệu quả.

Qua tính toán của chị Lan, tổng chi phí từ tiền thuê cày, bừa đến mua giống lúa, phân bón, thuốc trừ sâu, tiền thuê gặt cho 1 sào lúa ước 800-900 nghìn đồng, chưa kể công cấy, chăm sóc, phun trừ sâu bệnh, trong khi năng suất lúa chỉ đạt 180-200kg/sào.

Với giá bán trên thị trường hiện vào khoảng hơn 7.000 đồng/kg, chị chỉ thu được từ 1,3-1,4 triệu đồng/sào. Sau khi trừ chi phí, tính ra mỗi vụ lúa (6 tháng) nếu thuận lợi, được mùa gia đình chị chỉ thu được khoảng 400-500 nghìn đồng/sào. Thu nhập từ cây lúa quá thấp khiến chị không còn thiết tha với làm ruộng…

Theo ghi nhận của Báo Lao Động tại nhiều địa phương, đặc biệt là các khu vực ven đô, tình trạng đô thị hóa đang diễn ra với tốc độ rất nhanh. Điều này khiến nhiều diện tích đất nông nghiệp bị xé nhỏ, manh mún, khó canh tác.

Tại huyện Mê Linh, nhiều diện tích đất nông nghiệp được coi là bờ xôi ruộng mật ở các xã: Tiền Phong, Đại Thịnh, Mê Linh… cũng đang bị bỏ không, cỏ dại mọc um tùm. Những thửa đất rộng hàng trăm ha giờ là nơi chăn thả trâu bò.

Còn tại quận Hà Đông, hiện cũng có nhiều diện tích đất nông nghiệp thuộc vùng trũng thấp và giáp ranh dự án khu đô thị. Điều này khiến tình trạng chuột phá hoại cây trồng xảy ra khá phổ biến, là nguyên nhân khiến chi phí sản xuất tăng cao.

“Mỗi năm, gia đình tôi phải sử dụng bẫy bả để đánh chuột đến 4 lần, rồi bỏ tiền quây nilon quanh ruộng nhưng chuột vẫn phá hoại. Do vậy, chúng tôi không còn mặn mà với việc trồng lúa nữa” - ông Hoàng Văn Hải (ở Kiến Hưng, Hà Đông) chia sẻ.

Lãng phí tài nguyên

Theo tìm hiểu của Báo Lao Động, hiện trên địa bàn thành phố Hà Nội có gần 5.000 ha đất đang bị bỏ hoang, gây lãng phí tài nguyên và ảnh hưởng không nhỏ đến kế hoạch phát triển chung của ngành nông nghiệp.

Huyện Thanh Oai hiện có trên 8.300 ha đất nông nghiệp. Một vài năm gần đây, tình trạng người dân bỏ ruộng diễn ra tại nhiều xã, nhất là ở những khu vực nằm sát các khu đô thị, vùng trũng. Diện tích đất nông nghiệp bị bỏ hoang đã lên tới khoảng 200 ha.

Tại huyện Ứng Hòa hiện có 13.000 ha đất nông nghiệp, những vụ mùa gần đây có đến 700 ha đất ruộng bị bỏ hoang. Mặc dù hướng đi của Ứng Hòa là phát triển thủy sản đang mang lại nguồn lợi lớn, tuy nhiên, những diện tích đất lúa kém hiệu quả muốn chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản hay trồng cây ăn quả thì vẫn vướng quy định về giao đất lúa… dẫn đến tình trạng người dân bỏ ruộng hoang hóa.

Theo sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, từ năm 2013 đến nay, Hà Nội đã chủ trương lựa chọn dồn điền đổi thửa, coi đó là khâu đột phá để tập trung chỉ đạo, tổ chức triển khai.

Đến nay, toàn thành phố đã dồn ghép được hơn 79.754 ha đất nông nghiệp. Sau dồn điền đổi thửa, các địa phương đã tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi được gần 40.228 ha, chủ yếu là sang các loại cây trồng có giá trị cao và chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản xa khu dân cư.

Nhiều vùng sản xuất tập trung đã được hình thành, mang lại doanh thu lớn. Điển hình như vùng rau an toàn tại các huyện: Đông Anh, Phúc Thọ, Hoài Đức cho giá trị sản xuất từ 400 - 500 triệu đồng/ha/năm; vùng trồng cây ăn quả tại các huyện: Đan Phượng, Thanh Oai, Chương Mỹ với giá trị từ 0,5 - 1 tỷ đồng/ha/năm; vùng chăn nuôi tập trung tại các huyện: Ba Vì, Gia Lâm, Quốc Oai… cho giá trị từ 1 - 2 tỷ đồng/ha/năm… Trên bình diện toàn TP, giá trị canh tác nông nghiệp hiện nay đã đạt khoảng 280 triệu đồng/ha/năm.

Tuy nhiên, trong điều kiện sản xuất nông nghiệp ngày càng gặp nhiều khó khăn. Với sự phát triển nhanh của các ngành công nghiệp, dịch vụ hiện nay. Một lượng lớn lao động sản xuất tại các địa phương đã vào làm việc trong các nhà máy xí nghiệp. Đất nông nghiệp bị bỏ hoang trở nên lãng phí.

Theo Báo Lao động

Đọc tiếp

Đất phân lô lại "nóng"

Đất phân lô lại "nóng"

Nhiều khu đất phân lô bán nền có giao dịch đột biến trong 3 tháng đầu năm 2024, tuy vậy diễn biến giao dịch giữa các khu vực không đồng đều.

Nhịp cầu doanh nghiệp

Cần gì để tránh vết xe đổ khi đấu giá lại loạt "đất vàng" Thủ Thiêm?

Cần gì để tránh vết xe đổ khi đấu giá lại loạt "đất vàng" Thủ Thiêm?

Theo kế hoạch đấu giá năm 2024, Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) dự định đấu giá 4 lô đất trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm và 3.790 căn hộ chung cư trước đây được xây dựng tái định cư. Hiện Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM đã và đang hoàn thiện các khâu trong quy trình đấu giá như: phương án đấu giá, việc tổ chức lại việc bán đấu giá, xác định giá khởi điểm.

Những tin vui của thị trường địa ốc đầu năm

Những tin vui của thị trường địa ốc đầu năm

Năm 2024, cả nước dành 657.000 tỷ đồng cho đầu tư công, chủ yếu là đầu tư hạ tầng giao thông và phấn đấu đạt tỷ lệ giải ngân ít nhất 95%. Đầu tư công được xem là động lực thúc đẩy phục hồi nền kinh tế, trong đó có thị trường bất động sản.

Giá nhà ở riêng lẻ tại Hà Nội tăng mạnh

Giá nhà ở riêng lẻ tại Hà Nội tăng mạnh

Một đơn vị chuyên kinh doanh mảng thổ cư (Hội viên Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam) cho biết, quý I/2024 là giai đoạn ghi nhận lượng giao dịch nhà riêng lẻ trong ngõ ở Hà Nội cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây.

Nguồn cung căn hộ mới ở TP.HCM và vùng ven sụt giảm mạnh

Nguồn cung căn hộ mới ở TP.HCM và vùng ven sụt giảm mạnh

Theo báo cáo, trong quý I vừa qua, nguồn cung sơ cấp căn hộ toàn thị trường TP.HCM và vùng phụ cận giảm 9.7% so với quý trước và ở mức tương đương với cùng kỳ quý I/2023 với các dự án tập trung phân bổ tại hai thị trường là TP.HCM và Bình Dương.

Chat với BizLIVE