Hạ mục tiêu xuất khẩu, ngành điều nhận định khó khăn năm nay hơn cả năm 2021

Giá nhân điều xuất khẩu không tăng so với mức tăng của điều thô nhập vào, các nhà máy không thể cân đối giá thành chế biến và giá xuất khẩu. Số lượng xuất khẩu điều của Việt Nam dự báo sẽ giảm trong các tháng còn lại của năm.
VINACAS tổ chức hội nghị sơ kết các hoạt động về sản xuất, kinh doanh trong 6 tháng đầu năm 2022.
VINACAS tổ chức hội nghị sơ kết các hoạt động về sản xuất, kinh doanh trong 6 tháng đầu năm 2022.

Thị trường Trung Quốc giảm sâu

Tại hội nghị sơ kết 6 tháng của ngành điều, ông Trần Văn Hiệp – Phó chủ tịch, Trưởng ban Xúc tiến thương mại VINACAS cho biết, theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, 5 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu hạt điều của Việt Nam đạt 216,112 nghìn tấn điều nhân các loại, trị giá 1,19 tỷ USD, giảm 7,81% về lượng (tương đương 20.000 tấn) và giảm 6,81% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.

Giá xuất khẩu bình quân hạt điều đạt mức 5,792 USD/tấn, tăng 1,45% so với cùng kỳ năm 2021, và cùng với kim ngạch đạt được trong 5 tháng đầu năm ngành điều đã nằm trong nhóm hàng “xuất khẩu tỷ đô”.

Top 5 thị trường xuất khẩu hạt điều chủ lực trong 5 tháng đầu năm 2022, chỉ có Hoa Kỳ và Anh tăng, thị trường Đức giảm nhẹ về lượng nhưng tăng về giá trị, 2 thị trường Hà Lan và Trung Quốc đều giảm, riêng thị trường Trung Quốc giảm rất sâu.

Cụ thể, xuất khẩu điều sang thị trường Hoa Kỳ đạt 64.413 tấn, trị giá 369.252 USD, tăng 4,5% về lượng và tăng 9,2% về trị giá.

Thị trường Hà Lan đạt 21.150 tấn, trị giá 103.932 USD, so với cùng kỳ giảm 21,3% về lượng và giảm 18% về kim ngạch.

Thị trường Trung Quốc đạt 20.413 tấn, trị giá 132.941 USD, so với cùng kỳ giảm 34% về lượng và giảm 42% về kim ngạch.

Thị trường Đức đạt 7.368 tấn, trị giá 46.139 USD, so với cùng kỳ giảm 0,4% về lượng nhưng tăng 3,5% về kim ngạch.

Thị trường Anh đạt 6180 tấn, trị giá 34.639 USD, so với cùng kỳ tăng 9,2% về lượng và tăng 15,7% về kim ngạch.

Theo VINACAS, trong khi xuất khẩu nhân điều chỉ giảm 7,81% nhưng lượng điều thô nhập khẩu trong 5 tháng qua giảm đến 35,24% so với cùng kỳ 2021 và đạt 968.000 tấn. Giá nhập khẩu bình quân đạt 1.425 USD/tấn, xấp xỉ năm 2021. Tuy nhiên, nếu xem xét giá nhập khẩu từ châu Phi từ đầu vụ đến nay giá đã tăng từ 15 – 20%.

“Khối lượng nhập khẩu điều thô giảm do nhiều nguyên nhân nhưng tựu trung nhất là sự không tương quan giữa giá điều thô nhập khẩu và giá nhân điều xuất khẩu. Giá điều thô đang ở mức cao so với giá nhân điều đang bán ra, giá thành chế biến xuất khẩu cao trong khi giá bán nhân điều đang thấp nên các nhà nhập khẩu và chế biến đang có xu hướng chậm mua hàng nguyên liệu vì khó cân đối cho hoà vốn”, Trưởng ban Xúc tiến thương mại VINACAS cho biết.

Đánh giá về tình hình nhập khẩu điều thô hiện nay, ông Trương Anh Minh – Giám đốc kinh doanh ngành điều thô Tân Long group cho biết, chuỗi cung ứng điều thô cho Việt Nam vẫn thực hiện chủ yếu bằng phương thức thanh toán 98%, là thông lệ chung của người mua Việt Nam trước khi nhận hàng với các nhà cung cấp, dễ dẫn đến các rủi ro nếu giao dịch với các nhà cung cấp không uy tín vẫn đã và đang xảy ra trong 6 tháng đầu năm nay, ghi nhận ngay cả với nhà cung cấp lớn uy tín lâu năm của Ấn Độ và châu Phi.

Đó là mất cọc, không giao đủ hàng, huỷ hợp đồng, giao hàng kém chất lượng, không thanh toán công nợ hoặc dây dưa thanh toán từ hợp đồng này qua hợp đồng khác, khiến người mua Việt Nam chịu thiệt thòi về tài chính, mất cơ hội kinh doanh, bị phạt hợp đồng giao nhân điều do không chủ động được nguồn nguyên liệu đầu vào.

Ngành điều hạ mục tiêu kim ngạch xuất khẩu

Vẫn theo ông Hiệp, hiện nay tuy chưa có các số liệu thống kê cụ thể cho thấy các ảnh hưởng dây chuyền của khủng hoảng năng lượng, lương thực lên lạm phát và sức khoẻ của nền kinh tế các nước, cũng như tác động tiêu cực lên mức chi tiêu của người dân nói chung và sức mua của thị trường hạt điều nói riêng. Nhưng nhìn chung, ở thời điểm hiện tại giá cả sinh hoạt đắt đỏ hơn và mức chi tiêu cho các nhu cầu tất yếu tăng cao hơn rõ rệt. Nghĩa là hầu bao của người tiêu dùng đang bị teo tóp lại.

Tất cả những điều trên dẫn đến sự chi tiêu thực phẩm không thiết yếu như hạt điều chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng, tiêu thụ sẽ chậm và giá cả khó tăng trong thời điểm này. Do vậy, tình hình xuất khẩu điều nhân trong năm 2022 xem ra càng khó khăn hơn năm 2021 - năm Việt Nam chịu đại dịch COVID-19 nặng nề.

Trong khi đó, thị trường lớn khác của hạt điều Việt Nam là Trung Quốc vẫn duy trì chính sách “zero Covid” sẽ tiếp tục ảnh hưởng bất lợi nhất định đến ngoại thương và xuất khẩu nhân điều, cũng như các nông sản khác của Việt Nam sang thị trường này trong 6 tháng cuối năm 2022.

Không chỉ vậy, tình hình xuất khẩu năm 2022 sẽ tiếp tục khó khăn, giá cước tàu biển vẫn còn ở mức cao so với những năm trước đại dịch COVID-19, giá nhân điều xuất khẩu không tăng đồng bộ với đà tăng của điều thô, các nhà máy không thể cân đối giá thành chế biến và giá xuất khẩu, vì vậy, số lượng nhân điều xuất khẩu của Việt Nam dự báo sẽ giảm trong các tháng tiếp theo và kéo dài đến hết quý 4/2022.

“Theo kế hoạch mà Bộ NN-PTNT đã đề ra cho ngành điều, trong năm 2022 toàn ngành điều đặt mục tiêu xuất khẩu 3,8 tỷ USD, tăng 200 triệu USD so với năm 2021.

Song, VINACAS đã sớm đề nghị điều chỉnh về mức chỉ tiêu doanh số xuất khẩu điều nhân năm 2022 ở mức khiêm tốn khoảng 3,2 tỷ USD, giảm 400 triệu USD so với năm 2021”, ông Hiệp nói.

Đọc tiếp

C.P. Việt Nam: doanh thu tăng tiến, lợi nhuận giảm sâu

C.P. Việt Nam: doanh thu tăng tiến, lợi nhuận giảm sâu

Theo báo cáo cập nhật mới nhất, trái ngược với doanh thu “khủng” hơn 84 nghìn tỷ đồng trong năm 2022 thì lãi ròng của C.P. Việt Nam lại liên tục giảm giảm 40- 55% trong giai đoạn 2020-2021 và chỉ ở mức gần 5.000 tỷ đồng năm 2022.

Nhịp cầu doanh nghiệp

Sống ở Ecopark, trẻ có tuổi thơ gần gũi thiên nhiên

Sống ở Ecopark, trẻ có tuổi thơ gần gũi thiên nhiên

Mỗi đứa trẻ là một “nhà khoa học bẩm sinh” và thiên nhiên chính là kho báu để trẻ trải nghiệm, khám phá cảnh quan, âm thanh, kết cấu của mọi sự vật bên ngoài. Trẻ sống trong môi trường gần gũi với tự nhiên sẽ hạnh phúc, khỏe mạnh hơn mỗi ngày.

Chat với BizLIVE